Hotline 24/7
08983-08983

Đau gót chân có nguy hiểm không, triệu chứng thường gặp là gì?

Bạn hay đau gót chân vào buổi sáng, cơn đau thốn rất khó chịu, có khi đau suốt cả ngày… Vậy cơn đau gót chân này do bệnh gì, triệu chứng có khác nhau và nguy hiểm như thế nào? Hãy đọc bài viết và tìm kiếm câu trả lời!

Đau gót chân là bệnh gì?

Đau gót chân có nhiều nguyên nhân gây ra như: Viêm cân gan chân, gai xương gót, hội chứng đường hầm cổ chân... Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Ở chân có tổng cộng 26 xương. Trong đó, xương gót là lớn nhất, và nó có chức năng chịu phần lớn sức nặng của cơ thể. Các chuyên gia cũng đã chỉ ra rằng, khi đi, lực tác động lên chân gấp 1.25 lần trọng lượng cơ thể, và gấp 2.75 lần trọng lượng cơ thể nếu chạy. Chính vì thế, phần gót chân rất dễ bị tổn thương và đau.

Đau gót chân do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Dù triệu chứng này ít khi gây nguy hiểm nhưng gây khó khăn trong sinh hoạt và cản trở các hoạt động thể thao. Tùy vào vị trí đau có thể chia đau gót chân thành hai nhóm chính: đau vùng dưới gót và đau phía sau gót.

Đau bên dưới gót chân thường gặp nhất do các nguyên nhân như:

Viêm cân gan chân: Căn bệnh này xuất hiện tự nhiên. Sáng sớm ngủ dậy, người bệnh bước chân xuống giường thấy đau thốn dưới gót như bị kim đâm. Sau đó đi vài bước hoặc vận động một lúc thì thấy hết đau. Tuy nhiên cũng có người đau suốt cả ngày, cứ ngồi nghỉ một lúc đứng dậy là có cảm giác thốn khó chịu dưới gót. Nếu lấy ngón tay ấn dưới đế gót lệch nhẹ vào trong sẽ có cảm giác đau thốn.

Căn bệnh này thường xảy ra ở những người từ 40-70, mập, hoạt động, đi lại nhiều. Riêng ở phụ nữ trung niên, viêm cân gan chân thường gặp ở những người có tiền sử bệnh viêm khớp dạng thấp, mang giày gót cao và nhọn, hoặc dép bằng, ít vận động thể dục thể thao hoặc vận động nhiều quá mức.

Gai xương gót: Đây là hiện tượng mọc xương tân tạo tại vùng gót chân do viêm cân gan chân kéo dài. Gai xương gót thường không phải là nguyên nhân trực tiếp gây đau ở gót chân vì nhiều người đau gót mà không có gai xương, ngược lại nhiều người hiện tại có gai xương mà lại không đau gót.

Hội chứng đường hầm cổ chân: Do chèn ép dây thần kinh chày sau dẫn đến đau hay rối loạn cảm giác như tê rát, tê cóng, căng chặt vùng bàn chân hay gót chân, có thể nhầm với viêm cân gan chân.

Các nguyên nhân hay gặp nhất của đau vùng sau gót chân bao gồm:

Viêm gân gót (viêm gân Achille): Hay gặp ở vận động viên hoặc những người trước kia là vận động viên các môn như điền kinh, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis... hay vận động với cường độ cao hoặc gặp ở lứa tuổi trung niên. Triệu chứng là đau dọc vùng gân gót hoặc tại điểm bám của gân vào xương gót. Sưng đau vùng gót chân, gân gót sưng rõ, có thể nóng đỏ, sờ thấy nổi cục, ấn vào đau, làm động tác gấp duỗi bàn chân có lực cản thì đau tăng.

Viêm bao hoạt dịch gân gót: Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là do việc sử dụng quá mức bàn chân, dẫn đến gân bị thiếu sự dẻo dai, gân quay sấp liên tục, lặp đi lặp lại. Các nguyên nhân cụ thể thường gặp: thay đổi độ cao giày dép thường xuyên, đi giày dép cao gót, tăng độ dài quãng đường luyện tập, tăng thời gian luyện tập quá sức… Người già sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người trẻ.

