Hotline 24/7
08983-08983

Đột quỵ: Di chuyển không đúng cách dễ chấn thương đầu, liệt tứ chi

Khi có người bệnh bị đột quỵ trong gia đình, đa phần người thân rất bối rối và lúng túng trong cách xử trí ban đầu, đặc biệt là vấn đề di chuyển người bệnh.

Có những trường hợp do người thân không biết xử trí, di chuyển không đúng cách, vô tình gây nên các chấn thương vùng đầu, cột sống cổ và tứ chi thêm cho người bệnh hoặc làm nặng thêm các tổn thương sẵn có như 2 trường hợp cấp cứu đột quỵ vừa mới được tiếp nhận tại Khoa Cấp cứu BV Đại học Y Dược TPHCM.

Trường hợp của bà M.T.T. (65 tuổi, TPHCM) có tiền căn thoát vị đĩa đệm cổ trước đó. Người nhà phát hiện bà T mê man lúc gọi thức dậy buổi sáng nên lập tức đưa người bệnh đến BV. Khi đến bệnh viện, các bác sĩ phát hiện người bệnh bị liệt tứ chi, chụp CT thấy xuất huyết não một bên không quá lớn nên chưa giải thích được tình trạng liệt tứ chi của người bệnh.

Sau đó, người bệnh được chỉ định chụp MRI cột sống cổ và phát hiện có tổn thương tủy cổ kèm theo. Khai thác lại quá trình di chuyển người bệnh đến bệnh viện, người bệnh được bế, để đầu cổ tự do theo nhịp chạy của người bế. Nhiều khả năng trong lúc di chuyển làm người bệnh cúi hoặc ngửa cổ quá mức, khiến người bệnh tổn thương tủy cổ thêm, gây ra tình trạng liệt tứ chi.

Hay một trường hợp khác là anh N.M.D. (42 tuổi, ngụ tại TPHCM), người nhà phát hiện anh D ngã nằm trên sàn nhà tắm, lập tức đưa người bệnh đến BV. Tuy nhiên khi di chuyển, do sàn nhà tắm trơn nên người bế trượt chân té khiến cả người bế lẫn bệnh nhân đều bị chấn thương. Lúc nhập viện, người bệnh được chỉ định chụp CT thì phát hiện vừa có chấn thương sọ não, vừa có nhồi máu não kèm theo.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

ThS.BS Nguyễn Bá Thắng - Trưởng đơn vị đột quỵ BV Đại học Y Dược TPHCM cho biết: "Người bệnh đột quỵ cấp còn một tỉ lệ lớn nhập viện muộn. Tỉ lệ nhập viện cấp cứu sớm trong vòng 6 giờ kể từ khi khởi phát tại BVĐHYD chỉ khoảng 5%.

Khi xảy ra đột quỵ, việc xử lý tại nhà chỉ cần đảm bảo người bệnh không bị ngã chấn thương, đảm bảo thở tốt, không bị nghẹt thở do đồ ăn hoặc đàm dãi ứ trong mũi miệng, sau đó đưa ngay tới bệnh viện gần nhất có thể chữa đột quỵ.

Lưu ý phải tranh thủ thời gian, tránh các động tác thừa vừa làm mất thời gian và đôi khi còn làm hại người bệnh, như trích máu, cạo gió...Người bệnh đột quỵ thiếu máu não chỉ điều trị được tốt trong thời gian vàng là 3 giờ đầu tiên kể từ lúc phát bệnh, hoặc trễ lắm thì cũng không được quá 6 giờ. Tuy nhiên càng sớm thì kết quả sẽ càng tốt.

Để điều trị cấp cứu cho người bệnh bị đột quỵ thiếu máu não, bác sĩ sẽ khẩn cấp chích một loại thuốc đặc biệt làm tan cục máu đông để thông lại mạch máu bị tắc nghẽn. Cũng có trường hợp bác sĩ phải làm thông mạch máu bằng một dụng cụ đặc biệt. Nếu mạch máu được thông kịp thời, người bệnh sẽ có cơ hội hồi phục ngoạn mục"

Việc di chuyển người bệnh đột quỵ không đúng cách có thể làm cho tình trạng bệnh nặng thêm. Điểm cần lưu ý là các người bệnh đột quỵ có thể có chấn thương kèm theo do đột ngột té ngã, nhưng không được người thân nhận ra các chấn thương để sơ cứu trước.

Bên cạnh đó, nếu di chuyển không đúng cách, thì người bệnh có thể nặng hơn dù không chảy máu thêm, do các chấn thương sẵn có hoặc các chấn thương mới mà việc di chuyển có thể gây ra. Khi có các tổn thương kèm theo thì việc xử trí đột quỵ hoặc chấn thương trên người bệnh sẽ phức tạp và nguy cơ cao hơn nhiều, vì xử lý tình trạng này có thể làm nặng hơn tình trạng kia và ngược lại”.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn các vấn đề cần lưu ý khi di chuyển người bệnh đột quỵ và cách xử trí ban đầu, BS.CK1 Trần Quốc Tuấn - Khoa Ngoại thần kinh BV Đại học Y Dược TPHCM cho biết:

Những vấn đề thường gặp khi di chuyển người bệnh đột quỵ và xử trí ban đầu?

