Hotline 24/7
08983-08983

Đau đầu, trí nhớ kém và mất tập trung, biểu hiện của bệnh gì?

Mời bạn đọc theo dõi nội dung tư vấn trực tiếp ngày 5/8 do BS Võ Thị Tố Uyên trả lời thắc mắc bạn đọc AloBacsi.

  BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - BV Nhân dân Gia Định


 

Nội dung buổi tư vấn của BS Tố Uyên với bạn đọc AloBacsi:

- Phương Uyên, 28 tuổi - TPHCM

Xin chào BS,

Em năm nay 28 tuổi, có gia đình và một em nhỏ. Hiện tại, em đang gặp một số vấn đề về sức khỏe như sau:

1. Đau đầu, trí nhớ kém, mất tập trung: Đây là bệnh từ thời con gái của em nhưng 3 tháng gần đây triệu chứng đau đầu có xu hướng tăng, mất tập trung và thường rơi vào trạng thái lơ mơ, lúc nào cũng thấy buồn ngủ (cho dù em đã ngủ cả ngày).

Em đã khám tại BV, BS chuẩn đoán do thiếu máu cục bộ, cho thuốc uống nhưng em thấy không thuyên giảm.

2. Mất cảm giác đau - cảm giác sờ, tay run: Một năm trước đây những triệu chứng này chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện thoáng qua nhưng khoảng 3 tháng nay tần suất xuất hiện dày đặc hơn và kéo dài tầm 10-20 phút thì hết.

3. Mắt mờ, không nhìn được đường thẳng, thỉnh thoảng mất tầm nhìn ngang mắt trái trong 10-20 giây. Em bị cận-loạn với độ nhẹ, cụ thể: mắt phải cận 0.75 - loạn 0.75, mắt trái cận 1.0.

Nửa năm trước khi đi khám mắt để đo kính, BS BV mắt từng dựa vào dấu hiệu lâm sàng chuẩn đoán em có thể đã bị hẹp thị trường mắt và khuyên em nên đi đo thị trường để xác định chính xác bệnh nhưng em chưa đi vì không có thời gian.

4. Sụt cân không rõ nguyên nhân: Gần 5 tháng nay em bị sụt mất 5kg không rõ nguyên nhân. Chế độ sinh hoạt, ăn uống của em vẫn bình thường, thậm chí em đã tăng cường chế độ dinh dưỡng và được BS kê toa thuốc bổ sắt, canxi, vitamin B6,12 và cả thuốc hoạt huyết dưỡng não nhưng vẫn bị sụt cân. Trong 5 tháng qua em không mắc các bệnh truyền nhiễm nào, cũng không nằm viện. Tẩy giun theo định kỳ 6 tháng/lần.

5. Chảy máu chân răng: em thường xuyên bị chảy máu chân răng, có khi 3-4 lần/ngày, mỗi lần chảy khá nhiều và không rõ nguyên nhân. Em đã đến BS nha khoa để kiểm tra vấn đề răng miệng nhưng BS kết luận em không mắc bệnh gì về răng miệng cả. BS chuẩn đoán do nướu răng em quá nhạy cảm, khuyên chọn bàn chải mềm để chải răng. Tuy nhiên em bị chảy máu chân răng ngay cả khi đang nghỉ ngơi chứ không phải chỉ chảy máu khi chải răng hoặc khi ăn.

Em có xem qua một số tư vấn của các BS tại AloBacsi, ghép các triệu chứng của mình lại em thấy có sự trùng khớp với một vài bệnh lý nội thần kinh và em rất lo lắng. Xin BS cho biết liệu em có phải đang gặp vấn đề nào đó về não? Nếu đi khám thì em cần khám ở đâu? Làm các xét nghiệm nào? Rất mong nhận được câu trả lời từ BS.

Em từng được chuẩn đoán viêm xoang mãn tính, rối loạn thần kinh thực vật. 

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Về vấn đề thị trường của bạn có lẽ bạn phải đi khám để biết phần thị trường nào bị ảnh hưởng, từ đó mới dựa vào giải phẫu học để xác định vị trí tổn thương. Các vấn đề về thị trường kèm với triệu chứng nhức đầu có thể là dấu hiệu của một tổn thương thực thể của thần kinh từ sau vị trí của giao thị. Với tiền căn viêm xoang mạn tính và rối loạn thần kinh thực vật cũng có thể giải thích được triệu chứng nhức đầu và thiếu tập trung của bạn. Trong trường hợp khám mắt không có vấn đề gì thì bạn nên điều trị dứt điểm vấn đề tai mũi họng để giảm bớt cảm giác khó chịu cho cơ thể.

