Hotline 24/7
08983-08983

Đau răng khôn: Đâu là cảnh giới của sự nguy hiểm?

Cùng tìm hiểu xem những triệu chứng bất thường của việc đau răng khôn và cần xử lý ngay nếu không sẽ hối hận.

Không sai khi nói rằng, răng khôn chính là chiếc răng đáng ghét nhất bởi chức năng thì không rõ ràng mà lại gây ra bao phiền toái, khó chịu, đớn đau cho khổ chủ.

Dường như đau răng khôn thì ai cũng từng trải qua rồi nhưng đau đến mức đạt cảnh giới của sự nguy hiểm thì mấy ai biết.

Chia sẻ của bác sỹ Lê Thị Hải Châu - tốt nghiệp chuyên ngành Răng Hàm Mặt ở Học viện Y khoa Nga năm 2008 hôm nay sẽ giúp bạn có câu trả lời.

Cần khẳng định rằng, răng khôn là răng số 8 - thường mọc ở trong xương hàm mỗi người. Có người mọc răng khôn sớm, người mọc muộn và cũng có trường hợp răng khôn không mọc (do không đủ chỗ sau răng số 7).


Chính vì thế, răng khôn mọc mỗi người mỗi khác, thời gian mọc răng khôn từ lúc nhú lên đến hoàn chỉnh cũng không hề giống nhau - có thể kéo dài từ vài tuần, vài tháng đến vài năm.

Và cũng bởi vị trí mọc răng đặc biệt, ở trong góc khúc khuỷu nên nguy cơ gây đau nhức và bệnh lý cũng thuộc diện cao nhất.

Cụ thể, khi răng khôn mọc, phần lợi quanh răng sẽ bị tấy đỏ và sưng lên, lúc này bạn sẽ cảm thấy rất đau khi đánh răng.


Nói một cách đơn giản, răng mọc khiến phần nướu lợi bao quanh răng bị viêm, bạn sẽ cảm thấy đau nhức, hơi sốt nhẹ, phần sưng sẽ hơi nóng khi chạm tay vào.

Nếu vết viêm lan rộng, bị áp xe lợi thì bạn có thể bị sưng to một bên mặt, chỗ sưng căng đỏ ở góc hàm khiến bạn không há được miệng và không ăn uống được.

Ở vị trí răng khác khi sưng viêm, bệnh nhân có thể há được miệng để bác sĩ khám nhưng do răng khôn mọc ở góc cạnh xương hàm nên khi sưng to, rất khó để có thể há miệng to được. Cùng với đó, hai hàm răng chạm vào nhau sẽ càng khiến cho người bệnh đau dữ dội.

Đây được cho là một trong những điểm đau khác biệt lớn nhất của răng khôn. Ngoài ra, khi bị áp xe lợi, điều đó có nghĩa là phần lợi viêm đã có mủ.

Trong trường hợp này, người bệnh buộc phải tới thăm khám bác sĩ để trích mủ, tiêm kháng sinh, tránh tình trạng vùng viêm gây hại đến tủy răng và làm liên lụy đến răng bên cạnh.

Lợi sưng to khiến hai hàm chạm vào nhau làm người bệnh đau dữ dội


BS Châu nhấn mạnh rằng, do răng khôn ở vị trí trong cùng của hàm nên rất khó vệ sinh, thức ăn, vi khuẩn cực dễ dàng tích tụ lại. Sự tích tụ lâu ngày dễ gây sâu răng hoặc viêm nhiễm vùng lợi xung quanh dẫn đến sưng, đau, hôi miệng…

Bệnh viêm lợi sẽ tái phát nhiều lần nếu răng khôn không được chữa trị đúng và kịp thời. Thế nên, những lần tái phát sau thì mức độ nguy hiểm càng cao hơn.

Một số trường hợp khi những bất thường của răng khôn không được chữa trị ngay nên gây nhiễm trùng lây lan sang các khu vực xung quanh như mang tai, má, mắt, cổ… Đặc biệt là ảnh hưởng tới hệ thần kinh, gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng.

Phần lợi có mủ cần phải xử lý ngay kẻo để lại nguy hiểm cho răng xung quanh


Chính vì thế, BS Châu chia sẻ rằng, thời gian đau răng khôn của người bệnh kéo dài bao lâu là phụ thuộc vào việc họ đến khám bác sĩ vào giai đoạn nào.

Bởi có những người khi lần đầu tiên đau mọc răng khôn chỉ đau âm ỉ 2 - 3 ngày rồi thôi nên không để tâm. Nhưng càng về sau, mức độ đau răng khôn sẽ càng tăng lên, thời gian cũng sẽ kéo dài thêm do độ viêm nhiễm nặng hơn...

Do đó, khi mới có những triệu chứng đau răng khôn, người bệnh nên đến khám bác sĩ để có liệu pháp điều trị như uống thuốc kháng sinh, chống viêm... thì cơn đau sẽ nhanh khỏi và không để lại nhiều hệ lụy sau này.

Theo G.P - Trí thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X