Hotline 24/7
08983-08983

Đau tinh hoàn trái, tại sao?

Bạn có thể sẽ nghĩ rằng, khi một vấn đề sức khoẻ nào đó ảnh hưởng đến tinh hoàn, thì các triệu chứng sẽ xuất hiện ở cả 2 bên. Tuy nhiên, có rất nhiều tình trạng chỉ làm xuất hiện triệu chứng ở một bên tinh hoàn mà thôi.

Nguyên nhân là vì giải phẫu của tinh hoàn bên trái hơi khác so với tinh hoàn bên phải. Do vậy, tinh hoàn trái thường nhạy cảm hơn với các tình trạng bệnh, ví dụ như giãn tĩnh mạch và xoắn tinh hoàn.

Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến gây đau tinh hoàn bên trái.

Giãn tĩnh mạch

Bạn có rất nhiều động mạch chạy khắp cơ thể để vận chuyển máu giàu oxy từ tim đến xương, các mô và các cơ quan. Bạn cũng sẽ có các tĩnh mạch mang máu thiếu oxy trở lại tim hoặc phổi. Khi tĩnh mạch tại tinh hoàn bị phù, tức là bạn đã mắc phải tình trạng giãn tĩnh mạch tinh. Tình trạng này ảnh hưởng đến khoảng 15% số nam giới.

Giống như tình trạng giãn tĩnh mạch xảy ra ở chân, giãn tĩnh mạch tinh có thể sẽ xuất hiện thành từng cục ở phía dưới da vùng bìu. Giãn tĩnh mạch thường sẽ hình thành ở tinh hoàn trái vì tĩnh mạch ở bên trái ở vị trí thấp hơn. Vị trí thấp hơn sẽ khiến việc bơm máu trở lại cơ thể của tĩnh mạch này khó khăn hơn.

Viêm tinh hoàn


Viêm tinh hoàn thường có nguyên nhân là do một loại virus hoặc nhiễm khuẩn. Cơn đau có thể sẽ bắt đầu ở tinh hoàn trái hoặc phải, và có thể lan ra toàn bộ vùng bìu hoặc không. Ngoài triệu chứng đau, vùng bìu có thể sẽ sưng và nóng. Lớp da vùng bìu có thể sẽ có màu đỏ, bìu sẽ có cảm giác ấm hơn hoặc căng tức hơn. Virus gây bệnh quai bị thường là nguyên nhân gây viêm tinh hoàn. Trong trường hợp này, các triệu chứng tại vùng bìu sẽ không xuất hiện trong vòng 1 tuần. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu hoặc viêm đường tiết niệu cũng có thể dẫn đến viêm tinh hoàn.

Nang tinh trùng hoặc u tinh dịch

Nang tinh trùng hoặc u tinh dịch là một túi chứa đầy dịch hình thành tại ống dẫn tinh ở nửa trên tinh hoàn. Tình trạng này có thể phát triển ở cả 2 tinh hoàn. Nếu khối u nang còn nhỏ, bạn sẽ không xuất hiện triệu chứng nào cả. Nhưng nếu khối u nang phát triển lớn hơn, tinh hoàn có thể sẽ đau và cảm thấy nặng. Bạn có thể nhận thấy sự thay đổi ở tinh hoàn thông qua việc tự thăm khám. Sau đó, bạn nên đi khám bác sỹ. Cho tới nay, vẫn chưa rõ tại sao nang tình trùng/u tinh dịch lại hình thành. Nếu bạn không xuất hiện triệu chứng, bạn có thể sẽ không cần phải điều trị.

Xoắn tinh hoàn

Là một tình trạng cấp cứu, xoắn tinh hoàn sẽ xảy ra khi các dây tinh trùng bị xoắn ở trong tinh hoàn, làm giảm lượng máu cung cấp đến tinh hoàn. Nếu tình trạng này không được điều trị trong vòng 6 giờ, nam giới có thể sẽ mất đi bên tinh hoàn bị ảnh hưởng. Xoắn tinh hoàn là một tình trạng hiếm gặp, ảnh hưởng đến khoảng 1/4000 nam giới trẻ.

Một trong số những nguyên nhân phổ biến nhất gây xoắn tinh hoàn là một tình trạng được gọi là dị tật quả lắc chuông. Thay vì việc dây tinh trùng ở đúng chỗ, một số nam giới sẽ có dị tật quả lắc chuông ngay từ khi sinh ra khiến tinh hoàn tự do di chuyển, đồng nghĩa với việc dây tinh trùng sẽ dễ bị xoắn. Xoắn tinh hoàn thường chỉ ảnh hưởng đến một bên tinh hoàn và thường là bên trái. Tình trạng đau thường sẽ xuất hiện bất ngờ, đi kèm với tình trạng sưng.

Tràn dịch tinh hoàn

Bên trong bìu, có một lớp màng mô mỏng bao quanh mỗi tinh hoàn. Khi dịch hoặc máu chứa đầy lớp màng này, tình trạng này sẽ được gọi là tràn dịch tinh hoàn. Lúc này, bìu sẽ bị sưng và bạn có thể sẽ bị đau hoặc không. Tràn dịch tinh hoàn có thể phát triển quanh một hoặc cả hai tinh hoàn. Tràn dịch tinh hoàn thường gặp ở trẻ sơ sinh và thường sẽ tự khỏi trong vòng 1 năm hoặc nhiều hơn sau khi sinh. Nhưng tràn dịch tinh hoàn là do viêm hoặc chấn thương lại thường gặp ở nam giới nhiều tuổi.

Chấn thương

Tinh hoàn rất dễ bị chấn thương, đặc biệt là trong thể thao, hoặc trong các vụ tai nạn. Do tinh hoàn trái có xu hướng ở vị trí thấp hơn tinh hoàn phải nên tinh hoàn trái cũng sẽ dễ bị chấn thương hơn. Chấn thương nhẹ với tinh hoàn có thể dẫn đến tình trạng đau tạm thời và có thể sẽ đỡ đau dần theo thời gian hoặc khi chườm mát, nhưng những chấn thương nghiêm trọng hơn sẽ cần được bác sỹ đánh giá. Tràn dịch tinh hoàn hoặc hoại tử tinh hoàn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Ung thư tinh hoàn

Cho tới nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn. Các yếu tố gây ung thư tinh hoàn bao gồm tiền sử gia đình và có tinh hoàn ẩn. Nhưng kể cả những người không có yếu tố nguy cơ vẫn có thể phát triển tình trạng ung thư. Ung thư tinh hoàn thường được phát hiện lần đầu khi tự thăm khám hoặc khi khám sức khoẻ định kỳ. Tình trạng sưng hoặc u cục ở bìu có thể là dấu hiệu của khối u ung thư. Lúc đầu, tình trạng ung thư có thể sẽ không gây đau, nhưng nếu bạn thấy tinh hoàn của mình có u cục hoặc có bất thường và bạn cảm thấy hơi đau, bạn nên đến gặp bác sỹ.

Ths.Lưu Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X