Thông thường, sụt cân có thể do nguyên nhân kém hấp thu hoặc tăng tiêu thụ. Sụt 5kg trong vòng 5 tháng là không đáng kể. Nếu như đã điều chỉnh chế độ ăn, không có triệu chứng nào khác ở đường tiêu hóa, tôi nghĩ bạn cần đến khám chuyên khoa nội tổng quát, tại đây bác sĩ sẽ thăm khám kĩ càng, xác định xem triệu chứng run tay của bạn là do nguyên nhân gì (vì run tay cũng là triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật), có thể bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm máu để kiểm tra lại tổng thể, tầm soát một số bệnh lý nội tiết, chuyển hóa khi nghi ngờ.

Chảy máu chân răng có thể do các vấn đề về nha chu, nhưng có khi lại do bất thường hệ thống đông cầm máu, khi khám bác sĩ nội khoa bạn cũng nên đề cập đến vấn đề này để bác sĩ cho chỉ định xét nghiệm kiểm tra lại hoạt động đông cầm máu của cơ thể.

Tóm lại, những vấn đề của bạn có thể là do bệnh nền sẵn có: viêm xoang mạn, rối loạn thần kinh thực vật, do chưa được điều trị đúng mức nên triệu chứng còn tồn tại nhưng cũng không loại trừ khả năng có những bệnh lý khác chồng lắp, cần được thăm khám và làm xét nghiệm kiểm tra kĩ càng mới đưa ra được chẩn đoán chính xác và điều trị thích hợp. Thân mến!


- Phương Thảo - Đồng Nai

Chào AloBacsi, 

Con của em năm nay 15 tuổi, vừa rồi cháu có bị sưng một bên ngực (ngực trái). Do cháu đi học nội trú nên cũng không nói với gia đình, một phần cháu sợ nữa nên khi phát hiện ra thì ngực cháu đã sưng to và đỏ. Gia đình đã cho cháu đi khám ở BV Đại học Y dược, chuẩn đoán bị áp xe ngực trái và cho chích rạch (tiểu phẫu). BS kê đơn 5 ngày thuốc uống. Uống hết 5 ngày thuốc và tái khám nhưng BS không cho thuốc nữa. 

Hiện tại ngày nào cháu cũng phải đi thay băng do vết thương hở. Vết thương đã được 16 ngày mà vẫn chưa khô, dịch vẫn còn chảy. BS cho hỏi bây giờ phải làm như thế nào ạ? Có phải mua thuốc thêm cho cháu uống nữa không? Chế độ ăn uống của cháu như thế nào? Em xin cảm ơn!

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Thông thường sau rạch áp xe mô mềm thì có chỉ định sử dụng kháng sinh từ 5-10 ngày, tùy đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân. Có lẽ bác sĩ đánh giá tình trạng nhiễm trùng đã ổn nên không cho uống kháng sinh tiếp.

Nguyên nhân khiến vết thương chậm lành bên cạnh nhiễm trùng, còn có thể do dinh dưỡng kém, căng thẳng tâm lý, sử dụng các chất sát khuẩn quá mạnh (cồn, oxy già nguyên chất…). Bạn cần đưa bé đến khám bác sĩ để đánh giá lại nguyên nhân làm chậm lành vết thương, và xem xét chỉ định kháng sinh khi cần.

Thân mến!


- Lê Khánh, 34 tuổi - TPHCM

Chào các BS,

Tôi bị nổi mề đay khoảng nửa năm. Ban đầu là những đốm nhỏ ngứa, giống như vết muỗi chích rồi vài tuần sau thì mức độ tăng lên. Các đám mề đay nổi lên từng vạt kèm theo ngứa khó chịu. Thường chỉ nổi về tối và đêm, đến sáng thì bớt nhưng vẫn còn ngứa.

Tôi đã đi xét nghiệm tổng quát thì chỉ phát hiện Choleteron hơi cao, BS dặn chỉ cần điều chỉnh ăn uống, còn chức năng gan, nước tiểu thì bình thường.

Qua tìm hiểu tôi nghi ngờ nhiễm giun sán hay ký sinh trùng.Hơn nữa tôi kiểm tra trong phân thì có những hạt màu trắng đục như hạt gạo, bên ngoài láng mịn, hơi cứng, không biết đó có phải là trứng giun sán hay không?Mong các BS cho lời khuyên.Xin cảm ơn.

Người tôi khỏe mạnh, mỗi khi bị nổi mề đay uống 1 viên chống chị dứng thì đỡ được khoảng 3 ngày thì bị lại.    

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Nhiễm kí sinh trùng (giun sán), siêu vi, nhiễm Helicobacter pylori… là những lý do khiến cho cơ thể dễ nổi mề đay. Do triệu chứng về đêm bạn cần xem lại có phải mề đay hay là do côn trùng đốt, tổn thương da do cái ghẻ…

Thông thường trứng giun có kích thước rất nhỏ, không thể nhìn thấy bằng mắt thường được. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng một liều thuốc sổ giun để tẩy theo lịch định kì 6 tháng/lần.

