Hotline 24/7
08983-08983

Dinh dưỡng nhiệm mầu xóa mờ vết nhàu tuổi tác

Người cao tuổi nên có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tinh thần thoải mái, thực hiện chế độ vận động vừa sức, phù hợp với sức khỏe và tuổi tác của từng người để có tuổi thọ tốt hơn.

Khi nhìn trẻ thơ, ta rộn rã, phấn chấn hồi tưởng lại mình trong quá khứ, rồi bâng khuâng hoài niệm biết bao điều thú vị khi xưa. Nhưng khi thấy những người cao tuổi, ta lại mường tượng phần nào tương lai không xa của chính mình ở đó. Lòng ta thường lắng lại những vết trầm, những dấu lặng thời gian, khi mà mỗi sáng họ thức dậy sau một đêm nặng nề khó ngủ, với bộn bề lo toan về sức khỏe. Nào là đau lưng nhức mỏi, rồi đi đứng khó khăn hay mắt mờ, tay rung, chân đi không vững!.

Hơn thế nữa, trí nhớ lại sa sút, nhớ trước quên sau. Thậm chí quên luôn bữa ăn thường ngày... Vậy hôm nay, hãy nhìn tuổi tác theo góc yêu thương và thấu hiểu để chăm sóc họ tốt nhất có thể, chí ít là về mặt dinh dưỡng.

Người cao tuổi có nguy cơ rối loạn dinh dưỡng vì những thay đổi về thể chất liên quan đến lão hóa. Bên cạnh đó, sức khỏe trí não - tinh thần họ cũng bị tác động không nhỏ vì các vấn đề nhận thức, tâm lý - xã hội, trình trạng sa sút trí tuệ, trầm cảm, cô độc và thu nhập thấp…

Hai vấn đề lớn nêu trên, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, tăng chi phí chăm sóc và làm tăng nguy cơ tử vong trong ngắn hạn ở người cao tuổi.

Vài con số thống kê


Theo thống kê bộ phận dân số, vụ kinh tế xã hội học - Liên hiệp quốc, người cao tuổi sẽ tăng nhanh và đạt khoảng 2,1 tỷ người vào năm 2050. Riêng ở Việt Nam, hiện người cao tuổi đang khoảng 10% tổng dân số cả nước.

Năm 2016, một phân tích tổng hợp 54 nghiên cứu khoa học tại nhiều quốc gia kết luận rằng khoảng 83% người cao tuổi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Năm 2013, một phân tích tổng hợp khác, phân tích 77 nghiên cứu về khẩu phần dinh dưỡng của bữa ăn người cao tuổi tại nhà. Kết quả có 20 -39% họ bị thiếu dinh dưỡng và 47 - 62% có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

Những thay đổi thực thể liên quan lão hóa


Đầu tiên, do quá trình thoái giáng theo quy luật tự nhiên, lão hóa làm mất mô cơ và tế bào (bao gồm tế bào thần kinh) đồng thời tích lũy mỡ thừa, thậm chí ở những người có cân nặng ổn định.  Tình trạng này làm suy giảm chức năng toàn bộ hệ thống và kéo theo tình trạng giảm sức cơ cũng như giảm tính linh hoạt trong mọi hoạt động. Đây là lý do khiến hoạt động - làm việc của người cao tuổi thường chậm chạm, không chính xác, thiếu tính khéo léo, kém hiệu quả…

Thứ hai, người cao tuổi thì giảm nhu cầu năng lượng, giảm khẩu phần nhưng lại không giảm nhu cầu các protein - acid amine - vitamin - khoáng chất thiết yếu!  hơn nữa, quá trình chống lão hóa lại cần tăng cung cấp các dưỡng chất này. Vậy người cao tuổi rất dễ suy dinh dưỡng protein và vi chất.

Thứ ba, người cao tuổi thường giảm thói quen uống nước, thậm chí quên nhớ trong việc uống nước. Song song với giảm chức năng lọc của cầu thận, cùng với cảm giác khát nước không còn tốt như khi trẻ. Những yếu tố này khiến họ rất dễ bị thiếu nước, một thành tố cực kỳ quan trọng, có mặt trong hơn 1000 các phản ứng sinh học, sinh lý, sinh hóa, hóa sinh… trong cơ thể. 

