Hotline 24/7
08983-08983

Đau dạ dày khi mang thai, uống thuốc gì?

Khi bị đau dạ dày trong thời gian mang thai thì việc dùng thuốc phải thật cẩn thận, đặc biệt là trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.

Tôi đang mang thai con đầu lòng mà mấy hôm nay bị cái bao tử (dạ dày) hành quá. Trước dây tôi cũng từng đau dạ dày nhiều năm nhưng toàn tự ra tiệm thuốc mua Phosphalugel về uống là đỡ đau ngay. Giờ đang có thai nên tôi không dám tự ý dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Xin hỏi bác sĩ, phụ nữ có thai mà bị đau dạ dày thì nên sử dụng thuốc đau dạ dày như thế nào cho an toàn? (Tâm Hương - Q.Phú Nhuận, TPHCM)



Trả lời:

Chào em,

Trước hết, nếu em bị đau dạ dày mà chưa có thai thì nên kiểm tra kỹ với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được điều trị tận gốc nhất là những trường hợp viêm loét dạ dày do nhiễm vi trùng H.P trong dạ dày nhằm hạn chế khả năng tái phát trong thời kỳ mang thai để tránh phải dùng thuốc.

Khi bị đau dạ dày trong thời gian mang thai thì việc dùng thuốc phải thật cẩn thận đặc biệt là trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Bạn nên thăm khám với BS chuyên khoa để xác định bệnh chính xác và cho thuốc phù hợp nhất.

Nhóm thuốc có thể được cân nhắc sử dụng khi mang thai là nhóm thuốc trung hòa a-xit dạ dày như thuốc gói dạng sữa chứa aluminium phosphate chẳng hạn.

Các nhóm thuốc còn lại như nhóm thuốc chống tiết a-xit hay nhóm thuốc tăng cường màng nhày bảo vệ dạ dày không được tự ý sử dụng khi mang thai nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ mà phải được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài ra, việc điều trị hỗ trợ bằng chế độ ăn uống hợp lý điều độ và ngủ nghỉ đúng giờ cũng như ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, hạn chế ăn uống chất có tính kích thích dạ dày cũng giúp giảm triệu chứng đau dạ dày trong khi có thai mà không cần phải uống nhiều loại thuốc.

Tôi có thai khoảng 5-6 tuần. Trước đây khi mới lập gia đình tôi có bị viêm dạ dày nhưng không bị vi trùng H.P. Hiện nay tôi thường xuyên bị các cơn đau dạ dày dữ dội, kèm theo nôn ói nhiều. Bác sĩ ơi, có cách nào làm giảm cơn đau dạ dày của tôi không? (Phạm Ánh Nguyệt - Hà Nội)

Trả lời:

Ánh Nguyệt thân mến,

Với triệu chứng mô tả, tôi dự đoán em đang bị thai hành trên cơ địa người bị viêm dạ dày. Sau đây là các giải pháp cho em:

- Ăn nhiều lần trong ngày, chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 lần trong ngày

- Ăn thức ăn mềm, lỏng, hấp luộc. Hạn chế thức ăn chiên xào.

- Không ăn thức ăn quá nóng, cay, chua và hạn chế thêm gia vị nhiều (hành, tiêu, tỏi, ớt).

- Uống một ít nước gừng trước mỗi bữa ăn.

Tuy nhiên, em vẫn cần khám bệnh với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để xác định bệnh chính xác và cho thuốc phù hợp ví dụ như một số loại thuốc gói dạng sữa chứa alminium phosphate hoặc các viên dạng nhai sau ăn khoảng 30 phút.

Tôi thường xuyên bị đau bụng ợ hơi khi vừa uống nước xong hoặc khi đang ăn. Đi khám bệnh nội soi bác sĩ cho biết tôi bị viêm dạ dày và phát hiện có vi trùng H.P. Bác sĩ ơi, tôi rất lo lắng không biết bệnh của tôi có chữa khỏi hẳn được không và cách điều trị ra sao?

Trả lời:

Qua thắc mắc của bạn, tôi nhận xét bạn có 2 vấn đề:

- Thường xuyên ợ hơi khó tiêu và nội soi có viêm dạ dày do nhiễm vi trùng H.Pylori.

- Tâm lý lo lắng cho bệnh tật của mình (đây là tâm lý rất thường gặp ở nhiều bệnh nhân).

Lời khuyên của tôi cho bạn là:

1. Khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được dùng phác đồ điều trị thích hợp nhằm tiêu diệt vi trùng H.P (với các phác đồ hiện tại tỉ lệ tiêu diệt thành công lên đến 85-90%).

1. Sau khi điều trị đủ phác đồ và tiếp tục duy trì thêm khoảng 2 tháng, bạn cần ngưng thuốc trong ít nhất 2 tuần để được nội soi kiểm tra lại nhằm chắc chắn đã hết vi trùng H.P.

2. Bạn lưu ý hạn chế thức ăn béo, thức ăn chiên xào và quan trọng là phải ăn đúng giờ, hạn chế rượu bia, thuốc lá.

3. Một điểm nữa là bạn đừng quá lo lắng về bệnh tật của mình và cố gắng dẹp bớt những căng thẳng trong cuộc sống và làm việc vì stress trong cuộc sống cũng làm ảnh hưởng tiết dịch a-xit trong dạ dày của bạn làm cho viêm loét dạ dày nặng hơn, bên cạnh vi trùng H.P cũng đang tấn công dạ dày của bạn.

4. Ngoài ra bạn cần lưu ý, bệnh rất dễ bị tái phát do chế độ ăn uống sinh hoạt không điều độ không kiêng cữ, thậm chí khi bị mất ngủ hay bị căng thẳng trong công việc.

BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương
Giảng viên Đại học Y
khoa Phạm Ngọc Thạch
Trưởng Đơn vị tiêu hóa can thiệp
, BV Nguyễn Tri Phương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X