Hotline 24/7
08983-08983

Đối chất lời khai nguyên tổng giám đốc PVN ngay tại tòa

Bị cáo Vũ Hồng Chương khẳng định đã phát hiện ra hợp đồng 33 sai và báo cáo phó tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực nhưng bị cáo Thực phủ nhận khiến tòa phải cho đối chất.

Đối chất lời khai nguyên tổng giám đốc PVN ngay tại tòa - Ảnh 1.

Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chiều 8/1, phiên tòa xét xử vụ án cố ý làm trái gây thiệt hại 119 tỉ đồng tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) do ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm tiếp tục.

Trong khi công bố phần lý lịch bị cáo trong vụ án, đại diện VKS đã đính chính bổ sung cáo trạng về chức danh đại biểu Quốc hội của ông Đinh La Thăng. Đồng thời VKS cũng công bố chức danh này đã được UBTV Quốc hội đình chỉ.

Sau khi Viện kiểm sát công bố xong cáo trạng, hội đồng xét xử đã bước vào phần xét hỏi và cho tách riêng bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.

Bị cáo đầu tiên được tòa đề nghị trả lời thẩm vấn là Vũ Đức Thuận - nguyên tổng giám đốc PVC về bản hợp đồng số 33.

Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi Thuận về nhận thức của bị cáo rằng hợp đồng này đã đúng chưa. Thuận trình bày về các nội dung của hợp đồng. Thuận thừa nhận hợp đồng này không đúng quy định của pháp luật về nhà thầu.

Nguyễn Xuân Sơn nói không biết hợp đồng 33 sai!

Đối chất lời khai nguyên tổng giám đốc PVN ngay tại tòa - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (bìa phải) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên nguyên phó tổng giám đốc PVN nói quá trình triển khai hợp đồng đều được HĐQT họp. Dự án nhà máy nhiệt điện là dự án trọng điểm do Chính phủ chỉ định thầu nên thực hiện mọi bước rất nhanh chóng.

Về việc chuyển tiền tạm ứng cho đơn vị thi công, bị cáo Sơn nói việc tạm ứng tiền theo quy chế để đề xuất thực hiện thanh quyết toán cho nhà thầu.

Về hợp đồng 33, bị cáo Sơn nói mình không nghĩ hợp đồng 33 không đủ điều kiện để thực hiện. Chỉ đạo của Chính phủ về việc chỉ định thầu và các bước bị cáo đều nghĩ đã tuân thủ quy định pháp luật, nên bị cáo không kiểm tra.

Sau này làm việc với cơ quan chức năng mới biết các hợp đồng này vi phạm quy định của pháp luật.

Tòa hỏi về việc kiểm tra giám sát của chủ đầu tư đối với dự án ra sao, Sơn khai việc chuyển tiền được thực hiện làm 4 lần, mà nhận thấy công trình cần tiến độ nhanh, tiền được chuyển từ tài khoản này sang tài khoản kia của tập đoàn chứ không phải ra ngoài.

Tòa hỏi tiếp bị cáo Sơn về vai trò chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng, Sơn nói ở đâu thì người đứng đầu có yếu tố quyết định.

Đối chất lời khai nguyên tổng giám đốc PVN ngay tại tòa - Ảnh 3.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đối chất với Vũ Hồng Chương

Đối chất ngay tại tòa

Khai trước tòa, bị cáo Vũ Hồng Chương - nguyên trưởng ban quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khẳng định đã phát hiện ra hợp đồng 33 sai và báo cáo ông Phùng Đình Thực - nguyên phó tổng giám đốc PVN nhưng bị cáo Thực phủ nhận.

Khi trả lời HĐXX, bị cáo Phùng Đình Thực khẳng định chính bị cáo này đã cảnh cáo và gửi báo cáo về việc vi phạm pháp luật của hợp đồng 33. Cụ thể, trong việc chuyển tiền lần đầu tiên, chuyển vốn cho BQL dự án có công văn đề nghị chuyển tiền cho PV Power ngay trong ngày.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn ngay lập tức được tòa cho đối chất về việc ký công văn này. Theo đó, Sơn nói nếu hợp đồng đã triển khai, tập đoàn đã có nghị quyết chuyển tiền theo hợp đồng và gửi kèm công văn để công ty giám sát về tiền.

