Hotline 24/7
08983-08983

Đau thắt lưng không đặc hiệu ở người lớn

Đây là loại phổ biến nhất của đau thắt lưng. Đa số các trường hợp khởi phát đột ngột (cấp tính), đau thắt lưng được phân loại như là không đặc hiệu.

Khoảng 8 trong số 10 người có một hoặc nhiều cơn đau thắt lưng (hay đau lưng dưới). Trong hầu hết các trường hợp, đau thắt lưng không phải do một bệnh lý hoặc vấn đề nghiêm trọng và nguyên nhân chính xác thường không rõ ràng. Điều này được gọi là đau thắt lưng không đặc hiệu. Những lời khuyên thông thường chủ yếu giữ cho vận động và sinh hoạt bình thường càng nhiều càng tốt. Thuốc giảm đau có thể giúp làm dịu cơn đau. Trong hầu hết các trường hợp, cơn đau sẽ biến mất trong vòng sáu tuần nhưng có thể tái phát theo thời gian. Đau mãn tính có thể phát triển trong một số trường hợp và việc tiếp tục điều trị là cần thiết.

Khoảng 8 trong số 10 người có một hoặc nhiều cơn đau thắt lưng (hay đau lưng dưới)
Khoảng 8 trong số 10 người có một hoặc nhiều cơn đau thắt lưng (hay đau lưng dưới)

Hiểu biết cơ bản về thắt lưng

Thắt lưng còn được gọi là vùng lưng dưới của lưng, tương ứng với phần bụng ở phía trước. Đây là phần lưng nằm dưới xương sườn và trên đỉnh của chân.

Thắt lưng phần lớn được tạo thành từ các cơ gắn vào và bao xung quanh cột sống. Cột sống được tạo thành từ nhiều xương gọi là đốt sống hay xương sống. Các đốt sống thì khá tròn và giữa các đốt sống là đĩa đệm. Các đĩa đệm này bao gồm  vòng xơ bao xung quanh và chính giữa là nhân nhầy, chất mềm giống như gel. Các đĩa đệm giúp hấp thu chấn động và cho phép cột sống hoạt động linh hoạt.

Các dây chằng rất chắc chắn bao quanh cột sống hỗ trợ và tăng thêm sức mạnh cho cột sống. Các cơ khác nhau được gắn vào cột sống cho phép cột sống có thể uốn cong và di chuyển theo các hướng khác nhau.

Cột sống bảo vệ cho tủy sống nằm phía trong có chứa đường dẫn truyền thần kinh đến và đi ra từ não bộ. Các dây thần kinh tủy sống đi ra từ giữa các đốt sống để lấy và nhận thông tin đến các bộ phận khác nhau của cơ thể.

Các loại đau thắt lưng?

Đau thắt lưng không đặc hiệu

Đây là loại phổ biến nhất của đau thắt lưng. Đa số các trường hợp khởi phát đột ngột (cấp tính), đau thắt lưng được phân loại như là không đặc hiệu. Đây là loại đau thắt lưng mà hầu hết mọi người sẽ gặp phải tại thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ. Nó được gọi là đau thắt lưng không đặc hiệu vì thường không rõ ràng nguyên nhân đang thực sự gây ra cơn đau. Nói cách khác, không có vấn đề hay bệnh lý cụ thể có thể được xác định là nguyên nhân gây đau.

Đau rễ thần kinh – thường được gọi đau thần kinh tọa 

Điều này xảy ra ít hơn 1 trong 20 trường hợp đau thắt lưng. Đau rễ thần kinh có nghĩa là rễ của dây thần kinh tủy sống bị kích thích hoặc bị đè ép (nhiều người gọi đây là một dây thần kinh bị mắc kẹt). Bạn cảm thấy đau dọc theo đường đi các dây thần kinh. Do đó, bạn thường cảm thấy đau phần dưới một chân, thỉnh thoảng đau ở bắp đùi hoặc bắp chân. Các cơn đau ở chân hoặc bàn chân thường nặng hơn so với các cơn đau ở lưng. Sự kích thích hoặc tăng áp lực lên các rễ dây thần kinh cũng có thể gây ra cảm giác kim châm, tê hoặc yếu một phần của một bên mông, chân hoặc bàn chân.

