Hotline 24/7
08983-08983

Đau đầu ngón tay, khám chuyên khoa nào?

Email ngày 10/6 của BS Lan Hương trả lời câu hỏi của bạn đọc AloBacsi về: đau đầu ngón tay, môi sưng to nhưng không đau, đi cầu phân đen, nổi cục cứng sau gáy, thuốc nhỏ mũi Otrivin...

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- Huỳnh Thế Duy - TPHCM

Em bị thuỷ đậu 3 ngày nay, mà lúc vừa nổi em có đi BS, BS cho thuốc kháng virus mà em uống 1 viên rồi quên. Do em bị sốt em chỉ uống thuốc hạ sốt nên qua 3 ngày em hết sốt nhưng nó lên khá nhiều, em củng hơi lo.

Cho em hỏi giờ em còn uốg thuốc đó được không ạ và bỏ thuốc có bị gì không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Duy,

Một khi bệnh thủy đậu đã khởi phát thì các thuốc kháng virus (loại em đang bôi và uống) không có tác dụng đẩy lùi bệnh, nói cách khác, bệnh sẽ tiếp tục tiến triển theo đúng diễn tiến.

Việc dùng thuốc kháng virus chỉ có giá trị trong giai đoạn ủ bệnh, nếu bệnh đã khởi phát thì thuốc chỉ có tính hỗ trợ nhẹ. Do vậy em uống thuốc cũng được mà bỏ thuốc cũng không sao.

Thời gian nổi trung bình của thủy đậu là đến 7-10 ngày nếu không có biến chứng (như bội nhiễm vi trùng). Có người nổi nốt to, người nốt nhỏ, nếu các bóng nước không có hiện tượng sưng nóng đỏ đau, chảy mủ thì không có bội nhiễm vi trùng, sẽ lành nhanh.

Với các tổn thương mụn - bóng nước (đã vỡ, chưa vỡ) thì dùng các thuốc bôi màu như Milian, Eosin 2%... có tác dụng kháng khuẩn và giúp khô tổn thương, có thể bôi được trên da và cả vùng kín.

Về chế độ ăn thì em cần ăn đầy đủ dưỡng chất, bổ sung đầy đủ các vitamin và yếu tố vi lượng cho da với các viên multvitamin. Nên mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng, thoáng. Thay quần áo 2 lần mỗi ngày và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm trong phòng kín gió. Nếu khó chịu nhiều thì cần khám BS chuyên khoa da liễu để được xử trí thích hợp.


- Huong Tran - tranthiminh…@gmail.com

Xin chào BS,

Tôi năm nay 27 tuổi. Đợt gần đây tôi thấy đằng sau gáy nổi lên 1 cục rất cứng, bình thường thì không đau chỉ khi khi ấn vào mới thấy đau. Tôi chưa đi khám BS. Vì tôi mới sinh cháu được 8 tháng tuổi và hiện giờ vẫn đang cho bú.

Tôi xin hỏi BS nếu đó là u lành tính thì tôi có cần thiết phải phẫu thuật bỏ đi không hay có thể chờ 1 thời gian nữa? Nếu phẫu thuật thì tôi ở Thái Bình thì BV đa khoa tỉnh có làm được không hay phải lên trung ương? Xin cảm ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Khối bất thường ở vị trí kể trên xảy ra không do va chạm thì có thể gặp trong những nguyên nhân sau: hạch, u bã, mỏm gai đốt sống C7, u xương... Bạn chưa đi khám thì chưa thể xác định đây có phải là u lành hay không.

Nếu thật sự đây là u lành tính, thì đặc điểm của u lành là chậm phát triển theo thời gian, không di căn, chỉ khi u lớn quá mới gây triệu chứng (chèn ép, vỡ, viêm...).

Do vậy đối với u lành tính thì chỉ phẫu thuật khi có triệu chứng do u lớn, hoặc do vấn đề thẩm mỹ, chứ không cần phải bắt buộc mổ gấp như u ác.

Trước mắt bạn nên sắp xếp đi khám tại BV đa khoa tỉnh theo BHYT, nếu vượt quá khả năng của BV thì BV sẽ có giấy chuyển tuyến lên BV trung ương.


- Bạn đọc Bách - bachduong…@gmail.com

Kính chào BS,

Khi nằm người cơ thể cháu cảm thấy nôn nao người mệt tắc mũi khó chịu đoạn giữa dưới xương ức và trên rốn ấn 2 đầu ngón tay vào sâu thấy tức rồi thả tay ra dễ chịu hơn tí. Vì điều kiện kinh tế hiện cháu chưa đi khám, mong BS tư vấn cho cháu với ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Bách thân mến,

Vùng bụng phía trên gần xương ức gọi là vùng thượng vị. Triệu chứng của em có thể gặp trong nhiều nguyên nhân, như viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, phì đại cuống mũi dưới, cảm nhiễm...

