Hotline 24/7
08983-08983

Đang cho con bú vẫn điều trị ung thư dạ dày bình thường?

Nhiều người quan điểm đang cho con bú không thể điều trị dạ dày. Tuy nhiên, bác sĩ Bệnh viện quốc tế Mỹ AIH (Q.2, TP.HCM) cho rằng người bệnh nên được thăm khám sớm, việc điều trị không ảnh hưởng gì đến con.

Ảnh minh họa internet

* Từ sau sinh, việc ăn uống, căng thẳng, thức đêm chăm con… khiến dạ dày tôi bị đau. Trước đây, tôi đã bị HP dạ dày và trào ngược thực quản. Thời gian này, ngoài đau dạ dày, đến đêm tôi thường bị ợ nóng, cảm giác rất khó chịu. Với những triệu chứng như trên liệu tôi có nghi ngờ bị ung thư dạ dày không? (Minh Nhật, 38 tuổi, nhat_minh@... )

- Ung thư dạ dày còn tùy thuộc tuổi tác và yếu tố nguy cơ. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể không có triệu chứng hoặc chỉ khó tiêu, đau nhẹ thượng vị, buồn nôn hoặc chán ăn nên người bệnh thường vô tình phát hiện ra, sau khi đi nội soi dạ dày vì những dấu hiệu này.

Triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng hoặc ung thư dạ dày, bạn cần đến bệnh viện mới xác định được.

* Tôi đang cho con bú (tháng thứ 11), nhưng dạ dày gần đây trở đau. Tôi có thể uống thuốc trị đau dạ dày không? Có ảnh hưởng gì đến con không? (Xuân Lành, 35 tuổi, lanh.ngoxuan@... )

- Chúc mừng bạn đã cho con bú đến tháng thứ 11, như vậy rất tốt cho em bé và tốt cho bạn nữa. Còn gần đây có dấu hiệu đau dạ dày thì bạn nên đi khám, bác sĩ sẽ cho bạn uống thuốc, chữa bình thường không ảnh hưởng gì hết.

* Có trường hợp nào ung thư dạ dày không dẫn đến di căn ở những bộ phận khác không ạ? Nếu không may di căn đến những bộ phận khác, có phải đồng nghĩa với chuyện không thể cứu chữa phải không ạ? (Thanh Lan, 45 tuổi, thanhlan.thi@... )

- Không có trường hợp nào ma ung thư dạ dày lại không di căn đến các cơ quan lân cận và xa trong quá trình tiến triển bệnh cả. Đồng thời, người bệnh cũng không nên bi quan, không phải ung thư dạ dày đã di căn là không còn cơ hội chữa được. Suy nghĩ như trên là không đúng.

* Gia đình tôi có người thân mắc ung thư dạ dày, mọi người lên phương án cho điều trị đông y. Tôi cần bác sĩ cho lời khuyên nên như thế nào khi ung thư theo chẩn đoán đã sang giai đoạn 2. Và về kinh tế thuộc nhóm bình dân, liệu có đủ để chữa chạy bằng phương pháp Tây y không ạ? (Kiều Nhi, 47 tuổi, nhikieuthi@... )

- Cám ơn bạn đã gởi câu hỏi, có thể nói trường hợp này đã là giai đoạn 2 rồi, tôi khuyên cần cho bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị tốt hơn, nếu bệnh nhân có BHYT thì không tốn kém gì, nếu có thì vào BV cũng có chế độ thuận lợi. Không có thuốc đông y nào chữa khỏi được bệnh này.

* Bố tôi vừa trải qua phẫu thuật ung thư dạ dày. Để bố tôi luôn đảm bảo khỏe và phòng tránh tái phát ung thư dạ dày di căn. Chúng tôi cần làm gì để có thể chăm sóc bố tốt hơn? (Hoàng Đại, 50 tuổi, dai.nguyenhoang@... )

- Khuyên bố bạn cần phải tuân thủ theo phác đồ điều trị. Chăm sóc dinh dưỡng và tinh thần bố để lạc quan hơn.

