Hotline 24/7
08983-08983

Đau nhức toàn thân kèm mặt mũi sưng lên, bệnh gì?

Hôm nay, 8/11, BS Cao Thị Lan Hương trả lời trực tiếp thắc mắc bạn đọc từ 16g - 18g. Bạn đọc có thể gọi vào hotline: 08983 08983 - 0976 328 725 để được tư vấn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương
Nội dung tư vấn qua mail của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Lò Nhung - Thái Nguyên

Bác sĩ cho em hỏi là em bị đau nhức tòan thân, mặt mũi lại sưng lên là bệnh gì ạ? Cảm ơn bác sĩ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Thông tin em cung cấp không cho biết là em bị như vậy bao lâu rồi, đã khám ở đâu chưa, có đang uống thuốc gì không, có kèm triệu chứng gì khác như sốt, nổi ban bất thường trên da không... nên BS không thể ước định bệnh ban đầu cho em được.

Những biểu hiện này có thể gặp trong rất nhiều bệnh cảnh khác nhau, như viêm nhiễm, bệnh lý tự miễn... Em nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe sớm, có thể đăng ký khám ở chuyên khoa cơ xương khớp hay phòng khám tổng quát đều được.


- Lý Nhi - Ninh Thuận

Xin chào bác sĩ,

Em tên Nhi, năm nay em 26 tuổi. Xin bác sĩ cho em hỏi, hôm giờ khi em đi vệ sinh, thì có ra máu đông. Em không có triệu chứng gì lạ. Không ngứa, không rát hậu môm. Xin bác sĩ cho em biết là em đang gặp tình trạng gì không ạ? Em xin cảm ơn bác sĩ.       

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Đi vệ sinh thấy máu là 1 biểu hiện bất thường, nhưng em không rõ máu chảy ra từ đâu, từ niệu đạo, hậu môn hay âm đạo. Do em không có triệu chứng gì lạ ở bất kỳ cơ quan nào nên không thể dự đoán khả năng tổn thương của cơ quan nào nhiều hơn, nhưng chắc chắn là có tổn thương mới có chảy máu.

Với tình trạng này, em nên đến bệnh viện đa khoa (có cả sản phụ khoa, thận tiết niệu và tiêu hóa) để kiểm tra và xác định nguyên nhân là phù hợp nhất. 


- Hao - tteenh…@gmail.com

Xin chào bác sĩ,

Cháu nam nay 19 tuổi. Cháu không biết tại sao cháu không thể nói chuyện nhiều với người khác. Cháu rất hay xấu hổ và thường khi nói chuyện cháu không hay quan tâm người khác cũng như không muốn người khác hỏi gì về mình trước đây. Khi còn đi học, cháu không bao giờ phát biểu ý kiến. Thậm chí hồi hoc lớp 1 cháu còn tiểu ra quần chỉ vì không dám xin cô cho ra ngoài. Bây giờ khi ra ngoài đường cháu không hay chào hỏi người quen.

Cháu luôn cảm thấy sợ người khác nghĩ xấu về mình. Cho dù không phải vậy nhung cháu cứ tự suy diễn ra nhưng có 1 điều là khi gặp những người cháu cảm thấy thân thiết thì cháu lại nói rất nhiều.

Vậy thưa BS có phải cháu đang bị 1 căn bệnh nào đó về tâm lý phải không ạ. Cháu nên làm gì để cải thiện? Cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tôi mừng vì em ý thức được vấn đề của bản thân và muốn tìm cách thoát ra. Điều này rất có lợi cho việc điều trị và phục hồi bệnh của em. Em thật sự có nhiều dấu hiệu của bệnh rối loạn tâm lý - tâm thần và nó gây ra nhiều hệ lụy lên cuộc sống của em bao gồm công việc và các mối quan hệ trong xã hội. Với trình trạng này, em cần khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để bác sĩ kê thuốc điều trị và tư vấn tâm lý cho em.

Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói em bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần, theo phân ngành y khoa, BS Tâm thần là người chuyên trị các rối loạn thuộc về tinh thần, trong đó thường gặp là tự kỷ, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ... Chỉ có thuốc điều trị kèm tư vấn tâm lý, thay đổi lối sống và môi trường mới giúp người bệnh vượt qua khó khăn, ổn định lại cuộc sống, em nhé.

Em đã qua 18 tuổi thì có thể tự mình đi khám được nếu em ngại, nhưng nếu có người thân cùng đi với em thì tốt hơn nhiều đó.