Trong trường hợp lo lắng, bạn nên đến gặp bác sĩ để làm một số xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán kí sinh trùng, để biết chắc chắn mình bị nhiễm loại giun nào và điều trị trúng đích.

Thân mến!


- Trần Văn Duy - Đồng Nai

Chào AloBacsi,

Mình bị tình trạng này cũng mấy năm rồi. Không biết là do muỗi chích, dị ứng hay lý do nào? Thỉnh thoảng chân và tay mình bị nổi mụn nước to bằng nửa hạt đậu xanh, xung quanh đỏ. Mụn rất ngứa. Nếu gãi ra thì mụn cứ chảy nước trắng và tụ thành huyết vàng. Mong AloBacsi chỉ giúp bệnh gì và cách điều trị. Xin cảm ơn!

 Dưới đây là hình ảnh mụn nước:


BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com 

Chào bạn,

Dựa vào hình ảnh và thông tin mà bạn cung cấp cho thấy bạn đang có tổn thương da dạng bóng nước, dịch trong trên nền hồng ban. Nguyên nhân thường gặp của tình trạng này là dị ứng hoặc tự miễn. Bóng nước tự miễn có vẻ phù hợp với biểu hiện của bệnh hơn.

Thông thường bệnh khởi phát sau nhiễm siêu vi, hoặc có thể do cơ địa, di truyền… bệnh tái phát nhiều lần và dai dẳng nếu không điều trị. Khi xác định đây là bóng nước tự miễn, bác sĩ sẽ có chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm hoặc ức chế miễn dịch, kèm theo các thuốc giảm ngứa. Do tính chất bệnh thay đổi, có thể rất phức tạp, bạn nên đến khám chuyên khoa da liễu để được xem bệnh và kê toa phù hợp.

Thân mến!


- Xuân Cảnh, 32 tuổi – Phú Thọ

BS ơi,

Cách đây 2 tháng cháu bị viêm tụy cấp, ra viện được 1 tháng đến khám lại có kết quả như sau:

Tụy: Tăng kích thước, bờ không đều, nhu mô không đồng nhất. Ống tụy không giãn, liên tục và ôm sát nhu mô đầu tụy là vùng giảm âm không đồng nhất dạng thâm nhiễm lan rộng ra phía sau và sang phải tới vùng đại tràng góc gan, kích thước 51x66mm, giới hạn không rõ, thâm nhiễm tổ chức xung quanh nhiều.

Mặt trước tụy có ít dịch không đồng nhất kích thước 25x43x18mm, thể tích 10mml.Bờ không đều, thâm nhiễm nhẹ xung quanh. Hạ sườn trái sát mặt trước đuôi tụy liên tục tới vùng dịch này có 1 vùng giảm âm khác dạng thâm nhiễm kích thước 30x40mm, bờ không đều, giới hạn không rõ.

Kính mong được BS tư vấn để cháu điều trị dứt điểm căn bệnh này. Xin cảm ơn BS!

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Do tụy là tạng nằm sau phúc mạc, vai trò của siêu âm còn hạn chế. Vì vậy, để xác định bản chất của tổn thương có lẽ phải cần thêm phim CT bụng. Bác sĩ cũng không rõ hiện tại bạn đang có những triệu chứng gì để khu trú nguyên nhân bệnh. Chẩn đoán bệnh đòi hỏi sự kết hợp giữa hỏi bệnh sử, thăm khám lâm sàng, tiếp đó mới dùng các xét nghiệm cân lâm sàng để kiểm chứng. Chỉ có kết quả siêu âm thôi thì bác sĩ không thể kết luận được bệnh của bạn ở mức độ nào và đưa ra hướng điều trị được. Thân mến!

 

- Lê Văn Du, 59 tuổi - TPHCM

Thưa BS,

Tôi bị cứng khớp gối sau mổ gãy lún mâm chày gối, đã 2 tháng, tập VLTL co được >110 độ. Mỗi lần chuyển động từ co sang duỗi và ngược lại phải thật chậm mới được, vì khớp gối vẫn còn cứng khó khăn khi vận động. BS cho hỏi, bao giờ bệnh cứng khớp gối mới phục hồi lại như xưa?Vận động đi lại nhiều có hết không?Uống thuốc Voltaren sr 75mg điều trị cứng khớp gối mạn tính bao lâu thì phải dừng lại?Uống 2-3 tháng có trị hết bệnh cứng khớp không?Xin BS tư vấn giúp.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Khả năng hồi phục sau cứng khớp tùy vào cơ địa của từng người và mức độ chăm chỉ tập vật lý trị liệu.Vận động nhiều có thể giúp khớp mau chóng phục hồi chức năng hơn nhưng cần cẩn trọng để tránh tổn thương khớp nặng hơn.

Thuốc Voltaren là một loại thuốc giảm đau, kháng viêm, chỉ có tác dụng hỗ trợ cho quá trình vật lý trị liệu. Hiệu quả điều trị vẫn phụ thuộc vào ý chí và khả năng luyện tập của bạn.