* Hiện nay tôi thấy trên thị trường có rất nhiều sản phẩm nâng đỡ hay còn gọi là thực phẩm chức năng, không có tác dụng điều trị bệnh như có thành phần phogf tránh ung thư hoặc giúp người bị ung thư tăng đề kháng kháng bệnh. Xin bác sĩ cho lời khuyên về những sản phẩm này người bị ung thư dạ dày có nên sử dụng không ạ? (Tiến Dũng, 60 tuổi, dung.maitien@... )

- Thực phẩm chức năng tuy được kiểm định nhưng chỉ mang yếu tố thương mại, xoa dịu tinh thần chứ không có nhiều vai trò điều trị bệnh lý hoặc được các kiến thức y khoa kiểm chứng.

* Mẹ em năm ngoái đi khám và được các bác sĩ chuẩn đoán là bị ung thư dạ dày. Mẹ em có lấy thuốc về uống 1 thời gian thấy đỡ. Trong chế độ ăn uống, mẹ em luôn chú trọng việc kiêng khem những đồ chua cay. Nhưng đến bây giờ, mẹ em thường xuyên bị nóng bụng, khó chịu vì vậy đêm rất khó ngủ.

Bác sĩ có thể cho em biết, bệnh ung thư dạ dày của mẹ em đến giờ có thể đang ở giai đoạn nào? Nếu không điều trị kịp thời thì sẽ dẫn đến hậu quả ra sao? (Vĩnh Phước, 49 tuổi, phuocvinh.ho@... )

- Cần kết hợp nhiều phương pháp để biết được bệnh đang ở giai đoạn nào. Bạn nên cho mẹ đi kiểm tra định kỳ. Hậu quả nếu không can thiệp đúng là bỏ lỡ cơ hội can thiệp sớm, mang lại tiên lượng sống cao hơn cho người bệnh.

* Mẹ tôi đang điều trị ung thư dạ dày bằng thuốc. Trong khi tôi thấy có phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị mới có thể điều trị khỏi ung thư dạ dày. Vậy thực tế có những phương pháp điều trị nào là hiệu quả nhất, hạn chế rủi ro nhất? Nếu xảy ra rủi ro, thì đó là gì? hời gian điều trị cũng như chi phí cho những phương pháp điều trị tương ứng? Rất mong nhận được thư hồi âm của bác sĩ. Cảm ơn bác sĩ. (Ngọc Hạnh, 31 tuổi, hanhnguyen@...)

- Can thiệp phù hợp tùy vào giai đoạn và tổng trạng của bệnh nhân sẽ đưa ra phương án điều trị. Bạn đừng lo lắng quá tại sao bác sĩ lại cho làm phương án này mà không làm phương án kia. Trên thực tế, không có phương án tối ưu, chỉ có phù hợp nhất thôi. Và có thể hiện tình trạng bệnh của mẹ bạn cần uống thuốc trước rồi mới áp dụng các phương pháp còn lại, hoặc chỉ cần uống thuốc theo chỉ định. Lý do cụ thể bạn nên gặp trực tiếp bác sĩ điều trị để được chia sẻ thêm.

* Chồng tôi bị viêm loét dạ dày nhiều năm nay. Gần đây, do đau nên chồng tôi có đi nội soi thì bị dạ dày mỏng, có vết loét. Xin hỏi, nội soi đã là phương pháp chẩn đoán có bị ung thư dạ dày hay không đúng không ạ? Và nếu chính xác là chưa bị ung thư qua kiểm tra bằng nội soi, thì với tình trạng như hiện nay chồng tôi có thể phòng ngừa ung thư dạ dày bằng cách nào? (Mộng Huyền, 35 tuổi, monghuyen84@...)

- Nội soi là tiêu chuẩn vàng trong tầm soát ung thu dạ dày và biến đổi tiền ung thư, được các tổ chức Ung thư thế giới tiến hành tùy theo các nhóm bệnh nhân nguy cơ cao và trung bình. Nội soi không thể làm 1 lần mà phải theo chỉ định của bác sĩ. Tùy vào nhóm đối tượng nguy cơ mà số lần tầm soát khác nhau.