- Hồ Trúc Nhi - Bình Thuận

Chào bác sĩ, cháu năm nay 17 tuổi. Cháu luôn cảm thấy mệt mỏi, mất động lực và hứng thú với mọi thứ, học tập và ngay cả các sở thích của mình. Việc học khiến cháu ngày càng căng thẳng, tới những kì kiểm tra hay thi cháu rất muốn ngồi vào bàn học để ôn tập nhưng không thể nào tìm được động lực để thực hiện.

Tâm trạng cháu thì lúc nào cũng chán nản, buòn bả ủ rủ, đôi khi với cuộc sống cháu cảm giác rất bất lực và tuyệt vọng. Cháu rất muốn cởi mở nói về chuyện này cho bạn bè và gia đình nhưng lại sợ bị xem là yếu đuối và "làm quá". Bình thường thì với mọi người cháu vẫn vui vẻ, nói chuyện, đùa giỡn. Không nhiều người nghĩ rằng cháu là 1 người rất hay buồn bã như thế này. Cháu không biết là cháu chỉ đang trải qua sự biến đổi tâm lí tuổi dậy thì hay đang mắc bệnh trầm cảm ạ?       

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Quả thật, trong độ tuổi mười mấy - đôi mươi, suy nghĩ và cảm xúc của các em chưa ổn định, có thể nảy sinh những hành vi, suy nghĩ tiêu cực trước những khó khăn trong cuộc sống, do chưa kiểm soát được cảm xúc của mình, do áp lực của gia đình hay những nỗi lòng bức bách không giải tỏa được.

Tuy nhiên, những biểu hiện mà em miêu tả cho thấy vấn đề của em không chỉ đơn thuần là biến đổi tâm lý tuổi dậy thì, mà em có biểu hiện của rối loạn tâm lý - tâm thần. Với trình trạng này, em cần khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để BS kê thuốc điều trị và tư vấn tâm lý cho em.

Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói em bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần, theo phân ngành y khoa, BS Tâm thần là người chuyên trị các rối loạn thuộc về tinh thần, trong đó thường gặp là tự kỷ, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ... việc điều trị thuốc kèm tư vấn tâm lý sẽ giúp em mau chóng lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Em mới 17 tuổi thì tốt nhất nên tâm sự, chia sẻ với người thân nào mà em tin cậy nhất và cùng người đó cùng đi khám với em thì tốt hơn nhiều.



- Hang Le - hang…@123gmail.com

Chào bác sĩ, cho con hoi con đã vô tình nuốt kẹo cao su. Liệu tình trạng này có bị sao không? Cảm ơn bác sĩ đã tư vấn.     

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Khi nuốt phải bã kẹo cao su thì bã kẹo cao su cũng sẽ đi qua hệ tiêu hóa giống như tất cả mọi loại thực phẩm - thuốc khác. Các chất tiết ra trong đường tiêu hóa có thể ngay lập tức phá vỡ một số thành phần của kẹo cao su, chẳng hạn như chất làm ngọt và chất chiết xuất từ dầu, nhưng với chất bảo quản hay chất đàn hồi trong đó thì phải mất một vài ngày. Nhưng cho dù là bao lâu thì cuối cùng, nó cũng sẽ biến mất. Em yên tâm nhé.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc em có thể nuốt kẹo cao su một cách thường xuyên trong khoảng thời gian tương đối ngắn, vì khi đó nguy cơ tắc đường tiêu hóa rất cao.


- Nguyen - dung…@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi,

Người nhà em thường hay bị đau xương khớp, đi khám chụp chiếu không vấn đề gì, nhưng khơp tay thường hay cứng khó vận động khi thay đổi thời tiết. Bác sĩ cho em hỏi đó là dấu hiệu của bệnh gì? Chân thành cảm ơn.   

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Những nguyên nhân gây cứng khớp bao gồm:

-  Chấn thương (đứt gân, gãy xương, trật khớp...), bó bột lâu ngày không điều trị vật lý trị liệu.

-  Do thuốc

-  Bẩm sinh

-  Do viêm khớp, như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp...

Nếu người thân của em đã lớn tuổi, đã đi kiểm tra ở chuyên khoa cơ xương khớp “đàng hoàng” và không phát hiện có vấn đề gì, bên cạnh đó cũng chỉ cứng khớp khi thay đổi thời tiết và thời gian cứng khớp dưới 30 phút, không kèm bất kỳ triệu chứng gì khác thì BS nghĩ nhiều đây là do thoái hóa khớp.

