Hotline 24/7
08983-08983

Dấu hiệu nhận biết chửa ngoài tử cung ở phụ nữ

Ở độ tuổi sinh đẻ khi có dấu hiệu chậm kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt cần cẩn trọng chứng bệnh này kẻo có ngày nguy hiểm.

Kịp thời can thiệp

Mới đây Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Hà Nội tiếp nhận trường hợp chửa ngoài tử cung chỉ chiếm 2% trong số các trường hợp chửa ngoài tử cung, nhưng tỉ lệ tử vong cao gấp 7 lần các vị trí khác trên ống dẫn trứng. Bệnh nhân 38 tuổi, tiền sử mổ đẻ 1 lần. Bệnh nhân vào viện vì chậm kinh 10 ngày, nay xuất hiện đau bụng âm ỉ vùng hạ vị.

Khi vào viện khám bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, da niêm mạc hồng, M: 90 l/phút, HA: 100/60 mmHg, t: 36 độ C. Bụng mềm, ấn hạ vị đau tức, chưa có phản ứng thành bụng. Cổ tử cung dài, đóng, không ra máu âm đạo, ấn tử cung đau tức, khám lệch trái sừng tử cung hơi gò lên, đau chói; các bộ phận khác chưa phát hiện gì đặc biệt; xét nghiệm Beta HCG: 3787UI/L. Nhưng  siêu âm buồng tử cung không thấy hình ảnh túi ối, lệch góc sừng tử cung trái không liền với đường niêm mạc tử cung có khối hỗn hợp âm kt 48x34mm, bờ cơ tử cung bọc xung quanh rất mỏng. Chẩn đoán sơ bộ bệnh nhân chửa ngoài tử cung đoạn kẽ sừng tử cung bên trái trên vết mổ đẻ cũ.


Bệnh viện đã tổ chức hội chẩn thống nhất chẩn đoán và tiên lượng nếu khối chửa đoạn kẽ vỡ sẽ đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy đã tiến hành mổ cấp cứu kịp thời cho sản phụ bằng phương pháp xẻ góc sừng tử cung lấy tổ chức rau và bảo tồn cơ tử cung ( bảo tồn chức năng sinh sản cho người bệnh) Sau mổ 3 ngày, bệnh nhân ổn định, xét nghiệm beta HCG giảm nhiều, bệnh nhân ổn định, có thể xuất viện.

Theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, thai ngoài tử cung là trường hợp trứng được thụ tinh, làm tổ và phát triển ở ngoài buồng tử cung, chiếm 1 – 2% thai nghén. Đây là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong sản khoa trong 3 tháng đầu thai kỳ (4-10%). Tuy nhiên tỷ lệ tử vong mẹ giảm trong những năm trở lại đây do được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Khi có dấu hiệu chậm kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt cần khám ngay

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mang thai ngoài tử cung như: do biến dạng và thay đổi nhu động vòi tử cung, viêm vòi tử cung (hay gặp nhất). Các khối u trong lòng hoặc bên ngoài đè ép. Dị dạng vòi tử cung, hoặc vòi tử cung bị co thắt bất thường. Xơ dính do phẫu thuật đã thực hiện trước đó trên vòi tử cung, các phẫu thuật vùng bụng, hoặc hậu quả của lạc nội mạc tử cung. Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như kích thích rụng trứng bằng Gonadotropin, thụ tinh trong ống nghiệm…

Dấu hiệu mang thoai ngoài tử cung là tắt kinh hay có khi chỉ chậm kinh vài ngày hoặc có rối loạn kinh nguyệt, có thể có dấu hiệu nghén, vú căng. Đau bụng ở vùng hạ vị, một bên, âm ỉ. Ra huyết ít một, rỉ rả, màu nâu đen, có khi lẫn màng, không đông. Tử cung lớn hơn bình thường, mềm, nhưng không tương xứng với tuổi thai. Có khối u cạnh tử cung mềm, bờ không rõ, di động, chạm đau hoặc hiếm hơn có thể sờ thấy khối u có dạng hơi dài theo chiều dài của vòi tử cung

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hoài Đức khuyến cáo chị em phụ nữ đang độ tuổi sinh đẻ khi có dấu hiệu chậm kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt cần đến Bệnh viện để khám, xét nghiệm, siêu âm để loại trừ sớm thai ngoài tử cung. Nếu bị viêm nhiễm sinh dục, người bệnh nên đi khám để được điều trị nhanh nhất.

Đối với các mẹ bầu nên đi khám thai sớm khi bị đau bụng hay ra máu thất thường vào giai đoạn đầu thai kỳ. Đặc biệt là đối với những người đã từng mang thai ngoài tử cung.

Theo Em Đẹp

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X