Hotline 24/7
08983-08983

Dấu hiệu nhận biết con bị bạo hành ở trường

Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc trẻ mầm non đi học bị cô giáo đánh khiến nhiều phụ huynh lo lắng, bất an.

Vậy làm sao để lựa chọn được trường chất lượng, ngăn chặn giáo viên bạo hành con khi đi học là mong muốn của nhiều bậc phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non.

Phụ huynh cần có lựa chọn cơ sở mầm non uy tín, chất lượng để đăng ký học cho con. Ảnh minh họa: Q.Anh
Phụ huynh cần có lựa chọn cơ sở mầm non uy tín, chất lượng để đăng ký học cho con. Ảnh minh họa: Q.Anh

Tìm hiểu kĩ để chọn trường, chọn giáo viên

Lên án, phẫn nộ, thực tế đã có rất nhiều phụ huynh vẫn hàng ngày phải nếm trải nỗi bức xúc con đi học bị cô giáo quát mắng, đánh chỉ vì con mải chơi, ăn chậm hay không chịu ngủ trưa trong lớp. Một số phụ huynh đã chỉ ra rằng nếu biết chọn trường, chọn giáo viên ngay từ trước lúc đăng ký học cho con, sẽ hạn chế được khả năng con bị giáo viên quát mắng, bạo hành trên lớp.

Có kinh nghiệm từ hai con trải qua cấp mầm non, chị Nguyễn Thanh Hương (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Các bậc phụ huynh hiện nay khá kỹ tính trong khâu lựa chọn trường mầm non cho con, dù nhiều tiền hay ít tiền phụ huynh vẫn mong muốn con được học nơi có cơ sở vật chất tốt, giáo viên yêu mến trẻ… Thế nên, bản thân tôi đã dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu về các ngôi trường, chất lượng giáo viên. Điều này cũng hạn chế phần nào đó chọn nhầm cơ sở hoạt động chui, giáo viên không bằng cấp, kinh nghiệm”.

Cẩn thận trong lựa chọn trường cho con, chị Thanh Mai (ngõ Quỳnh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Mình bỏ tiền hàng tháng cho con để con được nuôi dạy, chăm sóc tốt và tránh bị bạo hành, nên không phải ngần ngại yêu cầu trường hay cơ sở cho xem giấy phép hoạt động, bằng cấp giáo viên mà lớp học dự định sẽ dạy con mình. Nếu không có giấy phép, nhất định không gửi con vào học; Hoặc giáo viên không bằng cấp, yêu cầu đổi giáo viên khác để dạy con em mình. Ngoài ra, tôi chỉ gửi con nơi có lắp đặt camera trong lớp học, sân chơi, hành lang để theo dõi con, để tránh bạo hành”.

Thông cảm cho nghề giáo viên mệt mỏi, phụ trách lớp học đông trẻ, nhưng đối với phụ huynh Trần Quang Tuấn (đường Nguyễn Xiển, Hà Nội) luôn tìm cách “đối phó” với chuyện con bị cô đánh từ những biện pháp mềm mỏng, nhưng cũng cứng rắn. Anh Tuấn chia sẻ: “Con đi học, hàng ngày cũng nên dành thời gian chia sẻ, trò chuyện với giáo viên để vừa thông cảm với công việc các cô, vừa nắm bắt được con thế nào ở trường. Nếu được chia sẻ, các cô sẽ tâm sự rằng con còn nghịch ngợm, lười ăn, không chịu ngủ trưa… Từ đó phụ huynh về nhà trò chuyện với con, uốn nắn con để con khắc phục, hợp tác với giáo viên”.

Dấu hiệu trẻ bị bạo hành

Có rất nhiều phụ huynh tin tưởng vào những chiếc “mắt thần” là camera, tuy nhiên một số vụ việc giáo viên bạo hành trẻ em đều xảy ra ở góc khuất, nơi không được lắp camera. Thực tế, không khó để nhận biết con bạn bị bạo hành, dọa nạt ở trường. Do vậy, phụ huynh cần hết sức nhạy cảm, quan tâm đến con để kịp thời phát hiện và xử lý trước khi con bị ảnh hưởng tâm lý quá nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ có thể bị bạo hành khi có các dấu hiệu như: Cơ thể xuất hiện những vết thương, bầm tím; Tâm lý hồi hộp, sợ sệt và chỉ ngồi một chỗ không nô đùa như mọi khi; sợ phải đến trường và có các phản ứng như ôm chặt, giãy giụa khi bố mẹ giao con cho cô giáo mỗi khi đến lớp; khi bố mẹ đến đón, trẻ thường ôm chặt bố mẹ, khóc và đòi về nhà ngay; khó ngủ, hay gặp ác mộng, thường khóc rất nhiều và tè dầm khi ngủ…

Tuy nhiên, khi thấy trẻ có những dấu hiệu này, phụ huynh cũng không nên vội vàng kết luận con bị bạo hành ở trường. Phụ huynh cần gần gũi hỏi han con nếu bé đã biết nói, dành nhiều thời gian hơn để quan sát, chú ý tới bé. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết, gia đình cần theo dõi hàng ngày, nếu thấy có hiện tượng như: Chậm nói, quấy khóc, sợ hãi… cần đưa cháu đi tư vấn, chăm sóc về tâm lý. Các phụ huynh cần hết sức cảnh giác, quan sát kỹ con sau giờ học, nếu trẻ có biểu hiện không bình thường, cần đặt vấn đề tìm hiểu, giải quyết ngay.

“Khá nhiều người nghĩ đơn giản là trẻ em hầu như đứa nào cũng bị bố mẹ, giáo viên đánh nên có phần xuề xòa không để ý. Tuy nhiên, việc bạo hành trẻ em lại có tác hại rất lớn, cháu bé bị ảnh hưởng tâm lý khá nặng nề dẫn tới hiện tượng sang chấn tâm lý. Nếu bé bị bạo hành gây tổn thương tâm lý, sức khỏe, gia đình cần theo dõi hàng ngày các biểu hiện tâm lý, hành động. Trường hợp cần thiết phải đưa con đi khám, theo dõi về tâm lý để các cháu trở về trạng thái bình thường. Ngoài ra, phụ huynh cần cân nhắc để thay đổi môi trường học cho con sau khi con bị bạo hành”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ thêm.

Những ngày gần đây, dư luận cả nước hết sức bất bình trước hai vụ việc giáo viên mầm non bạo hành học sinh ở Hà Nội và Thanh Hóa. Cụ thể, vào ngày 5/2 trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh 2 giáo viên cơ sở mầm non tư thục Sen Vàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dùng dép đánh trẻ, cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ, cơ sở này cũng đã tuyên bố giải thể. Còn tại Thanh Hóa, ngày 10/2 Trường mầm non Thanh Xuân Nam (TP Thanh Hóa) đã buộc thôi việc một giáo viên vì đã đánh học sinh, gây nhiều vết bầm tím ở đùi bé gái 2 tuổi ở lớp học.


Theo Thanh Hằng - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X