Với tình trạng này, em cần sắp xếp thời gian khám chuyên khoa tiêu hóa trước, hoặc chuyên khoa nội tổng quát cũng được, để BS chẩn bệnh cho em và điều trị thích hợp.

Trong thời gian này, em chú ý hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm sau khi ăn trong vòng 2 giờ, tối ngủ nên nằm đầu cao.


- Sy Văn - luuvansy…@gmail.com

Em bị ra mồ hôi tay chân từ bé. Nay em 26 tuổi, em thấy nó có ra cả ở mặt khi em hồi hộp còn ở nách thì cũng ra nhưng ít hơn. Em tính đi cắt hạch thần kinh giao cảm. Em xin BS cho em biết cách điều trị phụ hợp nhất ạ. Cảm ơn BS rất nhiều!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Sỹ,

Nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi được chia làm 2 loại:

- Loại tăng tiết mồ hôi thứ phát: Thường bị sau những tổn thương thần kinh trung ương, ngoại vi hay cục bộ hoặc bệnh của tuyến giáp trạng...

- Loại tăng tiết mồ hôi tiên phát: thường do trạng thái cường giao cảm hoặc tăng hoạt động của trung tâm bài tiết mồ hôi. Xuất hiện nhiều khi bệnh nhân lo lắng, xúc động, ăn các loại thức ăn có tính kích thích nhiều (đồ chiên xào, cay, tỏi, hành tây…).

Chữa trị:

- Điều trị nội khoa: thuốc bôi, thuốc uống, tâm lý liệu pháp, châm cứu.

- Điều trị ngoại khoa: tiểu thủ thuật; hủy bỏ hạch giao cảm bằng phẫu thuật nội soi, tiêm huyết thanh nóng vào hạch, cắt bỏ hạch...

Tốt nhất em nên khám chuyên khoa thần kinh hoặc da liễu để BS kiểm tra và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Sinh hoạt:

- Hạn chế các món ăn có tính kích thích kể trên.

- Vệ sinh cơ thể và thay quần 2 ngày/ lần.

- Có thể dùng phấn thoa giúp khô thoáng hơn.

- Mặc loại vải thấm hút nhanh và mau khô.


- Bạn đọc Vy - lamai…@gmail.com

Em bị viêm mũi dị ứng, 1 dược sĩ đã giới thiệu em sử dụng thuốc nhỏ mũi Otrivin. Nhưng trên tờ hướng dẫn sử dụng khuyến cáo không nên dùng lâu hơn 1 tuần vì có thể dẫn đến viêm mũi.

Vậy em nên sử dụng thuốc này với liều lượng như thế nào ạ? Còn nữa, mũi và họng thông nhau, nên trong lúc nhỏ mũi em đã vô tình nuốt phải Otrivin, không biết có sao không ạ? Cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Vy thân mến,

Viêm mũi dị ứng là hiện tượng mũi bị viêm, sưng tấy do dị ứng với các tác nhân trong và ngoài cơ thể như bụi, khói, lông, tơ, thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất không khí...

Tuy không đe doạ tính mạng, nhưng viêm mũi dị ứng lại gây những khó chịu đáng kể cho người bệnh trong thời gian kéo dài. Có người viêm mũi dị ứng theo mùa, có người viêm mũi dị ứng quanh năm; nhưng đây là bệnh thuộc về cơ địa, tức là không chữa dứt được.

Otrivin có thành phần là Xylometazoline hydrochloride, khi được sử dụng trong mũi có tác dụng gây co mạch, chống sung huyết ở niêm mạc mũi và hầu họng giúp dễ thở. Nhưng nếu dùng kéo dài sẽ có tác dụng phụ là viêm mũi, tăng huyết áp... với loại nồng độ 0, 05% thường nhỏ 1 đến 2 giọt vào mỗi bên mũi, 1 đến 2 lần/ngày ; không nên nhỏ quá 3 lần/ngày.

Tốt hơn hết, em nên khám BS chuyên khoa tai mũi họng để được kê thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc thích hợp.

Đồng thời nên tránh những yếu tố gây kích thích mũi xoang, như bụi, khói thuốc lá, mạt nhà, nước hoa, phấn hoa... giữ ấm vùng mũi họng, hạn chế để quạt thổi thẳng vào đầu mặt cổ, hạn chế máy lạnh, vệ sinh máy điều hòa/ quạt định kỳ, ra đường nên đeo khẩu trang, trời lạnh phải giữ ấm cơ thể, tập thể dục để nâng cao sức đề kháng.


