Hotline 24/7
08983-08983

Đố bạn giữ “tỉnh táo” để vượt qua 6 câu hỏi về bệnh tim mạch sau

Bệnh tim mạch là căn bệnh dễ khiến nhiều người “mù mờ” nhất vì có vô số các nguy cơ, biểu hiện cũng như thông tin về cách điều trị, phòng tránh. Bạn có tự tin mình nắm đủ kiến thức về căn bệnh nguy hiểm này để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân? Hãy thử đánh giá trình độ hiểu biết về bệnh tim mạch qua 6 câu hỏi ngắn dưới đây.

Đang bị bệnh tim thì không nên tập thể dục
 
11

Đúng 
Sai

Đáp án là Sai. Trái ngược với suy nghĩ của không ít người trong số chúng ta, các bác sĩ chuyên khoa tim mạch cho biết đối với những người bị bệnh tim, ít vận động là một quan niệm sai lầm. Ngồi một chỗ quá lâu có thể dẫn tới hình thành cục máu đông ở chân và suy giảm thể chất tổng thể. Trong khi đó các hoạt động thể dục với cường độ nhẹ nhàng và phù hợp lại giúp tăng cường cơ tim, cải thiện lưu lượng máu đến não đồng thời góp phần nâng cao sức khỏe.

Lời khuyên: hãy hỏi ý kiến bác sĩ điều trị để biết hình thức luyện tập nào phù hợp nhất với thể trạng và bệnh tình. Đi bộ là hoạt động đơn giản, ai cũng có thể thực hiện và đặc biệt rất tốt cho trái tim. 

Người bệnh tim nên “tránh” hoàn toàn chất béo
11

Đúng
Sai

Đáp án là Sai. Đúng là người bệnh tim nên duy trì một chế độ ăn uống ít chất béo bão hòa và tránh xa chất béo chuyển hóa. Tuy nhiên vẫn có một số loại chất béo khác mà bệnh nhân tim mạch có thể tiêu thụ. Cụ thể là đó là chất béo không no có trong dầu thực vật như dầu ô liu, dầu đậu phộng, dầu hạt hạnh nhân... Đặc biệt, axit béo không no chứa 1 nối đôi có tên là axit omega-3 có nhiều trong mỡ một số loại cá béo ở vùng biển lạnh và sâu như cá ngừ (tuna), cá hồi (salmon)… còn giúp phòng chống bệnh tim mạch. Trên thực tế, ăn các loại cá giàu axit omega – 3 (ví dụ như cá hồi) 2 lần/tuần còn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vì nó sẽ làm giảm lượng cholesterol “xấu” trong máu mà không ảnh hưởng đến cholesterol “tốt”. 

Lời khuyên: người mắc bệnh tim mạch có thể bổ sung chất béo không no từ các loại cá béo, hạt cây và dầu oliu… vào chế độ ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chi tiết về mức tiêu thụ chất béo không no phù hợp. 

Có tình trạng huyết áp cao vọt nhưng không có dấu hiệu cảnh báo
 
1

Đúng 
Sai 

Đáp án là Đúng. Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn…có thể là dấu hiệu cảnh báo tăng huyết áp và xảy ra ở nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên cũng có những trường hợp bị tăng huyết áp mà không có bất cứ biểu hiện bất thường nào cả. Vậy nên mới có những câu chuyện bệnh nhân tự nhiên bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não đi cấp cứu rồi mới phát hiện huyết áp cao chót vót dù không có triệu chứng gì trước đó. 

Vì thế cần lưu ý, không có triệu chứng không có nghĩa bạn không bị tăng huyết áp. Cách hiệu quả nhất để kiểm tra xem có bị cao huyết áp hay không là đo huyết áp thường xuyên. Đây là một kiểm tra rất đơn giản, ai cũng có thể thực hiện vì chỉ cần máy đo huyết áp và biết cách đo chuẩn là bạn đã biết được huyết áp của mình ở mức nào. Tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các sự cố tim mạch nặng nề như: đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận và mù lòa…

Lời khuyên: với những gia đình có tiền sử tăng huyết áp, con cái cũng cần được chú ý, kiểm tra và theo dõi huyết áp định kỳ từ sớm. 

Huyết áp tăng theo tuổi tác là điều bình thường, không đáng lo ngại?

11

Đúng
Sai

Đáp án là Sai. Mặc dù đúng là huyết áp có xu hướng tăng theo độ tuổi nhưng điều này không có nghĩa là bạn được phép chủ quan. Huyết áp tăng ở người lớn tuổi vì thành động mạch trở nên cứng hơn do thoái hóa theo tuổi tác. Động mạch cứng buộc tim đập mạnh hơn. Máu chảy trong thành động mạch vì thế cũng sẽ nhanh và mạnh hơn, làm thành động mạch bị hư hại dần theo thời gian. Lúc này tim sẽ phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Điều này tiếp tục làm hỏng động mạch, tạo điều kiện để chất béo tích tụ ở thành động mạch, dẫn tới nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. 

Lời khuyên: hãy thường xuyên kiểm tra huyết áp của bạn. Các trường hợp bị tăng huyết áp cần thăm khám để được tư vấn phương pháp điều trị nhằm đưa huyết áp về mức ổn định. 

Chỉ những người trung niên, cao tuổi mới cần phải xét nghiệm mỡ máu

11

Đúng 
Sai

Đáp án là Sai. Theo lời khuyên của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, bạn nên thực hiện xét nghiệm mỡ máu ít nhất 5 năm/lần bắt đầu từ năm 20 tuổi. Với những trường hợp gia đình có tiền sử mắc bệnh tim mạch, các thành viên trong gia đình cần phải làm xét nghiệm này sớm hơn nữa theo tư vấn của bác sĩ. Bởi vì trẻ em trong các gia đình này có thể bị rối loạn mỡ máu khiến chúng có nguy cơ mắc bệnh tim như người lớn. Rối loạn mỡ máu dẫn tới sự hình thành của các mảng bám trong động mạch, gây xơ cứng mạch, hẹp động mạch, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ. 

Lời khuyên: hiện nay có rất nhiều bệnh viện, cơ sở y tế cung cấp các gói khám sức khỏe tổng quát trong đó có bao gồm cả xét nghiệm mỡ máu. Xét nghiệm này rất nhanh chóng, chỉ mấy có vài phút để thực hiện. Thông thường bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nhịn ăn từ 9 đến 12 giờ trước khi lấy máu. 

Trẻ em, thanh thiếu niên cũng có thể mắc bệnh tim mạch 

11

Đúng
Sai 

Đáp án là Đúng. Ngoài các trường hợp bẩm sinh thì trẻ em, thanh thiếu niên cũng có thể bệnh tim mạch do thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày kém lành mạnh. Ngay từ thời thơ ấu và tuổi vị thành niên, mảng bám có thể bắt đầu tích lũy trong các động mạch và sau đó dẫn đến tình trạng tắc nghẽn động mạch. Đặc biệt là trong xã hội hiện đại ngày nay, trẻ thường chỉ mải mê xem ti vi, điện thoại, lười vận động. Đây là những thói quen gây hại cho hệ tim mạch, có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim. Ngoài ra trẻ cũng rất thích ăn các món chiên, xào. Các món ăn này lại thường chứa nhiều chất béo bão hòa và nhiều muối, dễ dẫn tới béo phì – một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. 

Lời khuyên: Hãy cho trẻ được vận động thật nhiều, tích cực tham gia vào các hoạt động thể dục, thể thao. Đồng thời nên cố gắng duy trì cho trẻ một chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế tiêu thụ chất béo để bảo vệ tim mạch. 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X