Hotline 24/7
08983-08983

Dị vật đường thở - Nguy hiểm khó lường (kỳ 1)

Ước tính mỗi năm có 1.500 người tử vong do dị vật đường thở, đáng chú ý là tỷ lệ tử vong khá cao ở trẻ từ 1- 6 tuổi.

Dị vật đường thở là tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặt biệt ở trẻ em có nguy cơ bỏ quên dị vật, khó chẩn đoán.

Dị vật đường thở, đường ăn là những chất vô cơ hay hữu cơ mắc vào thanh quản, khí quản hoặc phế quản. Hay gặp nhiều nhất là hạt đậu phộng, rồi đến hạt ngô, hạt dưa... mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá, mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc...

Đây là một cấp cứu nội – ngoại khoa, tiên lượng điều trị phụ thuộc vào bản chất dị vật và quá trình điều trị sớm hay muộn. Cho đến hiện nay, nội soi là phương pháp điều trị an toàn và cơ bản nhất.

Nguyên nhân

Dị vật đường thở là một cấp cứu nội – ngoại khoa, do đó việc tiến hành cấp cứu càng nhanh càng tốt, trong đó việc sơ cứu ban đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên các cấp cứu ban đầu này chỉ áp dụng trong trường hợp tối khẩn cấp vì nếu không cấp cứu ngay người bệnh sẽ tử vong.

Trẻ vừa ăn vừa khóc dễ bị dị vật đường thở

Bệnh nhân đang ăn hoặc ngậm dị vật trong miệng, đặc biệt trẻ em thường đưa các vật cầm ở tay vào miệng, hoặc người lớn ngậm một số dụng cụ nhỏ, nhất là hay ngậm tăm trước khi đi ngủ...

Dị vật bị rơi vào đường thở khi hít vào mạnh đột ngột, nhất là khi trẻ đang ăn, khóc hoặc cười. Một số người có thói quen bịt mũi ép trẻ ăn hoặc cho trẻ ăn trong khi đang ngủ rất dễ khiến dị vật vào đường thở.

Do tai biến phẫu thuật: khi gây mê, răng giả rơi vào đường thở, mảnh V.A khi nạo, khi lấy dị vật ở mũi bị rơi vào họng và rơi vào đường thở.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác: do bị liệt hầu họng mà vẫn cho ăn đường miệng; người lớn chủ quan, cẩu thả trong việc ăn uống của trẻ; một số nơi có thói quen uống nước sông, nước suối trong quá trình tắm khiến dị vật sống vào đường thở...

Biểu hiện bệnh

Bệnh nhân đang ngậm hoặc đang ăn đột nhiên ho sặc sụa, tím tái, ngạt thở trong chốc lát, vã mồ hôi, có khi đái ỉa cả ra quần. Đó là phản xạ bảo vệ đường thở để tống dị vật ra ngoài. Sau đó, có thể bệnh nhân sẽ tử vong do ngạt thở nhưng cũng có thể dị vật được đẩy ra ngoài, bệnh nhân trở lại bình thường.


Nên đến cơ sở y tế để gắp dị vật ra khỏi mũi

Đôi khi dị vật có thể mắc kẹt nhưng bệnh nhân không tử vong. Tùy theo vị trí mắc kẹt và tính chất của dị vật, thời gian bệnh nhân đến khám sẽ có các triệu chứng khác nhau.

Dị vật ở thanh quản: nếu dị vật dạng tròn như viên thuốc, đường kính khoảng 5mm trở lên bị mắc kẹt ở buồng Morgagni, trẻ sẽ bị ngạt thở và có thể tử vong ngay lập tức nếu không được xử trí kịp thời.

Với các dị vật dài, xù xì, to hoặc mỏng, bệnh nhân sẽ khàn tiếng và khó thở. Đáng chú ý là dị vật ở thanh quản rất dễ tạo ra cơn co thắt thanh quản, gây khó thở nặng thêm, bệnh nhân dễ tử vong.

Dị vật khí quản: thường là dị vật tương đối lớn, lọt qua thanh quản nhưng không lọt qua phế quản được. Có thể dị vật cắm cố định vào thành khí quản nhưng hầu là dị vật di động, dễ gây biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân ho, khó thở từng cơn sau đó lại bình thường.

Dị vật ở phế quản: Thường ở phế quản bên phải nhiều hơn vì phế quản này có khẩu độ to hơn và chếch hơn phế quản bên trái. Thường là dị vật cố định. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sau 3 - 5 ngày sẽ xuất hiện các biến chứng như viêm phế quản - phổi, áp-xe phổi, xẹp phổi…

Ngày nay, chẩn đoán chủ yếu dựa vào nội soi thanh – khí – phế quản, đây là biện pháp quan trọng vừa giúp chẩn đoán vừa để điều trị. Có thể chẩn đoán dựa vào chụp Xquang, tuy nhiên giá trị chẩn đoán còn hạn chế, chỉ có thể xác định tương đối chính xác khi dị vật cản quang.

(Còn tiếp)

Theo Sức khỏe & Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X