Hotline 24/7
08983-08983

Đất Đỏ - Hành trình sẻ chia yêu thương

Ngày 19/11, đoàn khám bệnh từ thiện AloBacsi xuôi về Đất Đỏ - quê hương của chị Võ Thị Sáu để thăm khám, cấp thuốc miễn phí cho 300 người dân nghèo.

Với AloBacsi, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm mang đến nhiều cảm xúc khác nhau. Hành trình đến với Đất Đỏ - quê hương nữ anh hùng Võ Thị Sáu lần này cũng không ngoại lệ.

Khởi hành lúc 5g sáng, đoàn khám bệnh AloBacsi đã có mặt đúng giờ, sẵn sàng thăm khám cho bà con Trị trấn Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Sốt hầm hập cả đêm trước nhưng trưởng đoàn phụ trách chuyên môn - BS.CK1 Nguyễn Hồng Dũng vẫn thể hiện tấm lòng của "Thầy thuốc như mẹ hiền". Giữa buổi khám, anh đi uống thuốc hạ sốt rồi lại tiếp tục "tác nghiệp".

Từng ca, từng ca bệnh được BS Dũng khám cẩn thận và ân cần. Anh chịu khó lắng nghe và kiên nhẫn hỏi kỹ triệu chứng của từng người.


Dù nóng sốt hầm hập nhưng khi tiếp thêm liều thuốc hạ sốt BS Nguyễn Hồng Dũng lại kiên nhẫn thăm khám bệnh cho từng người

Rất nhiều ca cao huyết áp mới được phát hiện

Máy đo huyết áp cứ nhảy lên những con số vượt ngưỡng an toàn rất xa. Các con số đáng sợ 160/90; 170/100 thậm chí là 180/120... Có người còn vượt ngưỡng số 200/120.

Bà con khai với bác sĩ cứ nhức đầu hoài mà không biết vì sao. Uống thuốc giảm đau cũng không hết đau đầu.

"Làm sao mà hạ huyết áp bằng thuốc giảm đau", BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương giải thích: "Cô bị cao huyết áp, phải uống thuốc huyết áp đều sẽ hết đau đầu. Từ nay cô nhớ ăn lạt, bớt muối và uống thuốc huyết áp đều đặn. Đừng thấy hết đau đầu mà bỏ thuốc là nguy hiểm lắm."


BS Lưu Phương như "ngôi sao" của đoàn khám bệnh khi khu vực của ông lúc nào cũng đông bệnh nhân ngồi chờ. Tuy vậy, với mỗi người bệnh ông đều khám, tư vấn và hướng dẫn sử dụng thuốc rất kỹ.

Cụ bà Trần Thị Xinh chia sẻ: “Cả đời chưa đi khám bệnh lần nào, nghe tin có đoàn Sài Gòn xuống khám miễn phí tôi mới biết mình mắc bệnh máu cao. Bác sĩ còn dặn bệnh này phải uống thuốc suốt đời nữa. Cảm ơn đoàn từ thiện đã về đây khám cho những người già như chúng tôi…”.

Đó cũng là những trăn trở của đội ngũ làm nghề y khi những căn bệnh phổ biến ở người già như huyết áp, cơ - xương - khớp đều không được thăm khám kịp thời. Vì thế, mỗi lần bắt đầu một chuyến khám bệnh mới, các y bác sĩ trong đoàn luôn đặt ra tiêu chí “Khám kỹ - khám hết bệnh mới thôi”.

Mỗi hành trình đặt chân đến vùng đất mới, chúng tôi lại có cơ hội được lắng nghe nhiều hơn về cuộc sống của người dân. Mỗi mảnh đời là một câu chuyện khiến chúng tôi luôn đau đáu không quên.

Ở vùng đất có cơ sở hạ tầng khá tốt như Thị trấn Đất Đỏ, những tưởng và con nơi đây sẽ hiếm có hộ khó khăn nhưng danh sách hộ nghèo cũng tận 700 - 800 hộ.

Ấn tượng nhất có lẽ là sự già trước hàng chục tuổi của những khuôn mặt, đọc tên và ngày tháng năm sinh là 50 tuổi mà khuôn mặt cứ tưởng qua 60. Có những người vừa bước qua tuổi 50 mà, đã hom hem, móm mém.

Nhận thấy bước đi khó nhọc của cụ Lê Kim Cúc, biên tập viên Lê Bình vội chạy đến dìu bà đến nhận quà và ra về

Tấm lưng gù nặng nhọc bước đến bên bàn khám, cụ Lê Kim Cúc (76 tuổi) không giấu nổi nước mắt khi kể về cuộc đời của mình. Thời thiếu nữ, gia đình bà nghèo lắm, phải đi gánh nước thuê cho người ta. Làm lụng vất vả nhưng vẫn không khấm khá hơn, nghĩ thương các con khó khăn và không muốn là gánh nặng, bà chọn sống một mình hơn 30 năm nay. Mảnh vườn nhỏ cùng vài gốc chuối vậy mà cũng đủ cho bà rau cơm qua ngày.