Ngay lúc ấy bị cáo Chương khẳng định hợp đồng không có điều khoản quy định về việc này. Bị cáo Sơn phản đối 2 ý kiến của bị cáo Chương, vì đã có hợp đồng thống nhất thì thực hiện theo hợp đồng.

Sơn nói rằng đã đàm phán và thống nhất rồi thì sẽ thực hiện. Bị cáo Chương phản bác lại bị cáo Sơn, Chương cho rằng công văn do Sơn ký không phù hợp với nghị định của Chính phủ.

Bởi trước đó PVC có công văn đề nghị PVN có ý kiến. Chương nói sau khi tiếp nhận công việc, Chương có ý kiến rằng phải kiểm tra rà soát lại và Chương phát hiện ra vi phạm trong hợp đồng 33, kể cả điều khoản tạm ứng tiền và báo cáo trực tiếp với bị cáo Phùng Đình Thực.

Ông Thực lên đối chất và khẳng định không có một lần nào bị cáo Chương báo cáo với Thực về sai phạm của hợp đồng 33. Ngay lúc đó, HĐXX hỏi tại sao lại có 2 công văn cùng số, cùng ngày, cùng do bị cáo Chương ký.

Bị cáo Chương nói 2 công văn một cái mang tính chất công việc, 1 công văn mang tính phản đối. Chương nói có thể do nhầm số công văn thôi. Chương nói, mình là cấp dưới nên phải nghe lệnh cấp trên.

Ký hợp đồng kiểu "thả gà ra đuổi"

Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, cựu chủ tịch HĐTV PVN, cho biết thời điểm xảy ra những sai phạm trong vụ án ông được giao nhiệm vụ phó TGĐ tập đoàn phụ trách mảng tài chính kế toán của dự án.

Đối chất lời khai nguyên tổng giám đốc PVN ngay tại tòa - Ảnh 4.

Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trả lời HĐXX, ông Khánh thừa nhận hợp đồng 33 chưa được HĐTV PV Power phê duyệt, nội dung không có các điều khoản chi tiết thực hiện, không có những điều khoản liên quan tới thanh toán, tạm ứng, hợp đồng này không có cơ sở để thực hiện cũng như không có cơ sở để được tạm ứng tiền.

Do PVPower chưa xin được tạm ứng vốn điều lệ nên chuyển đổi hợp đồng, chuyển chủ đầu tư về cho PVN. Hợp đồng 33 sau đó được ký lại thành hợp đồng 4194 nhưng cũng vẫn chưa đủ điều kiện. "Nhận thức hợp đồng chưa đầy đủ tại sao bị cáo vẫn ký" - HĐXX truy vấn.

"Sau khi PV Power ký, lúc đầu bị cáo có báo cáo đủ nhưng sau đó anh Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp yêu cầu rà soát ký lại hợp đồng này. Do chủ đầu tư đã chuyển về PVN nên bắt buộc phải chuyển đổi.

Buổi chủ trì rà soát lại hợp đồng 33 do ông Đinh La Thăng chủ trì và có chỉ đạo rà soát lại để ký hợp đồng với PVC thì trên tinh thần đó bị cáo rà soát lại", ông Khánh khai.

PVC nợ nần chồng chất

Đó là thực trạng của Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) mà Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch HĐQT qua lời khai của các bị cáo tại phiên tòa.

HĐXX đã tập trung làm rõ hành vi sai phạm của bị cáo đối với việc ký hợp đồng EPC số 33 để xây dựng dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 cũng như việc sử dụng sai mục đích số tiền 1.115 tỉ đồng.

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh - nguyên phó Tổng giám đốc PVC khẳng định khi đó PVC nợ nần rất nhiều, phải đi vay tiền ngân hàng nhưng việc sáp nhập các doanh nghiệp thuộc sự quản lý của PVC thì có rất nhiều bất công.