Phòng ngừa bằng thực phẩm, né tránh yếu tố nguy cơ. Dạ dày nằm ở phía trên trái của bụng, nhận thức ăn từ thực quản, tiết axit và enzyme tiêu hóa thức ăn, sau đó chuyển xuống ruột non đi nuôi cơ thể.

Tuy nhiên, nếu thường xuyên ăn mặn, ăn thịt xông khói và rau củ ngâm chua, hút thuốc lá..., bạn có thể rước bệnh ung thư dạ dày vào người. Trên 70% dân số nhiễm khuẩn HP (Helicobacter Pylori) cũng là nguyên nhân lớn khiến tỷ lệ người Việt ung thư dạ dày luôn ở mức cao.

* Bị viêm hang vị, loét bờ cong nhỏ dạ dày có dẫn đến ung thư dạ dày không thưa bác sĩ? (Tú Anh, 44 tuổi, anhtu.nguyen@...)

- Trên nguyên tắc, ung thư từ 2 nguồn: bướu lành và ổ viêm mãn tính. Nếu bạn để lâu dài tình trạng viêm hang vị cũng có nguy cơ trở thành ung thư.

* Tôi bị bệnh đau dạ dày mãn tính kèm chứng dị sản ruột? Làm sao để điều trị dứt điểm? Liệu đây có phải là dấu hiệu tiền phát của ung thư dạ dày không? (Ngọc Thạch, 57 tuổi, thach.da63@...)

- Không thể kết luận được tình trạng bệnh dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp. Bạn cần đến bệnh viện chữa dứt điểm chứng đau dạ dày này và tầm soát ung thư theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

* Phương pháp tái tạo dạ dày mới cho bệnh nhân ung thư từ ruột non sẽ giúp các bệnh nhân ung thư dạ dày có khả năng sống sót lâu hơn. Đây là phương pháp đang được các bác sĩ áp dụng để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân. Tôi vừa tìm hiển thấy thông tin này.

Cho tôi hỏi, bệnh viện nào đang thực hiện phương pháp này? Khả năng biến chứng so với thành công ra sao? Chi phí thực hiện có cao không và có được tính bảo hiểm không? (Lê Thị Ngọc, 54 tuổi, le.thingoc@...)

- Nối lại dạ dày là cách làm sau phẫu thuật chứ không phải phương pháp mới. Biến chứng tùy thuộc tổng trạng bệnh nhân, giai đoạn bệnh mới đưa ra tỉ lệ biến chứng chứ không giống nhau ở mọi người.

Hiện tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ AIH (Q.2, TPHCM) có thực hiện dịch vụ này.

* Xin bác sĩ cho biết cách chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật ung thư dạ dày có gì phải lưu ý không ạ? (Mai Nguyễn, Nghệ An, Natalynguyen1992@...)

- Nguyên tắc ăn uống chung dành cho những bệnh nhân vừa phẫu thuật ung thư dạ dày như sau:

Nên chia nhỏ thành 5-6 bữa ăn/ngày. Cố gắng ăn thường xuyên, đừng bỏ bữa. Ăn thực phẩm giàu protein như thịt nạc, cá bỏ da, trứng… để đảm bảo đủ năng lượng một ngày cho bệnh nhân và tăng quá trình hồi phục sau phẫu thuật.

Nếu bệnh nhân không thể ăn thức ăn đặc, cần ăn các loại thực phẩm mềm và lỏng như cháo, súp xay nhưng vẫn phải đảm bảo đậm độ năng lượng của từng bữa ăn.

Phối hợp ăn uống đầy đủ nhóm thực phẩm - cân bằng - đa dạng.

Uống đủ nước (2 lít/ngày), chia ra uống thành từng ngụm nhỏ, tuy nhiên không nên uống trong bữa ăn để tránh lấp đầy dạ dày.

Tránh các món ăn được chế biến bằng phương pháp chiên rán, chứa nhiều dầu mỡ và chất béo và tránh các thực phẩm quá ngọt, nhiều đường.

