Hotline 24/7
08983-08983

Dị ứng thuốc - Nhận biết và phòng ngừa

Dị ứng thuốc là một trong những tai biến rất thường gặp khi sử dụng thuốc, với các biểu hiện rất đa dạng...Vậy nhận biết chúng như thế nào và cách phòng ngừa, khắc phục ra sao, để việc dùng thuốc được an toàn.

Nguyên nhân nào gây ra dị ứng thuốc?

Dị ứng thuốc là do phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch với chất hóa học trong thuốc. Hệ thống miễn dịch sẽ nhầm lẫn các hóa chất trong thuốc là chất độc hại và tấn công nó. Dị ứng thuốc có thể do trước đây người bệnh đã từng uống loại thuốc này và hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn và tấn công các phân tử thuốc, tạo ra nhiều kháng thể, tuy nhiên khi đó biểu hiện triệu chứng còn ít hoặc không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi người bệnh uống lại loại thuốc đó lại lần nữa, những kháng thể có sẵn từ lần trước sẽ tấn công mạnh hơn và dẫn tới các triệu chứng của dị ứng thuốc.

Dị ứng thuốc có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất kỳ lứa tuổi nào. Hiện nay vẫn chưa có cách nào để kiểm tra xem người bệnh có bị dị ứng với một loại thuốc nào đó hay không. Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh chỉ biết mình bị dị ứng với một loại thuốc khi uống nó và xuất hiện các triệu chứng dị ứng.

Tất cả các loại thuốc đều có thể gây ra dị ứng, tuy nhiên có một số loại thuốc thường gây dị ứng nhiều hơn các loại khác, bao gồm: Thuốc kháng sinh như penicillin; các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs); các thuốc corticoid; thuốc an thần, gây ngủ, gây tê (luminal, gardenal, novocain); thuốc chữa phong, lao, sốt rét (rimifon, DDS, nivakin)… Thậm chí ngay cả nhiều loại thuốc bổ, vitamin với người có cơ địa dị ứng cũng có thể gây tai biến dị ứng, nhiễm độc...

Thuốc có thể gây dị ứng nguy hiểm cho người dùng
Thuốc có thể gây dị ứng nguy hiểm cho người dùng


Ở bất kỳ dạng thuốc nào (tiêm, uống, bôi, xông nhỏ... ) cũng đều có thể gây dị ứng, nhưng nhanh nhất và nguy hiểm nhất vẫn là đường tiêm tĩnh mạch Cách nhận biết

Triệu trứng dị ứng rất đa dạng, sớm hoặc muộn, cục bộ hoặc toàn thân với mức độ và tiên lượng khác nhau.

Trên hệ hô hấp: Gây tiết dịch sổ mũi, gây co thắt phế quản đưa đến hen suyễn.

Trên mạch máu: Gây giãn mạch, làm tăng tính thấm mao mạch (giãn mạch nhiều có thể làm hạ huyết áp)…

Trên da: Nổi mề đay, ngứa, phù Quincke…

Trên hệ tiêu hóa: Tăng tiết acid dịch vị.

Trên mắt: Đỏ kết mạc mắt…

Dị ứng thuốc thường chia thành hai loại là phản ứng sớm (tức thì) và phản ứng muộn (trì hoãn).

Phản ứng sớm: Xảy ra chỉ vài phút hoặc vài giờ sau khi thuốc vào cơ thể. Biểu hiện thành một hội chứng choáng gọi là choáng phản vệ với biểu hiện: Vật vã, khó thở, tái tím, toát mồ hôi lạnh, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ dần. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới tử vong trong bệnh cảnh truỵ tim mạch. Tai biến này thường gặp ở người có cơ địa dị ứng rõ (hen, mày đay, eczema…).

Thử phản ứng da trước khi tiêm
Thử phản ứng da trước khi tiêm


Phản ứng muộn: Xảy ra sau vài ngày hoặc lâu hơn. Biểu hiện ngoài da khá rõ và rất đa dạng như:

Ban đỏ: Xuất hiện ban sẩn hoặc ban dạng sởi, nhỏ như đầu đinh ghim ở thân mình và có thể liên kết lại với nhau tạo thành mảng, người bệnh thường ngứa, thời gian xuất hiện sau dùng thuốc thường khoảng 1 tuần và tồn tại đến một vài tuần. Những thuốc hay gây dị ứng dạng này là ampicillin, amoxycillin, cotrimoxazole, carbamazepine, cefaclor.

Hiện nay vẫn chưa có cách nào để kiểm tra xem người bệnh có bị dị ứng với một loại thuốc nào đó hay không. Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh chỉ biết mình bị dị ứng với một loại thuốc khi uống nó và xuất hiện các triệu chứng dị ứng.