Khoảng 9 trong 10 trường hợp đau rễ thần kinh là do thoát vị đĩa đệm. Thoát vị đĩa đệm thường do phần nhân nhầy bên trong phình ra thông qua một điểm yếu ở vòng xơ phía ngoài của đĩa đệm. Phần phình ra có thể chèn vào rễ dây thần kinh lân cận. Các bệnh lý ít gặp hơn cũng có thể gây áp lực lên rễ dây thần kinh gây đau lưng và đau rễ thần kinh.

Hội chứng chùm đuôi ngựa (CES) – hiếm, nhưng cần cấp cứu

Hội chứng chùm đuôi ngựa là một loại bệnh cảnh đặc biệt nghiêm trọng của rễ thần kinh. Đây là một dạng bệnh hiếm gặp do các rễ và dây thần kinh ở dưới cùng của tủy sống bị đè ép. Hội chứng này có thể gây đau thắt lưng kèm thêm vấn đề rối loạn hoạt động ruột và bàng quang (thường là liệt ruột và không tiểu được), tê hoặc mất cảm giác vùng đáy chậu (quanh hậu môn) và yếu một hoặc cả hai chân. Hội chứng này cần điều trị khẩn cấp để ngăn chặn các dây thần kinh bàng quang và ruột bị tổn thương vĩnh viễn. Đến gặp bác sĩ bác sĩ ngay lập tức nếu bạn nghi ngờ mình bị hội chứng chùm đuôi ngựa.

Những nguyên nhân khác ít phổ biến của đau thắt lưng

Viêm khớp cột sống cũng có thể gây ra đau thắt lưng. Thoái hóa khớp là dạng phổ biến của bệnh viêm khớp và thường xảy ra ở người lớn tuổi. Viêm cột sống dính khớp là một dạng viêm khớp thường xảy ra ở những người trẻ và gây đau và cứng khớp vùng thắt lưng. Viêm khớp dạng thấp cũng có thể ảnh hưởng đến cột sống, nhưng thường có tổn thương các khớp khác.

Các bệnh xương hiếm gặp, khối u, nhiễm trùng và tăng áp lực từ các cấu trúc gần cột sống đôi khi gây đau thắt lưng (ít hơn 1 trong 100 trường hợp đau thắt lưng).

Ở đây, chúng tôi chủ yếu giới thiệu về đau thắt lưng không đặc hiệu – loại phổ biến nhất của bệnh đau thắt lưng.

Nguyên nhân gây ra đau thắt lưng không đặc hiệu là gì?

Đau thắt lưng không đặc hiệu có nghĩa là cơn đau không phải do bệnh lý cụ thể nào có thể được tìm thấy. Người ta cho rằng trong một số trường hợp, nguyên nhân có thể là do bong gân (căng quá mức) của một dây chằng hoặc cơ vùng thắt lưng. Trong trường hợp khác thì nguyên nhân có thể là vấn đề của đĩa đệm giữa hai đốt sống, hay của một khớp nhỏ giữa hai đốt sống. Có thể có những vấn đề trong cấu trúc và mô vùng thắt lưng dẫn đến đau. Tuy nhiên, những nguyên nhân trên của cơn đau không thể chứng minh bằng thực nghiệm. Do đó, bác sĩ không thể nói chính xác nơi đau từ đâu đến, hoặc chính xác cái gì đang gây ra cơn đau.

Đối với một số người, việc không biết chính xác nguyên nhân của cơn đau là đáng lo ngại. Tuy nhiên, nhiều người lại thấy yên tâm khi biết rằng việc chẩn đoán là đau lưng không đặc hiệu có nghĩa là không có vấn đề nghiêm trọng về thắt lưng hay cột sống.

Những triệu chứng của đau thắt lưng không đặc hiệu là gì?

Đôi khi một cơn đau có thể xuất hiện ngay sau khi bạn nhấc một vật nặng, hoặc sau một cử động xoay người. Đôi khi nó có thể xuất hiện mà không có lý do khởi phát rõ ràng. Một số người bị đau thắt lưng chỉ sau một đêm ngủ dậy.

