Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm như thế nào?

Chiều ngày 9/4, BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên trả lời bạn đọc AloBacsi các câu hỏi về: điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm, cách sử dụng thuốc Alverin khi đang cho con bú, thời điểm lấy đinh do gãy xương bàn chân...

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - chuyên gia tư vấn của Alobacsi. Ảnh: Viết Hưởng
BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - chuyên gia tư vấn Nội tổng quát của AloBacsi. Ảnh: Viết Hưởng

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Lâm Thi - quatam...@gmail.com

Bác sĩ ơi,

Em đang nuôi con nhỏ còn bú mẹ mà em bị đau bụng kinh nên uống 4 viên thuốc Alverin/2 lần. Liệu cho bé bú khi dùng thuốc có ảnh hưởng gì không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Thuốc Alverin là một loại thuốc chống co thắt được sử dụng để làm giảm chứng sưng phù và cơn đau co thắt ở phần dạ dày dưới (vùng bụng). Các triệu chứng này thường liên quan với các bệnh đường ruột, hội chứng co thắt ruột kết và bệnh túi thừa.

Thuốc Alverin cũng có thể được sử dụng để giúp làm giảm các cơn đau bụng kinh. Hiện nay có rất ít thông tin về độ an toàn của Alverin đối với phụ nữ cho con bú. Một số ý kiến cho rằng thuốc có thể qua được sữa mẹ và gây ảnh hưởng đến hệ tiết niệu và tiêu hoá của trẻ nếu sử dụng liều cao hoặc kéo dài.

Do đó tốt nhất bạn không nên tự ý sử dụng thuốc trong giai đoạn cho con bú. Nếu chỉ mới sử dụng thuốc hai lần, bạn nên theo dõi sát vấn đề tiêu tiểu của trẻ, nếu xuất hiện bí tiểu hoặc táo bón thì nên cho bé đi khám bác sĩ bạn nhé!

Thân mến.


Thanh Nguyệt - TPHCM

Chào bác sĩ,

Em đang mang thai được 16 tuần. Khoảng 1 tuần gần đây em bị hắc lào. Em có mua thuốc Kentax về bôi trong 1 tuần và sau đó thì không sử dụng nữa. Em không biết thuốc Kentax có ảnh hưởng đến thai nhi không? Em cảm ơn bác sĩ.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Kentax có thành phần ketoconazol là thuốc kháng nấm rất thông dụng, khi sử dụng ngoài da, nếu dùng đúng liều lượng và thời gian cho phép, thuốc sẽ rất ít thấm vào máu và không ảnh hưởng đến thai nhi.

Trong giai đoạn mang thai, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa bạn nhé!


Lương Huy - TPHCM

Thưa bác sĩ,

Em 31 tuổi, bị bệnh thoát vị đĩa đệm hơn 1 năm rồi. Vậy em nên điều trị bệnh như thế nào ạ? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn bác sĩ.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Đĩa đệm cột sống gồm 2 thành phần chính là nhân nhầy ở giữa và lớp vòng sợi bên ngoài. Đĩa đệm chêm lót giữa 2 đốt sống, giúp cho các chuyển động cúi, ngửa, xoay, nghiêng… của cột sống được thực hiện linh hoạt và trơn tru hơn.

Đĩa đệm bị thoái hóa hoặc tổn thương là nguyên nhân khiến cho khối nhân nhầy bên trong vượt ra ngoài vòng sợi và chèn ép vào ống sống, rễ thần kinh, gây ra những biểu hiện đau, dị cảm, tê bì, yếu cơ, teo cơ… Đĩa đệm một khi đã thoát vị thường sẽ không bao giờ có thể trở lại được vị trí ban đầu, trừ khi phẫu thuật.