Tuy nhiên, vì tôi không khám trực tiếp cho người bệnh nên mọi thông tin chỉ mang tính tham khảo. Mặc dù kiểm tra sức khỏe không có vấn đề gì, nhưng nếu người bệnh vẫn còn triệu chứng khó chịu, chưa rõ về bệnh của mình và cách điều trị, thì em nên đưa người thân của em đến khám tại cơ sở chuyên khoa cơ xương khớp uy tín hơn, em nhé.


- Phuoc Loc - danguyphuoc…@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi vi khuẩn hansen (bệnh phong) có khả năng sống sót, sinh sôi trong môi trường đất ẩm ướt không? Vi khuẩn hansen có còn tồn tại và phát triển trong cơ thể người mắc bệnh đã chết không? Nếu tay bị trầy xước chạm vào vùng đất có chứa vi khuẩn thì khả năng bị nhiễm bệnh cao không ạ? Mong sớm nhận được câu trả lời của bác sĩ. Chân thành cảm ơn bác sĩ.        

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Bệnh phong là do trực khuẩn được Armauer Hansen gây nên. Đường thải của vi khuẩn chủ yếu là qua dịch tiết đường hô hấp, nhất là của những bệnh nhân phong u, trong những lúc nói to, hò hét, xỉ mũi, khạc nhổ ra ngoài. Vi khuẩn còn có thể được bài xuất ra ngoài qua các tổn thương da bị lở loét. Trong sữa, tinh dịch, nước tiểu và phân của bệnh nhân không có hoặc hiếm gặp trực khuẩn Hansen.

Trực khuẩn phong có thể sống được ở môi trường ngoài cơ thể khoảng 1 - 2 tuần, đặc biệt là trong môi trường tối và ẩm thấp. Trực khuẩn phong rất nhạy cảm với ánh nắng và môi trường khô nóng.

Trực khuẩn Hansen đột nhập vào cơ thể chủ yếu qua da bị sây sát hoặc lở loét.

Vi khuẩn có thể đột nhập bằng con đường hô hấp, nhưng là con đường rất thứ yếu. Trong thực tế, các thương tổn ở niêm mạc mũi, họng hay bộ phận sinh dục, hậu môn đều là những thương tổn thứ phát, xuất hiện nhiều năm sau ngày bắt đầu phát bệnh.

Tính chất lây truyền bệnh phong: Bệnh phong lây truyền hạn chế và đòi hỏi nhiều điều kiện thuộc chủ quan (sức đề kháng, miễn dịch, da sây sát...) và khách quan (gặp bệnh nhân thể lây, nhất là thể phong u).


- Thân Hữu Tín - Vinh Long

Chào bác sĩ,

Em phát hiện và điều trị viêm gan B cấp cách đây 3 tháng và và bác sĩ chỉ kê đơn em uống thuôc 1 tháng là thuốc giảm các triệu chứng thôi. Sau khi hết thuốc em sắc nước cây chó đẻ uống đến nay và em mới đi xét nghiệm lại thì được kết quả SGOT 29U/L SGGT 32U/L HBSAG âm tính HBSEG âm tính .

Vậy kết quả của em là sao thưa bác sĩ. Mấy hôm nay em bị ngứa, nổi mề đay nữa bác sĩ. Em ra đường thì không ngứa về nhà thì lại ngứa. Mong bác sĩ tư vấn giúp em.           

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Theo thông tin em cung cấp thì bệnh viêm gan siêu vi B cấp của em đã khỏi hẳn rồi. Viêm gan siêu vi B cấp vốn dĩ không để lại di chứng gì, khi cơ thể đào thải hoàn toàn virus gây viêm gan siêu vi B ra khỏi cơ thể thì kết quả HbsAg sẽ âm tính, đồng thời cũng sinh ra kháng thể bảo vệ cho em không bị nhiễm lại nữa (anti Hbs).

Nguyên nhân gây nổi ngứa mề đay rất nhiều, bao gồm:

- Thức ăn: hải sản, thịt rừng, mắm, rượu, bia. Các chất tạo màu thực phẩm và các chất bảo quản thực phẩm.

- Thuốc: Có thể xảy ra ngay sau khi dùng lần đầu hoặc từ 5-10 ngày sau.

- Côn trùng: Ong, kiến, sâu bọ...

- Chất gây dị ứng: Rơm rạ, phấn hoa, bụi nhà, lông vũ, men mốc, bột giặt, dầu gội, sữa tắm...

- Nhiễm: siêu vi, giun sán...

