Hotline 24/7
08983-08983

Đột quỵ do nắng nóng: Dấu hiệu nhận biết, điều trị và cách phòng ngừa

Tại Hà Nội đã ghi nhận nhiều ca đột quỵ do nắng nóng gay gắt kéo dài. Vậy làm sao để nhận biết các dấu hiệu đột quỵ mà phòng tránh, điều trị như thế nào và phòng ngừa ra sao?

Đã có người bị đột quỵ do nắng nóng gay gắt

Nắng nóng tại Bắc Bộ và Trung Bộ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trái lại nhiệt độ tiếp tục tăng. Trong hôm nay, Hà Nội tiếp tục chạm mốc 40 độ, trong khi độ ẩm chỉ ở mức 40% nên ra đường thời điểm từ 11-17g không khác gì chảo lửa. Thời điểm giữa trưa, đầu giờ chiều, mức nhiệt khi lưu thông ngoài đường lên gần 50 độ.

Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài liên tục đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, gây mệt mỏi và kéo theo nhiều hệ lụy về bệnh tật, trong đó nổi trội nhất là đột quỵ.

Tại BV Tim Hà Nội, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 40-50 ca bệnh nặng như suy tim, viêm phổi, tai biến mạch máu não. Có trường hợp, bệnh nhân vừa mới xuất viện đã lại quay lại gặp bác sĩ vì khó thở, mất nước.

Còn tại BV Bạch Mai, khoa Cấp cứu mỗi ngày tiếp nhận đến khoảng 30 ca đột quỵ nặng chuyển vào bệnh viện tuyến cuối này. Trung bình, mỗi tháng khoa Cấp cứu tiếp nhận trên 1.000 ca.

Hay mới đây nhất là trường hợp của bệnh nhân H.T.T.H. (59 tuổi) ở Hà Nội bị tai biến mạch máu não và rơi vào hôn mê do thời tiết quá nắng nóng. Được biết, bà H. có tiền sử cao huyết áp, uống thuốc hơn 10 năm. Gần đây, bà H. thấy đau đầu nhưng chủ quan dẫn đến tình trạng nôn ra máu, nhập viện trong tình trạng nguy kịch và có tiên lượng xấu.

Ai dễ bị đột quỵ mùa nóng?

Thời tiết nắng nóng, tình trạng mất nước thông qua việc đổ mồ hôi của cơ thể dễ dẫn đến sự lồi lõm của mạch máu, độ kết dính trong máu tăng cao hình thành các cục máu đông - nguyên nhân chủ yếu gây ra tử vong vì đột quỵ.

Trước đây, đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi, tuy nhiên hiện nay bệnh nhân đột quỵ không còn phụ thuộc vào lứa tuổi nữa, có rất nhiều người trẻ bị đột quỵ.

Tất cả những đối tượng: Trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 4 tuổi, người già từ 65 tuổi trở lên, người bị mắc bệnh mạn tính như tim, phổi, thận, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tâm thần, những người uống quá nhiều rượu và người không uống đủ nước… rất dễ bị đột quỵ do nắng nóng.

Bên cạnh đó, người sống ở khu vực thành thị cũng dễ bị đột quỵ do nắng nóng hơn so với cư dân sinh sống ở các vùng nông thôn. Nguyên nhân là do hiệu ứng bê tông khiến nhiệt độ ở thành phố cao hơn nhiệt độ của thời tiết, trong khi vào bân đêm lại có hiệu ứng "đảo nhiệt", tức là nhiệt độ giảm chậm hơn so với ở vùng nông thôn.

Đột quỵ không chỉ xảy ra ở người già mà ngày này những người trẻ tuổi cũng ngày càng "đến gần cửa tử" do căn bệnh này gây ra. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Đừng bỏ lỡ “thời gian vàng” cấp cứu đột quỵ

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM cho biết: “Có hai loại đột quỵ, nhồi máu não (tắc nghẽn mạch máu) chiếm 80% và xuất huyết não (vỡ mạch máu) chiếm 20%. Thời gian cấp cứu đột quỵ tốt nhất là trước 6 giờ. Trường hợp xuất huyết não có thể can thiệp nội mạch cầm máu, loại bỏ dị dạng mạch máu.

Trường hợp nhồi máu não, khi được đưa đến bệnh viện thời gian trước 4 giờ 30 phút, nếu bệnh nhân bị tắc động mạch nhỏ sẽ được bác sĩ bơm thuốc tan máu đông để tái thông lại mạch máu bị tắc, nếu đến sau thời gian trên đến 6 giờ hoặc tắc động mạch lớn sẽ được can thiệp nội mạch để lấy cục máu đông”.