- Bạn đọc Thương - 15l30…@...edu.vn

Dạ, BS cho em hỏi,

Ngày nào em cũng ợ hơi suốt, ngày hơn chục lần ạ. Đôi khi kèm theo tức ngực, đau nhói, thử đau, nhưng thỉnh thoảng thôi. Phần bụng dưới rốn em cũng đau, mà cũng thi thoảng.

Vậy những dậu hiệu đó là bị bệnh gì ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Thương,

Bình thường, nhu động thực quản, dạ dày, ruột theo hướng phía dưới và hơi được tống ra qua hậu môn. Ở người bình thường, khi ăn, cơ thực quản dưới giãn ra, hơi theo thức ăn xuống dạ dày.

Ở người bị bệnh, hơi bị tống ngược lên do cơ thắt thực quản dưới bị giãn, từ dạ dày qua thực quản ra miệng.

Triệu chứng ợ hơi nhiều sau khi ăn có thể do nhiều nguyên nhân, như nuốt hơi trong lúc ăn, (vừa ăn vừa uống, nhai kẹo cao su, hút thuốc lá, hoặc miệng bị kích thích tăng tiết nước bọt cũng làm nuốt hơi tăng lên...), bệnh trào ngược thực quản, viêm loét dạ dày - tá tràng, yếu cơ tâm vị, hở van tâm vị, bệnh phổi, gan mật...

Do vậy, em cần khám BS chuyên khoa tiêu hóa để BS xác định nguyên nhân, từ đó sẽ có hướng điều trị thích hợp tương ứng, em nhé


- Duy Thịnh - Bình Thuận

Thưa BS,

Mấy hôm nay đi cầu tự nhiên thấy phân màu đen giống như xác cafê. Hiện tại thì cơ thể không thấy có triệu chứng gì hết. Vậy xin hỏi phải làm gì tiếp theo ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Duy Thịnh,

Đi cầu phân đen sệt như bã cafe thì sợ nhất là do xuất huyết tiêu hóa và nhiễm trùng đường ruột.

Phân đen do xuất huyết tiêu hóa có đặc tính là phân sệt như bã cafe, tanh, dính như nhựa đường, đang chảy máu thì sẽ có ánh đỏ, người bệnh thường có đau bụng do máu trong đường ruột kích thích, có thể buồn nôn, nôn, nếu đi cầu phân đen lượng nhiều hay đi ít nhưng nhiều lần thì sẽ mệt, vã mồ hôi, choáng váng do mất máu từ trung bình - nhiều. Nếu phân đen do nhiễm trùng đường ruột thì cũng hành đau bụng, sốt...phân nhày, có thể có lẫn mủ máu.

Nếu đi cầu phân cũng đen nhưng không có các tính chất trên thì coi chừng do nguyên nhân khác, như do thức ăn, bón nhiều, do thuốc (đặc biệt là thuốc bổ sắt), hay có thể có xuất huyết tiêu hóa lượng ít (phải làm xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (FOB) mới rõ)...

Như vậy, nếu em đi cầu phân đen 1-2 lần rồi hết, sau tiêu phân thì bụng hết đau hẳn, sau đó tiêu phân vàng bình thường trở lại, cơ thể không cảm thấy gì bất thường thì không cần đi khám. Nếu có triệu chứng gì bất thường thì cần khám BS chuyên khoa tiêu hóa, em nhé.


- Vinh Nguyen - vinhthanh…@gmail.com

Em chào BS, BS cho em hỏi,

Em bị tiểu cầu thấp chỉ số 97, hiện tại em muốn sinh thêm em bé thì uống thuốc tăng tiểu cầu có ảnh hưởng đến em bé sau này không ạ? Em rất mong được BS tư vấn ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Giảm số lượng tiểu cầu có thể do nhiều nguyên nhân, như nhiễm siêu vi, bệnh lý của tủy xương, bệnh của lách, bệnh của gan, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch... Khi tiểu cầu giảm, em sẽ có nguy cơ bị xuất huyết do va chạm nhẹ, thậm chí là xuất huyết tự nhiên.

Với số lượng tiểu cầu 97 k/uL thì chưa ở mức nguy hiểm cần truyền tiểu cầu hay dùng thuốc, không đe dọa xuất huyết nguy hiểm.

