Hotline 24/7
08983-08983

Dầu khuynh diệp: “Thuốc trị bá bệnh” của người Sài Gòn xưa

Mùi dầu khuynh diệp, đôi lúc, cũng là một đặc điểm của mùi hương... sinh nở! Xưa đến nhà ai, nghe mùi dầu này thì xem như 99% là có người mới sinh!

Dầu gió khuynh diệp bác sĩ Tín

Bà mẹ trẻ vừa tắm xong đứa bé sơ sinh. Trên tấm khăn rộng, đứa bé được mẹ lau khô và gói lại. Trước khi được cho vào nôi, đứa bé được mẹ xức dầu trên trán, 2 bên thái dương và dưới lòng bàn chân. Mùi dầu thoang thoảng. Bà nội bé thốt lên, giá như còn dầu khuynh diệp thì tốt biết mấy...!

Dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín. Loại dầu gió này được bác sĩ Tín bào chế có công thức đặc biệt riêng của nó bao gồm các loại dầu tràm, dầu bạc hà, dầu hương nhu... và không thể thiếu tinh dầu khuynh diệp.

Chai dầu khuynh diệp mà bà Tư Sương - bà nội đứa bé - vừa nói chính là dầu khuynh diệp bác sĩ Tín, một sản phẩm đã đồng hành cùng người tiêu dùng từ những năm 1950 của thế kỷ trước trên toàn miền Nam. Đây là một loại dầu gió được điều chế từ tinh dầu cây khuynh diệp.

Vào những năm ấy, trong túi các bà nội trợ, nhưng người buôn bán và các học sinh lúc nào cũng có chai dầu gió khuynh diệp bác sĩ Tín. Nói như vậy để chúng ta có thể hình dung được đây là một sản phẩm đi sâu vào sinh hoạt của người dân.

Ngoài công dụng trị tứ thời cảm mạo, dầu khuynh diệp bác sĩ Tín luôn đồng hành cùng các sản phụ và trẻ sơ sinh. Trong một gia đình có người ở cữ, mùi dầu khuynh diệp luôn thoang thoảng quanh nhà. Một nồi nước xông cũng cho vô vài giọt. Sản phụ sau khi xông xong, mùi khuynh diệp bao trùm cả người.

Công thức đặc biệt

Loại dầu gió này được bác sĩ Tín bào chế có công thức đặc biệt riêng của nó bao gồm các loại dầu tràm, dầu bạc hà, dầu hương nhu... và không thể thiếu tinh dầu khuynh diệp. Tinh dầu tràm, bạc hà, hay hương nhu... thì nước ta có thể trồng và chưng cất được, nhưng tinh dầu khuynh diệp với tinh chất Eucalyptol (lấy từ cây hồng tràm, tên khoa học là Eucalyptus) nhập từ Bồ Đào Nha thì chưa có ở Việt Nam. Mùi dầu khuynh diệp, đôi lúc, cũng là một đặc điểm của mùi hương... sinh nở! Xưa đến nhà ai, nghe mùi dầu này thì xem như 99% là có người mới sinh!

Có lẽ, nhận thấy nhập nguyên liệu từ nước ngoài về sẽ đẩy giá thành chai dầu gió lên cao nên vào năm 1954 ông đã cho trồng cây khuynh diệp tại Đồi Viễn rộng 30 mẫu (nay là Đài tưởng niệm các vua Hùng, Q.9, TPHCM).

Bác sĩ Bùi Kiến Tín. Ông sinh năm 1912 tại Quảng Nam. Thuở nhỏ học ở quê nhà. Lớn lên ông ra Huế tiếp tục học và đậu Tú Tài. Ông qua Pháp nhiều năm để rồi sau đó trở thành bác sĩ y khoa.
Ngoài dầu khuynh diệp bác sĩ Tín còn có thuốc ho bác sĩ Tín, thuốc bổ bác sĩ Tín. Các sản phẩm của bác sĩ Tín đều được người tiêu dùng hưởng ứng mạnh mẽ.

