Hotline 24/7
08983-08983

Đau bụng khi mang thai: Khi nào nên lo lắng?

Nếu bạn bị đau vùng bụng dưới khi đang mang thai hoặc đau ở vùng bụng bên phải, thì bạn không phải là cá biệt.

Cho dù bạn đang mang thai ba tháng đầu tiên hoặc sắp đến ngày dự sinh, thai nghén cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng đáng ngạc nhiên đối với cơ thể.

Điều này không có gì là lạ, vì bạn đang mang trong người một sinh linh mới! Cùng với sự thay đổi đột ngột của những nội tiết tố mạnh và mới, việc mang thai có thể cực kỳ không dễ chịu theo nhiều cách khác nhau.

Nhưng đối với những người mang thai lần đầu tiên, tất cả những cơn đau và nhức mỏi mới, từ đau vùng bụng dưới đến đau vùng hố chậu phải, đều có thể gây bối rối, lo lắng và thường khá đáng sợ. Vậy đau thế nào là bình thường và thế nào là không bình thường? Và làm thế nào để phân biệt?

Những kiểu đau bình thường và không đáng lo:

Đầy hơi hoặc táo bón

Đầy hơi và táo bón rất hay gặp khi mang thai, vì hoóc-môn progesterone khi mang thai gây giãn các cơ trơn ở cả thực quản và ruột. Bình thường, ruột sẽ co bóp để đẩy chất thải đi xuống và ra ngoài. Nhưng với sự chậm lại này, cơ thể sẽ khó tống chất thải ra ngoài hơn, làm tắc nghẽn mọi thứ và có thể gây đau vùng bụng dưới khi mang thai. Sự tích tụ hơi có thể gây đau đến mức một số bệnh nhân đi khám cấp cứu vì nghĩ đến nguyên nhân nghiêm trọng hơn. Và nó có thể gây đau khá dai dẳng. Cách tốt nhất để ngăn chặn đầy hơi và táo bón là ăn ít một nhiều lần trong ngày với nhiều chất xơ và uống nhiều nước. Nếu bạn đang bị đau bụng do đầy hơi hoặc táo bón, thì thuốc làm mềm phân cũng có thể giúp ích.

Đau nhói vùng bụng dưới do cử động đột ngột


Khi thai kỳ tiến triển và bụng bạn càng ngày càng lớn hơn, hai dây chằng giữ tử cung vào thành bụng - được gọi là các dây chằng tròn - bắt đầu bị co kéo, gây đau. Loại đau này thường bắt đầu vào khoảng 12 đến 14 tuần và rõ hơn trong ba tháng giữa. Đau có cảm giác như bị kéo hoặc đau nhói ở nửa dưới bụng hai bên tử cung. Thông thường, bạn sẽ nhận thấy loại đau này nhiều hơn với những cử động đột ngột, như khi trở mình hoặc vặn người sang bên. Tin tốt: Đau dây chằng tròn chỉ giới hạn ở một vùng và khi bạn ngừng cử động, đau sẽ giảm dần.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cơn co chỉ kéo dài từ một đến hai phút

Hầu hết phụ nữ mang thai đều biết rằng chuyển dạ bao gồm các cơn co tử cung, nhưng nhiều người không biết là các cơn co có thể xuất hiện ngay từ ba tháng giữa (và hay gặp nhất trong ba tháng cuối). Những cơn co này, được gọi là cơn co Braxton Hicks, là một phần bình thường của thai kỳ và tuy có thể không thoải mái, chúng thường không gây đau. Những cơn co này giống như những cơn co mà người phụ nữ cảm thấy khi chuyển dạ, chỉ có điều chúng không đau và thường không xảy ra theo một khuôn mẫu nhất định hoặc kéo dài. Tử cung sẽ cứng và “phồng lên” trong bụng và cơn co có thể kéo dài trong một hoặc hai phút trước khi tử cung giãn. Cơn co Braxton Hicks cũng được gọi là “cơn co tập dượt” vì chúng giúp người mẹ chuẩn bị cho chuyển dạ và cho phép họ thực hành các bài tập thở được dạy trong các lớp học tiền sản.

Điều gì có thể kích hoạt cơn co Braxton Hicks? Hoạt động thể chất, bàng quang đầy, quan hệ tình dục (bạn có thể thấy các cơn co sau đó) và mất nước. Để thoát khỏi những cơn co này, hãy thử lời khuyên dưới đây từ Hội Mang thai Mỹ:

1. Thay đổi tư thế: Nếu bạn đang đứng, hãy thử ngồi hoặc nằm xuống. Nếu bạn đang ngồi, hãy đứng dậy và đi lại. Đi bộ có thể là một ý tưởng tốt.

2. Tắm nước ấm: Ngồi trong bồn trong 30 phút hoặc ít hơn.

3. Giữ đủ nước: Uống một vài ly nước (vì cơn co có thể xảy ra do mất nước).

4. Uống nước ấm: Uống một cốc trà hoặc sữa ấm.

Nếu những cách trên không có tác dụng, hãy gọi cho bác sĩ.

