Hotline 24/7
08983-08983

Điểm danh những bệnh da liễu thường xuyên gặp trong mùa hè

Theo thống kê của các bác sĩ BV Da liễu Trung ương, mùa hè, khoảng 20% bệnh nhi đến khám là do bị sẩn ngứa côn trùng cắn. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ mắc rôm sảy, viêm da tiếp xúc do dị ứng ánh sáng… cũng gia tăng mạnh.


Soi da đầu cho bệnh nhân tại khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ảnh: T.Nguyên

Soi da đầu cho bệnh nhân tại khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Da liễu Trung ương. Ảnh: T.Nguyên

20% bệnh nhi khám vì sẩn ngứa do côn trùng cắn

Tại BV Da liễu Trung ương, mỗi ngày có hàng nghìn bệnh nhân tới khám và điều trị. Theo BS Hoàng Thị Phượng, Phó Trưởng khoa Điều trị Bệnh da phụ nữ và trẻ em, với điều kiện khí hậu nhiệt đới của nước ta, mùa hè nóng ẩm làm mồ hôi tiết ra nhiều, bụi bẩn bám vào da, cùng với sự phát triển của nhiều vi sinh vật trên da làm cho tỷ lệ bệnh da tăng lên. BS Phượng cho biết, các bệnh về da thường gặp trong mùa hè như viêm nang lông, chốc lở, mụn, nhọt, viêm kẽ, sẩn ngứa do côn trùng, nhiễm nấm lông ở da (hắc lào)… Trung bình, vào mùa hè, khoa điều trị cho khoảng 3.000 ca bệnh chốc, 8.000 lượt bệnh nhân mắc sẩn ngứa hay 1.000 lượt bệnh nhân viêm kẽ… Những con số này đều tăng hơn nhiều so với mùa đông.

Các bác sĩ cho biết, chớm hè, bệnh gia tăng nhất là bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng do ánh sáng và dị ứng côn trùng, rôm sảy. BS Hoàng Thị Phượng cho biết, có tới 20% ca bệnh vào khám, điều trị do bị sẩn ngứa do côn trùng. Bệnh này thường gặp ở 3 - 4 tuổi bắt đầu đi nhà trẻ và tuổi vào cấp tiểu học. Bởi ở tuổi này, trẻ chưa có ý thức giữ gìn da, trẻ cào gãi nhiều, làm tăng tổn thương, tạo ra các “vẩy hoa” lốm đốm trắng - đen, đây chính là đặc trưng của bệnh.

Cũng theo BS Hoàng Thị Phượng, sai lầm thường gặp nhất khi điều trị viêm da dị ứng côn trùng là nhiều bố mẹ tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc bôi. Trong khi với trẻ em, thuốc bôi phải dùng loại nhẹ, nhưng người bán thuốc có thể không biết nên cho loại có thành phần corticoid nặng, gây biến chứng, nếu sử dụng bôi kéo dài có thể gây nhiễm trùng, giãn mạch da biểu hiện nhìn rõ các mạch máu nhỏ, cảm giác da mỏng hơn rất nhiều. “Có những trường hợp thấy con bị vết côn trùng cắn, sưng to, cha mẹ lấy các loại lá nhai sau đó đắp vào vết sưng, làm tăng mức độ tổn thương, gây nhiễm trùng, bội nhiễm. Mỗi mùa, tỷ lệ điều trị không đúng vào viện khoảng 10%”, BS Hoàng Thị Phượng nói.

Tiếp xúc ánh sáng thường xuyên sẽ tăng nguy cơ ung thư da

Một bệnh về da liễu thường gặp khác vào mùa nắng nóng được ghi nhận là bệnh rôm sảy. Theo BS Hoàng Thị Phượng, rôm sảy thường thành đám, mảng lớn ở các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như: Ngực, lưng, trán…, ở một số bé có cả vùng kẽ lớn như nách, bẹn, thậm chí toàn thân. Dù tỷ lệ trẻ bị rôm sảy đến khám tại viện không thực sự cao hơn các bệnh khác vì có thể điều trị tại nhà, nhưng không phải là không có biến chứng. Nhiều bậc phụ huynh khi thấy con bị rôm sảy, đã cho con tắm các loại lá cây, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, các bà mẹ thường sợ con mình bị lạnh nên quấn tã, lót, mặc nhiều quàn áo gây bí, mồ hôi tiết ra không bay hơi được. Bệnh nếu không điều trị có thể dẫn tới các biến chứng như: Bội nhiễm thêm vi khuẩn, nấm. Thậm chí, có trường hợp biến chứng toàn thân như viêm cầu thận do nhiễm khuẩn ở da.

Các bác sĩ cũng cảnh báo, mùa hè, tình trạng bỏng da liên quan đến ánh nắng thực sự đáng ngại, đặc biệt là những người có nghề nghiệp bắt buộc phải ra nắng thường xuyên trong điều kiện ánh nắng cường độ mạnh như: Công nhân xây dựng, thợ điện… Trong khi đó, một số bệnh da lại có nguyên nhân do ánh nắng hoặc nặng lên khi đi ra nắng. Các bệnh da nhạy cảm ánh sáng như bệnh Luput ban đỏ, viêm bì cơ nặng lên vào mùa hè. Bệnh porphirin da và pellagra cũng tổn thương nặng hơn khi vào hè. Một số bệnh gây ra do phơi nhiễm nhiều với ánh sáng mặt trời như: bệnh sẩn ngứa đa dạng do ánh sáng, viêm da ánh sáng, khô da sắc tố đều nặng hơn trong mùa hè và tổn thương da thường xuất hiện ở các vùng da hở…

BS Hoàng Thị Phượng nhớ lại, cách đây không lâu, một bệnh nhân nam đến khám ở viện trong tình trạng “da cháy”. Bệnh nhân kể, anh có tắm biển vào đúng giữa trưa, lúc có cường độ ánh sáng cao nhất. Ngay khi vừa lên bờ, trên da anh xuất hiện ban đỏ, bỏng rát ranh giới rất rõ giữa vùng có và không tiếp xúc ánh sáng. Sau đó, da anh này xuất hiện mụn nước, bọng nước trên nền da đỏ như tôm luộc. Khi mụn nước, bọng nước vỡ, da bệnh nhân bong vảy da mỏng, khiến da bị tổn thương nặng, bị rát thâm trong thời gian dài.

“Nếu tiếp xúc với ánh sáng thường xuyên, liên tục, kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ ung thư da, đặc biệt là ung thư tế bào đáy”, BS Hoàng Thị Phượng cảnh báo.

BS Hoàng Thị Phượng cho biết: “Việc quấn tã, lót, bỉm hàng ngày làm cho trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc rôm sảy cao hơn do mồ hôi tiết ra không thoát ra được. Ngoài ra, có thể làm trẻ dễ mắc các bệnh như: Viêm kẽ do nấm, do vi khuẩn. Chúng tôi không khuyến khích việc bôi phấn rôm cho trẻ để điều trị rôm sảy bởi việc này càng khiến tình trạng dính trên bề mặt da nhiều hơn, khiến trẻ càng dễ bị “bí da”, dễ bị viêm da hơn”.

Theo Thu Nguyên - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X