Hotline 24/7
08983-08983

Dị vật tiêu hóa, không đươc xử lý sai

Khi xuống dạ dày, ruột, dị vật có thể làm chảy máu, thủng ống tiêu hóa ở bất cứ đoạn nào, gây viêm màng bụng, nhiễm trùng - nhiễm độc rất nặng, tất chết nếu không được phẫu thuật kịp thời.

Hình chiếc kẹp tóc trên film Xquang thường quy.
Hình chiếc kẹp tóc trên film Xquang thường quy.

Nhiều ca bệnh nguy kịch

Ngày 24.11, một cụ bà 67 tuổi, vào BV E, Hà Nội do thấy nuốt vướng và cảm giác tức ở họng. BS Đỗ Nguyệt Ánh, Khoa thăm dò chức năng - nội soi, nội soi gắp ra từ thực quản bệnh nhân một vật tròn, dẹt, đường kính gần 2cm. Dị vật tròn, trơn nên rất khó gắp và đây chính là “thủ phạm” gây nuốt vướng. Trước đó vài ngày bệnh nhân ho nhiều nên dùng viên ngậm “chữa bách bệnh”, trong khi ngủ bệnh nhân ho đã làm thuốc “chữa bách bệnh” “lạc” vào đường tiêu hóa. “Viên ngậm” này bệnh nhân có được sau khi nghe tư vấn sức khỏe và nằm giường massage vài tháng. Theo tư vấn, loại đá này có thể chữa đau xương khớp (dán vào chỗ đau), đến viêm họng (ngậm), đái tháo đường (ngâm vào nước uống)... và khi sử dụng loại “đá” này không cần dùng thuốc đặc trị, nên dù hiện tiểu đường type 2, cụ cũng bỏ thuốc 2 tháng nay, làm tình trạng tiểu đường trở lên trầm trọng!? BS Ánh nói, cách đây khoảng 2 năm có một bệnh nhân 50 tuổi cũng ngậm loại “thuốc” này - những người quảng bá gọi là “đá nano” - nhưng hình lục giác với các góc khá nhọn, để chữa cao huyết áp và tăng cường sức khỏe nhưng chưa thấy kết quả thì đã nuốt phải.

Tháng 8, BV Xuyên Á, TPHCM, nhận bệnh nhân N.T.Đ, 61 tuổi, ở Tây Ninh, đau bụng dưới dữ dội. Người nhà khai, khoảng 2 tháng trước, phần răng giả bật chốt và ông nuốt phải. Đáng ra, phải xử lý ngay, nhưng ông lại ở nhà tự theo dõi sau gần 2 tháng, không thấy biểu hiện bất thường, nên cho rằng, răng giả đã ra ngoài theo đường tự nhiên.

Tuy nhiên, hơn 1 tuần trước khi vào viện, xuất hiện cảm giác đau tức vùng bụng dưới, cơn đau ngày càng dày và dữ dội hơn, buộc ông phải nhập viện. Trên film CT.Scanner và nội soi phát hiện dị vật chọc thủng thành đại tràng dính chặt ở đó. Phẫu thuật khẳng định, răng giả găm thủng thành đại tràng, các bộ phận xung quanh xung huyết (ứ máu) mạnh, viêm phúc mạc (màng bụng) đại tràng (phần màng bụng che phủ các tạng). Dị vật được loại bỏ và xử lý viêm phúc mạc đại tràng bằng kháng sinh mạnh tại chỗ viêm cũng như toàn thân.

Ông N.T.G, SN 1951, ở Hà Nội, bị đột quỵ não nên nói khó khăn. Buổi trưa, ông ăn cơm với cá và thịt gà, đến tối đau bụng, gia đình cũng lơ mơ về tình trạng của ông, nên sáng hôm sau mới đưa vào Viện quân y 354. Chụp Xquang ổ bụng không thấy bất thường; phải chụp CT.Scanner ổ bụng mới thấy hình ảnh cản quang nghi là một mảnh xương gà.

