Hotline 24/7
08983-08983

Đề phòng ngộ độc rượu

Rượu, bia được coi là đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi, đặc biệt là khi Tết đến, Xuân về. Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu bia, vấn đề chất lượng, an toàn rượu bia và những hệ lụy của nó đã và đang gây ra nhiều hậu quả cho cộng đồng.

Đề phòng ngộ độc rượu

Theo Báo cáo của Bộ Y tế, trong ba ngày nghỉ Tết vừa qua (từ 14 đến 17/2) đã có 388 trường hợp nhập viện do ngộ độc, say rượu, chiếm 25% trong số các vụ ngộ độc thực phẩm.

Gia tăng ngộ độc rượu có hàm lượng methanol cao 

Theo Cục An toàn thực (Bộ Y tế), giai đoạn 2013-2017, toàn quốc ghi nhận 28 vụ ngộ độc do sử dụng rượu không an toàn với 193 người mắc, 34 người chết và có 22/63 (chiếm 34,9%) tỉnh, thành phố có ngộ độc rượu. So với giai đoạn 2007-2012, số vụ và số trường hợp mắc ngộ độc rượu không thay đổi nhiều.  

Chỉ riêng trong tháng 1/2018 đã có 12 ca ngộ độc do dùng rượu có cồn methanol phải vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai; trong đó có 4 ca đã tử vong. 

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rượu là nguyên nhân của 31% vụ đánh, giết người; 33% vụ hiếp dâm; 18% số vụ tai nạn giao thông và 60 loại bệnh khác nhau liên quan đến thói quen sử dụng rượu, bia (như: gan, dạ dày, tim mạch...). Theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương (Việt Nam), tỷ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm 5 - 6% số bệnh nhân tâm thần và vẫn đang có xu hướng gia tăng.

Báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy: Năm 2017, cả nước có khoảng 328 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm; 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng dưới 1 triệu lít/năm; hộ gia đình sản xuất ước tính có khoảng 250 triệu lít/năm. Theo kế hoạch, tại Việt Nam, đến năm 2025, sản lượng đạt 440 triệu lít rượu được sản xuất công nghiệp.  Số trường hợp mắc, chết, đi viện do ngộ độc rượu có xu hướng giảm dần từ năm 2013 đến năm 2016, tuy nhiên tăng đột biến vào năm 2017.

Ngộ độc do uống rượu ở Việt Nam trong những năm gần đây được ghi nhận từ 1 – 7 vụ/năm (chiếm 1,5–2,1% số vụ ngộ độc thực phẩm/năm). Trong đó,  rượu trắng là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc rượu cao nhất với 42,9%, rượu ngâm thuốc là 36,0%, rượu ngâm củ ấu là 16,0%, rượu ngâm động vật (ong đất, tắc kè, mật lợn) là 10,7%... Số mắc và chết do ngộ độc rượu tập trung nhiều vào thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 (đầu năm mới và lễ hội xuân) và vào tháng 10 đến  tháng 12. 

Các vụ ngộ độc thực phẩm do rượu xảy ra nhiều nhất tại khu vực miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc bộ. Độ tuổi mắc ngộ độc chủ yếu là nhóm từ 15-49 tuổi. Hai loại ngộ độc rượu thường gặp là ngộ độc etylic (còn gọi là rượu ethanol) và ngộ độc cồn methylic (methanol). Đặc biệt, năm 2017, tình hình ngộ độc rượu có hàm lượng methanol cao tăng đột biến với 10 vụ, 119 người mắc, 115 người đi viện và 11 người tử vong. 

Vì sao rượu có methanol nguy hiểm?

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 1“đơn vị rượu” thường có từ 8-14g rượu nguyên chất. Mỗi đơn vị tương đương: 1 lon bia 270-330ml từ 2-12 độ hoặc 1 chén rượu vang 125ml từ 9-18 độ hay 1 chén rượu mạnh 40ml 40 độ. Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị/ngày được coi là lạm dụng rượu. 

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định trong thực tế không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả đối với sức khỏe nhất định. 

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, rượu cồn công nghiệp nguy hiểm bởi khởi đầu loại này có tác dụng tương tự như rượu thông thường (sản xuất từ cồn thực phẩm ethanol) nhưng vào cơ thể, cồn này được chuyển hóa trở thành các a xít gây tổn thương các tế bào đặc biệt là ở mắt, não hay hoại tử các tế bào não, tế bào thần kinh thị giác ở mắt nên gây mù vĩnh viễn. Khi có biểu hiện ngộ độc với các triệu chứng như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ,chậm chạp, hôn mê) thì đã nặng.

Theo Cục Y tế dự phòng, khi vào cơ thể cồn (ethanol) trong rượu chuyển hóa thành acetaldehyde là chất độc cho cơ thể. Nếu chỉ uống rượu, bia với số lượng nhỏ thì cơ thể có thể dung nạp hết, với khả năng trung bình khoảng 10 gam cồn (tương đương 1 đơn vị cồn) tương đương 1 ly rượu nhỏ hoặc một cốc bia hơi mỗi giờ. Nhưng nếu uống quá mức dung nạp, chất độc này sẽ bị tồn lại trong gan gây độc cho cơ thể.

Trên thực tế, theo các bác sĩ, không chỉ có bệnh nhân bị ngộ độc rượu cồn công nghiệp mà còn có tình trạng bệnh nhân bị ngộ độc phải nhập viện do lạm dụng rượu. Nhiều người uống rượu nhưng không ăn gây hạ đường huyết, nếu hạ đường huyết nặng có thể gây tổn thương não do thiếu năng lượng được nuôi dưỡng. Trường hợp người uống rượu rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không đáp, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật… là biểu hiện ngộ độc.

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tuỳ thuộc vào số lượng mà bệnh nhân uống. Thường có hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau.

Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị bệnh nhân chủ quan và bỏ qua. Về hệ thần kinh, lúc đến viện thường tỉnh táo và kêu đau đầu, chóng mặt, sau đó quên, bồn chồn, hưng cảm, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật.

Với mắt: lúc đầu chưa biểu hiện, sau đó nhìn mờ, sợ ánh sáng, đau mắt, song thị, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị (ánh sáng chói, các chấm nhảy múa, nhìn thấy đường hầm,...). Đồng tử phản ứng kém với ánh sáng, soi đáy mắt thấy gai thị xung huyết, sau đó phù võng mạc lan rộng dọc theo các mạch máu đến trung tâm đáy mắt, các mạch máu cương tụ, phù gai thị, xuất huyết võng mạc. Đồng tử giãn cố định là dấu hiệu của ngộ độc nặng và tiên lượng xấu.

Khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và tư thế nghiêng an toàn. Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng... nhằm tránh hạ đường huyết. 

Nếu bệnh nhân không tỉnh, ứ đọng hầu họng nhiều, thở nhanh và thở sâu, thậm chí có co giật... thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiên an toàn sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ, gọi xe cấp cứu tới xử lý và đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Theo Minh Thu - Đại đoàn kết

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X