Hotline 24/7
08983-08983

Đột tử ở bệnh nhân bị động kinh

Một số bệnh nhân đã được chẩn đoán động kinh nhưng đôi khi bị chết không thể ngờ được, thậm chí sau khi giải phẫu tử thi vẫn không tìm ra rõ nguyên nhân.

Mới đây, một bé gái 12 tuổi tại TP.HCM tử vong do nhiều nguyên nhân ngoài ý muốn, trong đó có việc bé có tiền sử động kinh. Để hiểu hơn về vấn đề này, chúng tôi có bài viết về chứng bệnh này và cách phòng tránh tai biến nguy hiểm.

Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Hữu Công - Chuyên ngành Nội Thần kinh (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), tỉ lệ tử vong dao động từ 1 - 200/1 - 2,5 ngàn ca động kinh mỗi năm. Tại Việt Nam, khoảng 1 - 2% dân số bị động kinh.

Các chuyên gia về thần kinh chỉ đưa ra vài nguyên nhân phỏng đoán như nghẹt thở trong khi lên cơn động kinh, hoặc có những cơn động kinh thực vật ảnh hưởng đến tim khiến bệnh nhân ngừng tim đột ngột. Tỉ lệ chết đột ngột ở những bệnh nhân bị động kinh là ở lứa tuổi 20 - 40, đặc biệt cao ở những bệnh nhân kháng trị với thuốc chống động kinh.

Chết đột ngột không rõ nguyên nhân

Một số bệnh nhân đã được chẩn đoán động kinh nhưng đôi khi bị chết không thể ngờ được, thậm chí sau khi giải phẫu tử thi vẫn không tìm ra rõ nguyên nhân. Người ta gọi đó là sudden unexpected (unexplained) dead in epilepsy (SUDEP). Một số bệnh nhân người ta tìm thấy hiện tượng xung huyết (ứ máu) ở phổi và một số cơ quan khác. Đa số bệnh nhân bị động kinh chết không ai chứng kiến được, và được tìm thấy ở trên giường.

Trong vài trường hợp, bệnh nhân động kinh cũng có thể chết trước mặt người khác nhưng không bị bất cứ một tổn thương/chấn thương nào. SUDEP xảy ra ở những người bị động kinh thường xuyên, và cũng có thể ở những người không thường xuyên lắm.

Tuy nhiên, bệnh nhân càng có nhiều cơn co giật vì động kinh, càng dễ có nguy cơ tử vong. Và, SUDEP hiếm xuất hiện ở những người mới được chẩn đoán mắc bệnh động kinh.

Đột tử ở bệnh nhân bị động kinh

BS. Công giải thích: "SUDEP đã được chứng minh có liên quan đến các cơn động kinh. Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được chuyên gia y tế hay về động kinh biết rõ, và không thể đưa ra lời giải thích duy nhất. Tuy nhiên, người ta cho rằng hoạt động co giật ở não đôi khi có thể gây ra những thay đổi trong nhịp tim hoặc thở của người đó.

Điều này có thể dẫn đến gười bệnh ngừng thở hoặc tim ngừng đập. Đối với đứa trẻ (12 tuổi, TP.HCM) bất hạnh tử vong sau khi bị đánh vào mông có thể do trẻ lên cơn co cứng - co giật (tonic - clonic) khi vào cơn động kinh. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất khi bệnh nhân lên cơn co giật tonic-clonic tổng quát không kiểm soát được. Đây là một loại động kinh gây ra mất ý thức ở người bệnh. Cơ thể của họ bị co cứng và sau đó bắt đầu co giật".

Bên cạnh đó, theo thông tin trên báo chí, đứa trẻ này đã không uống thuốc chống động kinh một năm, không biết có theo chỉ định của bác sĩ hay không, không biết trong một năm đó trẻ có được kiểm tra điện não đồ hay không?

Do đó, theo các chuyên gia nội thần kinh, nên có thể đây là một bệnh nhân động kinh không được điều trị tốt, nên rất dễ dẫn đến trẻ cũng có thể lâm vào trạng thái động kinh, lên những cơn động kinh liên tiếp nhau, bệnh nhân không tỉnh lại, và nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể dẫn đến tử vong do không thở được.

Những cơn động kinh diễn ra rất ngắn

Theo định nghĩa của GS. Nguyễn Văn Chương (Học viện Quân Y), động kinh là rối loạn của các thần kinh trung ương theo từng cơn, do trạng thái phóng điện bất thường đột ngột quá mức của các tế bào thần kinh.

Các cơn động kinh thường xuất hiện đột ngột và tự thoái lui. Thời gian lên cơn rất ngắn, kéo dài từ vài giây đến vài phút. Mất ý thức là một trong những biểu hiện thường thấy của động kinh. Điều đáng nói, cơn co cứng - co giật toàn thể thường bắt đầu ở lứa tuổi từ 11 - 14 tuổi.

BS. Công cảnh báo, các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ SUDEP bao gồm: Có cơn co giật tonic-clonic tổng quát không kiểm soát được, không tuân trị - không dùng thuốc động kinh theo chỉ định, lên cơn co giật không được kiểm soát do kháng thuốc, lên cơn động kinh khi đang ngủ, lên cơn động kinh khi ở một mình, nghiện rượu.

Do đó, cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa SUDEP là càng ít lên cơn co giật càng tốt. Gia đình và bệnh nhân nên cố gắng quản lý tốt các cơn động kinh, bằng cách:

- Luôn luôn dùng thuốc động kinh theo chỉ định.

- Không bao giờ ngừng uống thuốc động kinh của bạn, bảo đảm không bao giờ hết thuốc động kinh trong nhà. Nếu muốn thay đổi sang một loại thuốc chống động kinh khác cần phải có sự đồng ý và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.

- Nếu cơn co giật vẫn tiếp diễn, cần phải đi khám để được chuyên gia y tế đánh giá lại tình trạng bệnh động kinh, có thể đề nghị thay đổi thuốc động kinh của bạn, hoặc các lựa chọn điều trị khác, trong đó có thể bao gồm phẫu thuật.

- Viết nhật ký cho các cơn động kinh. Điều này sẽ giúp các bác sĩ khi họ xem xét đánh giá việc điều trị. Qua đó, cũng giúp bạn hình dung được một mô hình lên cơn co giật của bạn, hoặc bất cứ điều gì gây nên cơn động kinh của bạn.

- Giúp bệnh nhân bị bệnh động kinh tránh các tình huống có thể kích thích gây ra cơn động kinh. Bao gồm nguyên nhân phổ biến nhất là quên uống thuốc động kinh, sau đó là thiếu ngủ, căng thẳng.

Theo Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X