Thân mến!


- Huỳnh Thị Sỹ, 28 tuổi – Đồng Nai

Chào BS,

Tôi có cảm giác như có giun sán lẩn quẩn trong cổ họng, thò tay móc nhưng không có tác dụng còn bị đau thêm. Đã 3- 4 ngày nay tôi nghi ngờ và hôm nay tôi chắc chắn là bị sán hoặc đĩa (không biết chính xác là con gì). Vì hôm nay có cảm giác nó móc móc, chui vào cổ họng thấy đau nhói, khạc ra thì thấy có lẫn ít máu trong nước bọt.Tôi đang rất lo sợ. Không biết liệu ngày mai nó có chui lên mắt, tai, hay não của tôi không? Tôi sợ quá, tôi phải làm gì đây BS?

Mỗi buổi tối khi đi ngủ thì tôi bị quặn trong bụng, cuộn cuộn quặn lên như trái bóng đang lăn trong bụng, thấy hơi nhói đau, có phải do sán lãi không BS?

Con trai tôi đã hơn 2 tuổi, tôi có thể xổ lãi cho bé được không và bằng cách nào?

Cám ơn BS!

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Để biết chắc chắn có dị vật vùng hầu họng hay không (mà ở đây bạn nghi là có sán, đỉa), bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, khi cần bác sĩ sẽ chỉ định nội soi để chẩn đoán và điều trị. Cơ thế người luôn có cơ chế đề kháng chống lại sự xâm nhập của vật lạ vào cơ quan “trọng yếu”, do đó, bạn không nên quá lo lắng!

Bé từ 2 tuổi trở lên là đã nên tẩy giun kịnh kì 6 tháng/lần. Bạn có thể đến các nhà thuốc lớn và hỏi mua thuốc sổ lãi cho em bé. Thuốc sử dụng một liều duy nhất. Trường hợp bé có triệu chứng nhiễm giun thì liều điều trịsẽ thay đổitheo hướng dẫn của bác sĩ Nhi bạn nhé!


- Bích Huệ, 28 tuổi – Hà Nội

Chào BS,

Lần trước em đi khám tại BV Xanh pôn và được kết luận bị Lichen phẳng (em bị đã 3 năm. BS kê đơn thuốc 2 tuần và có cho một loại thuốc Tempovate gel để bôi. Em bôi 2 tuần thấy đỡ, tiếp tục dùng thêm 1 tuần thì thấy da bắt đầu bị khô trở lại, các kẽ da bị nứt và teo lại, cảm giác khó chịu, căng da.Em đã dừng bôi thuốc. Theo BS, em nên làm gì với triệu chứng này hay để nó sẽ tự hết?

Da em bẩm sinh đã khô và có bị mề đay dị ứng 1,5 năm trước khi bị Lichen phẳng. Sau khi khỏi dị ứng thì em bị Lichen phẳng.Da sần, thô ráp và khó thoát mồ hôi.Cảm ơn và mong được BS tư vấn.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Tempovate gel là một dạng corticoid bôi da, có tác dụng kháng viêm khá tốt, thường dùng trong điều trị các trường hợp chàm, lichen… Tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ là gây khô da, teo da.Bạn ngưng bôi thuốc trong trường hợp này. Nếu như da không có triệu chứng gì, chỉ khô đơn thuần, bạn nên để da tự phục hồi, có thể bổ sung thêm một số chất dưỡng ẩm lành tính cho da chứa vitamin E…

Nếu triệu chứng bệnh tái phát hoặc tiến triển nặng hơn, bạn nên đến khám chuyên khoa da liễu để được kê những loại thuốc khác điều trị bệnh, không nên tiếp tục dùng Tempovate gel để tránh tác dụng phụ nhiều hơn gây tổn thương da không hồi phục.

Thân mến!


- Trần Thị Nghĩa, 50 tuổi - Bình Thuận

Chào BS,

Tôi 50 tuổi thường xuyên bị đau đầu. Đi khám BS Tai Mũi Họng, chụp CT chẩn đoán bị việm xoang sàng và xoang mũi 2 bên vào 10/2015. Uống thuốc xoang không hết.BS khuyên nên khám Nội thần kinh.

Tôi bị thoái hóa đốt sống cổ thứ 5&6.Hiện tại, tôi thường xuyên đau nửa phía sau đầu bên trái, thỉnh thoảng bị nhói đau lên đỉnh đầu và ê buốt.

Với các triệu chứng trên, xin hỏi BS tôi bị bệnh gì ạ? Cám ơn BS!

Chào chú,

Thoái hóa cột sống cổ có thể gây đau buốt lan dọc lên đỉnh đầu. Tuy nhiên, do không trực tiếp thăm khám nên bác sĩ không thể kết luận chính xác điều này. Điều trị thoát hóa cột sống cổ cần biết nguyên nhân gây ra bệnh là gì, kết hợp giữa vật lý trị liệu và thuốc uống thì mới đạt được hiệu quả mong đợi. Chú nên khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được xem bệnh và kê toa thích hợp chú nhé!


