Hotline 24/7
08983-08983

Dịch tả heo châu Phi ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Chiều 4/3, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến dịch tả heo châu Phi: Dịch tả heo châu Phi có nguy hiểm không? Bệnh lây qua những đường nào? Cách phòng tránh dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe…?


NỘI DUNG TƯ VẤN

Câu 1 - Thưa bác sĩ, virus gây ra bệnh dịch tả heo châu Phi là virus gì? Vì sao nó lây lan rộng và làm tỷ lệ heo chết cao như vậy ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Virus gây ra bệnh dịch tả heo châu Phi là virus African swine fever được gọi tắt là ASFV.

Bệnh dịch tả heo châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya, châu Phi vào năm 1921 và sau đó lây lan nhanh chóng, trở thành dịch bệnh địa phương tại nhiều nước châu Phi. Năm 1957, bệnh dịch tả heo châu Phi được phát hiện tại châu Âu. Sau đó, dịch bệnh này đã xuất hiện ở rất nhiều nước trên thế trong đó có Mỹ. Từ cuối năm 2017 đến nay, có 12 quốc gia (bao gồm: Trung Quốc, Liên Bang Nga, Tiệp Khắc, Hunggari, Latvia, Moldova, Phần Lan, Rumani, Nam Phi, Ukraina và Zambia) báo cáo có dịch tả lợn châu Phi...

Đây là một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra thông qua đường hô hấp và tiêu hóa, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài heo, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi của heo và mọi loại heo do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus.

Đây là chủng độc lực cao, khó điều trị và không có vaccine phòng ngừa do virus này có sức đề kháng cao trong môi trường và có khả năng kháng khuẩn và khử trùng (Virus này sống rất khỏe và có thể tồn tại nhiều tuần hoặc vài tháng trong thịt heo đã chế biến và được bảo quản hoặc thịt muối).

Ngoài ra, do chuồng trại không được vệ sinh sạch sẽ, không tiến hành khử trùng định kỳ để diệt vi khuẩn, virus gây bệnh, do thói quen xả rác bừa bãi của người dân.

Do các yếu tố trên nên nó lan rộng và làm tỉ lệ heo chết rất cao lên đến 100%.

Thân mến.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - Chuyên gia tư vấn sức khỏe quen thuộc của chương trình. Ảnh: Hoàng Long.

Câu 2 - Virus dịch tả heo châu Phi lây nhiễm qua đường nào? Có lây cho người không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Dịch tả heo châu Phi được xếp vào loại bệnh nguy hiểm bởi nguyên nhân gây bệnh từ virus, cơ chế lây bệnh nhanh chóng và qua nhiều đường truyền bệnh khác nhau như thông qua đường tiêu hóa ăn uống, qua đường hô hấp, thông qua các vùng da bị trầy xước, tinh dịch,…

Virus gây dịch tả có thể nhiễm bệnh qua phân, nước tiểu, nước bọt, vì vậy khả năng lây lan trong heo là rất cao. Dịch tả heo châu Phi có thể truyền nhiễm từ heo mẹ sang heo con, từ chuồng trại không vệ sinh tốt.

Virus tả heo châu Phi không trực tiếp lây sang cho người mà gián tiếp lây lan qua thịt heo đã chế biến nấu chưa kỹ hoặc còn tươi.

Thân mến.

Virus dịch tả heo châu Phi không lây trực tiếp sang người. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.
Câu 3 - Theo báo đài, do biến động của giá thịt heo tăng cao, đã có hiện tượng thương lái nhập lậu thịt heo vận chuyển trái phép vào Việt Nam để tiêu thụ làm tăng nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi. Nếu trong số heo nhập lậu có mang bệnh dịch tả heo châu Phi thì người ăn phải gặp nguy hiểm gì?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Virus tả heo Châu Phi  không gây bệnh trực tiếp qua người nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt… Heo bị tả mà mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người là vì làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi ăn tiết canh, ăn thịt heo bệnh, chưa nấu chín kỹ.