Giảm thiểu lượng muối sử dụng trong bữa ăn, các loại thực phẩm muối như dưa cải, nước chấm... tránh các loại đồ uống có cồn, chất kích thích như bia rượu, cà phê, nước tăng lực…Ngoài ra, nếu bệnh nhân ăn uống kém thì cần được đánh giá tình trạng dinh dưỡng và tư vấn chuyên sâu để có chế độ ăn phù hợp với bệnh nhân.

* Sau điều trị ung thư dạ dày, tôi cảm thấy sức khỏe và tinh thần đều tốt, ăn uống khá ngon miệng. Điều duy nhất tôi thấy không ổn là dường như tôi tăng cân nhiều quá. Ban đầu tôi nghĩ đó là dấu hiệu phục hồi tốt, nhưng nó không có vẻ gì là dừng lại cả, tới nay tôi đã tăng 11kg so với lúc bắt đầu điều trị rồi. Việc này có nguy hiểm không và tôi nên làm gì thưa bác sĩ? (Nguyễn Công Hồng, 42 tuổi, Hongkong77@... )

- Tăng cân trong và sau quá trình điều trị ung thư có thể do một số thuốc ung thư làm tăng giữ nước trong cơ thể. Trong trường hợp này bạn cần ăn nhạt lại để giảm ứ nước trong cơ thể. Bên cạnh đó, việc tinh thần thoải mái, ăn uống ngon miệng có thể làm cho bạn tăng cân nhanh vì năng lượng bạn tiêu thụ (qua ăn uống) ít hơn năng lượng tiêu hao (vận động).

Vì vậy, bạn có thể áp dụng một số cách sau:

Cố gắng đi bộ hoặc vận động thể chất khoảng 30 - 60 phút/ ngàyHạn chế ăn thực phẩm nhiều nhiều đường như bánh ngọt, kẹo, nước có gas... và thực phẩm nhiều chất béo như sữa nguyên kem, bơ, mayonnaise…

Tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau củ quả…

Thay gạo trắng bằng gạo lứt hoặc sử dụng các loại thực phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì nguyên hạt.

Chế biến thực phẩm bằng các phương pháp luộc, hấp, xào thay vì chiên, nướng.

Hạn chế ăn vặt.

Tuy nhiên, nếu muốn ăn vặt thì có thể sử dụng trái cây, sữa chua ít béo thay vì bánh ngọt, bánh snack, khoai tây chiên…

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát cân nặng, thì nên gặp chuyên gia dinh dưỡng để được đánh giá, theo dõi và đưa chế độ ăn phù hợp.

* Đang xạ trị ung thư dạ dày, mẹ tôi không chỉ buồn nôn, tiêu chảy mà còn bị mẩn đỏ và ngứa ngoài da. Xin bác sĩ tư vấn cách ăn uống ra sao để đủ sức tiếp tục điều trị, xin cảm ơn. (Mê Linh, Nghệ An, Mekvnn@... )

- Đối với bệnh nhân ung thư dạ dày đang xạ trị mà có triệu chứng buồn nôn thì cần: Chia nhỏ thành 5-6 bữa/ngày, thay vì 3 bữa lớn; Chế biến bằng các phương pháp ít dậy mùi như luộc, hấp, nấu canh và sử dụng ít gia vị; Nên dùng thực phẩm nguội, ấm thay vì thức ăn nóng.

Tránh các thực phẩm quá ngọt hoặc nhiều dầu mỡ; Không nên nằm ngay trong 1 giờ sau khi ăn, thay vào đó bạn ngồi ghế dựa cao đầu; Uống nước từng ngụm khoảng 15-20 phút/lần, mỗi lần khoảng 50 ml để tránh mất nước; Để tránh buồn nôn thì nên ăn các thực phẩm khô như bánh quy, ngũ cốc khô, bánh mì khi mới thức dây buổi sáng và mỗi vài giờ trong suốt cả ngày.

Khi bị tiêu chảy, nên hạn chế thực phẩm chứa lactose (VD: sữa bò) vì khi bị rối loạn tiêu hóa cơ thể tạm thời bị mất enzyme tiêu hóa lactose, và sẽ làm cho tình trạng tiêu chảy trầm trọng hơn. Thay vào đó, bạn có thể ăn sữa chua hoặc phô mai...