Mặc dù đau thắt lưng không đặc hiệu đôi khi được gọi là đau thắt lưng đơn giản, tuy nhiên đơn giản không có nghĩa là cơn đau nhẹ. Mức độ nghiêm trọng của các cơn đau có thể từ nhẹ đến nặng. Thông thường, cơn đau ở khu vực phía thắt lưng, nhưng đôi khi đau lan đến một hoặc cả hai mông hoặc đùi. Cơn đau thường được giảm nhẹ bằng cách nằm dài người. Cơn đau thường trở nên tồi tệ hơn nếu bạn đi lại, ho, hoặc hắt hơi. Vì vậy, đau lưng không đặc hiệu là đau cơ học thay đổi theo tư thế hoặc vận động.

Hầu hết cơn đau thắt lưng không đặc hiệu cải thiện nhanh chóng, thường là trong vòng một tuần hoặc có thể đôi khi lâu hơn. Tuy nhiên, một khi cơn đau đã giảm hoặc hết, thường sẽ có những cơn đau xuất hiện lại theo thời gian trong tương lai. Trong một số ít trường hợp, cơn đau kéo dài vài tháng hoặc lâu hơn. Điều này được gọi là đau lưng kinh niên (được thảo luận chi tiết hơn trong phần dưới).

Làm thế nào để chẩn đoán đau thắt lưng không đặc hiệu?

Hầu hết những người có cơn đau thắt lưng xảy ra đột ngột (cấp tính). Nếu không có các triệu chứng liên quan khác và không quá đau, nhiều người rất tự tin chấp nhận nó, tự chữa trị và phục hồi một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ, hãy gặp bác sĩ để kiểm tra và tư vấn thêm.

Một bác sĩ thường sẽ đặt câu hỏi về các triệu chứng của bạn và kiểm tra cơ thể bạn. Về cơ bản, các triệu chứng thường như mô tả ở trên, không có triệu chứng đáng lo ngại khác của đau thắt lưng (chẳng hạn như các triệu chứng liệt kê dưới đây). Việc kiểm tra bởi một bác sĩ mà không phát hiện bất cứ điều gì cho thấy bệnh đau thắt lưng có thể nghiêm trọng. Do đó, bác sĩ thường phải rất tự tin khi kết luận là bạn bị đau thắt lưng không đặc hiệu.

Theo hướng dẫn chung, nếu có những triệu chứng báo động sau đây xảy ra thì có thể không phải đau thắt lưng không đặc hiệu và có thể có một nguyên nhân tiềm ẩn nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, phần lớn những người bị đau thắt lưng không có các triệu chứng báo động dưới đây. Các triệu chứng báo động sẽ giúp cho chúng ta nhận biết vấn đề và tư vấn với bác sĩ.

- Đau tăng dần và ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong vài ngày hoặc vài tuần.

- Đau lưng liên tục không giảm dù cho nằm trên giường hoặc nghỉ ngơi.

- Đau lan vào ngực hoặc là cao hơn phần lưng phía sau ngực.

- Yếu bất kỳ cơ bắp ở chân hoặc bàn chân.

- Mất cảm giác (tê) trong bất kỳ phần nào ở vùng chậu, mông hoặc chân của bạn.

- Nếu bạn đã sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm Steroid hơn nhiều tháng.

Các triệu chứng tình trạng viêm khớp ví dụ như viêm cột sống dính khớp:

- Đau tồi tệ hơn khi gần sáng hoặc sau khi thức dậy.

- Cứng các cơ bắp thắt lưng vào buổi sáng sau khi thức dậy và kéo dài hơn 30 phút.

- Cơn đau dịu đi khi vận động.

Các triệu chứng có thể chỉ ra hội chứng chùm đuôi ngựa, ngoài đau thắt lưng:

- Tê quanh đoạn vùng đáy chậu quanh hậu môn.

- Rối loạn bàng quang như mất cảm giác bàng quang mất kiểm soát bàng quang, tiểu không tự chủ, mất cảm giác khi đi tiểu.

- Đại tiện không tự chủ.

Các triệu chứng có thể chỉ ra gãy xương cột sống:

- Đau thắt lưng sau chấn thương nặng như sau tai nạn giao thông hoặc ngã từ trên cao.

- Đau thắt lưng sau chấn thương nhẹ ở những người bị loãng xương.

Các triệu chứng có thể chỉ ra nhiễm trùng hoặc di căn bệnh ung thư đến cột sống:

- Khởi đầu của cơn đau thắt lưng ở độ tuổi trên 50 năm, hoặc dưới 20 năm.