Người bị viêm bao hoạt dịch gân gót chân thường có các biểu hiện: Sưng đau, nóng và đỏ ở vùng gót chân, sờ thấy nổi cục, ấn vào thấy đau, đau tăng khi đi bộ, chạy, nhảy, gấp duỗi cổ chân và đau nhiều khi đứng trên đầu ngón chân. Các triệu chứng của viêm bao hoạt dịch gân gót chân khá giống với viêm gân gót chân nên thường dễ bị nhầm lẫn.

Một trong những nguyên nhân khác gây đau gót chân là do chấn thương trực tiếp tại vùng gan chân do đi trên nền cứng không bằng phẳng, giẫm phải sỏi đá... làm tổn thương trực tiếp lên mô mỡ đệm ở gan chân. Thường chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày là hết, thuốc giảm đau thông thường hay chống viêm giảm đau cũng có tác dụng tốt.

Ngoài ra, biến chứng của bệnh suy tĩnh mạch chi dưới có thể gây viêm tắc ở vùng gót chân, gây đau gót chân. Ngoài triệu chứng đau nhức gót còn kèm theo triệu chứng đau bắp chân, đau đầu gối. Khi bị viêm tắc, sự ứ nghẽn sẽ làm tăng áp lực xương gót gây căng tức, khó chịu ở người bệnh.

Các nguyên nhân hay gặp nhất của đau vùng sau gót chân bao gồm: Viêm gân gót, viêm bao hoạt dịch gân gót, suy tĩnh mạch chi dưới... Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Biển hiện của các cơn đau gót chân?

Đau gót chân thường phát triển từ từ mà không có chấn thương hay vấn đề nào trước đó. Cơn đau thường xuất hiện sau khi đi giày dép đế xẹp như dép lào. Khi đó, bàn chân bị căng và dễ tổn thương gót chân.

Khi bạn thấy đau ở vùng mặt dưới gót chân, đau tăng lên khi thay đổi động tác từ nằm hay ngồi lâu sang động tác đứng, đặc biệt đau nhiều vào buổi sáng khi mới ngủ dậy bước chân xuống giường, sau khi đi lại vận động một lúc thì triệu chứng đau sẽ giảm dần đi thì đó chính là dấu hiệu bị bệnh ở gót chân. Lúc này, bạn cần đi khám để biết được mình bị đau do nguyên nhân gì để được điều trị kịp thời.

Đau gót chân có nguy hiểm không?

Đau ở gót chân là một triệu chứng rất phổ biến, có thể xảy ra với mọi lứa tuổi, đặc biệt là với những người ở độ tuổi trung niên trở lên.

Đau gót chân có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào tình trạng đau gót chân là bệnh gì, bởi mỗi nguyên nhân gây bệnh thường gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe, khả năng vận động và hệ cơ xương khớp của người bệnh.

Trên thực tế, đau gót bàn chân không nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng có thể phát sinh nhiều biến chứng nghiêm trọng như: Đứt gân nếu gót chân bị viêm bao hoạt dịch, viêm gân gót nhưng không được điều trị từ sớm, gây đau nhức mãn tính, ảnh hưởng đến khả năng đi lại, vận động của người bệnh. Ngoài ra, đau gót chân còn có thể gây tụ máu, khiến gót chân sưng nhức, nghiêm trọng còn làm nhiễm trùng, tắc mạch máu khi bị suy van tĩnh mạch. Teo cơ, liệt bàn chân là biến chứng nặng nhất khi bị đau gót chân khi mắc một số bệnh viêm xương khớp.

Hơn nữa, đau gót chân còn làm thay đổi dáng đi của bạn. Một khi mắc bệnh, bạn sẽ dễ mất cân bằng và té ngã, từ đó nguy cơ bị chấn thương cao hơn.

Đau ở gót chân là một triệu chứng rất phổ biến, có thể xảy ra với mọi lứa tuổi. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Điều trị đau gót chân như thế nào?