Thứ tư, vấn đề răng miệng. Hơn 20% trong số người >65 tuổi có vấn đề răng miệng. Điều này ảnh hường nghiêm trọng đến việc nhai và tiêu hóa thức ăn đặc biệt là những thức ăn tốt cho người cao tuổi như rau củ quả và ngũ cốc nguyên hạt…

Thứ năm, các thay đổi về cảm giác. Người cao tuổi mất sự nhạy cảm về mùi, vị và suy giảm thị lực. Điều này khiến họ mất ít nhiều cảm giác ngon miệng, chọn lựa thức ăn hay chuẩn bị bữa ăn là một mỗi chán chường với họ. Thật khó tìm lại cảm giác hưởng thụ việc ăn uống như ngày nào. Hệ lụy là mỗi bữa ăn đều không đạt chất cũng như lượng, nguy cơ suy dinh dưỡng rất cận kề.

Thứ sáu, vấn đề chuyển hóa và hấp thu. Các dưỡng chất quan trọng của người cao tuổi như sắt, can-xi, vitamin A, D, B12… được chuyển hóa và hấp thu rất bất thường, làm tăng nguy cơ thiếu hụt hoặc ngộ độc các dưỡng chất này. Tình trạng teo dạ dày, thiếu hụt các men tiêu hóa cũng làm giảm hấp thu dưỡng chất. Một nghiên cứu cắt ngang ở hơn 1000 người cao tuổi cho kết quả 50% họ thiếu Vitamin B12. Cùng với B12, B6 và các dưỡng chất khác như can-xi; Vitamin D; sắt; kẽm… cũng thường hay thiếu ở người cao tuổi.

Thứ bảy, các bệnh lý mãn tính đi kèm tuổi tác. Bệnh tim mạch, xương khớp, nội tiết - đái tháo đường… thường xuất hiện ở độ tuổi xế chiều, kéo theo tình trạng kiêng khem cũng như chọn lọc thức ăn. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến việc cung cấp dưỡng chất một cách đa dạng và thích hợp cho nhu cầu lão hóa. Đồng thời, việc dùng thuốc lâu dài cũng ít nhiều ẩn hưởng hay tương tác với các dưỡng chất trong thức ăn.

Bảy điều thực thể nêu trên, đẩy người cao tuổi đến gần hơn bờ vực của suy dinh dưỡng!

Các yếu tố tâm lý và nhận thức


Chứng sa sút trí tuệ người già:

Thực trạng thường xảy ra ở người cao tuổi là chuyện “nhớ trước quên sau” và suy giảm nhận thức, khiến họ đôi khi quên luôn bữa ăn. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 17% người cao tuổi có sa sút trí tuệ không nhớ bữa ăn và cần chăm sóc ăn uống đặc biệt. Một nghiên cứu khác chứng minh rằng, 87% người cao tuổi có sa sút trí tuệ gặp vấn đề với việc tự ăn uống như không nhận ra cảm giác đói, khát, không nhai - nuốt hiệu quả… hệ lụy của việc này là họ sẽ dễ thiếu dưỡng chất và suy dinh dưỡng.

Chứng sa sút trí tuệ khiến người lớn tuổi "nhớ trước quên sau" dễ dẫn đến tình trạng quên luôn bữa ăn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Trầm cảm:

Dinh dưỡng và trầm cảm ở người cao tuổi có liên quan khắng khít với nhau. Trầm cảm gây chán ăn dẫn đến suy dinh dưỡng và khi thiếu hụt dinh dưỡng khiến vấn đề trầm cảm nặng hơn. Cảm giác cô đơn, cô độc và bị người thân, bạn bè, xã hội lãng quên thường xuất hiện ở người cao tuổi. Bên cạnh đó, thu nhập ít ỏi từ lương hưu hay thậm chí không có thu nhập cùng với việc thiếu được quan tâm, chăm sóc, chia sẻ của người thân! khiến người cao tuổi dễ khởi phát tình trạng trầm cảm.

Dinh dưỡng hợp lý cho người cao tuổi


Nhu cầu năng lượng: Ở người cao tuổi, chỉ cần 80% năng lượng so với người trưởng thành và khi đến tuổi 70, nhu cầu này chỉ còn khoảng 70%. Đối với người Việt, nhu cầu năng lượng người cao tuổi từ 1700-1900 kcal/người/ngày. Năng lượng từ ngũ cốc cung cấp 65%, các chất béo 15% và các chất đạm 20% tổng nhu cầu năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày. Bảo đảm không tăng hay giảm cân và chỉ số BMI từ 18,5 - 22,9.

