Hotline 24/7
08983-08983

Điện giật tác động thế nào tới cơ thể và xử lý khi có người bị điện giật

Điện giật là tai nạn gây ra bởi dòng điện chạy qua cơ thể. Điện giật sẽ làm tổn thương các vùng cơ thể có dòng điện chạy qua, tùy theo cường độ dòng điện, thời gian bị điện giật...Thông thường, bị điện giật sẽ dẫn tới 2 tổn thương thường gặp : bỏng và ảnh hưởng các mô bên trong.

Những tai nạn điện giật thoáng qua, chỉ gây tê ở vùng tiếp xúc với dòng điện, không có tổn thương cháy thịt có thể không cần đưa tới bệnh viện.

Tuy nhiên, nếu bị điện giật nặng có thể làm co giật mạnh, gây bỏng, hoại tử và rối loạn các cơ quan trong cơ thể, xáo trộn sinh lý dẫn đến nguy cơ suy hô hấp, suy tim thậm chí ngừng thở. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bị điện giật sẽ thiệt mạng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xét về mặt sinh học, khi bị điện giật bởi dòng điện có cường độ lớn, sẽ khiến cho cơ bắp, tim, phổi bị co giật mạnh gây ngưng hệ tuần hoàn. Nếu dòng điện được truyền qua não thì hệ thần kinh trung ương sẽ bị phá hủy.

Bên cạnh đó, về mặt điện phân, khi bị điện giật máu trong cơ thể phân hủy dẫn tới tình trạng các thành phần trong mô và máu bị phá vỡ.

Theo các chuyên gia, cơ thể con người sẽ những biến đổi nhanh chóng nếu bị điện giật nặng, không cứu chữa kịp thời.

Cụ thể, lúc này người bị điện giật sẽ đồng thời gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng như mất ý thức tạm thời, thiếu máu và oxy lên não, điếc tai, sặc, ngừng hô hấp, vỡ tế bào, bỏng da, suy thận, tắc vỡ mạch máu, bỏng mắt, cháy máu, co giật, co cứng tim gây ngừng đập, loét, chảy máu dạ dày, rối loạn hệ miễn dịch...

Trả lời trên Zing, bác sĩ Cao Xuân Phúc (Bệnh viện Quân y 103) cho hay, nạn nhân bị điện giật có thể gặp nhiều tổn thương trầm trọng.

Tổn thương bên ngoài có khi chỉ là một đốm cháy đen nhỏ như đầu tăm, nhưng vài ngày sau nó sẽ hoại tử toàn bộ cánh tay, cẳng chân và có thể thiệt mạng sau đó vài ngày.

Vì thế, tất cả các tai nạn điện giật có tổn thương xém thịt ở điểm dòng điện vào đều phải được chuyển lên Viện bỏng quốc gia xử lý mà không qua bất kỳ một bệnh viện trung gian nào.

Ngoài ra, khi bị điện giật, sau khi được cứu ra khỏi dòng điện hoặc nơi có điện, nạn nhân cần được chuyển đến các bệnh viện nơi gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Các bước xử lý khi người bị điện giật?

- Tuyệt đối không lao vào vồ hoặc ôm nạn nhân. Nhanh chóng tìm cách ngắt bỏ nguồn điện (nếu có thể)

- Đi/đứng trên một vật có khả năng cách điện (dép nhựa, ủng cao su, phiến đá, tảng đá, chồng gạch, khúc gỗ...)

- Dùng thanh gỗ, củi, que nhựa, cán cuốc, cán xẻng gẩy bỏ dây điện ra khỏi người nạn nhân, càng sớm càng tốt.

- Tuyệt đối không lại gần và không dùng tay nhấc dây điện ra.

- Tách dây điện ra khỏi hiện trường, bế xốc nạn nhân lên, ra khỏi vùng có dây điện, đặt xuống nền nhà.

- Sau khi đã ngắt điện, nếu người bị nạn bất tỉnh thì kiểm tra nhịp thở, mạch đập và cấp cứu hà hơi thổi ngạt, ấn tim khi cần thiết. Thực hiện kỹ thuật hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực cho đến khi nào bệnh nhân tỉnh lại, ho sặc sụa, tự thở được thì dừng.

- Khi cứu người nên hô hoán người giúp đỡ, gọi xe cấp cứu, chuyển thật nhanh bệnh nhân đến cơ sở y tế nơi gần nhất.

- Nếu người bị nạn gần như bình thường, không bị thương tích thì khuyên người bị nạn nghỉ ngơi và theo dõi, nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ bệnh trở nặng thì đưa ngay người bị nạn tới cơ sở y tế gần nhất.

Ngày 2/12/2018, Khoa Khám bệnh - Cấp cứu lưu , bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn H., 25 tuổi, ở TP. Hạ Long bị điện giật, nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, da niêm mạc tái nhợt, chân tay lạnh...

Gia đình cho biết, H. bị điện giật tại nhà, sau đó thở ngáp, được người nhà sơ cứu ép tim, hô hấp nhân tạo trước khi chuyến đến bệnh viện

Kết quả khám lâm sàng cho thấy bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim, đồng tử 2 bên giãn tối đa, không phản xạ với ánh sáng.
Nhận định tình trạng cấp bách, mạch tim 0 ck/phút, mạch ngoại vi không bắt được... bác sĩ lập tức bóp bóng qua nội khí quản, ép tim ngoài lồng ngực, tiêm Adrenaline cho tim...

Sau 6 lần thực hiện cấp cứu liên tục, bệnh nhân có mạch, điện tim có sóng, sau đó tiếp tục được sốc điện liều 200 J. May mắn, tim bệnh nhân tăng dần lên 60 lần/phút, chuyển sang lơ mơ, đồng tử có phản xạ ánh sáng.

Bệnh nhân nhanh tróng được hội chẩn, chỉ định nhập Khoa Hồi sức cấp cứu điều trị cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp bằng khí dung, thuốc giãn phế quản, lọc máu liên tục, duy trì vận mạch...

Sau 1 ngày điều trị, hiện bệnh nhân tiến triển tốt, gọi hỏi đáp ứng, tiên lượng tốt, tiếp tục chăm sóc và theo dõi.

Bác sĩ Ân Hoàng Yến, Khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, đây lần đầu tiên BV cấp cứu thành công trường hợp tim ngừng đập trong thời gian dài như vậy.

Thái Đăng tổng hợp

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X