Tưởng như cuộc sống cứ thế bình yên trôi qua thì cách đây 3 năm bà lại bị đau lưng, đi khám bác sĩ nói phải có 100 triệu đồng thì may ra mới khỏi bệnh. Đó quả là số tiền vượt sức với một người già neo đơn. Không còn cách nào khác, mỗi khi lên cơn đau bà cắn răng chịu đựng hoặc uống vài viên thuốc giảm đau cho qua. Không chỉ cơn đau nhức hành hạ mà bà còn có thêm bệnh cao huyết áp.

Dường như cảm xúc bị dồn nén lâu ngày không có ai để giãi bày, bà bật khóc bảo rất sợ cái chết có thể đến bất cứ lúc nào...

Lặng người nghe lời tâm sự của bà Cúc, BS Bình dành thời gian động viên và hướng dẫn bà mạnh dạn đi khám bảo hiểm y tế để được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Sau khi được bác sĩ khám, dặn dò kỹ bà như lấy lại được tinh thần: “Nay có đoàn chữa bệnh từ trên Sài Gòn xuống, mừng quá, lại được bác sĩ kê toa, cho uống thuốc rồi dặn dò thăm hỏi, còn được cho quà nữa, tui mừng lắm. Tui chúc các bác sĩ và thành viên trong đoàn khám bệnh luôn khỏe mạnh để thăm khám cho những người già, người nghèo như chúng tôi nghen”.

Dù phải thăm khám bệnh luôn tay nhưng BS Bình vẫn dành thời gian để lắng nghe chia sẻ và động viên tinh thần những người lớn tuổi

Mỗi người mỗi cảnh

Một trường hợp khác làm lay động trái tim của đoàn khám bệnh từ thiện, đó là cụ bà Bùi Thị An (81 tuổi, trú tại khu phố Phú Thới). Mắt bà đã mờ hơn 4 năm nay, đi khám bác sĩ khuyên nên mổ mắt và phải được phẫu thuật ở bệnh viện tuyến trên.

Bà đến khám với tâm nguyện có cặp kính để việc sinh hoạt dễ hơn chứ không mong sẽ được mổ mắt. Vì với người phụ nữ ở tuổi gần đất xa trời, việc kiếm sống qua ngày còn khó chứ đừng nói đến có tiền để phẫu thuật.

Bà chia sẻ: “Mổ đau lắm con ạ, mà bà làm gì có tiền. Mỗi ngày thu nhập trông chờ vào hái lá me và tiền trợ cấp của nhà nước. Việc ăn uống đôi khi cũng là hàng xóm tốt bụng chu cấp thì làm gì có tiền mà phẫu thuật đây con. Con cái cũng có nhưng chúng khổ lắm. Đời bà khổ đủ rồi nên không muốn con cháu sống cuộc đời như bà nữa”.

Nhận được sự giúp đỡ của cộng tác viên Nguyễn Chúc đón từ xa, cụ bà Bùi Thị An cười tươi rói

Hay câu chuyện của chị Huỳnh Thị Kiếm (50 tuổi, khu phố Phú Sơn) năm xưa bị trúng đạn ở chân, thời đó không có điều kiện, cơ sở y tế hiện đại như bây giờ nên dẫn đến chân phải bị dị tật khiến việc đi lại khó khăn cũng mang đến nhiều cảm xúc.

Người phụ nữ trung niên bước thấp bước cao, thần kinh không được tỉnh táo đi chân đất đến bàn khám bệnh. Cô con gái út bất đắc dĩ thành người “phiên dịch” cho mẹ cho hay: “Nhà chỉ có ba mẹ con, bố em đã mất từ lâu. Do điều kiện kinh tế không cho phép nên từ khi bị trúng đạn, mẹ em chưa được thăm khám lần nào. Nghe tin đoàn bác sĩ xuống khám miễn phí mẹ con em vui lắm, vì bao nhiêu năm chịu đau đớn từ di chứng vết thương nay đã được bác sĩ thăm khám, kiểm tra sức khỏe tận tâm, tận tình, lại được uống thuốc giảm đau nhức chân nữa”.

Dìu mẹ xuống bậc thang nhận thuốc và quà, nét cười luôn thấp thoáng trên gương mặt của người mẹ và cô con gái nhỏ.