Theo ông Năm Quang (người nhân viên lưu dụng tại Đồi Viễn sau năm 1975) và ông Hai Biền (người quản lý trang trại 181 và 183 trước năm 1975), ngoài Đồi Viễn, bác sĩ Bùi Kiến Tín còn có hai trang trại lớn khác cũng ươm trồng khuynh diệp và cũng nằm trên con đường Sài Gòn - Đà Lạt. Hai trang trại này nằm ở cây số 181 và cây số 183, thuộc xã Lộc Châu, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Khu trang trại khuynh diệp ở cây số 183 có diện tích khoảng ba mươi mẫu, cư dân quanh vùng thường gọi là “đồi mimosa”. Lý do vì cây khuynh diệp do bác sĩ Tín mang giống từ nước ngoài về trồng khi lớn lên có màu lá xanh nhạt lóng lánh, nhất là khi nắng mới lên mà sương cao nguyên chưa kịp tan, nên cư dân vùng này thường tưởng lầm đó là cây mimosa của vùng Đà Lạt. Còn trang trại nằm tại cây số 181 có diện tích khoảng mười mẫu, có một biệt thự khoảng 200 m2 xây toàn bằng đá tảng granite theo kiểu Pháp, cư dân ở đây gọi đó là “khu nhà đá”. Khi cây khuynh diệp ở 181 chết dần chết mòn thì cây mít lại mọc rất mạnh ở khu trang trại này, do đó sau này người ta còn gọi nó là “vườn mít 181” nữa.

Bác sĩ kiêm nhà kinh tế

Bác sĩ Bùi Kiến Tín không chỉ là người bào chế dược phẩm mà ông còn là nhà kinh tế với những dự án lớn khác, vì vậy khi đi vào thương trường, dù sản phẩm rất nổi tiếng nhưng công ty cũng biết áp dụng những chiêu thức quảng cáo như “mua dầu khuynh diệp bác sĩ Tín trúng xe Austin” và quảng cáo trên xe điện (sau nầy là đường xe lửa) dọc tuyến đường rầy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Thời gian này, mỗi năm dầu khuynh diệp bác sĩ Tín bán ra thị trường trên 25 triệu chai lớn nhỏ. Ông không theo phương châm “hữu xạ tự nhiên hương” mà biết dùng mọi cách để đưa hình ảnh và mùi hương của dầu khuynh diệp đến với người tiêu dùng. Tất nhiên chất lượng và giá cả vẫn là ưu tiên số một trong sự cạnh tranh với các loại dầu lúc đó như Nhị Thiên Đường của một doanh nhân người Hoa, dầu cù là Macphsu của Miến Điện...

Dầu bác sĩ Tín chính là tiền thân của dầu khuynh diệp OPC “mẹ bồng con” ngày nay. (Ảnh: Internet)

Dầu khuynh diệp bác sĩ Tín - lúc ấy là một thương hiệu “dầu gió” nổi tiếng đến nỗi nó đã trở thành danh từ chung khi chỉ dầu dùng để xức lúc nhức đầu đau bụng. “Khi nhức răng chỉ cần chấm gòn nhét vào kẽ răng là con sâu răng nó chết” như lời những người bán thuốc kèm ảo thuật lề đường quảng cáo một loại dầu gần như trị bá bệnh (?).

Truyền cảm hứng đến đời con cháu

Thêm điều đáng quý nữa, từ nguồn cảm hứng đó, bác sĩ Tín còn truyền lại cho con cái mình. Sự thành công của Tiến sĩ tài chính Bùi Kiến Thành, một trong những người đầu tiên được đào tạo bài bản ở Mỹ và từng nhận giải thưởng “Vinh danh nước Việt”, tâm sự: “Ba tôi cũng là người dẫn dắt tôi trên con đường học vấn và nâng đỡ tinh thần tôi những lúc gian nan trên đường đời. Đó là hạnh phúc mà trời ban tặng”.

Em trai ông Thành cũng nổi tiếng không kém, là viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Pháp, kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc. Ông Quốc về nước tham gia đầu tư các cơ sở du lịch ở Hội An, Điện Bàn (Quảng Nam); và nhiều năm liền thực hiện dự án bảo vệ làng quê Việt, phát triển du lịch sinh thái... Có thể nói, tinh thần “mình vì mọi người” có được là do họ thừa hưởng được từ giáo dục, tấm lòng của người cha luôn nặng lòng với quê hương.

Nguồn: FB TranVan Phung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X