Hotline 24/7
08983-08983

Đi làm trở lại sau sinh em bé

Sau khi sinh con, mệt mỏi và bận rộn với việc chăm sóc con cộng hàng trăm thứ việc không tên khác sẽ khiến bạn cảm thấy khó khăn khi đi làm trở lại.

>> TƯ VẤN TÂM LÝ - KHÁM BỆNH MIỄN PHÍ TẠI AloBacsi.vn 

Lên kế hoạch

Thời gian hiện tại chắc chắn bạn không còn rảnh như lúc chưa có em bé, chính vì thế việc lên kế hoạch cho việc đi làm sắp tới là rất cần thiết, nếu không bạn sẽ không biết làm cách nào thu xếp được công việc ở cơ quan và việc chăm con sao cho khoa học. Nếu không có kế hoạch cụ thể, rõ ràng thì rất có thể bạn sẽ khiến cho hai việc này ảnh hưởng và chi phối lẫn nhau. Cuối cùng chẳng công việc nào của bạn trở nên trọn vẹn cả.

Bạn có thể lên kế hoạch này trước khi đi làm trở lại một tuần. Và hãy nhớ, khi đã lập nên kế hoạch cần tuân thủ nó, có vậy mới đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ và không chồng chéo.

Nhiều người khuyên rằng, hãy đi làm trở lại sau sinh vào ngày thứ 4 hoặc thứ 5 để tuần đầu tiên đi làm của bạn ngắn lại. Điều này tạo cho bạn cảm giác mọi thứ trôi chảy, dễ dàng và có nhiệt tình trong công việc hơn. Nếu công ty cho phép, bạn hãy thử thực hiện như thế xem hiệu quả thế nào nhé!

Quen dần với việc xa con

Đi làm có đồng nghĩa với việc bạn phải xa bé. Có thể điều này khiến bạn không chịu nổi vì nhớ con. Nhưng bạn cần xác định mình không thể ở nhà mãi được và việc xa trẻ này sẽ khiến trẻ dần dần độc lập hơn. Sự bao bọc thái quá sẽ khiến trẻ khó trưởng thành về mặt tâm lý.

Tập trung vào công việc

Chắc chắn khi đi làm thì ít nhất bạn có 8 tiếng không được ở bên cạnh con, điều này có thể gây cho bạn một chuỗi dài các lo lắng như là: "hôm nay bé ở nhà có ngoan không, con có khỏe không? có ăn được không? có nhớ mẹ không..." vô vàn những suy nghĩ đó sẽ khiến bạn không tập trung vào công việc được. Nếu cứ để những suy nghĩ đó chi phối, bạn cũng không giải quyết được vấn đề gì mà thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng công việc và chắc chắn bạn sẽ bị cấp trên khiển trách.

Chế độ nghỉ ngơi hợp lý

Việc chăm con và đi làm sẽ khiến bạn vô cùng mệt mỏi vì thế trong kế hoạch, bạn cần lập thời gian biểu ngủ và nghỉ ngơi hợp lý, không thức quá khuya dẫn đến dậy muộn ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Hãy nạp đủ năng lượng

Có thể quá nhiều mệt mỏi lo toan khiến cho bạn không còn chú ý đến đến bữa ăn của mình. Đôi khi bạn cảm thấy mình rất vội, chẳng thể ăn được một bữa ngon lành và như vậy bánh mỳ, mì tôm hay fastfood... là bạn đồng hành. Tuy nhiên, nếu sự việc cứ tiếp diễn thường xuyên thì bạn chính là thủ phạm của những cơn đau dạ dày, của sự kiệt sức. Hãy quan tâm đến tiếng nói của cơ thể và đáp ứng nó. Dù có bận rộn đến mấy bạn cũng nên dành cho mình một khoảng thời gian để ăn trưa và khi chiều về hãy cùng chồng sửa soạn một bữa tối đầm ấm và đầy đủ dinh dưỡng.

Hãy tìm sự chia sẻ

Hãy để con của bạn chơi với người trông trẻ và không cho bé gặp bạn vài tiếng mỗi ngày. Điều này giúp bé quen dần với việc phải xa mẹ.

 

 

 

Bạn và chồng nên thường xuyên trao đổi và trò chuyện về con cái cũng như công việc. Bạn không nên tham lam ôm đồm tất cả mọi việc và hãy để anh ấy cảm nhận được vai trò làm bố của mình. Những sự chia sẻ như vậy sẽ khiến anh ấy hiểu được nỗi vất vả của bạn, và sẵn sáng sẻ chia những khó khăn này với bạn.

Nếu phải gửi con ở nhà trẻ

Hãy tìm địa chỉ gửi con tới nhà trẻ đáng tin cậy nếu bạn không tìm được người giúp việc trông trẻ. Thay vì lo lắng cho lần đầu tiên “bỏ rơi” con, hãy nghĩ tích cực một chút, rằng bé của bạn có cơ hội làm quen với nhiều người khác nữa, còn bạn thì được thoải mái một chút để làm các công việc khác. Đừng vì tiếng khóc của con làm bạn nhụt chí.

Tìm sự giúp đỡ của đồng nghiệp

Khi quay lại làm việc, bạn có thể gặp phải những vấn đề như: thiếu ngủ, phải xa bé, căng thẳng với công việc, với những thay đổi của công ty. Lúc này bạn cảm thấy năng lực của mình như bị “cạn” đi, đặc biệt khi công ty có thêm những dự án ở những lĩnh vực mới.

Trong trường hợp này, bạn hãy lập ra từng mục tiêu từ nhỏ tới lớn để có thể quen dần với mọi thứ như học cách sử dụng những thiết bị mới ở văn phòng, tìm hiểu lĩnh vực mới đó là gì... Thiết lập lại những mối quan hệ cũ, mở rộng thêm những mối quan hệ mới. Lên lịch hẹn với sếp để bàn về những thay đổi trong thời gian qua và dự định của bạn trong tương lai. Trò chuyện với các đồng nghiệp và hỏi họ về những vấn đề mới bạn chưa nắm rõ. Và tốt nhất hãy nhờ đồng nghiệp giúp đỡ.

Đừng biến con thành trung tâm ở cơ quan

Tất nhiên các đồng nghiệp của bạn rất vui vì bạn đã làm mẹ, nhưng bạn đừng biến con thành đề tài nói chuyện duy nhất, bởi không phải tất cả mọi người đều cảm thấy thú vị với đề tài đó, thậm chí họ sẽ cảm thấy bạn chưa sẵn sàng trở lại với công việc.

>> TƯ VẤN TÂM LÝ - KHÁM BỆNH MIỄN PHÍ TẠI AloBacsi.vn 

AloBacsi.vn (Theo mangthai.vn)


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X