Hotline 24/7
08983-08983

Dè dặt với cây trồng biến đổi gen

Hiếm có cuộc toạ đàm khoa học nào thu hút sự quan tâm của cử toạ như toạ đàm về cây trồng biến đổi gen.

Chương trình do quỹ Hoà bình và phát triển TPHCM cùng trung tâm Nghiên cứu xã hội và giáo dục Trí Việt tổ chức tuần qua ở TPHCM. Quan tâm bắt nguồn từ âu lo nguy cơ cho sức khoẻ con người về thực phẩm biến đổi gen, những sản phẩm ngày càng xuất hiện nhiều trên bàn ăn.

Lo âu có thật

Nghiên cứu cây trồng biến đổi gen (GM) nhiều năm nay, PGS.TS Ngô Thị Xuyên, học viện Nông nghiệp Việt Nam, hồ hởi về những ích lợi của sản phẩm này: tăng khả năng chống chịu sâu, năng suất cao, chống thuốc trừ cỏ dại, bảo vệ sức khoẻ nông dân khi ít tiếp xúc với hoá chất.

Liên quan đến người tiêu dùng, TS Xuyên nghiêng về ủng hộ thực phẩm GM vì bà cho rằng chúng không tồn lưu hoá chất, kim loại nặng, vi khuẩn vượt ngưỡng cho phép. Nhưng bà cũng dè dặt: “Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ liên quan đến an toàn của GM trên môi trường và sức khoẻ con người”.

GS.TS Bùi Chí Bửu, viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, lưu ý đến những sản phẩm công nghệ làm từ GM mang đến lợi ích cho sức khoẻ con người như gen mã hoá GABA ngăn ngừa cao huyết áp (Nhật Bản); thuốc lá GM có protein IL 13 đóng vai trò miễn dịch, ngừa đái tháo đường type 1, viêm khớp và nhiều dạng ung thư khác; vắcxin viêm gan B làm từ giống lúa biotech (gen SSR1). Dù lợi ích như thế, GS Bửu vẫn cho rằng khoa học vẫn chưa biết hết những nguy cơ tiềm ẩn của thực phẩm GM cho con người như gây độc, dị ứng, lờn kháng sinh.

Đến với toạ đàm trong vai trò người nghe, ông Chung Hoàng Chương, một giáo sư về hưu của đại học San Francisco (Mỹ), bày tỏ lo ngại từ quan sát của ông về khoai tây biến đổi gen bày bán ở Mỹ tồn tại cả tháng trời mà không bị hư, trong khi khoai tây thông thường đã hư từ lâu. “Như thế chúng có tạo ra những biến đổi gì trong cơ thể người dùng hay không?”, ông hỏi.

Nhưng lo ngại lớn nhất, theo GS Chương, đó là thành viên trong các cơ quan an toàn thực phẩm của Mỹ đều được Monsanto - một trong những tập đoàn cung cấp giống biến đổi gen lớn nhất thế giới - vận động hành lang và không ít nghiên cứu về GM ở nước này cũng nhận tài trợ từ Monsanto. Vấn đề đặt ra, theo GS Chương, liệu Monsanto có đạo đức trong việc bảo vệ tương lai nhân loại hay không?

Cần một thái độ đúng

Khó tìm được một thái độ rõ ràng về GM từ cuộc toạ đàm, vì chính bản thân các nhà khoa học tham dự cũng lẫn lộn thái độ ủng hộ và hoài nghi.

Trong thực tế, khoa học thế giới vẫn tranh cãi bất tận về GM. Tháng 9.2012, thế giới sửng sốt khi GS Gilles Eric Séralini (Pháp) và cộng sự công bố công trình nghiên cứu cho thấy những con chuột bị khối u vì ăn bắp GM.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí uy tín Food anh Chemical Toxicology (FCT), nhưng hơn một năm sau tạp chí này đã rút bài báo xuống với nhận định “dữ liệu nghiên cứu không đi đến được kết luận, do đó kết luận nghiên cứu đưa ra là không đáng tin cậy”. Thế nhưng, tạp chí cũng khẳng định “không có bằng chứng về gian dối hoặc giải thích nhầm có chủ ý về dữ liệu”.

Sự việc kể trên cho thấy khoa học rất dè dặt về sự an toàn của thực phẩm GM, vì đến nay các bằng chứng khoa học vẫn chưa đầy đủ.

Nhưng dù gì, theo chị Phạm Thị Tuyết Mai, quản lý sản xuất một công ty cổ phần rau, đã đến lúc nhà quản lý phải công khai cho người tiêu dùng biết đâu là sản phẩm GM để họ lựa chọn. Chị nói: “Cần dán nhãn GM trên sản phẩm một cách rõ ràng. Vì thế hệ tương lai của người Việt Nam, người tiêu dùng đòi hỏi chuyện này”.

Cùng chung ý tưởng đó, ông Đặng Văn Khoa, chủ tịch hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.HCM, lên tiếng: “Tôi gặp khá nhiều người tiêu dùng băn khoăn về thực phẩm GM. Đứng về góc độ xã hội, tôi chỉ mong các nhà khoa học trung thực để chỉ ra cho người tiêu dùng đâu là cái lợi và cái hại của thực phẩm GM. Tôi cũng đặc biệt mong giới truyền thông đưa thông tin đúng, đủ về GM cho công chúng”.           

“Nếu nghiên cứu về GM, mong các nhà khoa học Việt Nam hãy làm vì sức khoẻ của người Việt Nam, không ai làm thay chúng ta được. Ở Nhật người ta cũng nghiên cứu về GM, nhưng người Nhật không ăn các sản phẩm này.

Ngược lại, họ nghiên cứu các gen trong cây trồng hoặc động vật GM để phục vụ cho trị bệnh hoặc nâng cao sức khoẻ con người. Việc chọn lọc các gen quý theo quá trình tự nhiên là một hướng công nghệ sinh học Việt Nam nên đi và phát triển”, PGS.TS Nguyễn Văn Thuận, khoa công nghệ sinh học, đại học Quốc tế TPHCM.

Theo Phan Bình Yên - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X