Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị viêm tuỷ răng: Khi nào phải lấy toàn bộ tuỷ?

Viêm tủy răng là căn nguyên của các cơn đau nhức khi chúng ta bị sâu răng. Cách điều trị thông thường là phải lấy tủy và hàn phục hồi ống tủy. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp viêm tủy răng đều phải làm như thế..

1. Điều trị tủy răng là gì?

Điều trị tủy răng (chữa tủy hay còn gọi là điều trị nội nha) là cách thức can thiệp hàng đầu trong các trường hợp bị viêm tủy răng.

Đây là một quy trình lần lượt từng bước nhằm mục đích giúp lấy sạch phần tủy răng bị viêm nhiễm, tổn thương bên trong khoang tủy. Sau đó, ống chứa tủy sẽ được vệ sinh, trám kín lại và phục hồi răng. Chỉ khi làm được như vậy, ổ viêm nhiễm mới được giải quyết trọn vẹn và chấm dứt cơn đau đớn cho người bệnh.

2. Khi nào phải lấy toàn bộ tủy?

Mặc dù khi tủy răng bị viêm nhiễm, gây ra cơn đau rất dữ dội. Đối với các trường hợp tổn thương sâu răng sớm, tủy răng viêm có thể tiên lượng hồi phục được thì sẽ cung cấp các yếu tố nhằm tăng cường quá trình tái khoáng, ngăn chặn hủy khoáng để phục hồi các tổn thương thay vì cần phải lấy tủy.

Trong khi đó, đối với các trường hợp đã tạo thành lỗ sâu, tiên lượng thấy tủy răng bị viêm không thể hồi phục được hay tủy đã hoại tử thì phải lấy bỏ toàn bộ mô nhiễm khuẩn, bảo vệ khoang tuỷ và hàn kín phục hồi mô cứng bằng các loại vật liệu thích hợp. Chỉ khi làm được như vậy, khoang tủy mới chấm dứt nhiễm trùng, người bệnh không còn đau nhức và đồng thời còn bảo tồn được mô răng còn lại, tiếp tục thực hiện chức năng.

Cách nhận biết các trường hợp viêm tủy không hồi phục là hầu hết bệnh nhân sẽ có những triệu chứng xuất hiện những cơn dữ dội, đau nhiều về đêm, có thể kéo dài hàng giờ hoặc đôi khi chỉ ngắn trong vòng vài phút, hết kích thích nhưng đau còn kéo dài thêm.

Có nhiều trường hợp, cơn đau còn lan lên nửa đầu, nửa mặt cùng bên khiến bệnh nhân mơ hồ không xác định được răng đau nên thường bị lầm lẫn cơn đau do các bệnh lý khác.

Ngược lại, đối với các trường hợp sâu răng sớm hay viêm tủy có hồi phục thì không cần phải lấy tủy mà chỉ cần chăm sóc bảo tồn với liệu pháp tái khoáng hóa, hoàn thiện lại bề mặt răng.

Tóm lại, khi phải diệt tủy và lấy toàn bộ tủy phần lớn phụ thuộc vào quyết định của bác sĩ nhận định khi thăm khám. Tuy nhiên, cần chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng, khám kiểm tra định kỳ giúp phát hiện sớm tổn thương, hạn chế lấy tủy, giữ trọn tính toàn vẹn của răng và tủy, đảm bảo chức năng ăn nhai và nhu cầu được thưởng thức cuộc sống của mỗi người.

Nguồn: Vinmec.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X