Các vấn đề khi di chuyển người bệnh đột quỵ thường xảy ra là do người di chuyển thiếu kỹ năng và kiến thức về đánh giá ban đầu và di chuyển an toàn, hay gặp nhất bao gồm:

- Không đánh giá được tình trạng nặng cần hồi sức tim phổi: lúc này việc hồi sức trễ (không phải việc di chuyển) có thể khiến người bệnh nặng thêm.

- Không cố định các phần cơ thể người bệnh.

- Té ngã, nhất là khi chỉ có 1 người khi di chuyển người.

- Không có nhân viên y tế hỗ trợ trên đường di chuyển nên không phát hiện được tình trạng người bệnh diễn tiến nặng lên, cần hồi sức.

Di chuyển như thế nào là đúng cách?

Hệ thống vận chuyển người bệnh (Paramedic) là một mảng rất lớn và quan trọng. Các nhân viên y tế chuyên về vận chuyển cần được học để biết di chuyển người bệnh đột quỵ ra sao, và phải có đồ nghề hỗ trợ tương ứng. Về cơ bản, việc vận chuyển người bệnh đột quỵ có các nguyên tắc như sau: Một là đảm bảo đường thở và tim đập; hai là cố định bảo vệ được các bộ phận có thể tổn thương như đầu cổ, tứ chi; và ba là nhanh nhất có thể.

Chính vì vậy, nếu muốn di chuyển người bệnh đúng cách, người thân cần biết đánh giá mạch, nhịp thở, đảm bảo đường thở và tim đập theo các nguyên tắc của hồi sức tim phổi chung; biết cách cố định các bộ phận quan trọng bao gồm đầu cổ, tứ chi của người bệnh khi di chuyển. Nếu không có cáng chuyên dụng thì tốt nhất là để người trên mặt phẳng cứng, nằm ngửa, tay chân xuôi theo mình, dùng giày nặng hoặc chăn cố định 2 bên đầu tránh chấn thương cột sống cổ lúc di chuyển.

Nên vn chuyn bng xe cu thương hay t đưa ngưi bnh đi cp cu?

Tại Mỹ, người bệnh gọi trực tiếp 911 (tương đương 115 tại Việt Nam) và được vận chuyển trực tiếp bằng xe cấp cứu, có thời gian đến bệnh viện ngắn nhất và tiên lượng tốt hơn so với những người bệnh tự vận chuyển bằng xe cá nhân hoặc thông qua các kênh khác. Dựa vào đó, các nước đều khuyến cáo người bệnh nên gọi trực tiếp xe cấp cứu và nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện.

Vận chuyển bằng xe cấp cứu có nhiều yếu tố thuận lợi như: Xe cấp cứu luôn chạy nhanh hơn xe cá nhân và được nhường đường ưu tiên; nhân viên y tế chuyên về sơ cấp cứu thường đánh giá tình trạng người bệnh chính xác hơn bản thân người bệnh và thân nhân; hệ thống xe cứu thương có sẵn các thông tin về chuyên môn của các bệnh viện, có thể quyết định chuyển thẳng người bệnh đến các bệnh viện chuyên sâu hơn khi tình trạng người bệnh đòi hỏi, tránh được tốn thêm thời gian khi phải chuyển qua trung gian nhiều bệnh viện; và xử trí ban đầu như hồi sức tim phổi, duy trì sinh hiệu… trên đường vận chuyển luôn tốt hơn.

Xử trí ban đầu cho người bệnh đột quỵ như thế nào?

Sơ cấp cứu ban đầu là kỹ năng cần thiết cho tất cả mọi người. Cộng đồng nên dành thời gian tìm học các khóa sơ cấp cứu ban đầu để có thể áp dụng cho hầu hết các trường hợp tai nạn hay tai biến thường gặp. Các vấn đề cần thiết trong sơ cấp cứu ban đầu bao gồm:

- Hồi sức tim phổi: luôn cần thiết nếu người bệnh bị ngưng thở hoặc ngưng tim.

- Tư thế người bệnh: để người bệnh nằm ở tư thế thoải mái nhất nếu họ tỉnh, hoặc nằm nghiêng về phía nửa người bị ảnh hưởng (yếu liệt) nếu họ không tỉnh táo hẳn. Lý do nằm nghiêng là để ngừa hít sặc do nôn ói, lý do nghiêng về phía bên liệt là để phía không liệt còn có thể cử động ra hiệu được khi cần.

- Cố định các phần cơ thể khi di chuyển, quan trọng nhất là đầu cổ và tứ chi. Về nguyên tắc nếu tình trạng người bệnh không thể loại trừ có chấn thương kèm theo thì xem như là có cho tới khi có bằng chứng ngược lại.

Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X