- Đau ngay cả khi nằm; đau ban đêm gây khó ngủ.

Các triệu chứng hoặc các vấn đề khác như:

- Nếu bạn bị hoặc đã từng bị ung thư ở bất kỳ phần nào của cơ thể.

- Triệu chứng chung như sốt, sụt cân không giải thích được nguyên nhân...

- Nếu bạn chích ma túy ngoài đường phố.

- Nếu bạn có một hệ thống miễn dịch kém như đang hóa trị hoặc bị nhiễm HIV/AIDS.

Tôi có cần phải xét nghiệm?

Thường là không. Bác sĩ của bạn thường sẽ có thể chẩn đoán đau thắt lưng không đặc hiệu từ việc bạn mô tả đau thắt lưng và khám bạn. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, xét nghiệm không cần thiết. Không có xét nghiệm có thể chứng minh hoặc xác nhận đau lưng không đặc hiệu. Trong thực tế, một số bác sĩ cho rằng các bài kiểm tra thực sự có thể làm hại nhiều hơn lợi khi chẩn đoán là đau lưng không đặc hiệu. Ví dụ, các thuật ngữ kỹ thuật được sử dụng để báo cáo về chụp MRI đôi khi gây ra báo động. Trong khi thực tế kết quả MRI cho biết những gì sẽ là bình thường đối với một độ tuổi nhất định và không phải là một nguyên nhân gây ra đau đớn.

Hướng dẫn hiện nay ở Anh khuyến cáo các xét nghiệm thường quy như X-quang và chụp MRI là không cần thực hiện nếu được chẩn đoán đau thắt lưng không đặc hiệu.

Các xét nghiệm như X-quang, MRI hoặc xét nghiệm máu có thể được khuyên trong các tình huống nhất định. Chủ yếu khi có triệu chứng hoặc dấu hiệu mà các bác sĩ thấy rằng có thể là một nguyên nhân tiềm ẩn nghiêm trọng của bệnh đau lưng.

Các phương pháp điều trị cho một cơn đau thắt lưng không đặc hiệu là gì?

Những lời khuyên và điều trị sau đây thường được cho dùng cho cơn đau thắt lưng không đặc hiệu đột ngột khởi phát (cấp tính).

Duy trì vận động

Duy trì các vận động hàng ngày bình thường càng nhiều càng tốt. Điều này có thể không làm được lúc ban đầu nếu quá đau. Tuy nhiên, di chuyển vận động ngay sau khi bạn có thể và trở lại các hoạt động bình thường càng sớm càng tốt. Như một quy luật, không làm bất cứ điều gì gây ra nhiều đau đớn. Tuy nhiên, bạn sẽ phải chấp nhận một số khó chịu khi bạn cố gắng để duy trì vận động. Thiết lập một mục tiêu mới mỗi ngày có thể là một ý tưởng tốt. Ví dụ, đi bộ xung quanh nhà trong ngày đầu, đi bộ đến các cửa hàng trong ngày tiếp theo, vv.

Ngoài ra, ngủ ở vị trí tự nhiên thoải mái nhất trên bất cứ bề mặt thoải mái nhất. Lời khuyên được đưa ra trong quá khứ là nên nằm ngủ trên một mặt phẳng vững chắc. Tuy nhiên, không có bằng chứng để nói rằng một mặt phẳng vững chắc là tốt hơn so với bất kỳ loại hình khác của giường cho những người bị đau lưng. Một số người thấy rằng một cái gối nhỏ kẹp giữa hai đầu gối khi nằm ngủ nghiêng một bên giúp giảm bớt các triệu chứng vào ban đêm.

Nếu bạn đang làm việc, mục đích là được trở lại làm việc càng sớm càng tốt. Không cần phải chờ hết hẳn đau rồi mới trở lại làm việc. Trở lại làm việc giúp giảm đau bằng cách quay trở lại với các tư thế vận động bình thường và tạo ra phân tâm khỏi đau đớn.