Về việc bệnh nhân nổi mẩn đỏ hoặc ngứa ngoài da có thể do tác dụng phụ của thuốc. Vì thế bạn nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được khám và đánh giá, từ đó sẽ có kế hoạch điều trị phù hợp.

* Mẹ tôi được chỉ định cắt toàn bộ dạ dày. Tôi rất lo lắng, không biết sau khi cắt như vậy thì ăn uống thế nào, liệu người ta có thể sống bình thường mà không có dạ dày hay không? Xin tư vấn cho tôi cách chăm sóc. Cảm ơn bác sĩ. (Lý Thị Huyền Nga, Ninh Bình, Tranganmaybay@... )

- Sau khi cắt bỏ dạ dày, thực quản sẽ được nối với phần trên ruột non, thức ăn sẽ di chuyển từ thực quản vào thẳng ruột non. Bệnh nhân sẽ cảm thấy mau no hơn và khả năng hấp thu chất dinh dưỡng sẽ kém hơn trước khi phẫu thuật. Vì vậy, việc ăn uống của bệnh nhân cần thay đổi để đáp ứng với quá trình điều trị, và nếu có chế độ ăn hợp lý, bệnh nhân có thể sinh hoạt gần như người bình thường.

Chính vì thế bệnh nhân cần phải: Chia nhỏ thành 6 bữa ăn/ngày hoặc nhiều hơn, mỗi lần chỉ nên ăn một lượng nhỏ và cách nhau khoảng vài tiếng. Uống đủ 2 lít nước/ngày. Nên uống từng ngụm, một lần khoảng 50 ml. Tránh uống nước trong bữa ăn sẽ khiến bệnh nhân mau no, uống nước trước hoặc sau khi ăn tối thiểu 30 phút. Ăn chậm, nhai kĩ. Tránh đồ uống có gas hoặc thực phẩm quá ngọt, nhiều chất béo, dầu mỡ vì chúng sẽ khiến bệnh nhân khó chịu.

Từ từ thêm sữa bò tươi vào chế độ ăn. Nên bắt đầu với 50 ml sữa, nếu bệnh nhân bị tiêu chảy do không dung nạp được sữa thì nên thay sữa bò tươi bằng sữa chua hoặc phô mai.

Nên ăn thực phẩm mềm, lỏng và ẩm thay vì thực phẩm khô cứng, dai nhưng phải đảm bảo đủ độ đậm năng lượng.Nên bổ sung thêm các sản phẩm dinh dưỡng y học dạng uống.

Bệnh nhân sau phẫu thuật cắt bỏ dạ dày thường không hấp thu đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cần thiết, vì vậy cần được đánh giá, theo dõi và lên kế hoạch dinh dưỡng cụ thể cho từng trường hợp.

* Tôi vừa phẫu thuật ung thư dạ dày. Ngoài việc ăn uống đủ chất như bác sĩ dặn, tôi thường uống thêm nước cam cho đỡ nhạt miệng. Nhưng uống xong lại thấy mệt trong bụng hơn, có phải vì nước cam không tốt cho dạ dày không, nhờ bác sĩ tư vấn giúp. (Đinh V.Đồng, Nghệ An, Donggv3@... )

- Nước cam là thực phẩm giàu acid, những loại thực phẩm kích thích niêm mạc dạ dày và làm bệnh nhân cảm thấy khó chịu. Để tránh nhạt miệng, bạn nên nhai chewing gum trước bữa ăn để tăng tiết nước bọt và tăng cảm giác thèm ăn.

