Hotline 24/7
08983-08983

Dạy trẻ biết dùng 'xin lỗi, cảm ơn' đúng lúc

Không ít người cứ nghĩ "xin lỗi, cảm ơn" chỉ là lời đầu môi chót lưỡi, là chuyện khách sáo vặt vãnh. Thực ra, “xin lỗi, cảm ơn” ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách  của trẻ.

Đứa trẻ khi sai phạm mà không biết xin lỗi sẽ rất khó nhận được sự thiện cảm của mọi người xung quanh, thậm chí bị bạn bè xa lánh. Vì sao vẫn có nhiều trẻ mắc thói quen xấu đó? Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, hầu hết do nuông chiều, ngay từ nhỏ khi bảo xin lỗi, con bướng bỉnh không nghe, cha mẹ không cương quyết mà lơ là cho qua. Từ đó, đứa trẻ không phân định được hành vi đúng, sai của bản thân. Các em trở nên ích kỷ, không biết nhượng bộ dù chính bản thân các em cũng biết mình phạm lỗi.

Dạy con phải biết xin lỗi khi con có hành động sai trái bằng thái độ cầu thị

Cháu gái tôi đã tám tuổi, vừa chạy giỡn với bạn vừa cầm chiếc iPad, bất ngờ trượt té, thế là chiếc máy vỡ tung. Lẽ ra cháu phải xin lỗi mẹ, đằng này cháu giãy nảy, la toáng lên như lỗi của mẹ mình. Cô em gái tôi chẳng những không la mắng mà còn ôm con vào lòng, năn nỉ, vỗ về, hứa sẽ mua chiếc máy khác cho cháu chơi games...

Đây chính là một trong những nguyên nhân các bà mẹ đẩy con mình dần đi đến những thói quen xấu. Những trường hợp như thế, cha mẹ cần nghiêm khắc, kiên nhẫn, phân tích một cách thuyết phục cho con thấy lỗi là do con. Đồng thời dạy con phải nghiêm túc nói lời xin lỗi.

Có nhiều cách xin lỗi. Có trường hợp dù trẻ không nói ra hai từ xin lỗi nhưng thái độ của trẻ rất thành khẩn, rụt rè, khép nép, ấp úng, mếu máo… sẽ được chấp nhận như một lời xin lỗi. Ngược lại, nếu trẻ nói hai tiếng xin lỗi với thái độ miễn cưỡng bất cần, không cầu thị thì đó không được chấp nhận là xin lỗi.

Ý thức được sự hàm ơn của mình là điều rất quan trọng của một đứa trẻ. Cha dạy con nói lời cảm ơn với mẹ khi tần tảo kiếm tiền sắm cho mình chiếc áo đẹp, chiếc xe đạp mới; bà dạy cháu cám ơn ông khi đi xa về tặng cháu món quà… những thói quen tốt mà người lớn truyền sang sẽ hình thành nhân cách cho trẻ.

Dạy trẻ biết cám ơn khi nhận quà từ người khác

Có nhiều yếu tố tạo nên giá trị con người. Chỉ “xin lỗi, cảm ơn” không thì chưa đủ nói lên nhân cách của một người. Nhưng “xin lỗi và cảm ơn” là điều kiện cơ bản, là nội dung không thể thiếu trong việc dạy dỗ cho một đứa trẻ lớn lên thành người tử tế.
Theo Thế Giới Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X