Chính vì đột quỵ xảy ra đột ngột, các triệu chứng dễ lầm tưởng với bệnh khác nên nhiều người thường bỏ qua. Tuy nhiên, BS Cường chỉ ra, khi có các triệu chứng bất thường như cơn chóng mặt, tê yếu tay chân, nói khó, mờ mắt… dù chỉ thoáng qua thì không nên chủ quan bởi đến 30% số người có các triệu chứng trên có nguy cơ bị nhồi máu não do hẹp động mạch cảnh ở cổ.

Trường hợp khi có người bị đột quỵ, trong thời gian chờ xe cấp cứu, người nhà bệnh nhân có thể sơ cứu tại nhà theo trình tự A-B-C. BS Cường hướng dẫn cụ thể như sau:

A (Airway - Đường thở): Quan sát xem bệnh nhân có tỉnh táo hít thở bình thường hay không, nếu bệnh nhân khó thở do tắc nghẽn đường thở thì phải tìm cách khai thông (dị vật đường thở, răng giả).

B (Blood - Máu): Quan sát xung quanh bệnh nhân xem có bị chảy máu nơi nào hay không, các vùng xương lớn có bị biến dạng hay không (xương đùi, tay chân, vùng cổ, cột sống). Nếu có nơi chảy máu phải tiến hành băng ép tại chỗ cầm máu tạm thời. Nếu có xương gãy hãy cố định ngay, tránh di chuyển đột ngột dẫn đến bệnh nhân có thể tử vong hay nặng thêm do biến chứng sốc.

C (Circulation - Tuần hoàn): Sờ các mạch máu lớn xem có đập hay không: Mạch cảnh ở vùng cổ, mạch bẹn, mạch cổ tay… Nếu mạch đập bình thường thì di chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng đến nơi thông thoáng, tránh bao quanh bệnh nhân quá nhiều người, nới lỏng quần áo giúp thở dễ hơn và gọi xe cứu thương.

Người bệnh cao huyết áp cần điều chỉnh chế độ ăn uống, dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, kiểm tra huyết áp thường xuyên... để đề phòng đột quỵ mùa nắng nóng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

“Trong trường hợp bệnh nhân hôn mê, không còn mạch đập thường phải hồi sức tim phổi nhân tạo. Việc này phải được thực hiện bởi các nhân viên y tế được đào tạo, chúng ta không khuyến cáo trong cộng động thực hiện xoa bóp tim vì có thể gây những sự cố nguy hiểm cho người bệnh do thực hiện thao tác không đúng.

Hiện nay ở nước ta chưa có bệnh viện riêng cho đột quỵ, tuy nhiên hầu hết các bệnh viện tỉnh đều có thể chẩn đoán và điều trị được đột quỵ trong giai đoạn đầu. Vấn đề là chúng ta phải có kiến thức nhận biết những dấu hiệu của bệnh đột quỵ tại nhà” - BS Cường cho biết.

Làm sao phòng ngừa đột quỵ do nắng nóng?

Thời tiết nắng nóng kéo dài nên hạn chế ra đường vào thời điểm nắng gắt từ 11g - 17g hàng ngày. Nếu bắt buộc thì cẩn phải mặc áo tay dài, đeo kính mát để bảo vệ sức khỏe. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nền nhiệt miền Bắc sẽ phổ biến ở ngưỡng 38-40 độ C trong phần lớn thời gian một ngày cho đến ngày 6/7. Chính vì vậy, để đảm bảo, hạn chế nguy cơ đột quỵ, những đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ nói trên cần lưu ý cần hạn chế tham gia giao thông, lao động ngoài trời vào thời điểm nắng gắt từ 11g - 17g hàng ngày.

Đồng thời cần bổ sung đủ nước uống và chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, đeo kính chống chói mắt, mặc áo dài tay nếu bắt buộc phải ra đường. Ngoài ra, không nên từ phòng điều hòa ra nắng ngay mà phải có thời gian vài phút để kịp thích ứng với nhiệt độ ngoài trời.

Với những người có bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường… thì phải dùng thuốc theo đúng liệu trình thuốc bác sĩ đã kê đơn. Nếu thấy huyết áp cao bất thường phải đến bác sĩ kiểm tra và chỉnh đơn thuốc.

TS.BS Trần Chí Cường cho hay, trong “thời gian chờ” mạng lưới cấp cứu đột quỵ trong cả nước hình thành và hoạt động thì trước mắt khi bị đột quỵ chúng ta cần đến cơ sở y tế gần nhất, điều kiện đầu tiên là nơi đó phải có máy CT, vì nếu không có máy CT thì không thể chẩn đoán đột quỵ một cách chính xác.

Tại miền Bắc - Hà Nội đã có nhiều bệnh viện cấp cứu và điều trị đột quỵ rất tốt như: BV 108, BV Bạch Mai, BV 103, BV Đại học Y Hà Nội.

Miền Trung có: BV Trung ương Huế, BVĐK Bình Định.

TPHCM có: BV Nhân dân 115, BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện 175, BV Nhân dân Gia định, BV Thống Nhất, BV Trưng Vương.


P.N (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X