Viêm da bong vảy: Với biểu hiện đỏ da bong vảy và ngứa toàn thân. Bệnh có thể tiến triển nặng nề và có thể đe doạ đến tính mạng người bệnh. Dạng này thường xuất hiện sau dùng thuốc khoảng 1 tuần và tồn tại trong 3 – 4 tuần. Các thuốc hay gây dị ứng dạng này là allopurinol, thuốc chống sốt rét, carbamazepine, penicillin và sulfonamide.

Da nhạy cảm ánh sáng: Bình thường da không nhạy cảm với ánh sáng. Khi dùng một số loại thuốc thường là các loại như NSAIDs, ciprofloxacin, nalidixic acid, phenothiazine, tetracycline, griseofulvin, amiodarone, sulfonamide và thiazide thì da trở nên tăng nhạy cảm với ánh sáng và bị tổn thương như đỏ da giống bỏng, xạm da, đen da hoặc mất sắc tố da… Vị trí ở các vùng da hở như mặt, cổ, mu bàn tay, mu bàn chân. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào liều thuốc sử dụng và thời gian tiếp xúc với ánh nắng.

Hồng ban đa dạng: Tổn thương là các ban hình bia bắn điển hình cổ điển có ba vòng tròn đồng tâm. Ngoài cùng là vòng ban đỏ, tiếp trong là sẩn đỏ phù nề , ở giữa là mụn nước nhỏ hoặc vỡ, trợt, hoại tử.

Hoại tử thượng bì nhiễm độc (còn gọi là hội chứng Lyell): Đây là thể dị ứng thuốc gây tử vong cao nhất do tình trạng hoại tử thượng bì lan toả cấp tính và nhiễm độc, giống tình trạng bỏng nặng. Lyell là tình trạng cấp cứu rất khẩn trương và tích cực. Người bệnh có thể tử vong do rối loạn nước điện giải, rối loạn chuyển hoá, nhiễm độc, nhiễm trùng… Bệnh thường xuất hiệu sau dùng thuốc khoảng 1 tuần, biểu hiện da toàn thân bị hoại tử, trợt, bong ra như bị bỏng.

Viêm mao mạch: Là tình trạng viêm các mao mạch ngoài da với biểu hiện là các ban xuất huyết sờ thấy được trên mặt da. Ngoài ra thuốc còn có thể gây viêm mạch nội tạng và gây nguy hiểm hơn cho người bệnh.

Phòng và khắc phục ra sao?

Dị ứng thuốc là một tai biến, nhiều khi rất nguy hiểm, gây tổn thương ở hầu hết các cơ quan, từ ngoài da đến nội tạng. Việc cấp cứu và điều trị dị ứng thuốc nhiều khi rất phức tạp, kéo dài; có thể gây tử vong, nhất là đối với các phản ứng tức thì mà bệnh nhân ở xa cơ sở y tế. Trong khi đó, dự phòng dị ứng thuốc lại không hề đơn giản, bởi nhiều khi ngay cả bản thân thày thuốc cũng không thể lường trước được phản ứng của từng bệnh nhân đối với một loại thuốc nào đó. Vì vậy:

Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết, tốt nhất là dùng thuốc theo sự chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc. Khi đã dùng thuốc phải tuân thủ nghiêm chỉnh hướng dẫn của thày thuốc về liều lượng, thời gian dùng, uống mấy lần trong ngày, trước hoặc sau bữa ăn, kiêng kỵ ra sao... không thể tuỳ tiện.

Hình ảnh phù Quincke do thuốc
Hình ảnh phù Quincke do thuốc


Đối với những người đã có tiền sử dị ứng, đặc biệt là những người có cơ địa dị ứng như hen phế quản… phải rất thận trọng khi dùng thuốc.

Đối với một số thuốc, nhất là với bệnh nhân có cơ địa dị ứng lại càng phải có quy định chặt chẽ và tuân theo qui định này trước khi dùng thuốc như: Thử phản ứng da trước khi tiêm, định kỳ kiểm tra máu, chức năng gan thận, nhằm phát hiện sớm những biến đổi bệnh lý có thể xảy ra.

Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cũng phải biết tự phát hiện những biểu hiện sớm của dị ứng thuốc như: Cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, nôn nao, nổi ban ngứa, gây sốt, nổi hạch... cần báo ngay cho thầy thuốc biết hoặc đi khám, để được xử lý kịp thời, thích hợp và thay thế thuốc khác khi cần thiết.

Trường hợp người bệnh đã từng bị dị ứng với một loại thuốc nào trong quá khứ, thì tránh sử dụng loại thuốc đó trong những lần bệnh sau bằng cách: Thông báo cho bác sĩ biết khi khám bệnh loại thuốc mà mình đã từng bị dị ứng để bác sĩ tránh kê dùng; hoặc phải ghi rõ vào hồ sơ sức khoẻ để sau này thày thuốc và bệnh nhân tuyệt đối không dùng lại thuốc đó, vì phản ứng dị ứng càng về sau càng nặng nề và nguy hiểm hơn.

Theo DS Hoàng Thu Thủy - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X