Hotline 24/7
08983-08983

Dấu hiệu nào nhận biết sớm cơn nhồi máu cơ tim?

(NLĐO)- Tôi bị cao huyết áp và có đọc được thông tin rằng bệnh này dễ dẫn đến cơn nhồi máu cơ tim nên rất lo, không biết nhồi máu cơ tim có dấu hiệu báo trước nào để mình kịp xoay sở không.

Bạn đọc Nguyễn Thiện An (nữ, 56 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM) hỏi: Tôi bị cao huyết áp (có dùng thuốc thường xuyên theo toa bác sĩ) và nghe nói bệnh này có thể dẫn đến cơn nhồi máu cơ tim, có đúng không? Nếu đúng, mong bác sĩ tư vấn giúp tôi những dấu hiệu nào cho thấy một người đang vào cơn nhồi máu cơ tim và nặng đến mức nào thì cần cấp cứu? Ngoài ra, trước đó có những biểu hiện nào cho thấy tim tôi bắt đầu "có vấn đề" và nên đến bác sĩ kiểm tra không?

Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, trả lời:

Chào chị, nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng vùng cơ tim bị hoại tử, thiếu máu nuôi do động mạch vành bị thuyên tắc bởi huyết khối hoặc mảng xơ vữa gây ra. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của bệnh lý tim mạch.

Nhồi máu cơ tim là một biến chứng của bệnh động mạch vành và người bị tăng huyết áp như chị thuộc nhóm có nguy cơ cao bị bệnh mạch vành.

Tăng huyết áp được xếp vào nhóm nguy cơ "có thể thay đổi được" của bệnh động mạch vành, bên cạnh rối loạn lipid máu (mỡ máu, máu nhiễm mỡ), hút thuốc lá, thừa cân, tiểu đường, thừa vận động. Ngoài ra, còn có nhóm nguy cơ "không thể thay đổi được" bao gồm tuổi tác, giới tính (nam giới dễ mắc bệnh hơn), yếu tố di truyền.

Bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ "có thể thay đổi được" nên phòng ngừa bệnh mạch vành bằng cách thay đổi lối sống, vận động, tiết chế dinh dưỡng và điều trị bằng thuốc kiểm soát huyết áp, đường huyết và lipid máu.

Cụ thể hơn, ở người bị tăng huyết áp như chị, nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, giảm mặn, giảm dầu mỡ, tập vận động, giảm cân và điều trị thuốc huyết áp thường xuyên theo toa bác sĩ.

Dấu hiệu của bệnh động mạch vành từ mức độ nhẹ như cơn đau thắt ngực trái thoáng qua khi gắng sức, xúc động hoặc kéo dài vài phút đến 30 phút. Khi nhánh động mạch vành bị thuyên tắc, vùng cơ tim bị hoại tử lan rộng, có thể có các biểu hiện kèm theo mệt, khó thở, ngất hoặc có thể rơi vào choáng tim, suy hô hấp tuần hoàn.

Vì vậy, khi có biểu hiện đau ngực trái, mệt khi gắng sức, xúc động, chị nên đến bệnh viện khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch ngay để tầm soát và tư vấn điều trị. Khi đã xuất hiện các biểu hiện nặng cho thấy nhánh động mạch vành bị thuyên tắc như tôi liệt kê ở trên, bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu.

Theo Anh Thư - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X