Bệnh thoát vị đĩa đệm thường gây đau lưng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Bệnh thoát vị đĩa đệm thường gây đau lưng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Tuy nhiên, chế độ tập luyện, sinh hoạt đúng cách có thể giúp cho bệnh ngưng tiến triển và giảm thiểu triệu chứng khó chịu. Các phương pháp tập yoga, massage, châm cứu hoặc tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của kỹ thuật viên đề có tác dụng rất tốt đối với bệnh.

Trong sinh hoạt, ban nên chú ý luôn giữ cột sống ở thế thẳng, không nên ngồi lâu, hạn chế khiêng vác nặng. Đặc biệt không nên cúi lưng bê vật nặng, cần uống nhiều nước mỗi ngày, duy trì trọng lượng hợp lý và thường xuyên tập thể dục.

Nếu triệu chứng không thuyên giảm mà ngày càng nghiêm trọng thì nên khám chuyên khoa Thần kinh để được can thiệp đúng thời điểm bạn nhé!

Thân mến.


Nguyen Van - nguyenvan...@gmail.com

Gửi bác sĩ,

Mẹ em năm nay 45 tuổi. Đợt tết vừa rồi mẹ bị đau lưng, có khi đau xuống chân, đi chụp X-quang ở Bệnh viện đa khoa tỉnh thì bác sĩ chẩn đoán là trượt đốt xương sống L3 giai đoạn 1, có kê đơn thuốc, tuy nhiên mẹ uống thuốc có dấu hiệu phát sốt nóng lạnh ở vùng xương sống vào buổi trưa, chiều thì đỡ hơn.

Như vậy bây giờ mẹ cháu phải điều trị và tập luyện như thế nào, có được làm những việc nhẹ không? Cảm ơn bác sĩ!


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Đau lưng, lan dọc xuống chân thường là biểu hiện của chèn ép rễ thần kinh, hay trước đây còn gọi là đau thần kinh toạ. Trượt đốt sống là một trong những nguyên nhân gây chèn ép như đã nêu trên, ở người lớn tuổi, trượt đốt sống thường do thoái hoá cột sống, do dây chằng hoặc bao khớp bị thoái hoá, giòn, rách đứt, từ đó làm cho khớp giữa các đốt sống bị yếu hoặc hư hỏng, không còn chắc chắn, các đốt xương sống không còn được gắn kết chặt chẽ với nhau nữa, dẫn đến việc chúng bị trật ra.

Trượt đốt sống cũng gây ra các triệu chứng giống như thoát vị đĩa đệm thắt lưng, gồm đau thần kinh tọa, tê, giảm hoặc mất cảm giác, yếu hoặc liệt chân, một bên hoặc hai bên. Trường hợp nặng có thể có teo cơ đùi, cơ cẳng chân. Đặc biệt, trượt đốt sống thắt lưng có thể gây ra các triệu chứng của hội chứng chùm đuôi ngựa như tê, giảm hoặc mất cảm giác vùng hội âm, rối loạn tiêu tiểu.

Trong giai đoạn đầu của bệnh có thể điều trị bảo tồn bằng thuốc giảm đau, tập vật lý trị liệu hoăc tiêm thấm. Trong sinh hoạt, mẹ bạn cần chú ý luôn giữ cột sống ở thế thẳng, không nên ngồi lâu, hạn chế khiêng vác nặng. Đặc biệt không nên cúi lưng bê vật nặng, cần uống nhiều nước mỗi ngày, duy trì trọng lượng hợp lý và thường xuyên tập thể dục.

Bác sĩ không rõ mẹ của bạn đang được điều trị với thuốc gì, tuy nhiên, bệnh trượt đốt sống cũng như các thuốc điều trị hiếm khi gây sốt. Do đó bạn nên đưa mẹ tới khám bác sĩ chuyên khoa Thần kinh để tìm nguyên nhân và điều trị bạn nhé!


