Hotline 24/7
08983-08983

Dạy trẻ biết quan tâm, chia sẻ

Biết quan tâm, chia sẻ với người khác là đức tính tốt. Tuy nhiên đối với trẻ em, không thể tự nhiên các em biết được điều này, mà cần có sự quan tâm, giáo dục và đồng hành từ các bậc cha mẹ.

Khi con có một hành động tử tế, hãy bảo với con rằng trẻ đã làm đúng. Nhưng không phải cứ khen là được. Lời khen của bố mẹ càng cụ thể càng tốt, và chỉ nên hướng vào nỗ lực của trẻ không nên khen vào kết quả bé đạt được. Thỉnh thoảng bạn và bé cũng nên chia sẻ với nhau mình đã cảm thấy vui như thế nào khi trẻ làm một hành động đẹp. Đi từ cảm xúc của trẻ khi làm một việc tốt rồi đưa ra bài học ứng xử cho trẻ sẽ dễ dàng hơn là bạn chỉ đưa ra những lý thuyết suôn theo kiểu con phải làm điều này, điều nọ…

Mỗi lần gặp mặt bạn bè là chị Nhung ở Tân Phú cứ ngồi than thở về hai đứa con gái của mình. Đứa đầu lớp 11, đứa sau lớp 9 chứ đâu phải còn bé bỏng gì đâu nhưng không hiểu sao hai đứa đều vô tâm quá đỗi. Có lần chị cảm sốt nằm mẹp cả ngày không thể nấu nướng, mong con đi học về nấu cho chút cháo. Nào ngờ về tới nhà không thấy cơm nước, hai đứa rủ nhau ra đầu hẻm ăn uống tới lúc quay về chẳng mua được cho chị miếng gì bỏ bụng. Đã vậy chúng nó còn vô tư cười nói “cứ tưởng ở nhà mẹ đã ăn xong rồi”.

Còn mấy đứa con anh Luyện ở chung cư Miếu Nổi, suốt ngày cãi nhau chí chóe dù đứa nào đứa nấy đều đã lớn chồng ngồng. Mỗi lần mua sắm thứ gì cũng phải y như nhau, không thì cứ phân bì rồi hờn giận với cả bố mẹ. Việc nhà thì chẳng khi nào tự giác làm, toàn đợi kêu réo đến khản cả cổ. Anh bảo không ít lần từ cắt nghĩa, giảng giải cho đến tâm sự, khuyên lơn nhưng tới lúc gặp chuyện là chúng vẫn chứng nào, tật nấy.

Trong khi đó, ai cũng nói gia đình chị Trân ở đường Trần Văn Đang, Q.3 là có phước. Vì có được 3 đứa con trai đều ngoan hiền, biết phụ giúp cha mẹ buôn bán quán ăn tại nhà. Từ tờ mờ sáng cho tới tối mịt, nếu đi học thì thôi, về đến nơi là thay phiên nhau làm đủ thứ việc như: bưng bê, lau rửa, đứng bán, chạy bàn… Chẳng bao giờ thấy mấy anh em to tiếng, cãi cọ nhau.

Biết quan tâm, chia sẻ với người khác là đức tính tốt. Thế nhưng trẻ em không thể tự biết điều này nếu như người lớn không hề quan tâm đến việc giáo dục và định hướng bằng những phương pháp phù hợp.

Bắt đầu từ những công việc đơn giản


Tập cho trẻ biết phụ giúp gia đình từ những công việc thường ngày sao cho phù hợp với khả năng và tính cách của mỗi bé: xếp quần áo, quét nhà, lau bàn, dọn dẹp đồ chơi, rửa bát, cất đồ vào tủ lạnh… Đừng quá nuông chiều bé sẽ khiến chúng ỷ lại vào cha mẹ và những người xung quanh. Được tham gia làm cùng bố mẹ những công việc như vậy trẻ mới có thể cảm nhận phần nào tình yêu thương qua sự vất vả hằng ngày của bạn mà có thái độ quan tâm đúng mực.

Hành vi, thái độ của cha mẹ cùng những người thân là yếu tố quyết định phần lớn khả năng quan tâm, chia sẻ của bé trong tương lai.

Khích lệ chứ đừng bắt buộc hay áp đặt

Cần giao việc cho trẻ một cách khéo léo và hướng dẫn làm từng chút một, có như vậy bé mới cảm thấy đó là một công việc ý nghĩa và hoàn thành thật tốt. Có thể những ngày đầu bé sẽ không thích, chớ áp đặt hay ra lệnh, điều đó sẽ khiến cho mọi thiện chí của cha mẹ đều bị bác bỏ. Phương pháp hiệu quả nhất là mềm mỏng và kiên nhẫn.
Hướng cho trẻ biết hiểu và nghĩ cho người khác

Bạn nên giáo dục trẻ bằng những câu chuyện, những cuốn sách mua cho con, những bộ phim có ý nghĩa. Lấy ví dụ cho trẻ về những con người đã và đang phải chịu đau khổ, gợi ý cho con tưởng tượng, thể nghiệm những suy tư, tình cảm của những người đó, từ đó hình thành cho trẻ tình yêu thương, sự quan tâm, lòng cảm thương với con người.

Quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh


Đầu tiên là với những người gần gũi với bé như ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình, sau đó mở rộng sự quan tâm, chia sẻ đến thầy cô, bạn bè, anh chị họ, bà con xa, hàng xóm… Trong bất kỳ trường hợp nào có thể, như đi trên đường thấy người bán vé số, người nhặt ve chai hay chú công an điều khiển giao thông, tài xế taxi… hãy chia sẻ với trẻ về công việc và sự vất vả của họ.

Động viên, khen ngợi khi trẻ làm điều tốt

Khi con có một hành động tử tế, hãy bảo với con rằng trẻ đã làm đúng. Nhưng không phải cứ khen là được. Lời khen của bố mẹ càng cụ thể càng tốt, và chỉ nên hướng vào nỗ lực của trẻ không nên khen vào kết quả bé đạt được. Thỉnh thoảng bạn và bé cũng nên chia sẻ với nhau mình đã cảm thấy vui như thế nào khi trẻ làm một hành động đẹp. Đi từ cảm xúc của trẻ khi làm một việc tốt rồi đưa ra bài học ứng xử cho trẻ sẽ dễ dàng hơn là bạn chỉ đưa ra những lý thuyết suôn theo kiểu con phải làm điều này, điều nọ…

Bố mẹ hãy làm gương


Khó có thể đòi hỏi một đứa trẻ luôn biết quan tâm, chia sẻ khi cha mẹ không lưu tâm đến điều này. Do đó cha mẹ phải là người làm gương cho bé. Chính hành vi, thái độ của cha mẹ cùng những người thân là yếu tố quyết định phần lớn khả năng quan tâm, chia sẻ của bé trong tương lai.

Theo Thế Giới Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X