Hotline 24/7
08983-08983

Đi ngoài ra máu tươi, bệnh gì?

Câu hỏi

Thưa bác sĩ, Mấy hôm gần đây em có nhịn ăn, ăn nhiều thức ăn gây nóng, sau đó đi ngoài ra khá nhiều máu tươi (không đau rát nhiều). Đây là lần đầu em bị hiện tượng này. Trường hợp này có gây nguy hiểm không? Điều trị như thế nào? Em cảm ơn. Em có bị viêm dạ dày nhẹ 2 tháng trước.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào em,

Đi ngoài ra máu tươi là biểu hiện của khá nhiều bệnh lý, như viêm loét đại trực tràng, ung thư, trĩ, viêm túi thừa, dị dạng mạch máu, nứt hậu môn… Loét dạ dày hiếm khi gây đi cầu ra máu tươi, nếu có sẽ là xuất huyết tiêu hoá rất nặng, thường làm bệnh nhân mệt nhiều, truỵ tim mạch nhanh. Bệnh lý phổ biến nhất thường là trĩ, tình trạng gia tăng áp lực thường xuyên như rặn đi cầu (do thường xuyên táo bón), do các bệnh lý về tĩnh mạch, xơ gan… sẽ dẫn đến phình giãn và tạo các búi trĩ vào trong lòng ống hậu môn.

Khi các búi trĩ bị tổn thương sẽ gây chảy máu thành giọt. Máu có thể rỉ lượng ít, thành giọt hoặc thành tia, thường xuất hiện sau khi đi tiêu.

Với trường hợp này, em nên khám chuyên khoa Tiêu hoá để bác sĩ thăm khám, chỉ định nội soi tìm nguyên nhân.

Thân mến.
Mời tham khảo thêm:

Bệnh trĩ (bệnh lòi dom) là hậu quả của việc áp lực trong các tĩnh mạch hậu môn tăng lên. Áp lực tăng lên này khiến cho các tĩnh mạch bị ứ đọng máu, làm cho người bệnh khó chịu và đau, đặc biệt là khi ngồi. Bệnh trĩ được chia làm hai dạng, tùy thuộc vào vị trí xảy ra, bao gồm:

- Trĩ nội: liên quan đến các búi tĩnh mạch bên trong trực tràng. Trĩ nội thường gây chảy máu nhưng không gây đau. Khi các búi trĩ to lên, chúng có thể lồi ra ngoài hậu môn, tình trạng này gọi là sa búi trĩ.

- Trĩ ngoại: liên quan đến các tĩnh mạch xung quanh hậu môn. Trĩ ngoại có thể gây ngứa hoặc đau và đôi khi có thể kèm theo chảy máu.

Bệnh trĩ thường không nguy hiểm hoặc đe dọa tính mạng và không truyền nhiễm.

Tùy vào tình trạng bệnh mà người bệnh có thể lựa chọn các cách chữa bệnh trị khác nhau:

* Điều trị tại nhà:

Bệnh trĩ ở giai đoạn nhẹ hoàn toàn có thể kiểm soát và chữa trị tại nhà bằng những phương pháp sau:

- Thiết lập chế độ ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước
- Ngồi ngâm nước ấm nhiều lần trong ngày
- Chườm nước đá có thể giúp làm giảm sưng
- Tập thể dục để giúp ngăn ngừa táo bón
- Bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng một số loại thuốc làm mềm phân hoặc bổ sung chất xơ
- Bạn có thể sử dụng thuốc hoặc kem bôi để làm dịu cơn đau và ngứa của bệnh trĩ nhưng không nên sử dụng lâu dài vì có thể làm tổn thương da.

* Điều trị tại bệnh viện:

Nếu bệnh trĩ đã ở giai đoạn nặng, bạn có thể cần được điều trị bằng phẫu thuật để loại bỏ hoặc giảm kích thước của búi trĩ.

- Thắt vòng cao su
- Chích xơ
- Quang đông hồng ngoại
- Phẫu thuật cắt búi trĩ.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X