- Nhu Quynh, 28 tuổi – Phú Thọ

Chào BS,

Tôi hay bị mất tiếng, nghẹt mũi, cổ họng luôn có dịch nhầy khiến tôi thấy khó thở. Tôi đi BV huyện, kết luận bị viêm họng và kê đơn thuốc gồm kháng sinh, tiêu viêm và giảm đau. Tôi dùng 3 ngày không đỡ.

Tôi đi khám ở BV Tai Mũi Họng Trung ương thì kết luận viêm tai mũi họng mạn tính và hội chứng trào ngược dạ dày thực quản. BS kê thuốc cũng có kháng sinh, tiêu viêm, thuốc giảm đau và 1 hộp thuốc dạ dày. Tôi uống trong vòng 10 ngày thì nói được nhưng vẫn khàn và cổ họng lúc nào cũng có dịch nhầy, muốn khạc mà không ra. Cứ thời tiết thay đổi thì lại mất tiếng.

Tôi về Hà Nội lấy thêm liều thuốc nữa uống thay đổi nhưng sau nửa tháng thì thấy nghẹt mũi nhiều hơn và khó thở.

Tôi xuống BV Bạch Mai khám, nội soi tiếp thì BS nói không bị sao. Tôi nói tôi bình thường mà sao hay nghẹt mũi và luôn có gì đó mắc ở cổ? BS nội soi lại cho tôi và nói hoàn toàn bình thường. BS chỉ kê cho tôi thuốc bổ, dặn uống nhiều nước hơn nữa và ăn đủ chất.

Giờ cứ thời tiết thay đổi tôi lại mất tiếng, nghẹt mũi, cổ họng có dịch nhầy rất khó chịu, làm tôi không tập trung làm việc. Mỗi lần như vậy tôi lại đi ra phòng khám nội soi, BS kết luận bị viêm hạ họng, kê thuốc uống trong vòng 3 ngày. Tôi dùng thấy đỡ rất nhiều nhưng chỉ được 1 tuần là bị lại. Mặc dù tôi rất chú ý việc ăn uống và vệ sinh tai mũi họng.

Mong BS hãy cho tôi lời khuyên, nên đi khám ở đâu để bệnh của tôi có thể cải thiện tốt hơn? Tôi xin chân thành cảm ơn.  

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Viêm mũi họng gần như là căn bệnh “thế kỷ” trong thời đại ngày nay do tình trạng thời tiết ô nhiễm làm cho cơ thể phản ứng lại gây khó chịu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân.

Căng thẳng tâm lý cũng góp phần làm cho bệnh trào ngược dạ dày thực quản nặng hơn, dẫn đến viêm mũi họng kéo dài không kiểm soát được. Điều trị cần phải kết hợp giữa chuyên khoa tiêu hóa để giải quyết vấn đề trào ngược, chuyên khoa tai mũi họng sử dụng các loại thuốc kháng viêm dạng xịt, thuốc uống giảm viêm mũi xoang và viêm họng.

 Mỗi đợt viêm họng cấp là cơ hội rất tốt để điều trị dứt điểm bệnh nhưng rất tiếc bạn chỉ sử dụng thuốc trong vòng 3 ngày, bệnh không được điều trị tiệt căn nên sẽ tái phát nhiều lần.

Tốt nhất, bạn nên quay lại Hà Nội, mang theo các kết quả khám, nội soi trước đó để bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng xem xét và kê toa thích hợp bạn nhé!

 

- Nguyen Van Dinh, 22 tuổi – Hưng Yên

Chào BS,

Gần đây cháu thấy hơi đau họng, soi đèn vào thì thấy ở cuống lưỡi rất nhiều nốt đỏ to bằng nửa hạt đậu, còn đầu lưỡi thì nhiều nốt li ti.Cháu rất hoang mang, mong BS tư vấn giúp.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Không rõ triệu chứng của em đã xuất hiện bao lâu rồi.Nếu chỉ trong vài ngày gần đây, có thể em đang có tình trạng viêm họng cấp, các nốt đỏ ở cuống lưỡi có thể là các hạt hạnh nhân đáy lưỡi. Nếu bệnh do siêu vi gây ra sẽ khỏi trong vòng 7 ngày, em chỉ cần nghỉ ngơi, bổ sung thêm vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Trường hợp bệnh dai dẳng, em nên đến khám bác sĩ tai mũi họng để được kê toa kháng sinh phù hợp. Thân mến!


- Trang, 19 tuổi – tranqchip…@gmail.com

Chào BS,

Gần đây không rõ thời gian nào em bị đau thắt lưng lan xuống cả khớp háng và bắp đùi. Cách đây vài ngày em đau dữ dội không thể khom lưng hay với lấy gì đó hoặc ngồi xổm.

