Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị cắt đốt rối loạn nhịp tim ở bệnh viện Thống Nhất có BHYT không?

Câu hỏi

Tôi bị nhiều bệnh như thoái hóa khớp gối đã lâu từ năm 1993, suy giãn tĩnh mạch chân và thoái vị đốt sống L4 - L5 gần 2 năm nay uống thuốc thì giảm, ngưng thuốc thì đau. Quan trọng phải kể là bệnh cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất lần đầu cấp cứu tại Bệnh viện 115 ngày 10/01/2008 đến 18/01/2008 xuất viện. Lần 2 cấp cứu ngày 11/01/2015, 15/01/2015 xuất viện. Lần 3 ngày 18/06/2019 xuất viện ngày 21/06/2019 bác sĩ Võ Thị Kim Ngân điều trị tái khám ngày 26/06 /2019( Điều trị Bệnh viện Trưng Vương) Do tôi khám ngẫu nhiên không chọn bác sĩ theo yêu cầu nên người khám là bác sĩ Võ Ánh Thái Thuận (nam). Bác sĩ này có bảo tôi nên đi cắt đốt cho khỏe hẳn vì bất ngờ không có chuẩn bị nên bác sĩ cho tôi 15 ngày thuốc sau khi hết thuốc trở lại, chuẩn bị hơn 10 triệu và có người nhà theo chăm sóc để bác sĩ chuyển qua bệnh viện Thống Nhất cắt đốt. Nhưng khi đi khám lại vào ngày 12/07/2019 gặp Bs Kim Ngân thì lại nói rằng chỉ trong lúc nằm viện mới hội chẩn chuyển bệnh nhân đi còn hôm nay không chuyển được giờ chỉ cần uống thuốc, sau này có cấp cứu lần nữa sẽ chuyển cho bà đi. Như vậy bác sĩ này nói có đúng không và bác sĩ ấy còn bảo tôi hãy sang Thống Nhất khám dịch vụ trước, khi có bác sĩ đề nghị cắt đốt thì bà quay lai đây tôi sẽ chuyển viện cho bà như vậy là sao? Vậy tôi có cần đi khám dịch vụ trước không hay chờ đến lúc cấp cứu mới quay lại Trưng Vương mà đến lúc cấp cứu nếu không kịp thì sao hay là chờ đón cái chết đến với mình. Thuốc uống: Concor 5mg, Ibartain MR 150mg, Artreil 50mg, Agiosmin 500mg - Imidu 60mg

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào bạn,

Trước hết, với những trường hợp bệnh nhân có cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất nhập viện nhiều lần thì cần cân nhắc đến chỉ định khảo sát điện sinh lý và cắt đốt bằng năng lượng sóng cao tần để điều trị triệt để. Khả năng điều trị thành công của cắt đốt đường dẫn truyền phụ gây nhịp nhanh kịch phát trên thất khá cao, ít tái phát.

Đây là phương pháp điều trị kỹ thuật cao, người bệnh không cần phải tiến hành cắt đốt ngay trong cơn nhịp nhanh, không phải làm cấp cứu mà là lên chương trình hẳn hoi, cũng không phải mở ngực mà luồn những thiết bị nhỏ từ mạch máu ở xa (tay, chân) đến tim rồi mới xử lý nên không để lại sẹo. trước tiên người bệnh sẽ được khảo sát điện sinh lý rồi mới cắt đốt. Chi phí đốt điện sinh lý thường khá lớn, dao động vài chục triệu đồng, do đó vai trò của bảo hiểm y tế rất cao.

Vấn đề của bạn là làm sao để được hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến và các bác sĩ đang đưa ra những cách thức để giúp bạn được hưởng BHYT đúng tuyến theo đúng quy trình. Luật là do BHYT quy định và có cập nhật, thay đổi theo từng thời kỳ, chứ bác sĩ không thể toàn quyền quyết định được nên không bác sĩ nào muốn "hành" người bệnh cả.

Có vẻ như BHYT của bạn đúng tuyến là ở bệnh viện Trưng Vương, rất tiếc là bệnh viện Trưng Vương hiện chưa có triển khai kỹ thuật cắt đốt điện sinh lý nên bạn sẽ phải làm ở bệnh viện khác.

Nếu bạn không cần sử dụng BHYT, bạn có thể đến bất cứ bệnh viện nào có cắt đốt điện sinh lý để đăng ký khám và nhập viện, yêu cầu khảo sát điện sinh lý và cắt đốt, hưởng BHYT trái tuyến hoặc không BHYT theo chính sách từng bệnh viện, như bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân Dân 115, Viện Tim, bệnh viện tim Tâm đức.

Nếu bạn muốn sử dụng BHYT đúng tuyến thì phải tuân theo quy định của BHYT.

Trường hợp thứ nhất là nhập viện trong tình trạng cấp cứu vì cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, bạn đến thẳng bệnh viện Thống Nhất luôn và sẽ được duyệt BHYT cấp cứu (tương đương đúng tuyến), hoặc nếu nhập bệnh viện Trưng Vương thì bác sĩ sẽ hội chẩn làm giấy chuyển tuyến cho bạn sang bệnh viện Thống Nhất làm khảo sát điện sinh lý.

Cách thứ hai như bác sĩ Ngân nói là bạn qua bệnh viện Thống Nhất khám (lúc đi khám thì không được BHYT đúng tuyến rồi), sau đó "khi có bác sĩ đề nghị cắt đốt thì bà quay lai đây tôi sẽ chuyển viện cho bà". Nếu bạn khám tại phòng khám bệnh viện Trưng Vương, uống thuốc mà không có cơn kịch phát trên thất nào xuất hiện nữa thì theo quy định và hướng dẫn hiện tại, bạn vẫn ưu tiên dùng thuốc tiếp tục, chứ không tự làm giấy chuyển tuyến qua bệnh viện khác cắt đốt điện sinh lý được.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:

Rối loạn nhịp tim là căn bệnh tim đặc trưng, do tần số hoặc nhịp tim bất thường, có thể quá nhanh, quá chậm, quá thất thường .... Bệnh này phổ biến nhiều hơn ở nam giới ở 70% các trường hợp, chỉ 30% là nữ giới.

Rối loạn nhịp tim xảy ra khi xung động điện ở tim hoạt động bất thường, được chia ra các dạng:

- Rối loạn tần số: nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm.  

- Tim hoạt động không đều: lúc nhanh, lúc chậm, lúc đập quá sớm ...

- Rối loạn vị trí: loạn nhịp bắt nguồn trong tâm nhĩ hoặc tâm thất.

- Mức độ thường xuyên hay đôi khi...

Có nhiều phương pháp được sử dụng để điều trị nhịp tim nhanh như:

- Thuốc điều trị: thuốc chống loạn nhịp tim để kiểm soát và khôi phục nhịp tim bình thường

- Liệu pháp phế vị: thao tác đặc biệt này được dùng để ngăn chặn chứng nhịp nhanh trên thất bằng việc tác động lên dây thần kinh phế vị và hệ thống thần kinh kiểm soát nhịp tim.

- Đốt điện (catheter ablation): các sóng điện sẽ đốt các ổ nhịp tim bệnh lý hoặc đốt đường dẫn truyền điện học phụ của tim ... để phòng ngừa nhịp tim không đều, nhịp nhanh.

-Sốc chuyển nhịp: tác động lên các xung điện để khôi phục nhịp tim bình thường.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X