Hotline 24/7
08983-08983

Để người bị tiểu đường có một đôi chân khỏe mạnh

Bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng bàn chân ngày một tăng cao, gây ra những hậu quả nghiêm trọng như viêm loét nặng, cắt cụt chi, nhiễm trùng máu và xấu nhất là tử vong. Chính vì thế chăm sóc bàn chân cho bệnh nhân đái tháo đường vô cùng quan trọng để hạn chế những biến chứng trên.

Một trong những nguyên nhân gây bệnh lý biến chứng tiểu đường ở bàn chân bệnh nhân là các mạch máu nhỏ bị tắc nghẽn và các dây thần kinh bị tổn thương sau diễn biến kéo dài nhiều năm của bệnh. Nhiễm khuẩn bàn chân rất hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường type 2 và dễ dẫn đến những tàn phế nặng nề.

Thường xuyên quan sát và lưu tâm đến đôi chân là việc hết sức cần thiết. Nếu cảm thấy khó quan sát, hãy sử dụng một chiếc gương hoặc nhờ người thân kiểm tra bàn chân. Tuy nhiên, tốt nhất là hãy kiểm soát tốt lượng đường trong máu, ngoài ra, nhờ bác sĩ kiểm tra chân mỗi năm ít nhất một lần cũng không hề thừa đối với người tiểu đường, đặc biệt là những ai đã có tổn thương thần kinh.

Vết loét do biến chứng của đái tháo đường. Ảnh minh họa: Internet
Vết loét do biến chứng của đái tháo đường. Ảnh minh họa: Internet

Dưới đây là những điều nên – không nên để người bệnh tiểu đường luôn có một đôi chân khỏe:

Nên: Cắt dũa móng cẩn thận. Đặc biệt lưu ý các khóe móng nếu có hiện tượng móng quặp vào da gây sưng, đau. Không nên: Cắt móng quá sát da gây tổn thương.

Nên: Rửa chân hàng ngày bằng xà bông nhẹ và nước ấm. Kiểm tra nước bằng khuỷu tay. Sau khi rửa, vỗ nhẹ chân cho máu lưu thông. Chú ý lau thật khô các kẽ giữa ngón chân. Không nên: Rửa chân trong nước quá nóng, vì dù bạn không có cảm giác nóng thì nó vẫn có thể gây bỏng.

Nên: Sử dụng kem dưỡng da hoặc dầu bôi trơn để giữ cho da chân mịn màng. Có thể rác ít bột trước khi mang vớ để giữ đôi chân khô. Không nên: Không sử dụng kem dưỡng ẩm khu vực kẽ ngón.

Nên:
Chọn đôi giày vừa vặn và ít nhất có hai đôi để thay đổi. Với giày mới, mang thử mỗi ngày khoảng 1 tiếng đến khi quen dần. Thời gian tốt nhất để mua giày là cuối ngày. Khi đó, đôi chân “nở to” hơn so với buổi sáng. Không nên: Đi bộ bằng chân trần và mang giày quá chật.

Nên: Chọn giày được làm bằng da, vải hoặc da lộn để da có thể “thở” được. Đế giày cần có đệm hấp thụ lực. Không nên: Mang dép cứng, dép xỏ ngón, guốc, giày cao gót.

Nên: Gặp bác sĩ sớm nếu thấy bất cứ vấn đề gì ở chân như mẩn đỏ, mụn nước hoặc mủ, kể cả vết chai. Không nên: Đừng cố gắng mài mòn vết chai hay bôi bất cứ thuốc rụng “mụn cóc” nào nếu chưa được bác sĩ cho phép.

Nên: Luôn luôn mang vớ sạch, khô, chất liệu cotton và thay đổi hằng ngày. Không nên: Mang vớ quá chật và vớ được làm bằng nylon. Tránh luôn vớ có những đường may ráp nổi cộm.

Nên: Mang vớ ngủ nếu bạn có bàn chân lạnh. Không nên: Không sử dụng chai nước, chăn điện, hoặc miếng đắp nóng để làm ấm chân, bởi vì nó có thể gây bỏng.

Nên: Ngọ nguậy ngón chân và xoa bóp bàn chân để giúp màu lưu thông tốt. Không nên: Đứng đứng lâu hoặc ngồi với hai chân bắt chéo. Điều này có thể chặn lưu lượng máu đến bàn chân.

Cuối cùng, Nên: Sống năng động. Vận động cơ thể ít nhất 30 phút mỗi ngày. Hãy nhờ bác sĩ tư vấn bài tập thể dục nào là phù hợp với bạn. Không nên: Hút thuốc, vì nó có thể hạn chế lưu lượng máu đến bàn chân của bạn.

Bàn chân tổn thương do tiểu đường có những biểu hiện sau:

- Giảm hoặc mất hoàn toàn cảm giác đau, bàn chân bị biến dạng, các ngón chân quặp lại, đầu xương ngón chân cụp xuống, tư thế bàn chân trở nên không khớp với giày dép thông thường.

- Xuất hiện các cục chai, cứng ở gót chân, phía ngoài cạnh ngón út hoặc phía trong cạnh ngón cái. Lưu lượng máu ở bàn chân bị tổn thương gia tăng, mạch ở những nơi này đập mạnh, khi nằm các tĩnh mạch nổi phồng lên.

- Loét lòng bàn chân, diễn biến qua các giai đoạn sau: Giảm cảm giác đau, giảm khả năng chịu lực; da vùng chịu sức ép dày lên, hình thành bọng nước tại các điểm chịu sức ép, các bọng nước này nếu vỡ ra dễ bị viêm và nhiễm khuẩn. Tình trạng viêm sẽ xâm lấn, phá hủy mô chung quanh gây hoại tử và các vết loét nhiễm khuẩn; Bàn chân của người bệnh tiểu đường còn có thể bị sưng phù do suy hệ tĩnh mạch và suy tim, làm nặng thêm hiện tượng viêm loét. Người ta cũng nhận thấy rằng trong số những người mắc bệnh tiểu đường thì đàn ông hay bị viêm loét bàn chân hơn phụ nữ, có thể do phụ nữ chăm chút vệ sinh tốt hơn.


Nguồn tham khảo:
http://plo.vn/suc-khoe/bi-tieu-duong-cham-soc-chan-the-nao-moi-dung-493778.html
http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/8644902-.html

Lê Hoa (Tổng hợp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X