Công việc lúc trước em có khuân vác hàng nặng hơn 10kg nhưng khoảng 3 tháng thì chuyển sang làm công việc văn phòng rồi. Em có làm thêm việc ngồi khom lưng suốt.

Trước kia em bị té xe nên chân bị tổn thương phần mềm, hay bị tê chân nữa.

Ngày hôm đó em làm việc ngồi khom lưng suốt 5 tiếng đồng hồ. Khi nghỉ ngơi em nằm cong không thẳng chân, khi thức dậy em không thể bật dậy được, không khom lưng được, không thể ngồi xổm vì rấy đau. BS ơi, em có bị vấn đề gì về cột sống không ạ? Em chân thành cảm ơn!

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Khi ngồi nhiều, tư thế xấu với thời gian kéo dài dẫn đến tổn thương hệ cơ xương, gây ra triệu chứng đau và căng cứng. Em đã từng bị chấn thương nên không loại trừ trường hợp tổn thương sụn khớp sau chấn thương dẫn đến thoái hóa khớp, gây ra các triệu chứng như mô tả. Em nên đến khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được chụp phim cột sống và kê toa phù hợp. Thân mến!


- Tran Ho - quocsi…@gmail.com

Xin BS cho em hỏi,

Em bị giẫm đinh rỉ cách đây khoảng hơn 4 ngày.Ngay sau khi giẫm đinh, em nặn máu ở vết thương ra và rửa bằng xà phòng. Nhưng khi rửa bằng cồn 90 độ thì miệng vết thương đã bị khít lại mất rồi, cồn không vào được.

Khoảng 10 tiếng sau em đến BV tiêm kháng huyết thanh S.A.T nhưng bị dị ứng trong khi thử, nên dừng lại không tiêm nữa. Sáng hôm sau (vẫn trong 24h) em phải tiêm vaccine V.A.T 1 muỗi, họ hẹn 1 tháng sau mới chích muỗi 2. Đến nay là ngày thứ 5 rồi, liệu em có thoát nguy hiểm chưa?

Lúc nhỏ khoảng 11 tuổi, em cũng có giẫm đinh, có tiêm kháng huyết thanh uốn ván, trên lọ thuốc có vẽ hình đầu lâu và là thuốc độc bảng B. Vậy sao lúc đó em không bị dị ứng, mà đến giờ em lại bị? Có thể đó là thuốc khác không ạ?

Xin hỏi thêm, khoảng thời gian bao lâu là em hoàn toàn an toàn khỏi bệnh?

Cám ơn BS!

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Không rõ vết thương hiện tại của em ra sao, đã lành chưa hay vẫn còn sưng viêm? Nếu sau khi giẫm đinh em đã rửa sạch vết thương thì nguy cơ nhiễm vi khuẩn uốn ván sẽ giảm đi. Tuy nhiên với thời gian 5 ngày chưa thể kết luận được rằng em không bị uốn ván! Các loại thuốc tiêm bên cạnh hoạt chất chính còn được bổ sung thêm một số loại tá dược tùy vào nhà sản xuất, có thể em bị dị ứng với các loại tá dược này. Hiện tại, em nên giữ vết thương khô thoáng, thay băng mỗi ngày và tuân thủ lịch tiêm phòng uốn ván của bệnh viện em nhé!


- Bảo Ngọc, 23 tuổi – An Giang

Chào BS,

Em điều trị bệnh mào gà tại BV Da liễu TPHCM và xịt AL được 1 lần. Nhưng vì nhà xa nên em không thể sắp xếp được mỗi tuần mỗi lên xịt AL. BS cho em hỏi, ngoài phương pháp xịt AL mình có thể dùng thuốc bôi điều trị tại nhà không ạ?Em có thể vừa kết hợp xịt AL 2 tuần/ lần và dùng thuốc đặc trị để bôi tại nhà không?Mong hồi âm của BS. Em cám ơn ạ.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Sùi mào gà là bệnh do virus HPV gây ra, rất dai dẳng và khó chữa. Thuốc bôi được chỉ định trong trường hợp bệnh nhẹ, có thể có một số chống chỉ định tùy trường hợp. Tốt nhất bạn nên sắp xếp để khám và điều trị theo chuyên khoa da liễu, bác sĩ sẽ đánh giá lại tổn thương của bạn và kê toa thích hợp. Thân mến!

 

- Trang Thu, 28 tuổi – Đắk Lắk

Thưa BS,

Cháu có 2 câu hỏi nhờ BS tư vấn giúp ạ.

1. Ngón tay út bên phải của cháu hơn một năm nay để bình thường không đau nhưng khi bẻ gập xuống giống ngón khác thì hơi đau. Cách đây 10 ngày cháu có thêu tranh thêu chữ thập được mấy ngày thì ngón út đau rất khó cử động, nhất là khớp nối giữa ngón tay và bàn tay. Đau 2-3 ngày gì đó thì cháu đi mua thuốc về uống 2 ngày thấy giảm đau, có thể cử động dễ hơn. Tuy nhiên hôm qua cháu có chạy xe đường dài hơn 100km về lại đau và nhức rất khó cử động. Nhờ BS tư vấn giúp ạ.