Phân bố các bữa ăn, người cao tuổi cần chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, tạo không khí vui vẻ thoải mái. Khi ăn, cần nhai chậm nhai kỹ thức ăn. Nên ăn các thức ăn thực vật như: Vừng, lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín, ăn ít thịt thay vào đó là cá, tôm.

Chế biến các món hấp, luộc nhừ thay thế các món rán nướng. Nên ăn thay đổi thực đơn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn sẽ ngon hơn. Các món ăn chế biến mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để phù hợp với hàm răng yếu và dễ tiêu hóa. Không ăn quá no, nhất là vào buổi tối, sau khi ăn xong nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút sẽ giúp dạ dày nhào trộn thức ăn và dễ tiêu.

Ăn giảm thịt, giảm chất béo và giảm muối.

Chất đạm, nhu cầu Protein từ 60-70 gam/ngày, trong đó đạm động vật chiếm 30% tổng số Protein. Người cao tuổi ăn ít thịt, thay vào đó là các thực phẩm giàu can xi như: Cá, tôm, cua, nhuyễn thể… vì chúng có nhiều chất xơ giúp thải lượng Cholesterol. Hệ tiêu hóa hấp thụ chất đạm ở người cao tuổi đều kém nên dễ xảy ra tình trạng thiếu chất đạm. Ở đậu, lạc, vừng và cá có nhiều chất đạm, ngoài ra chúng lại có nhiều chất dầu giúp đề phòng các bệnh về tim mạch cũng như bổ sung chất xơ tiêu hóa, rất tốt cho hệ tiêu hóa và miễn dịch.

Hạn chế ăn các thực phẩm có nhiều Cholesterol như: nội tạng động vật, óc.

Cần bổ sung sữa chua mỗi ngày để cung cấp lợi khuẩn, tốt cho hệ tiêu hóa và miễn dịch.

Chất béo, nên ăn cả dầu thực vật, tốt với người có tăng huyết áp, không có Cholesterol và ít acid béo bão hòa.

Ngoài ra, ăn hạn chế các thực phẩm có hàm lượng muối cao như các loại dưa mắm, cà muối… vì ăn muối nhiều có liên quan đến bệnh tăng huyết áp.

Hạn chế những đồ ăn, thức uống gây mất ngủ như cà phê, chè đặc.

Ăn nhiều rau tươi, quả chín. Người cao tuổi cần chú ý ăn nhiều rau để có chất xơ tiêu hóa, kích thích nhu động ruột, tránh táo bón. Các chất xơ trong rau quả còn có tác dụng tăng hấp thu các dưỡng chất quan trọng, thải loại cholesterol thừa và là món khoái khẩu của lợi khuẩn đường ruột. Rau tươi, quả chín còn cung cấp các chất dinh dưỡng hết sức quan trọng đối với người cao tuổi là các vitamin và chất khoáng.

Nhu cầu chất xơ tiêu hóa 25g/ngày, đặc biệt là chất xơ hòa tan có tác dụng làm giảm Cholesterol và đường máu, nó tốt với người tiểu đường, tăng huyết áp. Người cao tuổi thường bị loãng xương và thiếu các vitamin, khoáng chất. Cần ăn các loại rau xanh hoa quả giàu vitamin và khoáng chất, mỗi ngày nên ăn 300g rau xanh và 100g hoa quả.

Người lón tuổi nên ăn thay đổi thực đơn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn sẽ ngon hơn

Người cao tuổi thường thường uống ít nước do quên nhớ, sợ đi tiểu nhiều, mất ngủ…Nước giúp cho tiêu hóa tốt hơn và đào thải các chất cặn bã của cơ thể. Uống từ 1.5-2 lít nước/ một ngày, cần chủ động uống nước không chờ khát mới uống. Nên uống nước trà xanh tốt cho tim mạch và các loại thức uống có tác dụng an thần như hạt sen, lá vối…

Người cao tuổi nên sinh hoạt điều độ, ăn, ngủ đúng giờ. Để làm chậm quá trình lão hóa và duy trì cân nặng hợp lý bằng việc tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày. Mỗi buổi sáng dậy vận động 30 phút, trưa nằm nghỉ hoặc ngủ 15 phút, tối nên đi bộ 30 phút giúp ngủ ngon hơn. Ði bộ là cách vận động tốt nhất, phù hợp với người cao tuổi và có thể phòng bệnh xơ cứng động mạch, và cải thiện tình trạng đau mỏi xương.