Bảo Anh - Hà Nội

Chào bác sĩ,

Năm nay cháu 18 tuổi. Khoảng 1 tháng nay cháu cảm tháng mệt mỏi, chán ăn, bụng dưới chướng, cảm giác nằng nặng. 1 tuần nay cháu thấy bụng dưới to lên, vùng xung quanh rốn nổi cuộn dài có thể di chuyển được, dưới rốn bên phải cũng nổi 1 cục gì to.

2 tháng trước cháu có đi siêu âm ổ bụng nhưng không bị làm sao. Đi siêu âm phần phụ cũng không làm sao. Cháu có bệnh đại tràng, dạ dày.

Không hiểu cháu bị làm sao ạ? Vấn đề này có phải là nguyên nhân dẫn đến chậm kinh nguyệt, đau vùng thắt lưng không ạ? Mong bác sĩ tư vấn.


Triệu chứng đau bụng dưới. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Triệu chứng đau bụng chướng và to lên. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Thông qua mô tả, bác sĩ nghi ngờ em có dấu hiệu của bệnh lý ruột non hoặc đại tràng, có thể là bán tắc ruột, viêm ruột hoặc viêm đại tràng co thắt.

Thông thường các bệnh lý này khó phát hiện qua siêu âm ổ bụng, do đó, em nên tới bệnh viện có chuyên khoa tiêu hoá để bác sĩ thăm khám trực tiếp, xem xét chỉ định nội soi đại tràng hoặc CT scan bụng để làm rõ chẩn đoán và điều trị phù hợp em nhé!

Thân mến.


Hưng - demdong...@yahoo.com

Nhờ bác sĩ xem kết quả xét nghiệm máu:

Kết quả xét nghiệm của người bệnh 50 tuổi có các dấu hiệu lưu ý sau:

* Huyết học:

- Eos  6.2 (1-6%)

- Baso 1.5 (<1%)

* Sinh hóa :

- SGOT (ALT) 38.4 (<32)UI/L

- SGPT (ALT)48.0 (<33)UI/L

- Cholesterol TP 2.85 (3.85-5.67)mmol/L

- HDL Cholesterol  0.97 (1.1-1.7)mmol/L

- Triglycerides 3.04(<2.26)mmol/L

- Uric Acid 455 (155-357)umol/L

Các chỉ số khác bình thường. Vậy em có bị sao không bác sĩ? Em xin chân thành cảm ơn.

 
BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào chị,

Các chỉ số về tế bào máu (eosinophil và basophil) mà chị cung cấp là chỉ số phần trăm, cần phải so sánh tương quan với tỷ lệ chung các thành phần khác và số lượng tuyệt đối thì mới xác định được là có bệnh lý hay không. Nếu các chỉ số khác của công thức máu hoàn toàn bình thường chỉ có chỉ số phần trăm này thay đổi thường là không có bất thường, chị không nên quá lo lắng.

Men gan tăng (AST, ALT) thường do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có viêm gan siêu vi, viêm gan do rượu, do thuốc hoặc viêm gan nhiễm mỡ không do rượu. Về chỉ số, triglycerides và acid uric tăng nhẹ, chỉ số HDL giảm nếu là xét nghiệm lần đầu và không kèm theo bệnh lý tim mạch khác, chị có thể điều chỉnh bằng chế độ ăn và sinh hoạt. Cụ thể là:

- Để giảm acid uric máu, chị không nên ăn các thực phẩm có chứa nhiều axit uric như gan, các loại phủ tạng, nước ninh xương, luộc thịt…; hạn chế các loại hải sản, đậu đỗ..... có thể sử dụng ngũ cốc, các loại hạt, bơ, mỡ, trứng, sữa, phomát, rau quả…

- Để giảm triglyceride và tăng cường HDL (mỡ tốt), chị nên hạn chế thức ăn chiên xào, thịt mỡ, thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu cũng nên ăn hạn chế, tăng cường các loại rau xanh, trái cây ít ngọt, tránh dùng rượu bia, thuốc lá…

- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, vận động ít nhất 30 phút/ngày và ít nhất 5 ngày/tuần sẽ giúp ích rất nhiều cho sức khoẻ và ngăn ngừa lão hoá chị nhé!