2. Cách đây mấy tháng khi đang ăn bỗng nhiên quai hàm đau cháu không há miệng to được. Tình trạng này gặp khi cháu nhai đồ ăn nào đó hơi dai (như bánh mì) và thi thoảng mới bị. Tuy nhiên 3 ngày gần đây cháu đau không há miệng to được thậm chí đánh răng rất khó khăn. Cứ há to là đau xương hàm sau dái tai bên trái.

Cháu không có điều kiện đi khám ở TPHCM hay Hà Nội nên mong BS tư vấn giúp để có thể ăn ngon miệng và tay có thể làm việc bình thường. Cảm ơn BS.          

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Về vấn đề đau nhức ngón tay, do không trực tiếp thăm khám nên bác sĩ không rõ bạn đau chính xác là ở vị trí nào, đau cả lúc chủ động co duỗi hay cả lúc gấp ngón bị động? Có sưng viêm gì ở khu vực này hay không, có cứng khớp buổi sáng hay không, có đau lan đi đâu không?... Bệnh lý cơ xương khớp chẩn đoán chủ yếu dựa trên lâm sàng nên không trực tiếp thăm khám rất khó kết luận chính xác.

Trường hợp của bạn có thể là một tổn thương sụn khớp bàn ngón, điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi, hạn chế vận động khớp này. Có thể sử dụng thêm các thuốc kháng viêm, giảm đau theo hướng dẫn của dược sĩ để giảm triệu chứng. Nếu sau 2 tuần điều trị vẫn không đỡ thì nên khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp.

Đau quai hàm có thể do tổn thương răng và nướu ở các răng hàm lớn, do trật khớp thái dương hàm, loạn động khớp thái dương hàm… Bạn nên đến bác sĩ răng hàm mặt để khám xem nguyên nhân thật sự gây đau của mình là gì mới điều trị được.

Thân mến!


- Minh Châu, 58 tuổi – minhcuong…@gmail.com

Chào BS,

Tôi 58 tuổi, còn khỏe mạnh, năng hoạt động, bơi lội và đầu óc cũng thường hoạt động. Khoảng hơn 1 năm nay, tôi bắt đầu có nhiều khó chịu và bất tiện với các ngón tay. Bắt đầu chỉ 1 ngón trỏ bàn tay trái hơi tê không sưng, sau đó lan tê xuống khớp nối. Kéo dài 1 tháng sau thì ngón tay co duỗi bị vướng và kêu như con bổ củi. Sáng ngủ dậy thì như thế và dần hết trong ngày.

Sau đó 3-4 tháng cũng y như vậy ở ngón giữa và áp út bàn tray trái. Bây giờ là ngón trỏ bàn tay phải. Tất cả đều không nắm sát vào lòng bàn tay được, hơi tê đau ở các đoạn khớp nối khi chạm vào và dĩ nhiên là không nắm, xách vật nặng như trước kia được.

Hiện tượng này xuất hiện hơn 1 năm. Tôi suy đoán nguyên do bắt đầu là tôi chạy xe đạp và xe máy có tay cầm thon nhỏ. Hiện tại mỗi lần chạy xe xong là các ngón tê đau cứng. Sự co cấn khiến tôi bị kẹt đường dẫn máu cục bộ trong bàn tay. Và do tôi chủ quan nghĩ rằng nó không quan trọng sẽ tự hết nên không tích cực chữa trị và chỉ thăm khám bình thường.

Tôi không biết thăm khám ở BV nào là chuyên trị cho trường hợp của mình?Mong BS hướng dẫn giúp.Chân thành cám ơn BS.

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào cô,

Triệu chứng mà cô mô tả có thể có tổn thương các dây thần kinh ở bàn tay, tuy nhiên do vị trí thay đổi, không đặc hiệu nên bác sĩ chưa dám khẳng định là tổn thương thần kinh gì. Ngoài ra ở tuổi của cô cũng không loại trừ nguyên nhân thoái hóa khớp. Trước tiên cô nên đến khám ở các bệnh viện có chuyên khoa cơ xương khớp để được chỉ định một số cận lâm sàng phục vụ chẩn đoán, từ đó có hướng điều trị thích hợp cô nhé!


- Linh Tran, 23 tuổi - why…@gmail.com

Chào BS,

Năm nay em 23 tuổi. Năm học lớp 10, có lần tự nhiên cánh tay trái của em bị nhức bên trong nhưng chỉ thoáng qua khoảng 2 phút là hết. Sau đó khoảng 1 năm, em thấy cơn đau nhức đó trở lại, dần bị đau nhiều hơn, khoảng vài tháng 1 lần. Đến bây giờ thì em bị đau nhức cả nửa đầu bên trái và chân trái. Mỗi lần cơn đau nhức đến khiến em đang làm việc gì đó thì phải dừng lại ngay lập tức.