Thân.

Câu 4 - Làm cách nào để người nội trợ phân biệt thịt heo bệnh và thịt heo an toàn, thưa bác sĩ? Thịt heo bị bệnh dịch tả có đặc điểm riêng để nhận diện không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Để an toàn phòng bênh thì người nội trợ nên mua thịt heo tại siêu thị hay các cửa hàng bán thực phẩm sạch uy tín, có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng.

Ngoài ra, có thể mua thịt heo tại các quầy sạp chợ đã được cơ quan thú ý kiểm dịch, không   nên mua thịt heo không rõ xuất xứ, không mua thịt heo tại các vùng nằm trong ổ dịch.

Để phân biệt thịt heo an toàn và heo bệnh ta cần nên quan sát bằng cách:

1/ Nhìn màu sắc: Thịt an toàn thường có màu đỏ tươi tự nhiên. Phần mỡ trắng trong hoặc trắng sáng, phần da màu trắng hồng không có vết trầy xước và cũng không có đốm.

Nếu thấy miếng thịt xuất hiện những mãng bầm màu nâu, xám, đỏ thâm hoặc xanh nhạt, phần da có nhiều nốt bầm, xuất huyết li ti như đốt muỗi cắn có nghĩa miếng thịt đó đã bị nhiễm bệnh.

2/ Sờ: Thịt heo tươi an toàn thì có độ đàn hồi cao, khi lấy ngón ta ấn vào thịt không để lại vết lõm và không bị dính. Thịt không bị rỉ nước, ướt, thớ thịt chắc.

Ngược lại, thịt heo mắc bệnh khi ấn ngón tay sẽ lõm sâu khi ấn và không trở về trạng thái bình thường. Thịt bủn, nhão, dính tay, rít, nhớt.

Cần quan sát kỹ, nhất là những vùng thịt có gân mỡ như thịt vai, thịt bắp, thịt thủ. Nếu thấy những hạt trắng như hạt gạo nếp thì đó chính là ấu trùng sán tập trung thành từng bọc, tuyệt đối không nên mua.

Câu 5 - Thịt heo bệnh sau khi đông đá rồi rã đông thì virus dịch tả đã bị tiêu diệt chưa?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

- Thịt heo bệnh sau khi đông đá rồi rã đông thì virus dịch tả không bị tiêu diệt do:

- Virus này chủng có độc lực cao, có sức đề kháng cao trong môi trường, có khả năng kháng khuẩn và khử trùng.

Thịt bị nhiễm bệnh thì virus tồn tại trong thời gian 5-6 tháng trong nhiệt độ lạnh -20°C,  Virus có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C trong 70 phút hoặc ở 60°C trong 20 phút.

Bệnh dịch tả heo châu Phi chỉ xảy ra ở heo (không lây nhiễm, gây bệnh ở người) với tốc độ lây rất nhanh. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Câu 6 - Nhờ BS hướng dẫn cách chế biến thịt heo để tiệt trừ virus gây bệnh? (phân biệt thớt…)

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Cách chế biến thịt heo để tiệt trừ virus gây bệnh như sau:

- Nên mua thịt heo an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng.

- Trước khi chế biến, thịt heo cần được rửa sach, nấu chín kỹ (không ăn thịt tái hồng đào, tiết canh…)

- Không nên để chung thịt heo sống và thịt heo đã nấu chín trong cùng một ngăn của tủ lạnh/ tủ đông.

- Không sử dụng dao, thớt để xắc thịt heo sống chung với thịt heo đã nấu chín và các thực phẩm khác, vì sẽ virus gây bệnh sẽ dễ lây lan.

Thân.