* Việc ăn uống chung đụng, như dùng chung đũa, muỗng, chấm chung chén nước chấm có thể khiến mọi người dễ mắc ung thư dạ dày hơn không, thưa bác sĩ? Gia đình tôi trước nay vẫn giữ thói quen chấm chung, không biết có hại gì không vì trong gia đình có một người đã mắc ung thư dạ dày (giai đoạn sớm). (Hiền, Hienkho28t@... )

- Việc dùng chung đũa, muỗng và nước chấm làm tăng nguy cơ lây truyền vi khuẩn HP (Helicobacter pylori).  Vi khuẩn này tổn thương niêm mạc dạ dày, các vết tổn thương nếu không được điều trị dứt điểm có thể là nguyên nhân dẫn tới ung thư dạ dày. Ngoài vấn đề dùng chung đũa muỗng, bạn cần lưu ý là vi khuẩn HP lây truyền qua đường miệng khi có tiếp xúc với nước bọt của người nhiễm.Ngoài vi khuẩn HP, thì yếu tố di truyền cũng liên quan tới nguy cơ ung thư dạ dày. Vì vậy, bạn cần tầm soát ung thư dạ dày thường xuyên.

* Ăn đu đủ chín có phòng ngừa ung thư dạ dày được không thưa bác sĩ? Tôi được biết đây là loại trái cây tốt, nhưng khi ăn vào tôi lại thấy hơi xót ruột, bụng khó chịu. (Ngọc Bình, Thanh Hóa, Binhngocth36@... )

- Đu đủ là một trong các loại trái cây chứa nhiều vitamin A – là chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn ngừa phản ứng oxy hóa (đột biến) trong cơ thể, và từ đó cũng sẽ giảm nguy cơ ung thư. Để giảm tình trạng tình trạng xót ruột, khó chịu khi ăn đu đủ, bạn nên ăn sau bữa ăn và không nên ăn lúc bụng đói. Bên cạnh đó, bạn cần có chế độ ăn với đầy đủ các nhóm thực phẩm – cân bằng – đa dạng để có nhiều loại chất chống oxy hóa giúp phòng tránh ung thư hiệu quả.

* Chào bác sĩ, bố tôi năm nay 65 tuổi, đang mắc bệnh ung thư dạ dày bờ cong nhỏ di căn phúc mạc. Bác sĩ cho tôi hỏi, chế độ ăn uống của bệnh nhân như thế nào thì tốt ạ? (Lệ Châu, Tây Ninh, Chaubgl12@... )

- Bệnh nhân bị ung thư dạ dày thường bị suy mòn nhanh do ăn uống kém. Do đó, chế độ ăn cần đáp ứng đủ dinh dưỡng và phải phù hợp với khả năng ăn uống của bệnh nhân, vì vậy bạn cần lưu ý các vấn đề sau:

+ Chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa/ngày, để giảm tải cho hệ tiêu hóa

+ Ăn các loại thực phẩm mềm và lỏng: cháo, soup xay nhưng vẫn phải đảm bảo đậm độ năng lượng của từng bữa ăn

+ Hạn chế các loại thực phẩm cay, nóng, chua, chất kích thích vì sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày

+ Hạn chế thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ và chất béo gây khó tiêu.

Tùy theo tình trạng của mỗi bệnh nhân sẽ có kế hoạch can thiệp dinh dưỡng riêng biệt. Gia đình cần tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để có kế hoạch can thiệp phù hợp và động viên tinh thần để bệnh nhân chống chọi với bệnh tật.

* Thưa bác sĩ, gần đây tôi đột nhiên thèm ăn nhiều thứ, nhưng khi ăn đã có cảm giác no nhanh, đầy bụng rất khó chịu. Tôi nghe có người nói đây là một dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày, có tên là "sự trầm cảm sớm". Điều này có đúng không? (Ngô Lan Phương, Hà Tĩnh, Ngophlan82@... )

- Ung thư dạ dày giai đoạn đầu thường khó nhận biết do không có triêu chứng hoặc có triệu chứng là khó tiêu. Các giai đoạn tiến triển có thể đi kèm với đau bụng dai dẳng, chán ăn, giảm cân hoặc nôn mửa. Phương pháp chẩn đoán ung thư dạ dày hiệu quả nhất là qua nội soi dạ dày. Do đó, bạn cần thăm khám với bác sĩ để có phương án tầm soát phù hợp.

Theo Diệu Nguyễn - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X