Nguyen Vinh - nguyenminh...@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Năm may em 25 tuổi, gần đây em bị đau ngực ở ngay ức, người mệt mỏi, đôi lúc khó thở, thỉnh thoảng thấy buồn nôn và ợ. Em xin hỏi bác sĩ có phải em bị đau dạ dày không ạ? Trước em cũng đau ngực 1 lần cách đây khoảng 1 năm, bác sĩ chẩn đoán em bị viêm hang vị dạ dày.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Đau ngực thường do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả bệnh lý tim mạch, hô hấp, tiêu hoá, cơ xương khớp, thần kinh… Ở lứa tuổi của em, ít khi do nguyên nhân tim mạch nên em không cần quá lo lắng.

Dựa vào mô tả, bác sĩ nghi ngờ em bị trào ngược dạ dày thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản nằm trong nhóm bệnh lý rối loạn vận động thực quản do giảm trương lực cơ vòng thực quản dưới dẫn đến dịch vị trào ngược từ dạ dày lên thực quản, thường đặc trưng bởi các triệu chứng như: ợ nóng, nóng rát sau xương ức lan lên cổ, ợ chua, trớ…

Em nên khám chuyên khoa Tiêu hoá để bác sĩ đánh giá trực tiếp để đưa ra chẩn đoán chính xác và kê toa thuốc điều trị cho em nhé!

BS
BS Tố Uyên theo dõi kỹ câu hỏi do bạn đọc gửi để tư vấn kỹ càng và sâu sát tình trạng của người bệnh. Ảnh: Viết Hưởng

Phuong Anh - Phuong...@yahoo.com

Thưa bác sĩ,

Em 25 tuổi, cách đây khoảng 2 tuần, em phát hiện ngực bên trái của em có 1 cục cứng (ấn vào mới đau chứ để bình thường không đau). Sau đó 1 tuần em đi siêu âm, và được bác sĩ kê thuốc Progestogel về bôi. Dùng được khoảng 2 tuần, em thấy cũng không đỡ.

2 hôm nay em thấy trong người thỉnh thoảng nhói nhói (có phần hơi khó chịu, khó thở) ở phía bên trái (lúc thì ở sau lưng bên trái, lúc thì ở cánh tay bên trái, dưới vùng cánh tay). Em rất lo lắng, không biết bệnh có nghiêm trọng không? Mong các bác sĩ tư vấn và giúp đỡ em. Cảm ơn bác sĩ rất nhiều.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Một khối ở vùng ngực bên trái có thể sờ thấy được thường là u ở ngoài da, thường ít khi gây khó thở hay chèn ép thần kinh gây tê tay. Nếu được em vui lòng cung cấp kết quả siêu âm, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể hơn.

Như vậy, cảm giác khó chịu và khó thở của em có thể là do nguyên nhân khác, có thể là bệnh lý tim mạch, hô hấp, tiêu hoá, thần kinh, cơ xương khớp… Đa số các trường hợp thường là bệnh lý ít nguy hiểm như đau cơ xương, sụn sườn đơn thuần mà thôi.

Em nên tới bệnh viện để khám trực tiếp, bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm cần thiết để tìm nguyên nhân và điều trị em nhé!

Thân mến.

    
Bùi Tý - Bình Định

Dạ chào bác sĩ ạ,

Em bị tai nạn, chụp CT cắt lớp sọ não. Đã được 13 ngày nhưng em vẫn còn bị đau đầu. Em xuống khám lại thì bác sĩ bảo đi chụp CT lại. Em đọc trên mạng thấy chụp CT bị ung thư não. Mà 2 lần chụp gần nhau vậy có ảnh hưởng gì không ạ? Bác sĩ tư vấn giúp em. Cảm ơn bác sĩ ạ.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Chụp cắt lớp vi tính hay CT scan dựa trên nguyên lý sử dụng nhiều tia X-quang quét lên một khu vực của cơ thể theo lát cắt ngang phối hợp với xử lý bằng máy vi tính để được một hình ảnh 2 chiều hoặc 3 chiều bộ phận cần chụp.