Trước mắt em nên khám chuyên khoa huyết học để BS xác định rõ bệnh tình, tùy nguyên nhân mà BS sẽ hướng điều trị và tiên lượng cho vấn đề mang thai, sinh nở của em.


- Lam Hanh - Bình Định

Tôi ăn không thấy ngon, không thấy đói bụng, khi ăn vào là muốn đi ngoài ngay. Vậy xin hỏi bị bệnh gì?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Biểu hiện trên có thể gặp trong nhiều nguyên nhân khác nhau, như hội chứng ruột kích thích, loạn khuẩn ruột, viêm teo dạ dày, bệnh lý gan, mật, tụy, bệnh lý nội tiết, căng thẳng đầu óc, trầm cảm...

Do vậy, em nên khám chuyên khoa tiêu hóa để BS xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp, nếu BS khám thấy nguyên nhân ngoài hệ tiêu hóa hoặc có kết hợp với bệnh lý thuộc chuyên khoa khác thì sẽ hướng dẫn em khám thêm 1 chuyên khoa nữa để phối hợp điều trị.

Đồng thời em nên điều chỉnh lại chế độ ăn, hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu và nghỉ ngơi, giảm căng thẳng đầu óc.


- Thach Thanh Tai - Trà Vinh

Thưa BS,

Tôi vừa được đặt máy hỗ trợ tim thi sau này máy hoạt động bao lâu và khi thay máy chi phí khoảng bao nhiêu? Sau khi đặt máy hỗ trợ tim sau này tim có thể hồi phục lại không hay là mình phải đặt máy hỗ trợ tim suốt đời?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Máy hỗ trợ tim có nhiều loại, như máy tạo nhịp (1 buồng, 2 buồng), máy phá rung, máy tái đồng bộ thất...

Tôi không rõ bạn đặt máy hỗ trợ tim loại nào, vì sao đặt (bệnh tim loại gì), đặt vĩnh viễn hay tạm thời, nên tôi không thể tư vấn cụ thể cho bạn được.

Đặt bất kỳ 1 loại máy hỗ trợ tim nào cũng là 1 kỹ thuật cao, chi phí mắc, do đó BS sẽ tư vấn rất kỹ cho người bệnh về chỉ định đặt máy, thời gian thay pin, các triệu chứng cần theo dõi sau khi đặt máy, lịch tái khám... Do đó, bạn nên hỏi lại BS điều trị chính cho bạn để có được thông tin đầy đủ về bệnh tình của mình, bạn nhé.


- Huu Khang - huukhang…@gmail.com

Chào BS,

Tôi bị đau các đầu ngón tay, tôi có đi khám tại BV chấn thương chỉnh hình và đo điện tim, không bị thần kinh ngoại biên. Uống thuốc 2 tuần vẫn không bớt. Và dạo này ở lòng bàn chân 2 bên bị đau nhẹ.

BS có thể tư vấn bị bệnh gì và đều trị BV nào ở TPHCM? Cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn Khang,

Triệu chứng đau tê ở đầu ngón có thể do nhiều nguyên nhân như xơ vữa động mạch, viêm tắc động mạch (thường ở người có hút thuốc lá), do nhiệt độ quá lạnh, do viêm dây thần kinh ngoại biên, thiếu vitamin nhóm B và khoáng chất (magie, kali, canxi), bệnh lý chèn ép mạch máu-thần kinh...

Nếu như bạn trẻ, khỏe, không có bệnh lý gì trước đây, không hút thuốc lá hay nghiện rượu thì khả năng là do nguyên nhân lành tính nhiều hơn. Vì hiện tại triệu chứng kéo dài và uống thuốc ít đáp ứng nên tôi khuyên bạn nên khám chuyên khoa nội thần kinh và mạch máu để kiểm tra sâu thêm.

Tại TPHCM có các BV đa khoa có chuyên khoa thần kinh - mạch máu là BV Trưng Vương, BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định, BV Nguyễn Tri Phương, BV ĐH Y dược, BV Chợ Rẫy... bạn có thể tham khảo thêm.


- Thanh Hoàng - hoangthanh…@gmail.com

Chào BS,

Tôi bị gãy xương đòn, được BV huyện cố định bằng đinh. Nhưng qua 7 tuần mặc dù vết mổ đả lành, không còn đau mà thấy xương vẩn chưa liền, ngồi dậy và nằm xuống vẩn nghe lạo xạo, sần sật, sờ nắn vào dịch đi dịch lại khoảng 0,3 cm.