Khoảng 1 tháng trước em bị đau cả tuần luôn. Chân tay em lúc đó như là đã phải cầm thứ gì đó giơ lên cao rất lâu mới bỏ xuống. Đầu em thì hầu như ngày nào cũng nhức phía bên mặt trái. Mà dạo gần đây em thấy mình hay cáu gắt, sợ tiếp xúc với người lạ, dễ hồi hộp và dễ bị hoảng loạn lắm. Không biết em có triệu chứng của bệnh gì? Mong BS tư vấn, em nên làm gì ạ? Cám ơn BS!

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Với những triệu chứng em mô tả, tôi nghĩ em đang có vấn đề về tâm thần kinh, không loại trừ nguyên nhân từ một tổn thương thực thể gây ra. Đây có thể là một nguyên nhân rất nghiêm trọng như u não, huyết khối động mạch, viêm nhiễm… cũng có thể chỉ đơn thuần do nguyên nhân tâm lý. Em nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh để được thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết, từ đó có hướng điều trị thích hợp. Thân mến!


- Thuy Bui, 34 tuổi – thanhthuy…@gmail.com

Chào BS,

Cách đây 3 tháng tôi có bị đau lưng sau đó lan xuống chân. Tôi đi khám BV tỉnh kết luận chèn dây thần kinh. BS cho đơn thuốc giãn cơ về uống thì tôi khỏi đau. Nhưng từ kể từ khi đó tôi thấy các khớp xương khi vận động đều phát ra tiếng kêu. Tất cả các khớp gối, cổ chân, khớp vai, khớp tay, cổ tay. Gần như tất cả các vận động liên quan đến các khớp đều phát ra tiếng kêu đanh gọn.

Xin hỏi BS, tôi bị bệnh gì và bệnh này có chữa khỏi không? Tôi rất lo lắng vì mẹ tôi cũng bị viêm đa khớp và em tôi cũng bị các khớp sưng tấy lên. Mong BS tư vấn giúp.Xin cảm ơn.  

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Bệnh lý khớp viêm thường xảy ra ở khớp nhỏ như khớp bàn ngón hơn là các khớp lớn như trường hợp của bạn. Ngoài ra còn có thể có triệu chứng cứng khớp vào buổi sáng, đỡ hơn khi vận động nhiều trong ngày. Bệnh này có thể có liên quan đến yếu tố cơ địa và di truyền.

Tuy nhiên, thoái hóa khớp cũng là nguyên nhân thường gặp gây nên triệu chứng chèn ép thần kinh như bạn mô tả. Bạn cần đến khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để tìm nguyên nhân của bệnh và có hướng điều trị thích hợp.

Thân mến!


- Thu Tâm, 56 tuổi - TPHCM

Chào BS,

Theo tài liệu y khoa thì gan tự sản xuất khoảng 80% cholesterol mặc dù hấp thụ thực phẩm ít chất cholesterol và chỉ có khoảng 20% hấp thụ cholesterol trong thực phẩm. Xin BS cho biết trong 80% cholesterol do gan sản xuất có bao gồm loại tốt (HDL) và loại xấu (LDL) không hay chỉ là một loại duy nhất? Nếu duy nhất là loại nào? Cảm ơn BS!  

BS Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào cô,

Cholesterol là chất béo được tạo ra từ gan đảm nhiệm nhiều chức phận trong cơ thể. Tuy nhiên khi lượng cholesterol tăng quá cao có thể gây ra một số bệnh lý về tim mạch, chuyển hóa. Thật ra cholesterol trong có thể bao gồm nhiều loại, nhưng trong thực hành lâm sàng người ta chú ý vào 3 loại chính là LDL, HDL cholesterol và triglyceride.

LDL được coi là không có ích bởi vì nó mang cholesterol dư thừa xâm nhập vào thành mạch, góp phần làm xơ vữa động mạch. LDL là các mảnh còn sót lại của VLDL được tạo ra từ gan.

Trong khi đó, HDL giúp lấy bỏ những chất béo dư thừa đưa trở lại gan, do đó nó còn được gọi là cholesterol tốt. HDL được tạo ra ở gan và ruột.

Cơ chế gây ra xơ vữa động mạch là do sự mất cân bằng của các loại cholesterol trong cơ thể, nguyên nhân là do cơ địa, di truyền, béo phì thừa cân, uống nhiều rượu, hút thuốc lá và chế độ ăn không lành mạnh… Hiện nay thuốc hạ mỡ máu được ưu tiên đánh vào hoạt động tổng hợp cholesterol của gan, loại làm giảm hấp thu chỉ có vai trò thứ yếu. Đôi điều chia sẻ cùng cô!



Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X