Trong quá khứ, từng có những lời khuyên nghỉ ngơi cho đến khi cơn đau hết hẳn. Điều này bây giờ được cho là sai. Những bằng chứng từ các thử nghiệm nghiên cứu cho thấy khả năng phục hồi nhanh chóng hơn bằng cách di chuyển và trở lại làm việc càng sớm càng tốt. Ngoài ra, bạn ít có khả năng để phát triển đau lưng mãn tính nếu bạn tiếp tục vận động khi bạn bị đau thắt lưng hơn là nghỉ ngơi nhiều.

Thuốc

Nếu bạn cần uống thuốc giảm đau, tốt nhất là uống liên tục. Điều này tốt hơn so với việc uống bây giờ và uống lại khi cơn đau trở nên nặng hơn. Nếu bạn uống thuốc giảm đau thường xuyên, cơn đau có nhiều khả năng sẽ được nới lỏng và cho phép bạn tập thể dục và duy trì vận động.

- Paracetamol thường là đủ nếu bạn uống nó thường xuyên và đúng liều. Đối với người lớn là mỗi lần 1000 mg (thường là hai viên 500 mg), bốn lần một ngày.

- Thuốc giảm đau kháng viêm. Một số người thấy rằng thuốc giảm đau kháng viêm hoạt động tốt hơn so với Paracetamol. Chúng bao gồm Ibuprofen mà bạn có thể mua tại các hiệu thuốc hoặc siêu thị không cần toa bác sĩ. Các loại khác như Diclofenac hoặc Naproxen cần toa bác sĩ. Một số người cần lưu ý khi dùng kháng viêm khi bị bệnh hen suyễn, huyết áp cao, suy thận, suy tim.

- Thuốc giảm đau mạnh hơn như Codein là một lựa chọn nếu kháng viêm không phù hợp hoặc không làm bớt đau. Codeine thường được đưa thêm vào Paracetamol. Táo bón là một tác dụng phụ phổ biến từ Codeine. Điều này có thể làm cho đau lưng tồi tệ hơn nếu rặn nhiều khi vào nhà vệ sinh. Để ngăn ngừa táo bón, cần uống nhiều nước và ăn thực phẩm có nhiều chất xơ.

- Chất giãn cơ như Diazepam được kê thuốc cho vài ngày nếu các cơ bắp bị căng và làm cho cơn đau nặng hơn. Diazepam là một trong nhóm thuốc Benzodiazepine có thể gây tình trạng lệ thuộc và cần được uống trong một thời gian càng ngắn càng tốt.

Phương pháp điều trị khác

Nhiệt như bồn tắm nóng có thể giúp giảm đau.

Điều trị có thể thay đổi và nên được xem xét bởi bác sĩ nếu cơn đau trở nên tồi tệ hơn hoặc kéo dài hơn 4-6 tuần, hoặc nếu các triệu chứng thay đổi. Các phương pháp giảm đau khác có thể được thử nếu cơn đau trở nên dai dẳng (mãn tính).

Diễn tiến tiếp theo hầu hết chúng ta (khoảng 8 trong số 10 người) sẽ có một cơn đau thắt lưng không đặc hiệu tại một số thời điểm trong cuộc sống. Mức độ nghiêm trọng có thể khác nhau. Tuy nhiên, rất khó để biết con số chính xác đối với diễn tiếp tiếp theo. Đây là một phần vì nó quá phổ biến và nhiều người bị đau lưng không tham khảo ý kiến một bác sĩ. Người ta cho rằng:

- Đau thắt lưng không đặc hiệu giảm đau nhanh chóng, thường là trong vòng một tuần hoặc lâu hơn.

- Trong khoảng 7 trong 10 trường hợp, cơn đau đã hết hoặc giảm bớt đáng kể trong vòng bốn tuần.

- Trong khoảng 9 trong 10 trường hợp, cơn đau đã hết hoặc giảm bớt đáng kể trong vòng sáu tuần.

Tuy nhiên, một khi cơn đau đã giảm hoặc hết, việc có những cơn đau tái phát theo thời gian trong tương lai là bình thường. Ngoài ra, người ta thường có thêm cơn đau nhẹ và hết sau một thời gian khi cơn đau bắt đầu hình thành. Trong một số ít trường hợp cơn đau kéo dài vài tháng hoặc lâu hơn. Điều này được gọi là đau thắt lưng mãn tính.

