Hotline 24/7
08983-08983

Để không còn sáng kiến lu, chậu trong chống ngập

Mấy ngày nay, trong nghị trường, ngoài xã hội đang bàn tán mãi chuyện một vị dân biểu đề xuất sử dụng lu để giảm ngập. Hiểu theo nghĩa khoa học thì đây là một phương pháp 'tích tụ' nước tạm thời khi dư thừa rồi sau đó tính tiếp.

Theo phương pháp này, TP.HCM đang đặt kỳ vọng vào các loại hồ điều tiết sẽ giải quyết triệt để bài toán ngập nước bởi mưa và triều. Nhưng cho đến nay tất cả các dự án đều còn ở thì tương lai, trong khi chỉ còn 5 tháng nữa là sang năm 2020. Điều đó có nghĩa chiến lược hồ điều tiết có thể sẽ phá sản.

Đưa ống HDPE (ống lọc rác) xuống để thi công hồ điều tiết thông minh tại đường Võ Văn Ngân, Thủ Đức - Ảnh tư liệu: HỮU KHOA

Hầu hết các thành phố cận sông, biển đều gặp phải vấn đề về ngập nước, nhưng thành phố phải vật lộn triền miên với ngập như TP.HCM thì rất ít. Một điều thật vô lý là địa hình, địa mạo tự nhiên của TP.HCM rất thuận lợi cho "thoát nước", rất khó xảy ra tình trạng ngập sâu và lâu.

Địa hình của thành phố này cao ở phía tây bắc, đông bắc và thấp dần về đông nam thông ra Biển Đông. Thành phố nằm ngay bên sông Sài Gòn chảy thẳng ra biển qua hai ngả Lòng Tàu và Soài Rạp, hơn thế còn có hàng trăm con kênh rạch, ao hồ tự nhiên chằng chịt.

Do địa hình, địa mạo như vậy cho nên lịch sử phát triển của thành phố này lấy "thoát nước" là chủ đạo chứ không phải "tích nước". Mưa lớn đến mấy, nước triều dâng cao rồi cũng đổ dồn xuống kênh rạch, nước chảy tràn trên bề mặt, một phần tự thấm xuống lòng đất, một phần tràn xuống vùng trũng, rồi tất cả dồn về phía nam, nơi được coi là túi chứa nước trước khi chảy ra biển.

Nhưng do quy hoạch và xây dựng trong hơn 30 năm qua khiến cho thành phố rơi vào bi kịch càng chống càng ngập. Thế hệ trẻ hôm nay mấy ai biết ở ngay giữa trung tâm thành phố đã từng có một hồ chứa nước tự nhiên rất lớn là hồ Kỳ Hòa hay công viên văn hóa Đầm Sen vốn là một bể chứa nước khổng lồ với gần 100ha, nay chỉ còn một cái hồ nước nội bộ để chơi trò đạp vịt chừng 1ha.

Trong cơn say đô thị hóa, ai cũng đua nhau lấp ao hồ, kênh rạch, các con kênh phần bị san lấp xây dựng, phần bị vô hiệu bởi rác rến khiến cho chúng không còn tác dụng thoát nước và bị cắt rời thành từng khúc.

Vì vậy, nếu khai thông trở lại 5 hệ thống kênh trục gồm Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - kênh Đôi - kênh Tẻ, Bến Nghé, Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật và các con rạch như Văn Thánh, Cầu Sơn - Cầu Bông, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Hân, Ông Tiêu, Miếu Nổi, Bùng Binh... thì thành phố này chắc chắn sẽ không còn ngập nặng nữa, nếu có cũng chỉ bỗng chốc mà thôi.

Hãy suy nghĩ và quyết liệt theo đuổi chiến lược "thoát nước tự nhiên" thay vì "tích trữ". Việc khôi phục cho thành phố hệ thống thoát nước tự nhiên sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn.

Tuy tốn kém nhưng sẽ giúp thành phố thoát ngập bền vững, trả lại tên cho vùng đất này là "thành phố sông nước", làm cho thành phố mát mẻ hơn và cố nhiên khách du lịch sẽ đến nhiều hơn, cuộc sống của người dân sẽ dễ chịu hơn.

Việc khai thông trở lại các dòng kênh rạch khó không? Khó, vì nó rất tốn kém, động chạm tới nhiều gia đình. Nhưng có làm được không? Làm được, minh chứng rõ ràng nhất cho chuyện này là Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Hơn nữa kinh phí dành cho việc khôi phục hệ thống tiêu thoát nước tự nhiên chưa chắc tốn kém nhiều hơn các dự án chống ngập lẻ mẻ, đối phó từng vụ việc, từng năm... trong khi lợi ích mang lại rất lớn và lâu dài.

Một khi làm được như thế, thành phố này chả cần đến các dự án nghìn tỉ, chả cần dành đất cho hồ nhân tạo, chả cần máy bơm khủng và cũng chả cần sáng kiến lu, chậu làm dậy sóng như vừa qua.

Theo Tuổi Trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X