Về lý thuyết, tia X là tia có bước sóng ngắn, năng lượng cao có thể gây ra một số tác hại trên tế bào cơ thể, nhất là với trẻ em.Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy chụp CT sẽ gây ung thư. Do đó, bác sĩ phải cân nhắc giữa lợi ích của xét nghiệm và nguy cơ xảy ra để quyết định có nên chụp hay không.

Đối với chấn thương đầu, nếu có dấu hiệu nghi ngờ như: nhức đầu nhiều kéo dài hoặc tăng dần, nôn ói, nhìn mờ, nhìn đôi, rối loạn cảm giác và/hay yếu liệt bất kỳ vùng nào trên cơ thể, co giật, nuốt khó, khó thở… thì có chỉ định chụp kiểm tra lại bạn nhé!

        
BS Tố Uyên là một trong những bác sĩ trẻ có tài, có tâm với người bệnh. Ảnh: Viết Hưởng
BS Tố Uyên là một trong những bác sĩ trẻ có tài, có tâm với người bệnh. Ảnh: Viết Hưởng

Đinh Thị Tú - tudi...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Cháu cắt amidan được 6 ngày rồi mà nước bọt cứ tiết ra liên tục, nuốt rồi lại có. Cháu thấy người khác cũng cắt amidan mà không có nước bọt nhiều như cháu. Vậy cháu có sao không ạ và khi nào thì hết tiết nhiều nước bọt ạ?


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Thông thường sau phẫu thuật amidan, niêm mạc họng thường xuyên tăng tiết, nên sẽ có cảm giác đau, vướng và như có dịch ứ lên trong họng.

Hiện tượng này xảy ra ở nhất nhiều trường hợp, không phải một mình em, không nên quá lo lắng. Em hãy nuốt nước bọt bình thường, hạn chế việc khạc nhổ. Khi vết mổ lành hẳn sẽ không còn hiện tương này nữa, em nhé!


Quang Duc - duucquan...@yahoo.com

Bác sĩ ơi,

Mẹ cháu bị mất ngủ 1 thời gian và nổi nhiều hạch bên cổ phải, sờ vào thì đau, nhưng nuốt nước bọt thì không thấy đau. Mẹ cháu đi khám thì người ta bảo bị hạch tuyến giáp. Bác sĩ cho cháu hỏi là bây giờ mẹ cháu nên uống thuốc gì là tốt nhất ạ? Cháu cảm ơn ạ!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Tuyến giáp to cần chú ý phân biệt bướu lành hay bướu ác, có rối loạn chức năng tuyến hay không. Phần bướu giáp to và đau cần chẩn đoán phân biệt với viêm giáp.

Do đó, bạn nên đưa mẹ khám chuyên khoa Nội tiết để khảo sát lại các vấn đề nêu trên thì mới có phương thức điều trị phù hợp bạn nhé!

Thân mến.


Sao Mai - cunghoa...@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Con bị gãy xương bàn chân, đã đóng đinh được 2 tháng. Vậy bao lâu thì lấy đinh ra được? Để chân thấp nó sưng lên làm con lo quá. Lấy đinh ra nó còn sưng như vậy nữa không?


Tình trạng gãy xương bàn chân. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Tình trạng gãy xương bàn chân. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Sau gãy xương có dùng dụng cụ cố định, cố định xương nhỏ với đinh có thể tháo đinh sau 6 tuần đến 3 tháng; cố định xương lớn với đinh nội tủy hoặc nẹp vít có thể tháo dụng cụ sau 6 tháng đến 1 năm. Sau chấn thương gãy xương, các mạch máu có thể bị tổn thương nhiều mức độ, gây ảnh hưởng đến việc hồi lưu máu về tim.

