Hotline 24/7
08983-08983

Đột quỵ - tránh được không?

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) đang là gánh nặng cho toàn cầu. Những thống kê cho thấy đột quỵ để lại di chứng nặng nề và tỉ lệ tử vong lên tới 90%; tỉ lệ bệnh nhân tự phục vụ sau đột quỵ chỉ 10%.

Đâu là những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ và làm thế nào giảm thiểu các yếu tố nguy cơ? TS.BS Vũ Đình Thắng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) có buổi nói chuyện về đột quỵ tại TP Tuy Hòa giúp ích cho nhiều người.

TS.BS Vũ Đình Thắng lưu ý rằng, đặc trưng của đột quỵ là xảy ra rất đột ngột, không thể lường trước được với bất kỳ ai chứ không chỉ với người cao tuổi. Tất cả các cơ quan trong cơ thể, để hoạt động được thì phải có dòng máu nuôi dưỡng; bộ não cũng vậy.

Khi dòng máu nuôi dưỡng vùng nào đó bị tắc mà không được tái thông kịp thời thì vùng đó sẽ chết. Bộ não giữ nhiều chức năng quan trọng, được chia thành nhiều thành phần, điều khiển suy nghĩ, trí nhớ, lời nói, sự vận động của tay chân và các chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể.

Khi máu không còn nuôi dưỡng phần nào của não thì nơi đó sẽ chết, dẫn đến liệt tay chân, nói ngọng, không nói được, lú lẫn…, nặng hơn thì hôn mê rồi tử vong. Đột quỵ có muôn hình vạn trạng, là nguyên nhân gây tử vong thứ năm trong tất cả các nguyên nhân. Các nghiên cứu cho thấy, trên thế giới cứ 6 người chết thì có 1 người chết do đột quỵ.

Tỉ lệ người trẻ chết do đột quỵ ngày càng tăng. Nam bị đột quỵ nhiều hơn nữ, nhưng trong số người chết cho đột quỵ thì nữ lại nhiều hơn nam. Tỉ lệ phụ nữ chết do đột quỵ cao hơn 2 lần so với tỉ lệ phụ nữ chết do ung thư vú. Đột quỵ có thể dẫn đến tình trạng đáng sợ, là bệnh nhân sống thực vật.

“Đột quỵ được chia thành hai loại: nhồi máu não và chảy máu não. Nhồi máu não là khi cục máu đông xuất hiện trong lòng mạch máu nuôi não và làm cho mạch máu bị tắc. Tắc ở não thì gọi là nhồi máu não; tắc ở tim gọi là nhồi máu cơ tim… Nếu tái thông dòng máu càng nhanh thì cơ hội phục hồi của bệnh nhân càng cao. Vì vậy, khi bị nhồi máu não hay nhồi máu cơ tim, điều quan trọng là đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt”, TS Thắng khuyến cáo.

TS.BS Vũ Đình Thắng nói về đột quỵ. Ảnh: AloBacsi.vn

Cục máu đông từ đâu mà có? “Thứ nhất là nó lên não từ tim. Ở những người bị loạn nhịp tim, rung nhĩ, trái tim họ rung lên chứ không co bóp như bình thường, tạo thành những cục máu đông và một lúc nào đó cục máu đông từ tim lên não gây nhồi máu não. Vì vậy, ai bị loạn nhịp tim, rung nhĩ thì phải đi điều trị và uống thuốc thường xuyên để không xuất hiện cục máu đông thì sẽ không bị nhồi máu não.

Nguyên nhân thứ hai là cục máu đông này hình thành từ những mảng xơ vữa. Mạch máu nuôi các cơ quan trong cơ thể cũng như… ống nước sinh hoạt trong gia đình, lâu ngày sẽ có những mảng bám; tuổi càng cao thì mảng bám càng nhiều. Nguy cơ này cao hơn ở những người bị cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, béo phì, lười vận động. Bình thường, những mảng xơ vữa làm cho lòng mạch máu hẹp lại, gây thiếu máu nuôi vùng não phía sau nó.

Triệu chứng của thiếu máu não là những cơn chóng mặt. Đáng nói là những mảng xơ vữa đó rất dễ nứt vỡ, khi nứt vỡ thì tạo thành cục máu đông làm tắc mạch máu, gây nhồi máu não. Số người bị nhồi máu não do cục máu đông hình thành từ mảng xơ vữa bị nứt vỡ nhiều hơn số người bị nhồi máu não do cục máu đông từ tim lên não. Với những người có nhiều nguy cơ, bác sĩ chuyên khoa sẽ kê một loại thuốc để sử dụng, đề phòng xuất hiện cục máu đông”, Trưởng KhoaHồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết.

Còn chảy máu não, nguyên nhân thứ nhất là do vỡ vi phình mạch não. TS Thắng so sánh: Mạch máu nuôi não của một số người, sau 40 năm, 60 năm… có những chỗ bị phình ra giống như… ruột xe đạp sử dụng lâu ngày khi bơm căng. Đến một lúc nào đó, những chỗ phình bị vỡ. Chảy máu não do vỡ vi phình, nguy cơ tử vong rất cao; y khoa không thể can thiệp gì nhiều, dù ở Việt Nam hay tại các nước tiên tiến.

Nguyên nhân thứ hai là mạch máu nuôi não của một số người có những cục tròn tròn giống như quả nho trên cành. Bình thường thì không sao nhưng đến một lúc nào đó nó vỡ thì gây chảy máu não. “Những “quả nho” này rất nguy hiểm. Nếu bà con hay bị đau đầu, cơn đau thường tái phát dữ dội, đồng thời khi đau bị mờ mắt, ù tai, chóng mặt thì cần phải đi khám ngay. Chụp não, bác sĩ sẽ phát hiện trong não có những “chùm nho” như thế hay không, nếu có thì xử lý nó đi, bà con sẽ tránh được một nguy cơ chảy máu não… Trong số những người bị chảy máu não, 50% sẽ chết trong 30 ngày đầu. Chảy máu não rất nguy hiểm”, TS.BS Vũ Đình Thắng nhấn mạnh.

Cũng theo TS Thắng, triệu chứng của chảy máu não thường rầm rộ hơn nhồi máu não, điển hình là đau đầu dữ dội, lú lẫn, không tự chủ về bài tiết, hôn mê, có thể xuất hiện tình trạng co giật... Những biểu hiện của nhồi máu não và nhồi máu cơ tim cũng khác nhau. “Thường thì những người bị nhồi máu cơ tim sẽ bị đau thắt ngực trước khi gục xuống và họ có thể chết ngay tại chỗ nếu không được cấp cứu kịp thời. Trong 100 người chết vì nhồi máu cơ tim thì có đến 52 người chết ngoài bệnh viện. Còn người bị nhồi máu não thì không đau ngực. Nếu gục xuống thì người bị đột quỵ cũng chưa chết ngay mà chết từ 24-48 giờ sau, chết trong 30 ngày đầu. Tóm lại, khi cơ thể có những bất thường, bà con phải đi khám ngay”, TS.BS Vũ Đình Thắng khuyến cáo.

Theo Yên Lam - Báo Phú Yên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X