Hotline 24/7
08983-08983

Dinh dưỡng hợp lý cho người cao tuổi bị đột quỵ

Hiện nay, việc ăn uống với người cao tuổi (NCT) bị đột quỵ chưa được quan tâm, khiến việc điều trị, phục hồi gặp nhiều khó khăn….


Các chuyên gia chỉ ra nhiều lưu ý quan trọng về dinh dưỡng cho NCT bị đột quỵ. Ảnh: TL

Các chuyên gia chỉ ra nhiều lưu ý quan trọng về dinh dưỡng cho NCT bị đột quỵ. Ảnh: TL

Bệnh lý rất hay gặp ở NCT

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến về Chứng đột quỵ ở NCT - Những điều cần biết do Tổng cục DS-KHHGĐ, Báo Gia đình & Xã hội tổ chức mới đây, GS.TS Lê Đức Hinh, nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam cho biết: Đột quỵ não là chứng bệnh phần lớn gặp ở NCT, nhưng người trẻ cũng có thể gặp phải. Có 2 trường hợp nặng là nhồi máu não và chảy máu não (mạch máu não vỡ ra). Cả 2 trường hợp này đều xảy ra đột ngột, tuy nhiên, diễn biến của 2 cái lại khác nhau.

Theo GS.TS Lê Đức Hinh, nhồi máu não chiếm tỷ lệ cao khoảng 70 – 75% trong 100 trường hợp. Những người bị nhồi máu não thường là người có sẵn yếu tố như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh lý đái tháo đường, bệnh thận… Do những điều kiện nhất định về sức khỏe, về thời tiết, môi trường và cả sinh hoạt khiến những người bị mạch máu não có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Những điều này thường có dấu hiệu báo trước từ 30 phút đến 1 ngày. Người bệnh cảm thấy choáng váng, khó chịu. Có những trường hợp chỉ nói líu nhíu, nhức đầu, nhà cửa chao đảo… Khi xảy ra ngay lập tức, nửa người sẽ bị yếu, bị tê, giảm vận động hoặc mất vận động ở một nửa người. Đấy là những trường hợp có thể gọi là nhồi máu não, khi đưa đến cơ sở y tế sẽ phát hiện người đó bị tổn thương nửa người ở một bên. Điều đó cho thấy nửa bán cầu đối diện cũng bị tổn thương.

Biểu hiện thứ 2 ít gặp hơn nhưng lại rất nặng ở những người có những vấn đề như tăng huyết áp, đái tháo đường… đó là khi có những thay đổi về thời tiết, sức khỏe thì ngay lập tức bị ngã xuống, mất ý thức, nửa người bán thân bất toại. Người bệnh có thể đi vào bất tỉnh, hôn mê. Trường hợp như vậy gọi là chảy máu não do mạch máu nuôi dưỡng ở trên bán cầu não đã bị vỡ ra.

“Với những người đột quỵ não đòi hỏi người xung quanh phải biết rõ. Người bệnh cần được chăm sóc ngay tại chỗ và đưa đến cơ sở y tế bởi cần được chăm sóc đặc biệt, chú ý riêng. Hiện nay, ở nước ta đã có những tổ chức quan tâm về vấn đề này với những trung tâm đột quỵ, các khoa cấp cứu chuyên sâu… Rất may việc chăm sóc đã phát triển hơn so với trước đây”, GS.TS Lê Đức Hinh nhấn mạnh.

Cũng theo GS.TS Lê Đức Hinh, đột quỵ có nhiều loại như những người đi ra ngoài nắng quá cũng bị đột quỵ, đường huyết hạ xuống cũng có thể ngã xuống hoặc thậm chí một số người trẻ cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Do đó, truyền thông cần tăng cường hơn nữa để toàn thể nhân dân nắm được sự nguy hiểm của căn bệnh này để có phương án dự phòng ngay từ khi còn trẻ.

Dinh dưỡng hợp lý để phục hồi sau đột quỵ

Đề cập đến vấn đề dinh dưỡng hợp lý cho những người cao tuổi bị đột quỵ, PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, những người đột quỵ ngoài việc được cấp cứu kịp thời thì vấn đề dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Bởi khi đột quỵ rồi rất dễ để lại hậu quả về các hệ vận động, tiêu hóa…

Trước hết người bị đột quỵ tức là phần vận động cơ học của hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng rất lớn. Người có thể bị liệt, người có thể không nuốt được, nhai được. Việc đưa được lượng thức ăn vào cơ thể trở nên khó khăn. Mặt khác, khi chưa bị đột quỵ, người bệnh có thể ăn cơm, còn giờ họ chỉ ăn được cháo, nước hoặc nhiều khi không đưa được vào bằng đường miệng mà phải đặt xông dạ dày. Việc đưa vào đã khó, chế biến bữa ăn đảm bảo càng quan tâm.