Tôi nghi đinh bị tuột. Bây giờ không biết có liền được không và phải làm sao ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Bạn Hoàng thân mến,

Với tình trạng này, bạn cần phải đến BV để kiểm tra lại ngay, BS cần chụp lại phim Xquang để kiểm tra tình trạng liền xương/ di lệch ra sao, vị trí của đinh vít ra sao... từ đó mới có hướng xử trí thích hợp tiếp theo, bạn nhé.


- Đỗ Nhu - donhu…@gmai.com

BS ơi cho em hỏi,

3 hôm nay cuống họng em mọc rất nhiều nốt như bỏng rạ. Lúc nào cũng có cảm giác buồn nôn.

Xin BS tư vấn giúp, em đang ở nước ngoài, tiếng ngoại ngữ không biết nên không đi khám được. Em uống thuốc viêm họng được không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Nhu,

Các nốt “như bỏng” ở cuống họng kèm cảm giác buồn nôn thường gặp trong bệnh lý viêm họng miệng, có thể có kèm trào ngược dạ dày thực quản.

Tôi không rõ “thuốc viêm họng” của em là thuốc gì. Mặc dù tôi rất thông cảm cho hoàn cảnh của em, tuy nhiên BS không được phép kê toa thuốc qua kênh truyền thông, khi chưa thăm khám trực tiếp cho người bệnh, đây là luật, mong em thông cảm và tôn trọng.

Tốt hơn hết em nên đến khám ở BS chuyên khoa tai mũi họng, BS sẽ kê thuốc phù hợp cho em; nếu không rành ngoại ngữ thì có thể đi cùng với người phiên dịch.

Trong thời gian này, em chú ý hạn chế ăn các loại gia vị cay nóng như ớt, tỏi, gừng, tiêu… và ăn nhạt, vệ sinh răng miệng hàng ngày hoặc khi ăn xong súc miệng nước muối ấm pha loãng.


- Huynh Dat - dattia…@gmail.com

BS cho em hỏi,

Môi em đột nhiên sưng to một bên ở môi trên hơn 2 ngày nay. Em không biết tại sao lại như vậy? Môi em hoàn toàn không đau hay dị ứng gì, chỉ gây khó khăn trong ăn uống đôi chút. Mong BS tư vấn giúp em.


BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Theo như em trình bày, nhiều khả năng môi em có biểu hiện trên là do có một tác nhân gây dị ứng, khi hết tiếp xúc với tác nhân này thì môi sẽ trở lại bình thường.

Dị ứng có thể do mỹ phẩm, thức ăn, côn trùng... thường sẽ tự xẹp, không cần điều trị gì.

Nếu em khó chịu nhiều, môi sưng lâu ngày chưa giảm, xuất hiện triệu chứng dị ứng khắp người thì cần khám BS chuyên khoa da liễu để được kê thuốc phù hợp.


- Le Van - levantuong…@gmail.com

Thưa BS, hình ảnh cổ họng của em như vậy là có bị ung thư vòm họng không ạ? Nếu không phải ung thư thì là triệu chứng của bệnh gì vậy a? Em cảm ơn.


BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Hình ảnh em gửi về cho thấy hiện tượng viêm sung huyết tạo hạt nặng ở thành sau họng.

Hiện tượng viêm sung huyết có thể gặp cả trong viêm họng lẫn bệnh ác tính của vòm họng. Ở thành sau họng có hệ bạch huyết rất phong phú, khi họng bị viêm thì bạch huyết sẽ phát triển lên, mạch máu sẽ dồn về để tập trung chống lại yếu tố gây hại cho cơ thể, cho hình ảnh thành sau họng rất “xấu xí”, sần sùi, nhiều hạt đỏ, nhiều mạch máu.

Điểm khác biệt với bệnh lý ác tính thành sau họng là sau khi điều trị hết viêm, thì hệ thống mạch máu - bạch huyết sẽ trở về bình thường lại. ở người hút thuốc lá, tiền căn gia đình có ung thư vòm họng, hay quan hệ tình dục bằng đường miệng với đối tượng có nguy cơ cao thì cần cẩn trọng với bệnh lý ác tính ở vòm họng.

Chụp hình chỉ quan sát được 1 phần thành sau họng, nên muốn loại trừ chắc chắn bệnh lý ác tính thì em cần khám chuyên khoa tai mũi họng để BS khám và nội soi kỹ khu vực hầu họng, nếu có tổn thương nghi ngờ ác tính thì BS sẽ xét nghiệm tế bào, sinh thiết để định bệnh; nếu là viêm họng mạn thì cũng có hướng dẫn cụ thể cách điều trị bệnh, em nhé.

Trong thời gian đó, để giảm triệu chứng khó chịu, em nên uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi.

Thân mến,

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X