Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị viêm gan C, vừng đã mở rồi!

“So với thuốc cũ, sofosbuvir được bệnh nhân tiếp cận dễ hơn nhiều, nên bộ mặt của VGC sẽ không còn như xưa. Gọi nó là ‘kẻ thay đổi cuộc chơi’ không sai”, BS Hoàng nói.

Khám bệnh nhân viêm gan C tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM. Bệnh nhân cần được BHYT chi trả để giảm gánh nặng điều trị.

Nỗi ám ảnh lớn nhất của bệnh nhân viêm gan C (VGC) trước nay trong điều trị là phải chích thuốc cả năm trời và còn bị nhiều tác dụng phụ.

Nhưng với thuốc mới sofosbuvir, bệnh nhân chỉ phải uống trong ba tháng và gần như không bị tác dụng phụ nào. Thuốc mới đã mở ra hy vọng cho bệnh nhân, nhưng còn đó nhiều băn khoăn…

Kẻ thay đổi cuộc chơi

Hoài Thanh, 48 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TPHCM, bệnh nhân VGC được điều trị bằng sofosbuvir hai tháng nay kể: “Khi biết mắc bệnh này, tôi rất sợ. Nhưng khi đi khám bệnh, bác sĩ chữa cho tôi thuốc mới, tôi không bị tác dụng phụ nào”.

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng, phó chủ tịch hội Gan mật TP.HCM, trưởng khoa nội tiêu hoá bệnh viện đại học Y dược TPHCM, cho biết sự có mặt của sofosbuvir vào năm 2013 được thế giới xem là cuộc cách mạng trong điều trị VGC.

Ông nói: “VGC là bệnh cũ. Cái thay đổi quan trọng nhất của bệnh chỉ là cách điều trị. Trong khi thuốc cũ là peg-interferon hoặc peg-interferon phối hợp với ribavirin phải chữa đến 48 tuần, gây nhiều tác dụng phụ như chán ăn, sụt cân, rụng tóc, thiếu máu, mất ngủ, giả cúm, thậm chí trầm cảm, thì thuốc mới chỉ chữa trong 12 tuần và không có tác dụng phụ nhiều”.

Nhưng tin vui không chỉ thế. TS.BS Võ Hồng Minh Công, trưởng khoa nội tiêu hoá bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết trong khi hiệu quả của phác đồ cũ tối đa 80% thì hiệu quả của sofosbuvir lên đến 90 - 100%.

“Sofosbuvir cùng vài loại nhóm thuốc khác được gọi là thuốc kháng virút tác dụng trực tiếp (DAA: Direct-acting antiviral), nhắm vào một số bước quan trọng trong vòng đời của virút VGC, ngăn không cho chúng nhân bản và gây bệnh”, BS Công nói.

Với những giá trị tích cực như thế, nên giới chuyên môn đã gọi sản phẩm này là “kẻ thay đổi cuộc chơi” (game changer) trong điều trị VGC.

Ước tính trên thế giới có 185 triệu người mắc VGC mạn tính và con số này ở Việt Nam khoảng 5 triệu người. So với viêm gan B, VGC đáng lo hơn là không có vắcxin phòng bệnh.

Bên cạnh đó bệnh diễn tiến âm thầm không ai tiên đoán được, trong đó đáng sợ nhất là diễn tiến đến xơ gan và ung thư gan. Trong khi đó, nguồn lây VGC là truyền máu và tiêm chích ma tuý.

BS Hoàng lưu ý, ngay cả khi thất bại với thuốc này người ta vẫn có giải pháp phối hợp nó với ledipasvir, khi đó nguồn lây trong cộng đồng sẽ giảm đáng kể.

“So với thuốc cũ, sofosbuvir được bệnh nhân tiếp cận dễ hơn nhiều, nên bộ mặt của VGC sẽ không còn như xưa. Gọi nó là ‘kẻ thay đổi cuộc chơi’ không sai”, BS Hoàng nói.

Chờ bảo hiểm y tế chi trả

Tại Mỹ và một số nước giàu có, từ khi ra đời đến nay, sofosbuvir có giá khoảng 1.000 USD/viên (hơn… 22 triệu đồng!) và lộ trình điều trị VGC bằng thuốc này từ 84.000 – 168.000 USD (1,85 – 3,7 tỷ đồng!). Với chi phí như thế, gần như đa số bệnh nhân phải lắc đầu bỏ cuộc.

Nhưng tin vui là nhà sản xuất thuốc Gilead đã đồng ý nhượng quyền cho các nước nghèo có gánh nặng VGC bào chế thuốc dưới phiên bản generic. Tại Ai Cập, chi phí điều trị 12 tuần bằng sofosbuvir generic chỉ… 900 USD (20 triệu đồng).

Tại Việt Nam, từ hơn nửa năm nay sofosbuvir Ấn Độ có mặt trên thị trường, được bộ Y tế cho phép nhập vào, có giá 8 - 10 triệu đồng/lọ 30 viên. Như thế, tổng chi phí cho cả một đợt điều trị từ 24 - 30 triệu đồng.

Nhưng thiệt thòi cho bệnh nhân VGC ở nước ta là bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ chi trả các thuốc cũ. BS Hoàng giải thích: “Lý do là bộ Y tế vẫn chưa ban hành phác đồ điều trị bằng sofosbuvir nên BHYT không thể chi trả cho bệnh nhân”.

Cũng vì mắc mứu này, nên dù sofosbuvir có mặt chính thức trên thị trường, nhưng nhiều bệnh viện không dám kê toa cho bệnh nhân để chữa VGC.

BS Công nói: “Bệnh viện chúng tôi phải tuân thủ hướng dẫn của bộ Y tế, dù biết sofosbuvir tốt hơn cũng không bác sĩ nào dám kê toa”.

Sự chậm trễ của cơ quan chức năng có thể gây ra những hệ luỵ không ai biết được. Một bác sĩ chuyên khoa gan mật nói: “Bệnh nhân cập nhật thông tin rất nhanh.

Họ có thể ra ngoài tiệm thuốc tự mua uống, hoặc đến các phòng mạch tư không đủ kinh nghiệm để chữa trị. Khi đó nguy cơ thất bại điều trị là có thể xảy ra”.

“Thuốc đã có rồi, thiết nghĩ bộ Y tế cần nhanh chóng ra được phác đồ điều trị để BHYT chi trả cho bệnh nhân. Thật ra với giá thuốc sofosbuvir generic hiện nay ở nước ta, chi phí chữa trị so ra còn rẻ hơn, vì nếu chữa theo cách cũ bệnh nhân tốn chi phí đi lại, xét nghiệm máu, điều trị tác dụng phụ”.     

Tại BV Đại học Y dược TPHCM, theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua không ít bệnh nhân VGC thắc mắc: “Tôi có điều kiện tài chính, thị trường đã có thuốc nhưng sao bác sĩ không chữa cho tôi”. Trước khó khăn đó, bệnh viện phải “lách luật” cho bệnh nhân điều trị, nhưng phải thông qua hội chẩn chuyên môn. Điều này giúp bảo vệ bác sĩ về mặt pháp lý, nhưng ngay cả với giải pháp này, bệnh viện vẫn… “phập phồng”.

Theo Phan Sơn - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X