Hotline 24/7
08983-08983

Độn ngực coi chừng nhiễm nấm độc

Nâng ngực để phục vụ cho công việc người mẫu, không may, miếng độn của Kathryn đã nhiễm một loại nấm độc khiến cô đau đớn và phải phẫu thuật để cắt bỏ.

Ngày càng nhiều phụ nữ chọn nâng ngực như một giải pháp làm đẹp. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn có nhiều sự cố như túi ngực cứng, để lại sẹo, rò rỉ hay xẹp. Đặc biệt, một vấn đề khiến nhiều chị em lo lắng đó là túi cấy nhiễm nấm độc.

Trường hợp điển hình là Kathryn Gordon, sống tại Atlanta, Georgia (Mỹ). Cô nâng ngực năm 21 tuổi để phục vụ công việc người mẫu. Suốt 7 năm, cô không gặp vấn đề gì. Sau đó, cô bị đau khớp, tóc mỏng dần. Những cơn đau ngực âm ỉ có lúc khiến cô phát khóc.

Một lần, khi đang cho con bú, cô nhận ra ngực mình và miệng con gái đều có máu. Hoảng hốt, Kathryn đến gặp bác sĩ và được chẩn đoán bị viêm vú.

Mặc dù đã dùng thuốc theo chỉ định, cô vẫn ngày càng thấy mỏi mệt, những cơn đau nhói ở ngực tiếp tục tái diễn, toàn thân run rẩy, nói lắp bắp. Bệnh viện đã làm xét nghiệm máu vài lần nhưng không tìm ra được vấn đề gì.

Cuối cùng, Kathryn đến gặp bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Susan Kolb, thuộc trung tâm phẫu thuật Plastikos, Atlanta (Mỹ). BS Kolb nhận ra những triệu chứng điển hình ở người gặp biến chứng vì nâng ngực. Sau khi kiểm tra cho Kathryn, bác sĩ lập tức chỉ định phẫu thuật.

Khi rạch phần ngực, các bác sĩ nhận ra cả hai miếng cấy ngực đều đen sì, có nhiều hạt nhỏ nổi lên, trong khi lẽ ra, nó phải có màu trong suốt.

Sau khi tiến hành xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện miếng cấy ngực đã nhiễm loại nấm aspergillus niger. Loại nấm này làm hư hỏng thức ăn, nhiễm trùng móng chân, gây ngứa và một số tác hại khác cho trẻ nhỏ. Bào tử nấm bằng cách nào đó đã xâm nhập vào mô cấy của Kathryn và sinh sôi, phóng độc tố đầu độc cơ thể. Rất có thể nấm đã lọt vào mô cấy do van gặp trục trặc.

Tương tự như các thiết bị nhân tạo khác trong cơ thể, miếng cấy ngực ẩn chứa nguy cơ lây nhiễm. Những phụ nữ phẫu thuật thẩm mỹ có triệu chứng liên quan tới mô cấy ở ngực thường được bác sĩ tư vấn kiểm tra định kì. Một số bác sĩ thậm chí còn khuyên nên thay miếng cấy ghép ở ngực 10 năm một lần.

Sau phẫu thuật, Kathryn đã bình phục hoàn toàn. Cô cũng cho rằng phụ nữ cần được cảnh báo rộng hơn về khả năng này trước khi quyết định nâng ngực.

Theo Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X