Vì vậy em cố gắng tìm và loại trừ nguyên nhân gây bệnh mới giảm và cần uống một đợt thuốc kháng histamin vài ngày để giảm triệu chứng (có thể mua ở nhà thuốc tây, gồm thuốc uống, thuốc bôi), nếu không đỡ nữa thì phải đi BS da liễu khám và điều trị.

Trong trường hợp em về nhà mới bị dị ứng thì hãy tìm nguyên nhân gây nhân gây dị ứng tại nhà (như mạt nhà, phấn hoa...).


- Phamduchau…@gmail.com

Xin chào AloBacsi,

Con đã đi khám và được chẩn đoán là bệnh rối loạn lo âu ám ảnh sợ ở BV Tâm thần TW Biên Hoà với 3 lần khám đều như vậy. Con bị ám ảnh về bệnh tâm thần phân liệt và hoang tưởng. Con đọc những triệu chứng đó và tưởng tượng mình bị những triệu chứng đó. Bệnh tâm thần phân liệt có những triệu chứng đa nghi, ảo thanh (tư duy vang thành tiếng), ảo tưởng. Với đa nghi thì con tưởng tượng có ai phía sau lưng, một thời gian thì hết thì con chuyển qua tưởng tượng ảo thanh, tưởmg tượng những tiếng nói trong đầu, đọc chữ thì vang thành tiếng hay đọc trên facebook trong đầu con vang thành tiếng.

Gần đây con có tìm hiểu sâu về triệu chứng ảo tưởng, rồi con tưởng tượng mình bị tai nạn với những hình ảnh đáng sợ. Nói chung bây giơ con rất rối. Mong bác sĩ tư vấn giúp con, kiểu như mình tưởng tượng như vậy thì có bị bệnh tâm thần phân liệt hay hoang tưởng không. Cảm ơn bác sĩ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Theo thông tin em chia sẻ, tôi đồng ý với chẩn đoán của BS tại bv tâm thần trung ương, rằng quả thật em có bệnh rối loạn lo âu ám ảnh sợ, chứ không phải do kiểu “tưởng tượng” mà thôi.

Khi đã có bệnh tâm thần thì em nên tuân thủ theo điều trị của bs thì bệnh mới cải thiện và phục hồi như bình thường được.

Tôi cũng muốn chia sẻ chút ít với em về 2 chữ “tâm thần” để em bớt “rối”. Bệnh tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu ám ảnh sợ, trầm cảm...chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân – chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay – dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn. Bản thân mình là quan trọng nhất nên em hãy mạnh dạn điều trị để chữa khỏi cho mình và mang lại 1 cuộc sống tốt hơn, cho mình, em nhé.

 

- Nhu Le - letrantonhu…@gmail.com

Chào bác sĩ,

Tình trạng của em bây giờ bị cho là suy dinh dưỡng vì em rất ốm mặc dù dùng đủ biện pháp rồi nhưng không tăng cân được. Năm nay em 24 tuổi. Năm cấp 2 em được nhà trường cho xét nghiệm KST thì phát hiện bị nhiễm sán sơ mít, đã uống thuốc điều trị và sán có ra ngoài rồi nhưng gia đình không biết có còn không không mập được. Giờ em muốn hỏi em đến Viện xét nghiệm những loại KST nào ạ? Có thể chữa trị cho em tăng cân được không? Chân thành cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu cân dù ăn nhiều, như do bệnh nội tiết (cường giáp, tiểu đường), do bệnh lý ống tiêu hóa, nhiễm giun sán, lao lực...

Trước đây em đã được chẩn đoán là nhiễm sán sơ mít, đây là 1 trong những nguyên nhân gây ra giảm hấp thu dinh dưỡng dẫn đến thiếu cân. Hiện tại em không biết là có điều trị hết sán sơ mít chưa, cũng không rõ là có nguyên nhân nào khác chồng lên gây suy dinh dưỡng hay không, thì tốt nhất em nên đến bv để khám kiểm tra toàn bộ, có thể đăng ký khám tổng quát, khám dinh dưỡng hay ck tiêu hóa đều được. bs sẽ thăm khám, đánh giá mức độ, làm xn máu (gồm cả bộ xn ký sinh trùng), xn phân cho em...để xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp. đồng thời, em cũng cần tăng độ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn (thêm thịt cá, trứng sữa, rau xanh, củ quả, trái cây), tăng số bữa ăn trong ngày, tránh thức khuya, ngủ đủ giấc, không hút thuốc lá, không bia rượu, không cafe, và tập thể dục, có thể bổ sung thêm thuốc bổ multivitamin, vitamin A C E hàng ngày.


