Hotline 24/7
08983-08983

Dinh dưỡng hợp lý, đáp ứng nhu cầu cho phụ nữ mang thai

Ăn đủ 4 nhóm chất, bổ sung sữa trong khẩu phần, tránh trái cây nhiều đường, món quá mặn... hỗ trợ sự phát triển thai nhi, mẹ bầu khỏe mạnh.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Hoàng Hồ Thống Nhất cho biết, giai đoạn đáng nhớ nhất với mỗi người mẹ là lúc mang thai và cho con bú. Đây cũng là thời kỳ có nhiều sự thay đổi về tâm, sinh lý. Nếu không có một chế độ dinh dưỡng và chăm sóc đặc biệt sẽ khiến mẹ gặp những trở ngại, ảnh hưởng đến em bé.

Trong giai đoạn mang thai, cơ thể của phụ nữ có sự thay đổi rõ rệt. Nhu cầu năng lượng thông thường ở nữ giới khoảng 2.200 kcal/ngày, khi mang thai sẽ tăng thêm khoảng 360 kcal/ngày (3 tháng đầu), 475 kcal/ngày (7 tháng sau) và 550 Kcal/ngày (trong giai đoạn cho con bú). Đồng thời nhu cầu về hàng loạt các chất dinh dưỡng khác cũng tăng lên. Do đó, để hỗ trợ cho phát triển của trẻ và sức khỏe của mẹ, cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đáp ứng nhu cầu tăng cao.

Phụ nữ mang thai cần chú trọng chăm sóc sức khỏe cơ thể.

Theo bác sĩ Thống Nhất, nếu không chú trọng sức khỏe trong giai đoạn mang thai và cho con bú thì sự phát triển của các bé sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn 80% trẻ mắc phải tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng do mẹ không chú ý chế độ dinh dưỡng phù hợp trong giai đoạn thai kỳ.

Ngoài ra, 9 tháng trong bụng mẹ cũng là giai đoạn vàng để bé phát triển trí não, tăng cường sức đề kháng trước khi chào đời. Từ đó, mẹ có thể ngăn ngừa nguy cơ dị tật và các hệ lụy nghiêm trọng từ việc thiếu chất dinh dưỡng gây nên.

Thực đơn cho phụ nữ mang thai cần đầy đủ bốn nhóm chất: đường bột, đạm, béo, vitamin chất khoáng để giúp bé phát triển tốt và mẹ cân bằng vóc dáng. Nhóm chất béo gồm các loại hạt có dầu, mỡ cá, quả bơ; dầu như dầu oliu, dầu dừa, sản phẩm từ sữa. Nhóm giàu chất bột đường như đậu, ngũ cốc, bí đỏ, bắp (ngô), khoai tây, khoai lang, yến mạch...

Để bổ sung đạm, chị em không chỉ ăn thịt mà còn cần bổ sung nhiều nguồn đạm thực vật như đậu nành, đậu phộng, hạnh nhân, yến mạch, bông cải, cải bắp tí hon, đậu lăng, hạt bí; đạm từ trứng, tôm, cá, sữa, phô mai, thịt bò, thịt gà. Nhóm giàu vitamin và khoáng chất có trái cây như táo, nho, lê; các loại rau lá, rau củ như cần tây, hành tây... Hạn chế trái cây nhiều đường như mít, sầu riêng...

Trong ba tháng đầu thai kỳ là thời gian vàng để phát triển trí não của bé. Mẹ bầu cần bổ sung thực phẩm chứa nhiều axit folic giúp giảm rủi ro nguy cơ dị tật ống thần kinh, nguy cơ sinh non, thai kém phát triển. Ngoài ra cần thêm DHA, Omega 3 nhằm hỗ trợ sự phát triển của não và mắt. Axit folic, DHA, Omega 3 có nhiều trong các loại rau xanh lá màu đậm như bina (rau chân vịt, cải bó xôi), cải búp (cải xoăn), lá của củ cải trắng, cải bẹ xanh, rau diếp (cải xà lách). Ba tháng cuối thai kỳ, bà bầu hạn chế ăn quá mặn bởi ảnh hưởng đến huyết áp thai kỳ.

Để mẹ khỏe, bé thông minh cần có chế độ dinh dưỡng đặc biệt trong thời gian mang thai và cho con bú.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, khẩu phần ăn thông thường sẽ giúp mẹ đủ năng lượng nhưng không thể đảm bảo các chất dinh dưỡng thiết yếu. Ví dụ như mẹ có thể thiếu canxi nếu không được bổ sung sữa hợp lý. Vậy nên phụ nữ mang thai cần chọn cho mình sản phẩm sữa phù hợp.
Theo Hoài Nhơn - Vnexpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X