Hotline 24/7
08983-08983

​Đột tử trong thể thao

Đột tử xảy ra ở những môn thể thao đòi hỏi cường độ vận động gắng sức cao như bóng đá, bóng rổ, bóng bầu dục, chạy marathon.

Nên kiểm tra các bệnh về tim trước khi chơi các môn đòi hỏi gắng sức - Ảnh: T.T.D.
Nên kiểm tra các bệnh về tim trước khi chơi các môn đòi hỏi gắng sức - Ảnh: T.T.D.

Như các báo đưa tin, cách đây vài ngày, một thanh niên 25 tuổi đã đột tử khi chơi bóng đá cùng các bạn sau giờ tan ca. Trước đó, thể thao chuyên nghiệp Việt Nam cũng chứng kiến một số vận động viên (VĐV) tử vong khi đang thi đấu thể thao.

Dư luận cho rằng thanh niên này do làm thủ môn bị banh đá trúng ngực làm vỡ tim, hoặc do bị đột quỵ. Những suy đoán trên hoàn toàn không đúng. Và y học thể thao gọi đó là “chứng đột tử”, vẫn gặp trong tập luyện và thi đấu thể thao.

Liên quan tim mạch

Ngược dòng lịch sử, năm 490 trước Công nguyên, Phidippides - một người đưa tin xứ Hi Lạp - chạy bộ hơn 42km từ Marathon đến Athens để báo tin chiến thắng của quân Hi Lạp, và anh đã ngã xuống chết tại đích đến. Đây là một trường hợp bị đột tử được ghi nhận đầu tiên trong lịch sử.

Đột tử hay xảy ra ở những môn thể thao đòi hỏi cường độ vận động gắng sức cao như bóng đá, bóng rổ, bóng bầu dục, chạy marathon. Mỗi năm có 1-2 trường hợp đột tử trong 200.000 VĐV thể thao trên thế giới, chủ yếu là nam giới.

Đột tử hay xảy ra ở những người trẻ tuổi chơi thể thao chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư và được cho là liên quan hầu hết đến bất thường tiềm ẩn của hệ tim mạch (chiếm 2/3 nguyên nhân các trường hợp đột tử). Những bất thường về tim mạch này ít bộc lộ hoặc không được phát hiện trước đó, khi gặp yếu tố gắng sức hay chấn thương trực tiếp sẽ gây ra những bệnh lý tim mạch cấp tính, gây tử vong ngay lập tức.

1/ Bệnh lý cơ tim phì đại:  thường gặp nhất. Đây là bất thường tim bẩm sinh nhưng không biểu hiện triệu chứng gì. Vách cơ tim dày lên bất thường dẫn đến rối loạn dẫn truyền nhịp tim và gây rung thất. Lúc đó, tim không bóp máu nuôi cơ thể được. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây đột tử ở người chơi thể thao dưới 30 tuổi.

2/ Bệnh lý động mạch vành: bất thường của mạch máu nhỏ cung cấp máu nuôi trái tim. Khi hoạt động thể thao gắng sức, mạch vành bị co thắt hay do cục xơ vữa làm tắc mạch máu này, không đem máu đủ đến cho tim hoạt động dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp tính. Đây là nguyên nhân đột tử thường gặp cho người trên 30 tuổi.

3/ Các nguyên nhân ít gặp hơn là vỡ phình động mạch chủ do gắng sức, hoặc bệnh lý van tim, tim bẩm sinh và bất thường tim mạch ở những người cao to trong hội chứng Marfan.

4/ Chứng chấn động tim: đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở thanh thiếu niên mà không bị bất thường về tim. Tim bình thường bị một chấn động mạnh ở vùng giữa ngực, do banh đánh trúng hay cú đánh trực tiếp, làm tim ngưng hoạt động dù không có tổn thương xương hay cơ bao quanh ngực. Tỉ lệ tử vong lên đến 65%.

Lắng nghe cơ thể

Bản thân sự gắng sức thể lực khi chơi thể thao không phải là nguyên nhân nhưng lại là yếu tố thuận lợi dẫn đến đột tử nếu ta có bất thường tim mạch. Dù đột tử rất hiếm xảy ra khi chơi thể thao, nhưng hậu quả thì nghiêm trọng và gần như gây tử vong, nên tốt nhất chúng ta nên phòng ngừa chứng đột tử bằng cách khám sức khỏe định kỳ, hoặc khám sức khỏe trước khi tập luyện hoặc thi đấu thể thao.

Trong những năm qua, các bác sĩ vẫn tranh luận về việc kiểm tra các VĐV trẻ để phát hiện những người có nguy cơ đột tử cao. Tại một số quốc gia như Ý và Nhật Bản, các bác sĩ thường kiểm tra những người trẻ tuổi bằng cách đo điện tâm đồ để ghi lại tín hiệu điện tim. Tuy nhiên, cách kiểm tra này đôi khi mang lại kết quả sai, gây những lo lắng không đáng có.

Nếu một người trong gia đình của bạn chết trẻ do bệnh tim, hội chứng Marfan, bị tim bẩm sinh..., các thành viên trong gia đình nên đi kiểm tra sức khỏe. Kể cả sau lần đầu kiểm tra, các bác sĩ đánh giá rằng tim bạn hoạt động bình thường, bạn vẫn nên thường xuyên tái kiểm tra.

Nếu có bất kỳ khó chịu nào khi gắng sức tập luyện thể thao như mệt bất thường, choáng váng, nghe tiếng tim bất thường hoặc nhịp tim không đều..., bạn nên ngưng gắng sức, nghỉ ngơi và đi khám bác sĩ tim mạch.

Nếu bạn bị cao huyết áp, tim mạch hoặc bệnh lý khác nên đến bác sĩ y học thể thao để được tư vấn khả năng có thể tham gia môn thể thao nào và cường độ tập luyện ra sao.

Ngoài ra, trong lúc tập luyện thể thao phải lắng nghe cơ thể, uống đủ nước, làm nóng khởi động kỹ và chơi vừa sức.

Theo BS Nguyễn Trọng Anh - Hội Y học thể thao TPHCM
Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X