- Nguyễn Bảo - huyện Bình Chánh

Chào AloBacsi,

Năm 2014 tôi có đi hiến máu. Sau đó mấy tháng tôi bị rụng tóc dữ dội cho đến nay: sáng dậy tóc đầy gối, đầy sàn, gội đầu thì tóc rụng đầy nhà tắm (tôi đếm thì 400 sợi). Tôi có đi khám thì nói nấm tóc nhưng cho selsun gọi và uống thì vẫn không đỡ chút nào. Cho hỏi có phải do hiến máu làm thay đổi nội tiết tố mà tôi bị rụng tóc không, làm sao đễ chữa. Rụng tóc có phải dấu hiệu của ung thư hay HIV? Chân thành cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Việc hiến máu được kiểm tra rất chặt chẽ theo đúng quy trình của thế giới, bs cũng kiểm tra người hiến máu đủ tiêu chuẩn hiến máu thì mới được tham gia hiến máu, số lượng máu hiến tặng cũng dựa trên sức khỏe của người hiến máu, tất cả dụng cụ đã được khử trùng toàn bộ. do vậy, khó lòng mà nghĩ “hiến máu lại mang bệnh về nhà”.

Bạn đã được chẩn đoán nguyên nhân gây rụng tóc là do nấm tóc. Nếu là do thiếu máu từ việc hiến máu thì thiếu máu không gây rụng tóc đột ngột và nhiều đến như vậy, và đáng lẽ tóc nếu rụng thì sẽ rụng nhiều nhất vào thời điểm ngay sau hiến máu.

Rụng tóc nhiều có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư, không phải là dấu hiệu chỉ điểm của HIV. Ngoài ra, rụng tóc còn có thể do thiếu hụt vitamin và khoáng chất; ảnh hưởng của thuốc điều trị bệnh; Tạo quá nhiều áp lực lên tóc (uốn, duỗi, nhuộm…); Căng thẳng, lo lắng nhiều; Các bệnh về da đầu (nấm, vảy nến, eczema…), bệnh hệ thống...

Tốt hơn hết bạn nên khám lại tại ck da liễu, làm xn tầm soát ung thư, HIV, xn máu xem có thiếu máu nhiều không và có bệnh lý nền nào gây rụng tóc hay không, để điều trị thích hợp và tích cực hơn.


- Nguyễn Gia Phúc - phucxd…@gmail.com

Em chào bác sĩ, năm nay em 36 tuổi, làm nghề xây dựng:

- Em bị nhức dưới bàn chân khi đứng. Em đi khám chỗ thì bảo là tắc mạch máu, chỗ thì nói gai gót chân.

- Bàn tay bàn thỉnh thoảng cầm điện thoại và con chuột máy tính là nó nhức.

Xin hỏi em nên đi khám ở đâu? Bác sĩ nào chuyên khoa nào. Xin cảm ơn bác sĩ.      

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Đau bàn chân khi đứng thường do viêm gân gan chân, do thoái hóa vì sử dụng quá nhiều hoặc chấn thương... Đau bàn chân đôi khi cũng là triệu chứng của một số bệnh như viêm bao hoạt dịch gân gót, gai xương gót, hội chứng đường hầm cổ chân, chấn thương vùng gan chân, suy tĩnh mạch chi dưới...

Nếu triệu chứng đau không nhiều, xuất hiện gần đây, em có thể cải thiện bằng cách chọn loại giày dép thích hợp (vừa chân, đế êm), hạn chế đi lại quá nhiều và đứng lâu, không để thừa cân, béo phì, để chân nghỉ ngơi 1 thời gian và xoa bóp vào buổi tối với dầu nóng sẽ bớt.

Nếu triệu chứng nhiều, thì cần đi khám chuyên khoa cơ xương khớp để kiểm tra toàn diện, chụp Xquang khớp cổ chân 2 bên, siêu âm mạch máu chi dưới... xác định bệnh và điều trị thuốc thích hợp.

Vấn đề ở khớp bàn tay cũng vậy. Triệu chứng đau nhức bàn tay khi cầm nắm vật nhỏ ở người làm nghề xây dựng thường là do bệnh lý về cơ xương khớp gây nên. Do vậy, em khám ở chuyên khoa cơ xương khớp là phù hợp nhất, em nhé.

Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc https://www.facebook.com/alobacsi.vn123
› Để trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17 -19g;
 Hotline: 08983 08983 - 0976 328 725

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X