Phẫu thuật nội soi phát hiện dịch vàng đục ở hố chậu phải (chỗ sâu nhất bên phải ổ bụng) và túi cùng Douglas (chỗ sâu nhất trong ổ bụng, ở sau trực tràng) và khoảng 15cm hồi tràng (đoạn cuối ruột non) gần góc hồi - manh tràng (nơi ruột non nối với ruột già) có có nhiều giả mạc viêm dày nhưng không tìm thấy lỗ thủng, phải quyết định chuyển mổ hở. Mổ hở, phát hiện một lỗ thủng ở hồi tràng, nơi mảnh xương 3,2cm cắm vào... Dịch vàng đục và giả mạc là hậu quả của viêm màng bụng mà nguyên nhân do thủng ruột.

Một bệnh nhân đến BV Bình Dân, TPHCM sau gần 10 ngày nuốt khó, đau thượng vị, đầy hơi, chỉ nuốt được thức ăn mềm hoặc sữa. Nội soi thấy đoạn 1/3 dưới thực quản một viên thuốc đường kính 1,5cm còn nguyên vỉ bọc. Hai cạnh vỉ cắm vào thành thực quản gây hai vết loét, may mà chưa thủng gây tràn dịch hoặc viêm trung thất (phần giữa ngực chứa tim, các mạch máu từ tim; đoạn khí quản, thực quản).

Bệnh nhân này uống một vốc thuốc trong bóng tối, sau đó cảm thấy hơi vướng ở cổ, hơi khó nuốt nhưng vẫn đi làm bình thường. Các BS nội soi, dùng bao chụp chuyên dụng có khả năng co giãn để “ôm” gọn dị vật đưa ra ngoài.

Tháng 7, nữ bệnh nhân 57 tuổi, ở Bình Dương, bị cảm cúm, thức dậy uống thuốc trong đêm, cũng nuốt lẫn một viên còn vỉ bọc. Bà dùng cách liên tục nuốt cơm để đẩy dị vật xuống dạ dày nhưng không những bất thành mà còn khó nuốt nhiều hơn kèm theo khó thở. Ở BV Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1, sau khi chụp Xquang, các BS nội soi thực quản có dùng thuốc an thần kinh, gắp một viên thuốc còn nguyên vỉ với các cạnh sắc nhọn, đường kính khoảng 2,5 cm, bệnh nhân hết khạc ra máu và nuốt vướng.

Bệnh nhân nữ, N.T.V, 33 tuổi, không biết nuốt phải xương gà, khi to tiếng với con trong lúc ăn phở. Thấy họng đau nhiều, chị ăn ổi và lê để đẩy dị vật xuống nhưng càng ăn càng đau hơn và nuốt nghẹn nên vào viện cấp cứu. Các BS BV Trưng Vương nội soi, thấy dị vật cắm sâu vào thành thực quản đoạn 1/3 trên, đã gắp mảnh xương gà ra. Ở chỗ xương găm, thực quản bị rách khoảng 5mm khá sâu, có khả năng thủng thực quản.

Chụp CT.Scanner cổ, phát hiện thực quản thủng 1/3 trên như tiên lượng, còn kèm theo tràn khí nhẹ quanh thực quản và khí quản (do tổn thương cả khí quản). Bệnh nhân phải nhập viện, điều trị bằng nhịn ăn, uống thông thường; truyền dịch nuôi dưỡng; dùng kháng sinh mạnh, phổ rộng chống nhiễm trùng. Sau 4 ngày, chụp lại CT.Scanner, không thấy áp-xe quanh lỗ thủng thực quản, lượng khí tràn (chui vào khe, kẽ các mô) cạnh khí quản và thực quản giảm nhiều, nội soi kiểm tra thấy lỗ thủng đang lành và nhỏ đi, không chỉ định đóng lỗ thủng bằng kẹp.

Tháng 6, bệnh nhân N.T.L, 48 tuổi, ở Hải Dương, đến BV Việt Nam - Thụy Điển, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh, do đau ngực, sốt cao, nuốt rất khó, nhưng không biết mình bị bệnh gì. Các BS nội soi, thấy dị vật nhọn trong lòng thực quản đoạn ngực. Do dị vật ở thực quản đoạn này có thể gây tổn thương trung thất và các mạch máu lớn nên chỉ định chụp CT.Scanner để xác định có tổn thương trung thất hay không và mức độ, để có phương án xử lý, đề phòng biến chứng. Sau hội chẩn, tiến hành nội soi thực quản ống cứng gắp đoạn xương cá nhọn dài 1,5cm.

