Hotline 24/7
08983-08983

Dịch tay chân miệng vẫn lan nhanh do tuyên truyền “lệch”

Trong khi 80% người bệnh tay chân miệng lây tại nhà, 41% lây từ mẹ sang con thì việc tuyên truyền biện pháp phòng bệnh vẫn chưa được chú ý.

 
Nhiều cha mẹ đưa con đi khám bệnh hoàn toàn không hiểu gì về bệnh TCM

 

Tuần vừa rồi diễn ra 2 sự kiện: Tại một cuộc họp, Bộ Y tế đánh giá “các cơ sở y tế dự phòng đã chủ động trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong phạm vi, địa bàn được công bố, củng cố hệ thống giám sát dịch bệnh, xây dựng và phát triển hệ thống cảnh báo dịch sớm, chủ động giám sát dịch tễ để phát hiện các nguy cơ ô nhiễm và bệnh dịch… Kết quả đã không để các dịch bệnh lớn xảy ra…”.

 

Sự thực có đúng như kết luận khi đồng thời, Bộ Y tế cũng báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về tình hình bệnh tay - chân - miệng (TCM)? Theo đó, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khi đã lan tới 61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với 52.321 trường hợp mắc bệnh và 109 trường hợp tử vong.

 

Hai tháng trở lại đây, lượng người mắc bệnh duy trì ở mức cao với hơn 2.000 ca mỗi tuần. Ngày 20/9, Hà Nội đã có trường hợp bệnh nhi đầu tiên tử vong do bệnh này, càng cho thấy, việc chống dịch phải được nhìn nhận một cách thẳng thắn.

 

Vẫn biết, phòng chống bệnh TCM là rất khó khăn, do hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt tỷ lệ người lành mang trùng cao nên dịch bệnh lây lan rất khó lường. Nhưng việc dịch bệnh lan rộng và nhanh, đã cho thấy, có vẻ như, công tác y tế dự phòng “có vấn đề”.

 

Công tác giám sát dịch TCM của các trung tâm y tế dự phòng tại các địa phương chưa thường xuyên cập nhật thông tin, còn bỏ qua các yếu tố dịch tễ và nguy cơ. Phần lớn cán bộ hoạt động về y tế dự phòng chưa được đào tạo chuyên sâu, nhất là mảng dịch tễ học, nên thiếu khả năng phân tích, đánh giá. Có nơi còn chủ quan trước dịch bệnh.

 

Chính quyền nhiều địa phương còn thờ ơ, khi hầu hết đều coi đây là việc của ngành Y tế, dẫn đến không chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Đó cũng là nguyên do để ý thức về mức độ nguy hiểm của dịch TCM trong cộng đồng, nhất là các cơ sở giáo dục trẻ nhỏ, còn hạn chế.

 

Bên cạnh đó, mặc dù Bộ Y tế đã có phác đồ điều trị cùng nhiều phương tiện, thuốc men phục vụ công tác phòng chống dịch, nhưng hiện tượng lây chéo giữa các bệnh viện, nhất là tuyến cơ sở, chưa được quản lý tốt. Việc lây nhiễm bệnh khi nằm viện điều trị là điều không ai có thể nghi ngờ và là thách thức trong việc ngăn chặn dịch bệnh và giảm thiểu số người mắc, tử vong.

 

Nhiều cha mẹ đưa con đến bệnh viện, vẫn không biết gì về bệnh tay - chân - miệng.

 

Trong tháng 8 và 9/2011, Bộ Y tế đã có nhiều đoàn kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh TCM ở những nơi dịch bùng phát mạnh nhưng xem ra, hiệu quả còn mờ nhạt. Bằng chứng là dịch bệnh vẫn cứ lan rộng và gia tăng cả về số người mắc lẫn số tử vong.

 

Trong bối cảnh đó, một vấn đề rất quan trọng để phòng chống dịch bệnh TCM là công tác truyền thông của ngành Y tế. Từ TƯ tới các Sở Y tế địa phương, đều có bộ phận truyền thông đầy đủ với các trang thiết bị cần thiết, song có thể thấy, lĩnh vực này chưa làm tròn nhiệm vụ.

 

Chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã lên tiếng về sự yếu kém của công tác truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh TCM khi đi kiểm tra dịch bệnh tại TPHCM.
 
mắc bệnh và tử vong phụ thuộc nhiều vào kiến thức, thái độ, hành vi của người chăm sóc trẻ trong việc vệ sinh phòng chống bệnh TCM, nên nếu truyền thông đúng và hiệu quả thì dịch đã không bùng phát quá mạnh như hiện nay, cũng như ở nhiều địa phương, tỉ lệ người dân dùng hóa chất chống dịch đúng cách chỉ chiếm tỉ lệ chưa đến 30%.

 

Dẫu người mắc lên tới trên 5,2 vạn người với số chết cả trăm, mà số ca mắc bệnh vẫn giảm rất chậm do sự thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ chuyển biến chậm. Đây là đánh giá của chính Bộ Y tế.
 
Cũng vì thế, trong khi 80% người bệnh bị lây tại gia đình, 41% lây từ mẹ sang con, thì việc tuyên truyền biện pháp vệ sinh cá nhân phòng bệnh vẫn chưa được chú ý, mà lại chú trọng vào vệ sinh môi trường, đồ chơi trẻ em. Rõ ràng, tuyên truyền phòng bệnh “lệch” cũng góp phần để dịch bệnh không được kiềm chế.

 

Nhìn nhận lại tình hình, không chỉ để quy trách nhiệm, mà còn để rút kinh nghiệm cho những gì ngành Y tế và các địa phương chưa làm được trong giai đoạn vừa qua, đồng thời thấy rõ những khó khăn của công tác phòng, chống dịch TCM vẫn ngồn ngộn ở phía trước.

 

Do đó, nếu không mạnh tay chống dịch với các giải pháp quyết liệt hơn, để các cấp chính quyền phải vào cuộc, chắc chắn con số mắc và tử vong do TCM chưa dừng lại.
 
Các địa phương, y tế cơ sở cần tăng cường giám sát, để kịp thời phát hiện và khoanh vùng, xử lý các ổ dịch, đồng thời lưu mẫu các trường hợp bệnh nặng có biến chứng, để xác định typ virus gây bệnh, nhằm sớm có thể đưa ra các giải pháp ứng phó trong điều trị và dự phòng.

 

Trao đổi với PV Báo CAND vào ngày 23/9, TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết: Dịch bệnh TCM sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, làm gia tăng số ca mắc bệnh và tử vong. Bởi các địa phương trong cả nước đã có dịch và nhất là các tỉnh phía Nam của Trung Quốc dịch bệnh TCM cũng đang diễn biến phức tạp.

 

Theo Thanh Hằng - Công an nhân dân

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X