Câu 7 - Cộng đồng không nên ăn những món ăn nào từ thịt heo để đảm bảo an toàn cho sức khỏe? Nếu lỡ ăn rồi thì cần theo dõi những biểu hiện nào của cơ thể, và theo dõi trong bao lâu?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Cộng đồng không nên ăn thịt luộc lòng đào, tiết canh vì nếu ăn nhầm thịt heo nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nên ăn thịt nẫu chín kỹ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nếu lỡ ăn nhầm thịt heo nhiễm tả châu Phi thì người bệnh thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, xuất huyết ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc tiêu hóa, nặng hơn là viêm màng não. Nếu xuất hiện các triệu chứng nêu trên thì nên sớm đến BV để BS khám, chẩn đoán xác định và có hướng điều trị thích hợp.

Câu 8 - Nếu xuất hiện heo chết vì bị dịch tả, một số hộ dân có thói quen vứt bỏ xác heo bệnh xuống sông (thay vì tiêu hủy) thì những người ăn uống, tắm giặt ở nguồn nước đó gặp nguy hiểm gì? Và họ cần làm gì khi đã lỡ sử dụng nguồn nước đó?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Nếu người ăn uống, tắm giặt ở nguồn nước thì nguy cơ nhiểm bệnh đường tiêu hóa rất cao như bệnh dịch tả, thương hàn, nhiễm giun sán,…

Khi đã vô tình sử dụng nước bị nhiễm bệnh thì người dân nên lọc nước sạch, ăn chín uống sôi, không nên ăn uống thức ăn, thức uống nấu quá 24 giờ vì sẽ bị nhiễm khuẩn lại.

Thân.

BS Trịnh Ngọc Bình tư vấn cho độc giả AloBacsi. Ảnh: Hoàng Long.

Câu 9 - Theo BS, trẻ em và người già, phụ nữ mang thai cần lên kế hoạch bảo vệ sức khỏe để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh trong thời điểm hiện tại?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Vì chưa có vaccin phòng ngừa tả châu Phi do đó cần phải:

- Mua thực phẩm ở nơi uy tín.

- Ăn chín, uống sôi (thịt heo cũng như tất cả loại thịt sống khác cần được chế biến kỹ trước khi ăn, vì chúng có thể chứa nhiều tác nhân gây bệnh. Nên giữ lạnh và để riêng biệt thịt heo sống với các thực phẩm khác trước khi nấu)

- Đảm bảo dùng nước sạch sinh hoạt.

- Vệ sinh môi trường sạch đẹp, vệ sinh cá nhân (rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh).

- Hạn chế tập trung ăn uống đông người.

- Ăn uống đầu đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.


Câu 10 - Bác sĩ có lời căn dặn nào nhằm bảo vệ sức khỏe gửi đến những người đang trực tiếp nuôi heo và các gia đình sinh sống gần hộ nuôi heo?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Để bảo vệ sức khỏe cho người nuôi heo và cộng đồng xung quanh thì trang trại nuôi heo phải tốt và đạt chỉ tiêu để hạn chế và ngăn chặn mầm bệnh như:

- Chọn giống heo tốt khỏe mạnh, rõ nguồn gốc.

- Tiêm ngừa đầy đủ.

- Tắm rửa, sát khuẩn sạch sẽ trước khi đưa vào chuồng nuôi.

- Chuồng trại sạch sẽ, heo ở thoải mái, không chật chội, khử trùng thường xuyên chuồng trại.

- Xử lý nước thải tốt, không để rò rỉ ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

- Chế độ ăn uống cho heo phải sach sẽ an toàn.

- Cách ly heo bệnh, mời bác sĩ thú y kiểm tra heo bệnh, xác định nguyên nhân, nếu là virus dịch tả thì nên tiêu hủy để tránh lây lan.

Thân mến!

AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã dành thời gian quý báu tư vấn thắc mắc cho bạn đọc. Ảnh: Hoàng Long.


AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã dành thời gian chia sẻ những thông tin hữu ích về bệnh dịch tả châu Phi, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh, nguyên nhân và cách phòng tránh dịch bệnh.

Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào lần tư vấn tiếp theo! Chúc BS thật nhiều sức khỏe!

Trân trọng.

Thực hiện: Mỹ Thi - Hoàng Long
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X