Cô con gái út (trái) của chị Huỳnh Thị Kiếm (giữa) chia sẻ niềm vui khi được các bác sĩ thăm khám, phát thuốc miễn phí và còn được những phần quà thiết thực với biên tập viên AloBacsi

Trường hợp thương tâm nhất là bà Trần Thị Phượng. Nhìn dáng vẻ bề ngoài thì không ai nghĩ bà là một người phụ nữ mới 51 tuổi bởi bộ đồ cáu bẩn đậm mùi mồ hôi.

Nửa tỉnh nửa mê, bà kể lại câu chuyện ngày xưa bị đạn giặc bắn găm trúng đầu. Mẹ mất, cha lấy vợ hai nên bà lang bạt, nhặt ve chai tự nuôi sống bản thân. Sau nhà nước thương, xây cho ngôi nhà tình nghĩa ở đã mười mấy năm nay.

Được BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - BV Nguyễn Tri Phương thăm khám, bà trả lời rành rọt: “Tôi không bệnh gì cả, khỏe lắm nhưng lâu lâu hơi nhức cái chân bác sĩ à”.

Lắng nghe tình trạng bệnh của bà cùng những lời kể của những người hàng xóm tốt bụng, BS Lưu Phương dặn dò: “Tôi kê cho chị thuốc bổ với thuốc giảm đau nhức chân nhưng chị phải nhớ uống thuốc đúng giờ, không được bỏ bữa. Chị phải uống thuốc mới đi lượm ve chai được, không là không có tiền đâu”. Người phụ nữ 51 tuổi sợ không được lượm ve chai nữa liền gật đầu chịu nghe lời BS Phương dặn.

Bà Trần Thị Phượng dù mới ngoài 50 tuổi mà đã móm mém, vội vàng đi nhận thuốc và quà để còn nhanh chóng đi nhặt ve chai

Bệnh phụ khoa - nỗi lòng khó nói của chị em

Khu vực khám phụ khoa do BS Nguyễn Thị Anh Phương - Phó khoa Sản - BV Trưng Vương phụ trách lúc nào cũng đông nghẹt. Các chị em thăm khám ở đây đều rất ngại ngùng, hỏi thăm thì xấu hổ. Phải gặng hỏi mãi chị Hồ Thị Thủy (sinh năm 1967) mới trải lòng. Chị Thủy đã tiền mãn kinh mấy năm nay, đau nhức lưng, thoái hóa cột sống, uống thuốc không đỡ. Từ khi tiền mãn kinh đến nay, chị chưa đi thăm khám lần nào. Đợt này nghe tin đoàn khám bệnh có bác sĩ phụ khoa khám nên chị mới tới, trình bày các triệu chứng và được kê toa.

Chị kể: “BS Anh Phương hỏi thăm tôi rất tận tình và nhẹ nhàng lắm. Tôi khai ra các triệu chứng của mình, sau đó bác sĩ thăm khám, rồi kê thuốc uống, thuốc đặt. Mấy chục năm nay tôi đâu có biết thuốc đặt nó như thế nào, nay có bác sĩ hướng dẫn nên tôi mới biết. Chương trình về đây hay quá. Mong sao sau này chương trình tiếp tục về đây nữa cho bà con, rồi chị em như chúng tôi đỡ khổ”.

Ngoài ra, theo như BS Anh Phương chia sẻ, khi thăm khám cho các chị em ở đây, bác sĩ nghi ngờ 6 ca cần tầm soát ung thư cổ tử cung. Chị cẩn thận ghi rõ tên 6 người - chuyển lời nhờ địa phương động viên chị em đi khám, xét nghiệm. BS Anh Phương tình nguyện hỗ trợ chi phí cho chị em đi tầm soát bệnh.


Gần trưa, khâu phát thuốc làm không kịp ngơi tay bởi đơn thuốc ngày một đông. Bộ phận phát quà cũng đóng góp cố gắng không nhỏ trong khâu cuối cùng của chương trình khám bệnh từ thiện. Hai thành viên nhí của đoàn là con trai, con gái của BS Lưu Phương và BS Anh Phương là những “trợ lý” đặc biệt, mang những phần quà trao tận tay cho người dân đến khám. Bên cạnh những nụ cười trao gửi yêu thương, các bé còn chúc ông bà mạnh khỏe, sống lâu. Và nếu có điều kiện “chúng cháu sẽ trở lại”.

Bà Lê Thị Xuân - Phó Tổng biên tập báo Bà Rịa Vũng Tàu tận tay trao những phần quà cho người dân

Gia đình BS Trần Ngọc Lưu Phương - BS Nguyễn Thị Anh Phương cùng hai "thiên thần nhỏ" là những thành viên đặc biệt của chuyến khám bệnh lần này

a
Bấm tấm ảnh kỷ niệm sau khi hoàn thành nhiệm vụ
Hải Yến
Cổng thông tin Sức khỏe và Khám bệnh trực tuyến
- AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X