Hotline 24/7
08983-08983

Đề phòng bệnh đau mắt đỏ lây lan mạnh trong mùa mưa

Thời điểm từ tháng 8 - 10 là lúc bệnh đau mắt đỏ dễ dàng bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Bệnh này tuy lành tính, không gây nhiều nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng lại gây khó chịu trong cuộc sống.

Ảnh minh họa - nguồn internet
Ảnh minh họa - nguồn internet

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra tình trạng nhiễm trùng mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia, gây cảm giác khó chịu cho người bệnh khi mắc phải.

Bệnh thường xảy ra vào đầu mùa hè và cuối mùa thu, khi tiết trời giao mùa nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, nhiều khói bụi là những tác nhân khiến cơ thể suy yếu, mệt mỏi và hệ miễn dịch suy giảm nên rất dễ mắc bệnh.

Thời điểm giao mùa hè - thu như hiện nay tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho bệnh. Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối… cũng khiến bệnh phát triển nhanh và có nguy cơ bùng phát thành dịch.

Triệu chứng ban đầu là mắt xuất hiện mạch máu màu đỏ sáng nhạt, đốm đỏ hay đỏ toàn bộ tròng trắng mắt, dịch rỉ màu vàng hoặc nước trong. Khi ngủ dậy, hai mí mắt dính chặt, cảm giác cộm như có cát trong mắt.

Chính thời điểm này, người bệnh sẽ có thói quen dụi mắt nên vô tình gây tổn thương và nhiễm trùng giác mạc nặng nề hơn, khiến mí mắt sưng phù nề do cương tụ mạch máu gây đau rát. Đau mắt đỏ còn khiến cơ thể có cảm giác mệt mỏi, sốt, viêm họng và đau hạch sau tai. Nếu mắc phải căn bệnh đau mắt đỏ, người bệnh sẽ phải chịu những cơn đau âm ỉ kéo dài từ 7 - 15 ngày gây cản trở học tập, sinh hoạt, lao động.

Bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều virus. Hoặc có thể lây qua cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của người bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt… Dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối; sử dụng nguồn nước bị nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, bể bơi; thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng cũng là những hành vi có thể lây lan bệnh..

Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo: bệnh chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Vì thế, người dân nên phải hạn chế thói quen dụi mắt vì rất có thể vi khuẩn cư ngụ trên bàn tay sẽ khiến dịch mắt nhiễm trùng, dẫn đến đau mắt đỏ.

Bên cạnh đó, việc rửa tay bằng xà phòng và nước sạch là vô cùng cần thiết để giữ gìn vệ sinh đôi mắt. Không sử dụng chung thuốc nhỏ mắt, khăn lau mặt, khẩu trang vì đây là những vật dụng cá nhân có nguy cơ truyền nhiễm bệnh rất cao cho các thành viên trong gia đình và cộng đồng.

Khi đã mắc bệnh thì nên tạm thời cách ly mọi người để tránh lây lan thành dịch. Trong thời gian điều trị, cần để đôi mắt nghỉ ngơi và bổ sung những dưỡng chất như vitamin A, E, C và các khoáng chất tăng sức đề kháng cho cơ thể. Dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu... Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Theo VTV.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X