Tháng 4, BV Nhi Đồng 2, TPHCM, phải phẫu thuật cấp cứu một trẻ thủng ruột do dị vật. Tuy đã 12 tuổi nhưng em bé ở Bình Dương này vẫn nghịch dại, nuốt kẹp tóc, khoảng một ngày sau thì đau bụng dữ dội, nôn nhiều, đi ngoài ra máu. Khi đến viện, các BS thấy biểu hiện tổn thương tiêu hóa, nghi ngờ dị vật nên ngay lập tức chụp Xquang và trên film thấy một dị vật găm vào thành tá tràng.

Chiếc kẹp tóc dài 5cm, có hai nhánh đã đâm thủng thành tá tràng, gây nhiễm trùng ổ bụng, nếu không mổ nhanh, bệnh nhi sẽ nhanh nhiễm trùng - nhiễm độc (độc tố của vi khuẩn) nặng, nguy cơ sốc nhiễm trùng, tử vong. Bởi viêm ổ bụng là viêm màng bụng che phủ thành bụng và các tạng, là một (trong hai) tình trạng nhiễm trùng nặng nhất, hiện không có cách nào khác ngoài mổ hở. Sau một giờ, chiếc kẹp tóc được lấy ra và lỗ thủng tá tràng được khâu lại, ổ bụng được rửa và đổ kháng sinh; dùng kháng sinh tiêm, sau 4 ngày, tình trạng của bé tương đối ổn định.

“Đá nano” chữa “bách bệnh”.
“Đá nano” chữa “bách bệnh”.

Không được xử lý sai

Ngoại trừ bệnh nhân tâm thần ăn những thứ không tiêu hóa được (chẳng hạn anh Maksud, bệnh nhân tâm thần phân liệt người Ấn Độ, được các BS gắp ra 263 đồng tiền, 100 chiếc đinh, rất nhiều lưỡi dao, thủy tinh và đá trong dạ dày (7kg)) thì những người bình thường bị dị vật đường tiêu hóa là do không may, bất cẩn. Nhiều nhất là trẻ nhỏ do phản xạ bản năng và chưa biết gì về sự nguy hiểm của những “đồ chơi” nên chúng vô tư nuốt, hoặc những người già cả, bệnh tật đôi khi mất kiểm soát và người bất cẩn như hai người uống cả vỉ bọc thuốc nói trên.

Dị vật có nhiều loại, nhiều nhất là những đồng xu, xương từ đồ ăn, miếng thịt to...; hiếm hơn là tăm, nắp bút, đoạn lò xo, nắp chai bia, ghim sắt, kẹp giấy...; cá biệt như “đá nano” nói trên. Dị vật có thể mắc ở một trong những đoạn của thực quản gây thủng hay áp-xe (ổ mủ). Tháng 5, một bệnh nhân 65 tuổi bị hóc mảnh xương cá 2,6x2cm, hình thành ổ áp-xe trong thực quản, lớn đến mức chèn ép khí quản gây khó thở.

BV Hùng Vương, Phú Thọ phải gây mê để nội soi, xử lý. Rất nguy hiểm nếu viêm nhiễm hay áp-xe trung thất. Khi xuống dạ dày, ruột, dị vật có thể làm chảy máu, thủng ống tiêu hóa ở bất cứ đoạn nào, gây viêm màng bụng, một bệnh cảnh nhiễm trùng - nhiễm độc rất nặng, tất chết nếu không được phẫu thuật kịp thời.

Khi nghi ngờ dị vật tiêu hóa, tuyệt đối không được ăn, uống để đẩy xuống dạ dày hoặc biết chắc đã xuống dạ dày, đều phải đến ngay những BV có phương tiện nội soi để được xử lý. Không được dùng tay hay bất cứ vật gì để tự lấy dị vật vì làm tổn thương ống tiêu hóa và có thể đẩy dị vật xuống sâu hơn.

Theo BS Bình Nguyên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X