Nên gọi bác sĩ nếu thấy những loại đau dưới đây:

1. Đau đột ngột vùng bụng bên phải khi mang thai


Đây có thể là viêm ruột thừa. Viêm ruột thừa là lý do phổ biến nhất khiến bạn phải mổ cấp cứu khi đang mang thai. Khoảng 0,1% phụ nữ sẽ bị viêm ruột thừa trong khi mang thai, và hay gặp nhất là ở ba tháng giữa. Đau có thể đột ngột và có thể là đau nhói hoặc đau âm ỉ, thường kèm theo sốt, không ăn uống được, buồn nôn và nôn. Vì các triệu chứng viêm ruột thừa hay gặp khi mang thai, nên bệnh có thể khó chẩn đoán. Hãy đi khám ngay nếu bạn bị đau và nghi ngờ có gì đó không ổn. Bác sĩ có thể tiến hành siêu âm để xem viêm ruột thừa có phải là thủ phạm hay không.

2. Đau vùng bụng trên bên phải sau khi ăn


Tiêu hóa chậm cũng làm chậm quá trình làm rỗng túi mật, có thể dẫn đến sỏi mật. Nếu không phải là trường hợp quá nghiêm trọng, sỏi mật có thể được điều trị bảo tồn bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, bao gồm tránh các thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ. Đôi khi một số bệnh nhân sẽ cần phẫu thuật, nhưng trong hầu hết các trường hợp, việc mổ sỏi mật có thể trì hoãn đến sau khi sinh. Sỏi mật thường đi kèm với đau ở góc phần tư phía trên bên phải của bụng xảy ra sau khi ăn một bữa ăn nhiều dầu mỡ. Nếu viêm túi mật xảy ra, triệu chứng sẽ bao gồm sốt và đau tăng lên không hết. Trong trường hợp này, phẫu thuật có thể là cần thiết.

3. Đau đột ngột ở vùng bụng trên bên phải, kèm theo buồn nôn

Tiền sản giật là một tình trạng bệnh đặc hiệu cho thai nghén, thường đi kèm với tăng huyết áp đột ngột và tổn thương ở các cơ quan khác (thường là thận và gan). Bệnh thường xảy ra trong ba tháng cuối, nhưng ở một số phụ nữ, ví dụ người bị thừa cân và mang đa thai, thường được theo dõi tình trạng này sớm hơn. Một triệu chứng phổ biến là đau vùng bụng trên, điển hình là dưới bờ sườn phải (vị trí của gan). Tiền sản giật cũng có thể gây buồn nôn, nôn, đau đầu không chịu nổi, các vấn đề về thị lực và khó thở. "Nếu đau diễn ra liên tục, mới hoặc đột ngột, người mẹ cần được đánh giá, đặc biệt là nếu có vấn đề với huyết áp khi mang thai. Tiền sản giật có thể dẫn đến các biến chứng cho cả mẹ và em bé, bao gồm đẻ non, Vì vậy, cần phải theo dõi cẩn thận. Nếu bạn bị đau vùng bụng trên tại bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, hãy nói với bác sĩ.

4. Đau kèm theo ra máu âm đạo

Đáng buồn là 15 đến 20% số các trường hợp mang thai kết thúc bằng sẩy thai. Đau nhói, đau âm ỉ, hoặc đau kiểu co thắt bụng hoặc vùng thắt lưng kèm theo ra máu là một dấu hiệu báo động. Những chấm chảy máu nhẹ là bình thường trong khi mang thai, nhưng ra máu âm đạo nào nhiều hơn một miếng băng vệ sinh mỗi giờ là căn cứ để gọi bác sĩ. Nếu ra máu đi kèm với đau bụng dữ dội sớm trong thai kỳ, đó cũng có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung hoặc trong ống dẫn trứng, khi trứng được thụ tinh làm tổ trong ống dẫn trứng (hoặc nơi khác trong bụng) thay vì tử cung. Nếu bạn bị mất kinh và bị đau nhiều ở góc một phần tư bên phải hoặc bên trái, chấm chảy máu và/hoặc ra máu âm đạo, chóng mặt hoặc choáng váng, đó có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung và là một cấp cứu. Bạn cần đi khám ngay để được xử trí càng sớm càng tốt.

Một vài điều có thể làm để giảm thiểu đau bụng khi mang thai

Đối với cả đau bụng thông thường và nghiêm trọng, lối sống đóng một vai trò lớn. Giữ đủ nước, chế độ ăn uống cân bằng và tránh các thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ là rất quan trọng trong khi mang thai, Jones nói. Phát hiện sớm cũng là chìa khóa. Nếu bạn cảm thấy không ổn lắm và các triệu chứng có vẻ đang dần trở nên tồi tệ hơn, hãy thông báo ngay cho bác sĩ. Nói cách khác, khi nghi ngờ, hãy làm rõ!

Theo Phụ Nữ News

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X