Cụ thể, PVC nợ và phải trả lãi ngân hàng nhưng lại phải để cho các đơn vị trực thuộc vay với giá ưu đãi.

"Tình hình tài chính lúc đó tương đối trầm trọng, nợ nần rất nhiều. Do đó, khi tiền tạm ứng vừa về tài khoản, ngân hàng đã xiết nợ trên tài khoản rồi".

Bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến - phó tổng giám đốc PVC cũng khai về việc đầu tư tài chính khi đó cho thấy số tiền 1.115 tỉ đồng được tạm ứng ấy đã được mang trả nợ ngân hàng 700 tỉ đồng, khoản còn lại đầu tư và hỗ trợ phát triển các công trình của các đơn vị thành viên.

Bị cáo Tiến cho rằng bản thân mình khi làm không nghĩ rằng việc làm của mình sai, chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết việc đó là sai.

Cũng liên quan đến số tiền tạm ứng này, bị cáo Trương Quốc Dũng - nguyên phó tổng giám đốc PVC, người ký sử dụng sai 40 tỉ đồng cho biết lúc ấy bị cáo còn trẻ nên làm sai. Dũng nói nhận trách nhiệm về việc ký sai này.

Đối chất lời khai nguyên tổng giám đốc PVN ngay tại tòa - Ảnh 5.

Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Rút 1.115 tỉ đồng tạm ứng dùng sai mục đích

Theo bản cáo trạng được đại diện Viện KSND TP Hà Nội công bố, ông Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐQT PVN - bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng do nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Cụ thể từ tháng 12/2007, ông Thăng đã đưa Trịnh Xuân Thanh từ Tổng công ty Sông Hồng về làm tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT của PVC, đồng thời tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho PVC hoạt động.

Khi PVC lâm vào khó khăn, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng đã chỉ định PVC thực hiện gói thầu một số hạng mục tại dự án.

Đối chất lời khai nguyên tổng giám đốc PVN ngay tại tòa - Ảnh 6.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh được dẫn giải đến phiên tòa chiều 8/1 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Từ việc ký kết các hợp đồng này, ông Thăng tiếp tục chỉ đạo PVN tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng cho PVC. Sau đó, các bị cáo tại PVC đã làm khống hồ sơ để rút 1.115 tỉ đồng và sử dụng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỉ.

Bản cáo trạng cũng xác định sau khi nhận tiền tạm ứng hợp đồng, nhóm bị cáo tại PVC, trong đó có Trịnh Xuân Thanh đã rút ra 13 tỉ đồng để chi tiêu cá nhân. Bản thân Trịnh Xuân Thanh là người trực tiếp yêu cầu và chỉ đạo cấp dưới rút tiền cho mình để chi tiêu vào dịp tết.

Trong số tiền trên, Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng 4 tỉ, Vũ Đức Thuận (nguyên tổng giám đốc PVC) 800 triệu, Nguyễn Anh Minh (nguyên phó tổng giám đốc PVC) 3,6 tỉ; Bùi Mạnh Hiển (nguyên chánh Văn phòng PVC) 400 triệu; Lương Văn Hòa (nguyên giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch) 757 triệu;

Lê Thị Anh Hoa và Nguyễn Thành Quỳnh (giám đốc các công ty bên ngoài) 1,9 tỉ (trong đó sử dụng 1,1 tỉ nộp thuế giá trị gia tăng).

Còn 1,5 tỉ thì Thanh, Thuận, Minh, Hiển sử dụng chung.

Đối chất lời khai nguyên tổng giám đốc PVN ngay tại tòa - Ảnh 7.

Bị cáo Đinh La Thăng rời khỏi tòa sau khi kết thúc ngày xét xử đầu tiên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH


Đối chất lời khai nguyên tổng giám đốc PVN ngay tại tòa - Ảnh 8.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh rời khỏi tòa sau khi kết thúc ngày xét xử đầu tiên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Cáo trạng truy tố 22 bị cáo

Đối chất lời khai nguyên tổng giám đốc PVN ngay tại tòa - Ảnh 9.

Theo Hoàng Điệp - Thân Hoàng - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X