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, chăm sóc NCT bị đột quỵ có thể kéo dài vài tháng, vài năm nên việc đảm bảo dinh dưỡng để nuôi cơ thể, giúp nhanh phục hồi chức năng rất là quan trọng. Tuy nhiên, khi từ bệnh viện về nhà, việc ăn uống như thế nào để có được hệ cơ xương khớp, nhất là đối với khối cơ, bảo toàn khối cơ thì nhiều người thân trong gia đình có người bị đột quỵ lại không biết.

“Thường các gia đình nghĩ nấu mềm lỏng là nấu cháo, bột chứ ít quan tâm đến lượng rau. Chúng ta có thể trộn các loại rau (tốt nhất là các loại rau, củ quả sẫm màu) để thêm cho người đột quỵ dù ăn lỏng, mềm vẫn đảm bảo chất xơ, vitamin và chất khoáng.

Thứ hai là thường nấu cháo nhưng không mấy ai để ý đến cho chất béo. Với người đột quỵ, việc cho đủ lượng chất béo rất cần thiết. Mỗi gram chất béo cho 9kcal, một độ đậm năng lượng cao hơn gấp 2 lần so với chất bột đường, chất đạm, Hydrocacbon. Do đó, cho dầu, mỡ cá, mỡ gà… vào bát cháo hay dịch bơm vào dạ dày của người đột quỵ là rất quan trọng”, PGS.TS Lê Bạch Mai nói.

Cũng theo PGS.TS Lê Bạch Mai, năng lượng của chất béo bình thường vào khoảng 2-25% nhưng có thể với người đột quỵ lượng ăn rất ít nên có thể đẩy cao hơn lên tới 30% để những người lượng ăn ít, người bị đột quỵ vẫn đảm bảo năng lượng. Bởi lẽ, nếu không đảm bảo lượng thức ăn đầu vào, cơ thể người đột quỵ sẽ tự lấy nguồn năng lượng dữ trữ bên trong cơ thể để duy trì các chuyển hóa cơ bản trong cơ thể, từ đó, làm cho người đột quỵ lâu dần dễ bị suy nhược, đặc biệt là khối cơ. Nếu quá lâu, sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tính mạng của người bị đột quỵ.

Để phòng chống đột quỵ, PGS.TS Lê Bạch Mai cho rằng, với những NCT bị đột quỵ và những người có nguy cơ bị đột quỵ thường liên quan đến bệnh lý tăng huyết áp, tim mạch hoặc đái tháo đường. Do đó, trong chế độ ăn phải đảm bảo ngăn xuất hiện các yếu tố trên. Tức là có thể bị tăng huyết áp nhưng tăng huyết áp đó được kiểm soát không xảy ra đột quỵ; có mảng vữa xơ nhưng không chảy ra thành mạch nhỏ gây huyết khối… Theo đó, chế độ dinh dưỡng phải làm sao kiểm soát được hàm lượng lipid máu.

“Những người bị tăng huyết áp, nguy cơ đột quỵ là cần kiểm soát muối. Người đái tháo đường làm sao kiểm soát được đường huyết đừng để tăng đường huyết quá nhiều sau bữa ăn và đừng để tụt đường huyết sau bữa ăn. Việc lựa chọn các chế phẩm tạo hoạt để kiểm soát được lượng đường ăn vào với người đái tháo đường cũng rất quan trọng. Không nên lạm dụng các chất tạo ngọt vì sẽ đem đến nhiều bất lợi cho sức khỏe NCT”, PGS.TS Lê Bạch Mai nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, hiện nay các bệnh viện hiện đều có khoa Dinh dưỡng, nhưng với người bệnh khi về nhà rồi coi như… khỏi bệnh. Việc ăn uống với người bệnh chưa được quan tâm. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, trong thời gian tới dinh dưỡng cần song hành với việc điều trị bệnh đột quỵ, nhất là đối với NCT. Đó là một giải pháp để hỗ trợ cho việc điều trị bệnh một cách kịp thời, hiệu quả.

Theo Gia đình & Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X