Hotline 24/7
08983-08983

Đột quỵ - vì đâu nên nỗi?

Danh hài Chí Tài vừa qua đời do đột quỵ khiến nhiều người hâm mộ không khỏi xót xa, bàng hoàng. Đây là căn bệnh có thể cướp đi sinh mạng bất kỳ khi nào, độ tuổi nào và nếu có cơ hội sống sót cũng đối diện với di chứng nặng nề. Vậy đột quỵ có dấu hiệu báo trước hay không? Làm gì để phòng ngừa đột quỵ khi thời tiết thay đổi như hiện nay?

Chiều ngày 9/12, thông tin nghệ sĩ Chí Tài đột ngột qua đời do đột quỵ khiến người hâm mộ không khỏi xót xa, bàng hoàng. Trước đó một thanh niên ở Bắc Ninh cũng đột tử vì thói quen tắm đêm khi còn ở độ tuổi rất trẻ, gác lại tương lai rộng mở phía trước để lại tiếc nuối cho bạn bè, người thân.

Những thông tin liên tiếp về các trường hợp tử vong bất ngờ do đột quỵ khiến nhiều người lo lắng, liệu căn bệnh này có dấu hiệu báo trước để đề phòng?

Câu trả lời là . Đó là:

Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng như các dấu hiệu yếu cơ mặt, yếu tay và các vấn đề về ngôn ngữ. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu này thì nên yêu cầu được cấp cứu ngay.

Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.

Dấu hiệu yếu tay hoặc chân: Khi xảy ra đột quỵ, một triệu chứng hay gặp là một bên cánh tay hoặc chân (hoặc cả hai) đột ngột yếu đi, tê bì. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến các chi ở bên đối diện vùng não xảy ra đột quỵ. Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác, không nhấc chân lên được. Bạn có thể kiểm tra bằng cách mở rộng cả hai cánh tay trong 10 giây. Nếu một cánh tay bị rơi xuống thì có thể là chỉ báo yếu cơ - một dấu hiệu của bệnh.

Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng khó nói hoặc nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.

Hãy tự kiểm tra bằng cách lặp đi lặp lại một cụm từ. Bạn có bị nói líu, dùng từ sai hoặc không thể nói? Nếu điều này xảy ra thì nhiều khả năng bạn bị đột quỵ.

Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.

Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.

Đột quỵ: "Tử thần" không loại trừ một ai

Thực tế, đột quỵ là căn bệnh cướp đi sinh mạng nhiều người Việt. Những ai may mắn thoát khỏi tử thần cũng để lại nhiều di chứng, mất nhiều thời gian phục hồi chức năng, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Đáng nói, căn bệnh ngày càng trẻ hoá, nhiều người không biết cách nhận diện triệu chứng cảnh báo.

Theo PGS.TS.BS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong vòng 20 ngày qua đã cơ sở y tế này đã tiếp nhận 750 ca bệnh đột quỵ, trong đó 60 người trong độ tuổi từ 18 - 44. Phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn và hệ lụy là mất đi cơ hội hồi phục trong giờ vàng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đột quỵ ở người trẻ tuổi. PGS.TS Mai Duy Tôn cho hay bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng… đều là các yếu tố ảnh hưởng.

Theo số liệu của Hội Tim mạch Việt Nam thì cứ 4 người từ 25 - 49 tuổi thì có một người tăng huyết áp và đây là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ ở người trẻ. Ngoài ra, bệnh nhân đột quỵ trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng.

Mặt khác, khi thời tiết giao mùa, trời trở lạnh như hiện nay cũng là một trong những yếu tố làm gia tăng đột quỵ. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - một trong những trung tâm cấp cứu đột quỵ lớn nhất tại miền Bắc, theo thống kê trung bình số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh hàng năm tăng từ 15% đến 30% so với thông thường.Đặc biệt, khi thời tiết lạnh sâu hay rét đậm, rét hại, các ca bệnh càng tăng cao bất thường. Không chỉ các ca mới, những người tiền sử bị đột quy cũng đối diện với nguy cơ tái phát cao hơn.

Lý giải cho tình trạng này, TS Nguyễn Văn Tuyến thông tin, theo cơ chế sinh học, dưới ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường.

Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Với người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong cùng với các biến chứng nặng nề.

Ở những người cao tuổi, trong thời điểm lạnh, nhiệt độ thay đổi thất thường, nguy cơ đột quỵ thường tiềm ẩn do lưu lượng máu qua não ở người già giảm rất thấp, chức năng cơ thể suy yếu nên khó thích nghi với những thay đổi của thời tiết. Những người có tiền sử cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, lạm dụng rượu bia, thuốc lá… cũng rất dễ bị đột quỵ tấn công.

Lưu ý “điểm đen” của những cơn đột quỵ mùa lạnh

Để phòng ngừa đột quỵ trong thời tiết lạnh, TS. Nguyễn Văn Tuyến đưa ra khuyến cáo, mọi người cần chú ý giữ ấm cơ thể, ngủ trong phòng kín; tránh để nhiễm lạnh đột ngột khi ra khỏi chăn ấm, đi ra ngoài; nên lưu ý những thời điểm “đen” khiến cơn đột quỵ dễ xảy ra như rạng sáng, nửa đêm.

Đặc biệt cần lưu ý với người cao tuổi ở Việt Nam vì hay có thói quen dậy sớm 5 - 6 giờ sáng và đi ra ngoài tập thể dục. Bên cạnh đó, người mắc bệnh mãn tính cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đường huyết, stress, giữ cân nặng hợp lý, tập thể dục thể thao thường xuyên.

Tránh lạm dụng rượu bia bởi nếu uống nhiều trong thời tiết giá lạnh khiến chất cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm. Điều này sẽ khiến huyết áp tăng cao, dễ dẫn tới đột quỵ.

Mời xem thêm:

>> Mùa lạnh đến gần, người sau 50 tuổi cần làm gì để phòng ngừa đột quỵ?

>> Đột quỵ mùa đông: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X