Hotline 24/7
08983-08983

Đặt stent mạch vành bao nhiêu tiền, BHYT thanh toán đúng tuyến như thế nào?

Câu hỏi

Cha vợ tôi (63 tuổi, tiền sử bệnh tiểu đường) quê An Giang, có BHYT, nhập viện tại BV Long Xuyên An Giang. Sau thăm khám chẩn đoán bệnh hẹp tim mạch vành, BV Long Xuyên chỉ định chuyển viện lên BV Nhân dân 115 và có thể phải đặt stent nếu sức khỏe cho phép. Vậy trường hợp này BHYT thanh toán như thế nào? Xin cảm ơn. (Hoàng Sơn - phamhoangson…@gmail.com)

Trả lời
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Anh Hoàng Sơn thân mến,

Stent là các ống đỡ động mạch được làm bằng lưới kim loại, giúp mở rộng những lòng mạch bị tắc hẹp hoặc suy yếu trong cơ thể.

Thông thường, trường hợp mạch vành bị tắc hẹp nặng trên 70%, người bệnh sẽ cần được can thiệp điều trị để khơi thông lòng mạch, giúp dòng máu lưu thông tốt hơn, giảm thiểu các triệu chứng và biến cố của bệnh động mạch vành,… lúc này các bác sĩ sẽ chỉ định đặt stent động mạch.

Hiện, stent có nhiều loại, cơ bản nhất là stent kim loại, hai là stent tẩm thuốc (phủ thuốc), stent tự tiêu được làm bằng hợp chất…

Trong thông tin cung cấp, anh cho biết cha của vợ anh đã được chỉ định chuyển viện (nghĩa là giấy chuyển tuyến) lên BV Nhân dân 115 thì sẽ được thanh toán 80 hoặc 95, 100% tùy theo mức hưởng của ông. Tuy nhiên, mức thanh toán không phải là tổng chi phí mà dựa trên danh mục BHYT chi trả.

Tại đây, các bác sĩ sẽ thăm khám, đánh giá tình trạng sức khỏe của ông có đủ điều kiện để phẫu thuật hay không. Trước khi đặt stent mạch vành, bác sĩ sẽ giải thích, tư vấn cho người nhà và bệnh nhân nên đặt stent kim loại, stent phủ thuốc hay stent tự tiêu và tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Chi phí khi đặt stent mạch vành thường bao gồm: chi phí chụp động mạch vành (từ 3-4 triệu đồng/ lần nếu có BHYT và 5-6 triệu đồng/ lần nếu không có BHYT, chi phí đặt stent mạch vành khoảng 40-50 triệu đồng/1 lần/ 1 stent nếu có BHYT và tự chi trả thì khoảng 70-80 triệu đồng. Chi phí này sẽ có sự chênh lệch phụ thuộc vào yếu tố như tiền dịch vụ phát sinh: phòng bệnh, thuốc men, phụ cấp, vật tư tiêu hao, kỹ thuật để can thiệp gồm can thiệp đơn giản, can thiệp kỹ thuật cao, loại stent, hãng stent nào, loại máy để can thiệp, mức độ chi trả của BHYT và số lượng stent đặt vào là bao nhiêu...

Theo quy định, mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho 1 lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở. Các chi phí khác như xét nghiệm, thuốc điều trị, ngày giường điều trị… trong phạm vi hưởng của người bệnh được quỹ BHYT thanh toán căn cứ trên số lượt chỉ định sử dụng và mức giá theo quy định của pháp luật.

Chẳng hạn, stent phủ thuốc A có giá mua vào tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là 40 triệu đồng đồng; mức thanh toán đối với stent phủ thuốc theo quy định tại cột 5 Danh mục vật tư y tế tại Phụ lục 01 Thông tư 50/2017/TT-BYT là 36 triệu đồng. Người bệnh nhập viện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thực hiện dịch vụ kỹ thuật đặt stent với chỉ định đặt 03 stent phủ thuốc A. Chi phí các vật tư y tế khác ngoài stent mà chưa được tính vào giá của dịch vụ kỹ thuật, khám bệnh, ngày giường điều trị hoặc thu trọn gói theo trường hợp bệnh (sau đây gọi tắt là vật y tư y tế khác) của người bệnh là 15.000.000 đồng; các vật tư y tế này không có mức thanh toán quy định tại cột 5 Danh mục vật tư y tế tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp người bệnh là đối tượng tham gia BHYT có mức hưởng 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đi khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến nhưng chưa đủ thời gian tham gia BHYT liên tục trên 5 năm, tổng chi phí 1 stent phủ thuốc A tính theo mức thanh toán tại cột số 5 Danh mục vật tư y tế tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này và các vật tư y tế khác là:

36.000.000 + 15.000.000 = 51.000.000 đồng; chi phí này nhỏ hơn 54.450.000 đồng. Quỹ BHYT thanh toán cho người bệnh là:

+ Stent thứ nhất và chi phí vật tư y tế khác là: 51.000.000 x 80% = 40.800.000 đồng;
+ Stent thứ hai là: 18.000.000 đồng;
+ Stent thứ ba không thanh toán.

Vì vậy, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán tổng chi phí vật tư y tế trong một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cho người bệnh là: 51.000.000 x 80% + 18.000.000 = 58.800.000 đồng.

Như vậy, nói tóm lại nếu có BHYT thì có thể giảm còn 20 - 30 triệu/ 1 stent/ lần…

Trên đây là con số chúng tôi đặt giả định để anh dễ hiểu, như đã nói ở trên chi phí đặt stent (có BHYT hay không có BHYT) còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Do đó, anh nên đến trực tiếp bệnh viện để được giải đáp cụ thể cho trường hợp người thân của mình.

Chúc anh và gia đình sức khỏe.

BV Nhân dân 115
527 Sư Vạn Hạnh, P.12, Q.10, TPHCM
ĐT: 028 3865 2368 - 028 3865 4139 - 028 3865 5110
Website: benhvien115.com.vn
- Khám trong giờ: thứ 2 - thứ 6 (Từ 7 giờ - 12 giờ, 13 giờ - 16 giờ).
- Khám ngoài giờ: thứ 7 (Từ 7g - 12g, 13g - 16g). Sáng Chủ nhật từ 7g - 12g.

Trân trọng!

Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X