Hotline 24/7
08983-08983

Dân phải trả thêm tiền xử lý rác?

Từ trước đến nay, người dân ở TPHCM chỉ phải trả phí thu gom rác, còn chi phí vận chuyển, xử lý được Nhà nước bao cấp.

Sắp tới người dân phải trả phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Trong ảnh: người gom rác dân lập đưa rác về điểm tập kết trên đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp (TP.HCM) - Ảnh: QUANG KHẢI
Sắp tới người dân phải trả phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Trong ảnh: người gom rác dân lập đưa rác về điểm tập kết trên đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp (TPHCM) - Ảnh: QUANG KHẢI

 Dự kiến tới đây, người dân phải chi trả cho toàn bộ quá trình: thu gom, vận chuyển và xử lý rác.

Thông tin trên được đại diện Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) TP công bố ở cuộc họp lấy ý kiến góp ý dự thảo đề án giá dịch vụ thu gom tại nguồn, vận chuyển và xử lý đối với chất thải rắn sinh hoạt, tại Ủy ban MTTQ TPHCM sáng 26/4.

Tôi đồng tình với việc Nhà nước không tiếp tục bao cấp trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác, nhưng phải làm từ từ... Ngoài ra, trong giai đoạn đầu (năm 2017 - 2018) phải cơ cấu giá vận chuyển rác sao cho tránh tình trạng năm nay mức tăng ít, nhưng sang năm mức tăng vọt làm người dân “sốc”.

Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA

Tiền rác sẽ tăng 7-8 lần

Đại diện Sở TN-MT TP cho biết trước nay người dân trả phí thu gom rác từ 15.000 - 20.000 đồng/hộ/tháng (theo quyết định 88 của UBND TP năm 2008 về phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường). Tuy nhiên, mức phí này ban hành đã lâu, nhiều đơn vị gom rác lấy phí cao hơn quy định nên sở đã nhiều lần xây dựng dự thảo điều chỉnh tăng mức thu phí trên.

Đặc biệt khi Luật phí và lệ phí có hiệu lực từ 1-1-2017, quy định phí phải được chuyển sang giá, đây là cơ sở để Sở TN-MT TP tiếp tục xây dựng đề án giá dịch vụ: thu gom - vận chuyển - xử lý chất thải rắn trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mức giá mới, thay thế quyết định 88.

Về giá thu gom rác, Sở TN-MT TP đề xuất đối với phương tiện thu gom thô sơ là 260.000 đồng/tấn (260 đồng/kg), còn phương tiện thu gom cơ giới, mức giá đề xuất là 300.000 đồng/tấn (300 đồng/kg).

Đưa ra cách tính như vậy nhưng đề án không đề cập cách cân đong, đo lượng rác thu gom tại các hộ dân mà chỉ đưa ra cách tính chung chung.

Theo đó, đại diện Sở TN-MT TP cho biết dựa vào mức phát thải bình quân theo đầu người (quy chuẩn VN năm 2010 của Bộ Xây dựng ban hành) là 0,8kg/người/ngày để tính lượng rác thải bình quân mỗi hộ (5 người) là 120kg/tháng.

Với lượng rác này, mỗi hộ gia đình trả cho chủ xe gom rác thô sơ là 31.000 đồng/tháng (làm tròn) hoặc trả cho chủ xe gom rác cơ giới là 36.000 đồng/tháng.

Ngoài ra, Sở TN-MT TP đề xuất trong năm 2017 người dân phải trả một phần phí vận chuyển rác (từ điểm tập kết, trạm trung chuyển về nhà máy xử lý) và đến năm 2018 phải trả toàn bộ phí vận chuyển này. Đồng thời hướng đến từ năm 2020, người dân phải trả luôn chi phí xử lý rác.

Với đề xuất nói trên, theo tính toán trong năm 2017, ngoài tiền gom rác, một hộ dân phải trả thêm 9.480 đồng tiền vận chuyển rác. Qua năm 2018, tiền vận chuyển rác sẽ tăng lên 49.560 đồng/hộ. Sau đó, nếu cộng thêm tiền xử lý rác thì mỗi hộ dân phải trả thêm 57.000 đồng/tháng nữa.

Như vậy, trong tương lai một hộ dân phải trả tiền rác từ A đến Z theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ mà Sở TN-MT TP đề xuất ở mức cao nhất là 142.560 đồng/hộ/tháng.

Nhân viên Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.1, TP.HCM thu gom rác sinh hoạt của người dân - Ảnh: HỮU KHOA
Nhân viên Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.1, TPHCM thu gom rác sinh hoạt của người dân - Ảnh: HỮU KHOA

Nhiều vấn đề cần được làm rõ

Luật sư Trương Thị Hòa - thành viên Ủy ban MTTQ TP - cho biết bà ủng hộ việc người dân phải trả chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác, nhưng phải triển khai việc này sao cho công bằng, hợp lý.

Theo bà Hòa, có hai vấn đề mà chủ đề án chưa làm rõ là: cách cân đong, đo đếm rác thải ở mỗi hộ gia đình và phí vận chuyển từ hộ đến nơi xử lý.

“Hộ ở nội thành và ngoại thành khác xa nhau nhưng cách tính phí vận chuyển như nhau là chưa được, cần tính toán lại” - bà Hòa đề nghị.

Tương tự, TS Phạm Viết Thuận - Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP - cho rằng cách xác định một hộ thải ra 120kg rác/tháng là chưa đúng thực tế, nên căn cứ mức này để áp giá như đề xuất là cao, chưa hợp lý.

Ông Thuận cho rằng mấu chốt vấn đề hiện nay là TP không quản nổi hệ thống thu gom rác dân lập, trong khi lực lượng này chiếm tới khoảng 60% thị phần thu gom rác.

“Cũng từ đây phát sinh nhiều tiêu cực, mua bán đường dây rác dẫn đến giá gom rác bị đẩy lên cao. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì dù có quy định mới cũng rất khó thực hiện” - ông Thuận nhận định.

Trong khi đó, bà Lê Thanh Lan, phó chủ tịch Hội cựu TNXP TP, cho biết khi đọc đề án có quá nhiều con số, căn cứ chung chung.

“Ngay cả phân biệt thế nào là xe thô sơ, xe cơ giới cũng không rõ ràng. Trong thực tế, xe chở rác không che đậy, để rơi vãi rác còn đầy trên đường. Chúng ta cần có chính sách để cá nhân, đơn vị liên quan chuyển đổi phương tiện tốt hơn chứ đâu để tình trạng này mãi được” - bà Lan nhấn mạnh.

Bảng phí gom rác hiện tại theo quyết định 88

 

Mức phí (đồng/hộ/tháng)

Nội thành 

Ngoại thành

Hộ mặt tiền

20.000

15.000

Hộ trong hẻm

15.000

10.000

Mức giá theo đề xuất mới

Loại hình

Mức giá

(đồng/tấn)

Mức giá người dân phải trả theo đề xuất (đồng/tháng)

Thu gom

Phương tiện

thô sơ

Phương tiện

cơ giới

Phương tiện

thô sơ

Phương tiện

cơ giới

260.000

300.000

31.200

36.000

Vận chuyển

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2017

Năm

2018

79.000

413.000

9.480

49.560

Xử lý (dự kiến người dân phải trả từ năm 2020)

475.000

57.000

Từ năm 2020, tiền

thu gom, vận chuyển, xử lý rác mỗi hộ phải trả cao nhất

 

142.560


Theo Quang Khải - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X