Tùy theo nguyên nhân gây đau gót chân mà sẽ có hướng điều trị khác nhau. Tuy nhiên, thông thường biện pháp đầu tiên là nghỉ ngơi, nẹp bất động bàn chân ở tư thế trung gian vào buổi tối, chườm túi đá vào vùng gót chân, tránh đi chân đất, tập các bài tập duỗi cơ cẳng chân như kéo các ngón chân về phía mặt trước cẳng chân nhiều lần vào buổi sáng, đi giày dép có lót đế mềm…

Khi bị đau quá thì có thể dùng thuốc chống viêm giảm đau không steroid như aspirin, diclofenac, meloxicam hoặc tiêm corticoid tại chỗ theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp.

Khi ở nhà điều trị căn bệnh này ở nhà, người bệnh nên sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, ngừng chơi thể thao, chườm đá 20 phút từ 3-4 lần mỗi ngày để giảm các cơn đau gót chân.

Nếu thường xuyên bị đau gót chân khi ngủ dậy thì trước khi khi đi ngủ hãy mang giày gập cổ chân 90 độ sẽ giúp bạn giảm các triệu chứng này rất hiệu quả.

Ngoài ra, để giảm đau gót chân nhanh chóng, bạn có thể áp dụng một vài cách sau:

Muối Epsom có thể giúp giảm đau gót chân ngay lập tức vì nó chứa các tinh thể magiê sunphat giúp giảm đau, sưng và viêm ở gót chân. Trộn 3 muỗng canh muối Epsom trong nước ấm và ngâm chân trong đó trong 20 phút.

Massage gót chân của bạn là một cách điều trị đơn giản, giúp giảm bớt cơn đau. Nó sẽ thư giãn các cơ, giải phóng áp lực và cải thiện lưu thông máu.

Dấm táo chứa chất chống oxy hóa và các tính chất chống viêm, có tác dụng như một loại thuốc giảm đau hiệu quả. Đun nóng dấm táo với nước và dùng khăn sạch thấm lên vùng bị đau trong 15-20 phút.

Dầu hạt lanh chứa nhiều axit alpha-linolenic, một dạng acid béo omega-3 chống viêm rất tốt. Đổ vài giọt dầu hạt lanh vào nước ấm và nhúng một miếng vải vào đó. Quấn vải xung quanh gót chân của bạn và để nó trong ít nhất một giờ.

Baking Soda: Bạn trộn ½ muỗng cà phê bột trong nước và thoa lên gót chân sẽ có công dụng giảm đau, sưng bởi nó tác động trực tiếp trên tinh thể canxi được tích tụ ở gót chân.

Dùng dấm táo có thể giúp làm giảm đau gót chân. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Phòng ngừa đau gót chân như thế nào?

Để phòng ngừa đau gót chân mọi người cần tránh để thừa cân béo phì, tạo áp lực lên chân và hệ cơ xương khớp.

Khi vận động nên khởi động kỹ. Tập thể dục thích hợp cho phần dưới của cơ thể để cải thiện lưu thông máu và ổn định.

Chữa trị các vết thương cũ trong khi đang điều trị đau ở gót chân. Đi giày đế mềm. Với phụ nữ, nên hạn chế đi giày không đúng kích cỡ, đi giày quá cao...

Hàng ngày nên massage chân để máu lưu thông tốt. Khi có các triệu chứng của đau gót chân thì cần đi khám sớm để được chữa trị kịp thời.
Đau gót chân khám ở bệnh viện nào?

Để xác định chính xác tình trạng đau gót chân ngoài các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể cho bệnh nhân chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI, siêu âm… nếu thấy cần thiết. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau gót chân, người bệnh cần được thăm khám cụ thể, chụp phim X-quang phát hiện bất thường ở xương gót, xương cổ chân (nếu có).

Bạn có thể thăm khám, điều trị tại các bệnh viện đa khoa hoặc bệnh viện chuyên Cơ xương khớp.

Tại TPHCM có: BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, BV Nhân dân 115, BV Đại học Y Dược, BV Nguyễn Tri Phương…

Tại Hà Nội có: BV Trung Ương Quân Đội 108,  BV Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện E, BV Bạch Mai, BV Việt Đức, Trung Tâm điều trị và phục hồi xương khớp Việt Nam...

H.T (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X