Hotline 24/7
08983-08983

Đồ chơi “lạ” vẫn tràn ngập

Phụ huynh chưa quan tâm nhiều đến việc chọn đồ chơi phù hợp với trẻ. Đồ chơi bạo lực, chưa được kiểm định chất lượng vẫn bày bán tràn lan.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, hơn 90% đồ chơi trẻ em trên thị trường là hàng Trung Quốc với đủ loại, đủ kiểu. Đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 5%.

Phớt lờ chức năng, công dụng, độ an toàn

Tại các “tổng hành dinh” đồ chơi trẻ em ở khu vực chợ Kim Biên (quận 5), chợ Bình Tây (quận 6), đồ chơi Trung Quốc chiếm số lượng áp đảo. Nhiều nhất là các loại siêu nhân, búp bê, đồ chơi điện tử chạy bằng pin, các loại súng, kiếm, rô bốt… với hàng ngàn mẫu mã, kiểu dáng khác nhau, đến cả người bán cũng không thể nhớ hết.

Chị Ngọc Mỹ, chuyên kinh doanh đồ chơi ở khu vực chợ Bình Tây, cho biết nhân vật trong các bộ phim hoạt hình như Siêu nhân Gaoranger, Siêu nhân sấm sét và bộ phim thiếu nhi Gia đình phép thuật sử dụng binh khí, dụng cụ, phụ kiện gì thì trên thị trường đều có sản phẩm đồ chơi ăn theo và rất hút hàng.
 
Giá các loại đồ chơi này khá “mềm”, trung bình từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/món (búp bê, kiếm, bộ rô bốt nhỏ), từ 30.000 đồng đến 35.000 đồng/món (bộ siêu nhân lắp ghép, súng, đồ chơi chạy bằng pin)…

Đồ chơi trẻ em của Trung Quốc được bán tràn lan tại chợ Bình Tây TP.HCM. Ảnh: Tấn Thạnh

Trả lời thắc mắc của chúng tôi vì sao không bán đồ chơi trong nước sản xuất, chủ một cửa hàng đồ chơi trên đường Ngô Nhân Tịnh (quận 6), thẳng thắn: “Thỉnh thoảng các công ty trong nước cũng chào đồ chơi trẻ em như các loại cờ, đồ chơi mô hình lắp ráp… nhưng bán rất chậm. Trong khi đó, đồ chơi Trung Quốc hầu như tháng nào cũng có vài mẫu mới, bán rất đắt”.
 
Đa phần là hàng nhập lậu từ Trung Quốc, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên đồ chơi bày bán tại khu vực này hầu hết không dán tem kiểm định chất lượng (tem CR), không có nhãn phụ bằng tiếng Việt hướng dẫn sử dụng. Rất nhiều phụ huynh dẫn con đi mua đồ chơi chỉ chọn món hàng theo sở thích của con em mình và quan tâm đến giá tiền mà không để ý đến chức năng, công dụng, độ an toàn của món đồ chơi đó.

Chọn đồ chơi cho trẻ: Không dễ

BS Lê Thanh Hà, BV Nhi Đồng 2, TP.HCM, cho biết hiện nay, phần lớn đồ chơi trẻ em không ghi rõ độ tuổi sử dụng. Nhà sản xuất và người kinh doanh lập lờ thông tin để dễ bán hàng hơn. Trong khi đó, phần lớn phụ huynh chưa quan tâm đến khả năng phát triển trí tuệ, phát triển vận động… của trẻ thông qua trò chơi nên chỉ chọn đồ chơi theo ý muốn của trẻ.

Theo ông Hoàng Công Sơn, Đội phó Đội QLTT 3A - Chi cục QLTT TP.HCM, ông từng chứng kiến nhiều phụ huynh rất dễ dãi cho con em mình chơi những trò chơi nguy hiểm, kể cả các loại súng có thể bắn chết gà. Lực lượng QLTT đã tổ chức rà soát, tịch thu những loại súng đó để tiêu hủy.
 
Ông Sơn cho biết đối với đồ chơi nhập lậu, chủ yếu tập trung ở chợ Kim Biên, Bình Tây…, người bán đối phó rất tinh vi, không trưng bày nhiều như những năm trước. Các mặt hàng kích thích bạo lực, ảnh hưởng nhân cách nằm trong danh sách cấm kinh doanh như súng, dao, kiếm… càng được giấu kỹ.
 
Trước thông tin đồ chơi trẻ em nhiễm độc chì, cadmium…, cơ quan QLTT đã kiểm tra, lấy mẫu gần 100 loại đồ chơi trẻ em bán tại chợ Bình Tây, Kim Biên, các shop… nhưng chưa phát hiện được gì.
 
Ông Lê Hồng Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Gỗ Đức Thành, cho rằng để sản xuất đồ chơi trẻ em an toàn cần phải có chi phí nguyên phụ liệu cao. Gỗ Đức Thành cũng sản xuất đồ chơi cho trẻ em, biết rất rõ nếu sử dụng sơn kém chất lượng thì màu sắc đồ chơi sẽ bắt mắt hơn nhưng chắc chắn hàm lượng kim loại nặng sẽ tăng cao. Cho nên, đồ chơi nhựa màu sắc càng sặc sỡ, bóng bẩy thì càng độc hại.
 
Bà Phạm Phương Thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, thừa nhận thực trạng đồ chơi trẻ em là một trận địa bỏ trống nhiều năm qua, các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước khó cạnh tranh với hàng nhập lậu, trong khi có quá nhiều đồ chơi không phù hợp, ít trò chơi trí tuệ cho trẻ em.
 
Về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích để nhà sản xuất đầu tư sản xuất đồ chơi trẻ em bảo đảm an toàn, đáp ứng nhu cầu vừa chơi vừa học của trẻ; nâng cao nhận thức, sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước về đồ chơi, sân chơi, sản phẩm văn hóa dành cho trẻ em.
 
 
Không kích thích trẻ động não

Tại buổi tọa đàm “Đồ chơi nào cho thiếu nhi” do Báo Khăn quàng đỏ tổ chức chiều 28/5, các diễn giả cùng có chung nhận định là đa số đồ chơi Trung Quốc đáp ứng được nhu cầu giá rẻ, giúp trẻ tự chơi một mình nhưng là đồ chơi thụ động, không có tác dụng kích thích trẻ suy nghĩ, động não và không giúp trẻ rèn luyện kỹ năng. Đó là chưa kể đến khả năng trẻ bị dị ứng, ảnh hưởng sức khỏe khi tiếp xúc với đồ chơi chứa quá nhiều độc tố.

Theo khảo sát của Báo Khăn quàng đỏ với 1.207 học sinh tại 13 trường tiểu học và THCS tại TP.HCM, đa số học sinh dành thời gian rảnh rỗi để chơi game và các trò chơi thụ động.

Theo Thanh Nhân - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X