Nên tắm bằng nước ấm trước khi ngủ khoảng 30 - 60 phút. Bảo đảm mỗi ngày đêm ngủ được 6-7 giờ. Đặc biệt, trong thời khoảng 2-5 giờ sáng, cần ngủ được giấc sâu và ngon. 

Tóm lại, người cao tuổi nên có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tinh thần thoải mái, thực hiện chế độ vận động vừa sức, phù hợp với sức khỏe và tuổi tác của từng người để có tuổi thọ tốt hơn. Hiện tượng lão hóa không thể dừng lại theo thời gian, nhưng có chế độ ăn uống luyện tập ngủ nghỉ thích hợp thì chẳng những sức khỏe của người cao tuổi sẽ cải thiện mà còn làm quá trình lão hóa chậm hơn.

Bên cạnh đó, mỗi gia đình, người thân phải rót thêm một chút tâm tình - hiếu thảo với họ, chăm sóc - chia sẻ nhiều hơn để người cao tuổi có một cuộc sống chất lượng hơn, hạnh phúc hơn!

Tài liệu tham khảo:

1. United Nations, Department of Economic and Social Affairs, Population Division. World population ageing. New York; 2015. ST/ESA/SER.A/390. http://www.un.org/en/development/desa/population/publications/pdf/ageing/WPA2015_Report.pdf.
2. Hamirudin AH, et al Outcomes related to nutrition screening in community living older adults: a systematic literature review Arch Gerontol Geriatr 2016 62 9–25
3. Bell CL, et al Prevalence and measures of nutritional compromise among nursing home patients: weight loss, low body mass index, malnutrition, and feeding dependency, a systematic review of the literature J Am Med Dir Assoc 2013 14 2 94–100
4. Freijer K, et al The economic costs of disease related malnutrition Clin Nutr 2013 32 1 136–41
5. Gentile S, et al Malnutrition: a highly predictive risk factor of short-term mortality in elderly presenting to the emergency department J Nutr Health Aging 2013 17 4 290–4
6. Margetts BM, et al Prevalence of risk of undernutrition is associated with poor health status in older people in the UK Eur J Clin Nutr 2003 57 1 69–74
7. Bosaeus I, Rothenberg E Nutrition and physical activity for the prevention and treatment of age-related sarcopenia Proc Nutr Soc 2016 75 2 174–80
8. Bernstein M, et al Position of the Academy of Nutrition and Dietetics: food and nutrition for older adults: promoting health and wellness J Acad Nutr Diet 2012 112 8 1255–77
9. Loikas S, et al Vitamin B12 deficiency in the aged: a population-based study Age Ageing 2007 36 2 177–83
10. Food and Nutrition Board, Institute of Medicine. Dietary reference intakes for thiamin, riboflavin, niacin, vitamin B6, folate, vitamin B12, pantothenic acid, biotin, and cholin. A report of the Standing Committee on the Scientific Evaluation of Dietary Reference Intakes and its Panel on Folate, Other B Vitamins, and Choline and Subcommittee on Upper Reference Levels of Nutrients, Food and Nutrition Board, Institute of Medicine. Washington, DC: National Academy Press; 1998.
11. Ross AC, et al., editors. Dietary reference intakes: calcium and vitamin D. Washington, DC: National Academies Press; 2011.
12. Paddon-Jones D, et al Protein and healthy aging. Am J Clin Nutr 2015 Apr 29 [Epub ahead of print].
13. Amella EJ Feeding and hydration issues for older adults with dementia Nurs Clin North Am 2004 39 3 607–23
14. Hanson LC, et al Outcomes of feeding problems in advanced dementia in a nursing home population J Am Geriatr Soc 2013 61 10 1692–7
15. Phillips RM Nutrition and depression in the community-based oldest-old Home Healthc Nurse 2012 30 8 462–71
16. Vesnaver E, Keller HH Social influences and eating behavior in later life: a review J Nutr Gerontol Geriatr 2011 30 1 2–23
17. Mangels, Ann, Reed, PhD, RD, FADA. Malnutrition in Older Adults. AJN, American Journal of Nursing: March 2018 - Volume 118 - Issue 3 - p 34–41


Bác sĩ Nguyễn Vũ Linh - Trung tâm dinh dưỡng Vinamilk

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X