Đau thắt lưng không đặc hiệu mãn tính

Đau thắt lưng không đặc hiệu được phân loại là mãn tính nếu nó kéo dài hơn sáu tuần. Ở một số người nó kéo dài trong nhiều tháng, hoặc thậm chí nhiều năm. Triệu chứng có thể là không đổi. Tuy nhiên, các triệu chứng thông thường là các đợt đau không đều đặn. Đau nhẹ hoặc vừa phải trong thời gian dài có thể bị gián đoạn bởi những cơn đau dữ dội hơn.

Điều trị cho bệnh đau thắt lưng không đặc hiệu mãn tính

Điều trị ban đầu tương tự như đột ngột khởi phát cấp tính nhằm mục đích để duy trì khả năng vận động. Ngoài các loại thuốc giảm đau được liệt kê ở trên, bác sĩ có thể tư vấn thuốc chống trầm cảm ba vòng – ví dụ như Amitriptyline. Thuốc chống trầm cảm ba vòng ngoài tác dụng chính chống chứng trầm cảm còn có tác dụng trong một số tình trạng đau đớn, bao gồm đau thắt lưng.

Ngoài ra, hướng dẫn quốc gia Y tế Anh Quốc (thuộc Viện Quốc gia về y tế và chăm sóc (NICE), tham khảo dưới đây) khuyến cáo sử dụng một hoặc nhiều hơn các phương pháp điều trị sau đây cần được xem xét. Mỗi phương pháp điều trị có một số bằng chứng từ các thử nghiệm nghiên cứu cho thấy rằng sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng ở một số người (nhưng không phải tất cả):

Chương trình tập luyện bài bản. Điều này có nghĩa là một chương trình tập thể dục được giám sát bởi một nhà vật lý trị liệu chuyên nghiệp. Có thể là tập thể dục theo nhóm. Các bài tập có thể bao gồm vận động hiếu khí, hướng dẫn di chuyển, tăng cường cơ bắp, kiểm soát tư thế và kéo dãn cơ thể. Nó thường bao gồm tám buổi giám sát trong 8-12 tuần với sự khuyến khích tiếp tục tập luyện ở nhà.

Điều trị bằng tay. Thông thường loại này bao gồm một số bài tập mát xa, vận động và/hoặc kéo dãn cột sống. Các chuyên gia vật lý trị liệu di chuyển các khớp của cột sống xung quanh phạm vi chuyển động bình thường hoặc kéo dãn các khớp vượt quá phạm vi hoạt động của cột sống.
Châm cứu. Người ta vẫn chưa thật sự hiểu rõ hoạt động châm cứu như thế nào. (Một số bác sĩ cảm thấy rằng đây là phương gây tranh cãi vì bằng chứng hiệu quả thấp).

Trị liệu hành vi nhận thức (Cognitive behavioural therapy) cũng có thể được khuyến cáo như là một lựa chọn điều trị. Có bằng chứng chắc chắn từ các nghiên cứu cho thấy rằng trị liệu hành vi nhận thức có thể giúp đỡ giảm đau thắt lưng. Trị liệu hành vi nhận thức nhằm giúp bạn thay đổi cách bạn suy nghĩ, cảm nhận và hành xử. Nó được sử dụng trong điều trị các vấn đề sức khỏe khác nhau bao gồm các loại đau mãn tính.

Nếu các phương pháp điều trị trên không giúp nhiều thì bạn có thể được giới thiệu đến một phòng khám chuyên khoa. Hiếm khi, một phẫu thuật hàn cứng đốt sống được xem xét khi tất cả các lựa chọn điều trị khác đã không giúp giảm đau và đau vẫn còn nghiêm trọng.

Có thể ngăn chặn những cơn đau lưng kéo dài?

Bằng chứng cho thấy rằng cách tốt nhất để ngăn chặn những cơn đau lưng đơn giản chỉ là giữ cho cơ thể vận động và tập thể dục thường xuyên với các bài tập thể dục thông thường như đi bộ, chạy, bơi, vv. Không có bằng chứng chắc chắn để nói rằng các bài tập tăng cường đặc biệt ở vùng thắt lưng có thể ngăn ngừa đau thắt lưng tốt hơn giữ cho cơ thể vận động và tập thể dục thường xuyên. Luôn lưu ý là không nhấc đồ vật khi bạn đang ở trong một tư thế vặn người.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang
Yhoccongdong

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X