Do đó em nên hạn chế các động tác đứng lâu, ngồi lâu hoặc buông thõng chân, nên ngồi kê chân cao và tập vật lý trị liệu sớm để chân mau lành em nhé!


Nguyễn Xuân Dũng - Hà Tĩnh


Bác sĩ ơi,

Em năm nay 20 tuổi, đang là sinh viên. Em bị ù tai đã 3 năm nay, đi khám nhiều chỗ thì bảo điếc đột ngột không thể khôi phục. Tai em bị ù lâu nên em cố gắng sống chung với nó. Tiếng ù khi to khi nhỏ, nếu ù nhiều thì giảm sức nghe, tiếng ù nhỏ thì tai em vẫn nghe được, sức nghe tùy theo tiếng ù.

Em mong chương trình tư vấn giúp em cách giảm ù tai. Em đi học, làm việc nhiều với máy tính, thức đêm ạ.


BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Một số bệnh nhân gặp phải tình trạng điếc đột ngột sau khi thức dậy vào buổi sáng hay khi nghe điện thoại ở bên tai bị điếc. Việc nghe âm thanh quá lớn (tiếng nổ) cũng có thể khiến bạn bị điếc đột ngột. Ngoài ra, điếc đột ngột còn có kèm các dấu hiệu như ù tai, cảm giác nặng tai, chóng mặt, viêm nhiễm trùng hoặc chảy mủ tai…

Các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm viêm nhiễm vùng tai giữa và tai trong, tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn có cường độ lớn, sau chấn thương đầu, nhiễm độc tai cho thuốc, chất kích thích, khối u não…

Như vậy việc tìm nguyên nhân sẽ quyết định bệnh có điều trị được hay không và phương pháp điều trị là gì. Bạn nên khám tại chuyên khoa Tai ở bệnh viện Tai Mũi Họng để được đo thính lực, tìm nguyên nhân và điều trị bạn nhé!

Thân mến.


Viet Anh - vvanh...@gmail.com

Chào AloBacsi,

Kính mong chương trình cho em hỏi kết quả xét nghiệm như thế này thì là gì ạ?


Kết quả xét nghiệm do bạn đọc cung cấp
Kết quả xét nghiệm do bạn đọc cung cấp

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Dựa trên kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp có hiện tượng suy giáp dưới lâm sàng, kháng thể anti TPO tăng gợi ý bệnh cảnh viêm giáp tự miễn.

Tuỳ vào biểu hiện lâm sàng, tuổi và bệnh lý nền của bệnh nhân sẽ có hướng xử trí khác nhau. Bạn nên khám chuyên khoa Nội tiết để được tư vấn và điều trị bạn nhé!

Thân mến.


Mai Trí Hùng - Bình Dương

Chào bác sĩ,

Con tôi khám mắt, bác sĩ ghi kính điều chỉnh Mp: - 450 ( -150x15) , MT - 350 (- 150x175). Vậy con tôi cận mấy độ, xin bác sĩ cho biết. Cám ơn bác sĩ.



Kết quả khám mắt do bạn đọc cung cấp
Kết quả khám mắt do bạn đọc cung cấp

Chào chị,

Theo kết quả đo mắt thì cháu có cận thị mắt phải 4,5 độ; mắt trái 3,5 độ. Cả hai mắt đều loạn thị 1,5 độ với trục khác nhau. Do đó chị nên cho bắt cắt kính ở bệnh viện chuyên khoa Mắt để đảm bảo đúng độ và phù hợp với mắt cháu chị nhé!

Thân mến.

AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên đã dành thời gian để giải đáp những thắc mắc của bạn đọc. Xin hẹn bác sĩ vào lần tư vấn tiếp theo.

Thực hiện: Hải Yến - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X